Chân lý và Lòng thương Xót phải luôn tồn tại
CHÂN LÝ VÀ LÒNG XÓT THƯƠNG PHẢI LUÔN TỒN TẠI
CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN, C
(2 Sm 12,7.10-13; Gl 2,16.19-21; Lc 7,36-8,3)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
“Công bố Lời Thiên Chúa, không bao giờ được tách rời khỏi sự cảm thông về yếu đuối của con người”, vì: “Đức Giêsu luôn giàu lòng thương xót. Ngài thật cao cả và vĩ đại, chẳng bao giờ khép cửa lại với tội nhân”, “nên dù con người có tội lỗi, cứng lòng thế nào, thì sự tha thứ, thấu hiểu, cảm thông và đồng hành vẫn tồn tại cách song song”. Đây chính là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Sáu, ngày 20-05-2016, tại nguyện đường thánh Marta.
Các bài Kinh Thánh trong thánh lễ hôm nay, một mặt làm sáng tỏ quan điểm cự tuyệt với tội lỗi, tức là trung thành với chân lý, nhưng đồng thời, cũng làm toát lên rõ nét tình thương, sự cảm thông của Thiên Chúa đối với người tội lỗi khi họ có lòng thống hối ăn năn.
- Ý nghĩa Lời Chúa
Sách Samuel trong bài đọc I đã kể lại câu chuyện tội lỗi tầy trời của vua Đavít. Ông đã phạm tội rất nặng. Nặng cả về kế hoạch lẫn nội dung. Kế hoạch thì bỉ ổi. Nội dung thì thâm độc.
Chuyện kể rằng: sau khi lòng dục nổi lên, ông đã phạm tội ngoại tình với bà Betsabê, vợ của tướng Uria là người trung thành tuyệt đối với nhà vua. Tội của nhà vua trở nên trầm trọng khi ông lên kế hoạch giết Uria để bịt đầu mối. Cuối cùng ông đã thành công khi dùng tay quân giặc giết tướng Uria tại đầu chiến tuyến ác liệt.
Tuy nhiên, sự việc đã không đi vào quên lãng, mà nó được đưa ra ánh sáng khi Chúa gửi tiên tri Nathan đến để nhắc cho vua thấy tội lỗi của mình. Đồng thời cho thấy những hệ quả nghiêm trọng do ông gây nên. Thấy được sự bất nhân, ác tâm, thất đức của mình, vua Đavít đã ăn năn sám hối và thành khẩn xin ơn tha thứ của Thiên Chúa, nên ông đã thưa với Đấng đầy lòng thương xót: “ Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51, 3-4). Vì thế: “Thiên Chúa đã bỏ qua tội của ngài, ngài sẽ không phải chết” (Sm 12,13).
Sang bài đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh đến ơn công chính hóa. Ngài nói rất rõ: “Con người được nên công chính hóa nhờ đức tin” (Rm 3,27-28). Tức là: tin vào lòng thương xót của Đức Giêsu, nhất là tin vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Ngài mang lại thì sẽ được cứu chuộc.
Lòng thương xót của Thiên Chúa phải là một ơn ban vượt lên trên không gian và thời gian cho những ai tin. Nó cũng không bị giới hạn, bó buộc trong một thứ luật lệ nào. Ngược lại, nó sẽ làm cho luật bị tê liệt khi luật đó không chứa đựng tình thương. Vì thế: “Con người được nên chông chính (được cứu độ) nhờ đức tin chứ không phải nhờ tuân giữ Lề luật” (Rm 3,27-28).
Từ bài đọc I, sang bài đọc II, hướng chúng ta về Đức Giêsu như là hiện thân của lòng thương xót đến từ Thiên Chúa.
Tình thương ấy được thể hiện rõ nét qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay:
Khi Đức Giêsu và các môn đệ đang dùng bữa tại nhà ông Simon. Bỗng có một phụ nữ nổi tiếng tội lỗi trong thành đến để tỏ lòng sám hối ăn năn. Hành vi khóc lóc, đập bể bình dầu thơm đắt tiền, xức lên chân Đức Giêsu và lấy tóc của nàng để lau nói lên sự sám hối chân thành.
Dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa một lần nữa lộ hiện qua hành vi và lời nói của Đức Giêsu: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều" ( Lc 7, 47).
Như vậy, qua cách hành xử của Đức Giêsu, chúng ta thấy Ngài luôn nhìn con người dưới ánh mắt từ tâm. Cái vỏ bọc bên ngoài không ngăn cản được lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, Ngài đã giải thoát con người cách toàn diện, để họ được tha thứ và có cơ hội đụng chạm với cả tâm hồn đến lòng xót thương của Ngài.
