Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Trả lời thắc mắc Kinh Thánh, chủ đề: Chúa Giê-su – Hoàng Tử của hòa bình

Tác giả: 
Vũ Thắng

Trả lời thắc mắc Kinh Thánh, chủ đề: Chúa Giê-su – Hoàng Tử của hòa bình

 

Người hỏi: Tại sao trong sách ngôn sứ I-sai-a 9:5 Kinh Thánh nói Chúa Giê-su là vị Thủ Lãnh hòa bình [Hoàng Tử của hòa bình] còn trong sách Phúc Âm Mát-thêu (10:34-36) lại nói rằng Chúa Giê-su đến không phải là đem bình an [hòa bình] cho thế gian mà là đem gươm giáo để gây chia rẽ người này với người kia, điều này có nghĩa như thế nào?

 

Trả lời: Chúng ta cùng đọc câu Kinh Thánh trên trong sách ngôn sứ I-sai-a:

Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình [ Hoàng Tử của hòa bình].” (I-sai-a 9:5)

 

Và câu Kinh Thánh trong sách Phúc Âm Mát-thêu,

"34Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an [hòa bình]cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an[hòa bình], nhưng để đem gươm giáo. 35Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. 36 Kẻ thù của mình chính là người nhà. (Mát-thêu 10:34-36)

 

Có thể nói hai câu Kinh Thánh trên nếu đọc song song với nhau có thể dễ gây hiểu lầm nơi người đọc rằng có sự mâu thuẫn ở đây, một đàng Chúa Giê-su là “Hoàng Tử của hòa bình”, đàng khác “Thầy đến không phải để đem bình an [hòa bình]… đem gươm giáo” – Thật sự, câu Kinh Thánh trong sách Mát-thêu đã từng bị trích dẫn nhiều lần bởi những vị giáo sư vô thần chống đối Chúa cho rằng đạo Ki-tô giáo không phải là đạo của hòa bình mà là gây ra chiến tranh! – Đây là một sự hiểu lầm hết sức tai hại do họ đã không thực sự nghiên cứu Kinh Thánh cách đúng đắn.

 

Thật vậy, chính Kinh Thánh tuyên bố Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa (II Ti-mô-thê 3:16), đó là Lời Hằng Sống và vô ngộ. Có thể nói ba trong số các nguyên tắc cơ bản khi nghiên cứu Kinh Thánh đó là:

 

1-Kinh Thánh không mâu thuẫn với chính nó

2-Kinh Thánh là cuốn từ điển cho chính nó (tức là dùng Kinh Thánh để giải thích cho Kinh Thánh)

3- Kinh Thánh là cuốn sách thiêng liêng nên để hiểu được Kinh Thánh phải có cách nhìn nhận dưới ánh sáng thiêng liêng.

Chúng ta cùng tìm hiểu câu Kinh Thánh Mát-thêu (10: 34-36) dưới ánh sáng thiêng liêng,

 

Trong câu Kinh Thánh này Chúa Giê-su phán ngài đến để đem “gươm giáo” cho thế gian và để “gây chia rẽ” người này với người kia. Trước hết, chính Kinh Thánh tuyên bố Chúa Giê-su không rao giảng điều gì mà ngài không dùng dụ ngôn (Mác-cô 4:34) – Như vậy, chúng ta có thể hiểu “gươm giáo” ở đây không phải là gươm giáo theo nghĩa đen nhưng là theo nghĩa bóng, đó là “gươm tâm linh”, “gươm tinh thần”, “tư tưởng”,… Thật vậy, Kinh Thánh tuyên bố, “ Gươm của Thần Khí là Lời Thiên Chúa” (Ê-phê-xô 6:17) – Như vậy, Chúa Giê-su đến để đem “gươm giáo” có thể hiểu là ngài đến để ban cho thế gian Lời Thiên Chúa vì chính ngài là Ngôi Lời nhập thể làm người, ngài đến để ban ơn cứu độ, đem ánh sáng cho thế gian.

 

Tiếp theo, cụm từ “ Thầy đến để gây chia rẽ…” – Chúng ta có thể hiểu điều này dưới ánh sáng thiêng liêng như sau: Trong thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay bao gồm 2 vương quốc tâm linh vô hình tồn tại đối nghịch nhau, đó là: vương quốc bóng tối và vương quốc ánh sáng. Vương quốc bóng tối bao gồm tất cả những người không và chưa nhận được cứu rỗi của Thiên Chúa, và vị vua của vương quốc này chính là Sa-tan – nó cai trị, làm chủ trong tâm hồn của những người chưa được cứu. Và vương quốc ánh sáng là vương quốc bao gồm tất cả những người đã nhận được ơn cứu rỗi của Thiên Chúa và Đức Ki-tô chính là vị vua của vương quốc này và ngài đang cai trị trong tâm hồn của họ. Thi thoảng Thiên Chúa làm một phép lạ ban ơn cứu rỗi cho một người nào đó sống ở một nơi nào đó trên thế gian, tức là Chúa khiến người đó gia nhập vào Đạo Ki-tô, gia nhập vào hội thánh của Chúa điều này có nghĩa là Chúa Giê-su đã dùng cánh tay quyền năng của Ngài để kéo họ di chuyển từ trong vương quốc bóng tối chuyển sang vương quốc ánh sáng. Một điều hiển nhiên trong gia đình của người nhận được ơn cứu rỗi đó là trong gia đình đó sẽ chia làm 2 phe, một bên là những người chưa được cứu rỗi thì ở trong vương quốc bóng tối và một bên là những người đã nhận được ơn cứu rỗi thì ở trong vương quốc ánh sáng – Do vậy mà sự xung đột chia rẽ trong gia đình người đó là một điều thực tế có thể kiểm chứng. Dưới ánh sáng thiêng liêng thì những người được cứu rỗi là kẻ thù của những người chưa được cứu vì họ sống ở trong 2 vương quốc vô hình đối nghịch nhau và hai vị vua cai trị trong lòng họ cũng đối nghịch nhau. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, Chúa Giê-su cũng truyền dạy chúng ta một điều răn hết sức tuyệt vời đó là “Anh em hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”(Lu-ca 6:27). Và như vậy chúng ta có thể hiểu cách đúng đắn và rõ ràng điều Chúa Giê-su tuyên bố trong sách Mát-thêu (10:34-36) "34Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. 35Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. 36 Kẻ thù của mình chính là người nhà.

 

Có thể nói đây là đại mạng lệnh của Thiên Chúa dành cho những người sống dấn thân theo Chúa, “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”(Mác-cô 16:15) – Thiết nghĩ là người ki-tô hữu trong mọi bậc sống chúng ta cần có trách nhiệm loan báo Tin Mừng theo nhiều cách khác nhau và trước hết chúng ta cần phải được cứu rỗi để sau đó mới có thể kéo người ngoại đạo về với Chúa và cùng nhau hiệp lời cầu nguyện để mỗi người tân tòng là một chứng nhân sống động của Đức Ki-tô trong gia đình họ hầu cho qua họ mà nhiều người khác cũng được thấy ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa trước hết là những người thân trong gia đình, tiếp theo là gia tộc, những người anh em bạn hữu xa gần…

 

Vũ Thắng