- Cái nhìn thương xót của Đức Giêsu
Nếu con người nhìn và đánh giá lòng đạo đức của nhau dựa trên những chuyện bề ngoài, thì Thiên Chúa nhìn và thấu hiểu từ tâm can. Tức là nhìn dưới góc độ công chính nhờ niềm tin.
Nếu con người nhìn những người tội lỗi là một thứ đồ bỏ, nhơ uế, xấu xa, thì Thiên Chúa nhìn họ với một cái nhìn: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”.
Nếu con người luôn “bới lông tìm vết” để trù dập nhau, thì lòng thương xót của Thiên Chúa luôn tìm cách nâng người tội lỗi đứng dạy để cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời.
Vì thế, thay vì xua đuổi, Đức Giêsu đã đón nhận sự chân thành và lòng mến của người phụ nữ tội lỗi đến với Ngài. Vì thế, tận sâu thẳm tâm hồn, chị đã đón nhận được lòng trắc ẩn của Đức Giêsu. Nên cuộc đời của chị từ đây sang trang. Chị đã thay thái độ để đổi cuộc đời và bắt đầu một cuộc sống mới trong ân sủng và lòng xót thương.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rất rõ quan điểm của Đức Giêsu, đó là: “Ghét tội, nhưng không ghét kẻ có tội”. Ngài luôn đi bước trước để tha thứ, kiếm tìm kẻ có tội nhằm tha thứ và yêu thương.
Những dụ ngôn nổi tiếng về lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa được Kinh Thánh kể lại như một sự chứng minh về tình thương của Ngài đối với người tội lỗi như:
Dụ ngôn người chăn chiên bỏ 99 con ở lại để đi tìm con chiên lạc. Dụ ngôn người đàn bà mất một đồng bạc đã đốt đèn tìm kiếm khắp nhà. Dụ ngôn đứa con hoang đàng được người cha đón trở về trong sự tha thứ... Và, hôm nay, hành vi ấy lại một lần nữa được thể hiện qua việc Đức Giêsu đón nhận sự sám hối chân thành của người phụ nữ tội lỗi.
- Người Kitô hữu không được xa lạ với lối hành xử của Đức Giêsu!
Người ta thường truyền tai nhau câu nói: “Nói người hãy nghĩ đến ta, nếu suy cho kỹ lại ra chính mình”.
Thật vậy, con người vốn mang trong mình tham, sân, si, nên nhiều khi họ nhìn anh chị em dưới “cặp kính râm”. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi nhiều người chỉ nhìn thấy cái phúc mà không thấy cái tội của mình. Ngược lại, họ luôn thấy cái tội mà không nhìn thấy cái phúc của anh chị em. Lời của Đức Giêsu nói: “Tại sao con thấy cọng rác trong mắt anh chị em, còn cái xà trong mắt con thì lại không thấy?” (x. Mt 7,3) Quả thật đúng với thực trạng của chúng ta.
Có lẽ, cần phải có một Nathan vạch trần tội ác của chúng ta như đã từng lật tẩy tội lỗi của vua Đavít khi xưa thì chúng ta mới tỉnh ngộ và nhận ra tội lỗi của chính mình!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn phát xuất từ cái tâm trong sáng và nhân hậu. Đừng vội xét đoán cách thiển cận khi chỉ dựa vào luật lệ hay truyền thống bên ngoài, mà hãy để cho luật Lương Tâm lên tiếng, vì biết đâu: “Xanh vỏ” nhưng “đỏ lòng”. Cần ý thức rằng: “Lầm lỗi là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa” (A. Pope).
Noi gương Đức Giêsu, Ngài luôn công bố chân lý và sống những gì Ngài đã nói, nhưng Ngài cũng luôn cảm thông, liên đới với những yếu đuối và tha thứ cho những lầm lỗi của con người.
Mặt khác, chúng ta cũng đừng lợi dụng lòng thương xót của Thiên Chúa mà giảm khinh những hệ quả của tội và an tâm “ngủ mê trên chiến thắng”; hay: “nằm lì dưới vũng bùn êm ái” để rồi vênh vang và tự nhủ: “Ta là người công chính hơn ai hết!”. Hãy cẩn trọng, vì: “Nếu ta nói: Ta không có tội, thì ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta” (1 Ga 1, 8 ); hay: “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12).
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Xin giúp chúng con có được một thái độ trung thành với chân lý, nhưng cũng có một trái tim biết cảm thông, thấu hiểu và thương xót như Chúa. Amen.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: