Giọt nước mắt thương con, con ngủ mẹ mừng
Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 21 mùa thường niên C 21/8/2016
“Giọt nước mắt thương con, con ngủ mẹ mừng,”
“Giọt nước mắt thương sông, ấp ủ rêu rong.
Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm.
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong.”
(Trịnh Công Sơn – Nước mắt cho quê hương)
(Mt 10: 34-36)
Nếu như “quê hương” mà bạn hát ở đây là Nước Trời trong đó mọi người trên thế-giới đang nhỏ những giọt nước mắt thương-yêu, thì sao? Và, giả như “giọt nước mắt” mà mọi người đang nhỏ từng giọt và từng giọt, thì bạn đọc và bầy tôi đây, ta nghĩ sao về điều ấy?
Vâng. Nước mắt nhỏ giọt cho bất cứ ai, khóc cho quê hương nào đi nữa, thì người Tây/người Tầu hoặc dân ta vẫn cứ tiếp-tục nhỏ hoài/nhỏ mãi, như ca-từ còn hát tiếp ở bên dưới:
“Giọt nước mắt thương mây, mây ngủ trên ngàn
Giọt nước mắt thương cây, cây ngả trên non
Giọt nước mắt thương anh, khô giòng máu châu thân
Giọt nước mắt quê hương, ôi còn chảy miên man.
Ôi! giòng nước mắt chảy hoài
Giòng nước mắt đời đời
Giọt nước mắt thương ai
Ôi giòng nước mắt trong tim
Chảy lai láng vào hồn
Nửa đêm gọi đến mình”.
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Vâng. Những giọt nước mắt như thế, vẫn còn nhỏ ở đây đó xuống mọi miền trên quê hương Nước Trời ở trần-gian, thôi. Cũng mới đây, hôm 27/7/2016 ở trời Tây bên ấy, chốn “Phú-Lăng-xa” đất miền rất Pháp Quốc, nhà Đạo mình lại đã nhỏ thêm nhiều giọt nước mắt còn nóng hổi cho vị linh-mục cao-niên bị giết chết ngay trong nhà thờ ở miền Bắc nước này.
Vâng. Nước mắt và nước mũi nhiều người vẫn nhỏ mãi không ngừng, chí ít là những người cùng thờ Thiên-Chúa nhưng khác phái lại cứ báng-bổ/kình-chống nhau, để rồi dẫn đưa nhau về cõi chết, rất buồn bực.
Vâng. Hôm nay ở chốn miền cùng cực phía Nam bên này, lại cũng thấy những người và người vẫn kình-chống nhau chỉ vì khác nhau điều gì đó. Khác, về niềm tin đi Đạo. Khác, hệ-cấp trên/dưới, khác cả hình-thức tổ-chức, lẫn cung-cách đối-xử với nhau và cho nhau, không còn mang tính đích-thật của chọn lựa ban đầu, nữa.
Vâng. Hôm nay đây, người người lại cứ nhân-danh điều này/chuyện nọ để ra tay hành-xử cách nào đó không còn mang tính từ-bi/hỷ-xả như nguồn-gốc của đạo-giáo mình chủ-trương.
Đúng thật thế. Hôm nay và có thể cả mai ngày, người người lại cũng chưa giải quyết được những xung-khắc do có khác-biệt về Đạo và đời; cả ý-thức-hệ lẫn đạo-đức/chức-năng… nay cũng khác.
Vâng. Vì có khác-biệt này/nọ ở nhiều địa-hạt, nên khi sự xấu xảy đến, lại có tình-huống chất đầy nước mắt như ca-từ hát thêm, ở bên dưới :
“Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng.
Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang.
Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh.
Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Khác-biệt đến độ, đã phải nhỏ những giọt nước mắt không tên để “thương em, thương vận nước điêu-linh”, thương đạo-giáo lình-xình nhiều tranh-chấp, vẫn là “Giọt nước mắt thương dân, đêm đẩy xe tang”, rất làng nhàng.
Vâng. Giọt nước mắt ấy, cứ nhỏ mãi khi có nguồn tin cũng rất “tức” gửi về từ chốn miền nhà Đạo rất Nước Trời, những hỏi rằng:
“Có chăng mối đe-doạ khủng-khiếp cho nền an-ninh thế-giới? Phải chăng đe-doạ ấy là từ ISIS?
Câu hỏi này, được đưa ra từ tháng 11 năm 2015 trên trang mạng MercatorNet, rất phổ-biến. Thế nhưng, trước đó từ tháng Bẩy/2015, Chánh Văn Phòng Hỗn Hợp của Hoa-Kỳ là Hải-quân Thiếu-tướng Joseph Dunford cũng từng đưa câu trả lời tương-tự gửi đến Quốc-Hội trả lời rằng: mối đe-doạ không lai ai khác ngoài Nước Nga.
Thế, Trung-Quốc thì sao? Và, Bắc Hàn nữa? Cả hai nước này, lâu nay, vẫn bị mọi người coi là mối đe-doa thật cho Tây Phương. Văn-minh Phương Tây luôn đối đầu với các “đe-doạ thực-sự” cả từ thay-đổi khí-hậu cho đến các hành-tinh nhỏ, từ nạn-dịch toàn cầu đến sự thông-minh nhân-tạo và cả chiến-tranh hạt-nhân, nữa. Đại-học Cambridge ở Anh đã nhận được đầy-đủ tài-trợ để lập nên Trung-tâm Nghiên-cứu về Nguy-cơ đích-thực hầu báo-động mọi người về các mối nguy-hiểm của các ngành Kỹ-thuật mới. Chừng như ta đã bị quấn chặt để biến các tai-hoạ nhỏ thành nguy-cơ hiện-hữu đối với con người. Có lẽ vì thế mà bộ phim “Zombie” và các bi-kịch thành chuyện bình dị ở đời…
Thành thử, cũng không nên tỏ ra quá nhát gan hoặc ngây thơ đến độ phải lưu-ý đến việc chính-phủ Obama kêu-gọi đừng tỏ ra hãi sợ đối với Nhà Nước Hồi-giáo (IS) sau ngày Thứ Sáu 13 vừa rồi ở Paris. Tổng-thống Obama có nói: “Họ là một mớ các sát-nhân được giới truyền-thông xã-hội hỗ-trợ. Chuyện này cũng không kém ‘nguy-hiểm’, nhưng lối sống của ta lại mạnh hơn thế. Ta có nhiều thứ để đưa ra đề-nghị mà giải-quyết...” Và rồi, Phó Tổng thống Hoa-kỳ Joe Biden còn nhấn mạnh: “ISIS không là mối đe-doạ cho sự sống còn của Nước Mỹ bao giờ hết…” (X. Michael Cook “Is ISIS an existential threat?” MercatorNet 23/11/2015)
Nói về “mối đe-doạ cho sự sống còn của thế-giới” phải chăng phát-xuất từ đạo Hồi? Theo kiểu của chính-trị-gia. Còn, quan-điểm chính rất công-khai của nhà Đạo mình về mối “đe-doạ” này, được Đức Phanxicô bày tỏ trong cuộc phỏng-vấn trên chuyến bày từ Krakow Ba-Lan về Rôma hôm 31/7/2016, như sau:
“Hỏi: Người Công giáo chúng ta đã bị cú “sốc” sau vụ sát-hại dã-man Linh-mục Hamel. Cha nói chúng con rằng tất cả mọi tôn-giáo đều kiến-tìm hòa bình, nhưng Linh mục Hamel bị giết dưới danh-nghĩa Hồi giáo. Tại sao cha không bao giờ nhắc đến Hồi giáo khi nói về chủ nghĩa khủng bố?
Đáp: Cha không thích nói về bạo-lực Hồi-giáo, bởi ngày nào cha cũng thấy xảy ra bạo-lực mỗi khi điểm-báo ở Ý, đọc thấy chuyện ai đó giết bạn gái hay mẹ vợ, và đó là bạo-lực của những người Công-giáo đã rửa tội. Nếu Cha nói về bạo-lực Hồi-giáo, thì Cha cũng phải nói về bạo-lực Công-giáo nữa chứ?
Không phải người Hồi-giáo nào cũng tàn-bạo hết. Nó như món salad trộn hoa quả, đều có cái này cái kia. Và anh chị em thấy có những người tàn-bạo trong các tôn giáo khác nhau. Chỉ một điều chắc-chắn mà thôi, là luôn có một nhóm nhỏ gồm những người cực-đoan trong tất cả mọi tôn-giáo. Chúng ta cũng có những người cực-đoan/tàn-bạo như thế. Và, khi những người cực-đoan đi xa hơn đến độ tra tay giết người, có thể bằng miệng lưỡi mình, không phải Cha mà là tông-đồ Giacôbê đã nói vậy. Người ta cũng có thể giết người bằng gươm bằng giáo; thế nên thật không đúng chút nào khi đồng-hoá Hồi-giáo với bạo-lực.
Cha từng đàm-đạo dài giờ với một giáo-chủ ở Đại học Al Azhar, họ tìm-kiếm hòa-bình và thông-hiểu nhiều chuyện. Sứ-thần tòa-thánh ở nước châu Phi nọ từng bảo với Cha rằng: ở thủ đô nước ông, có người luôn xếp hàng để đi qua cửa thánh, rồi có một số đi xưng tội. Nhưng hầu hết đều đi thẳng đến bàn thờ để cầu nguyện với Đức Mẹ; và đó là những người Hồi-giáo muốn mừng Năm Toàn xá. Khi đến Trung Phi, Cha có đi thăm một cộng-đồng Hồi-giáo, và vị Giáo-chủ Hồi-giáo ở đó cũng lên xe ngồi chung với Cha. Chung sống hòa-bình là chuyện có thể thực-hiện được.
Nhưng các nhóm tàn-bạo cực-đoan có tồn tại không lại là chuyện khác. Cha tự hỏi vì sao nhiều người trẻ của chúng ta sống an-thân ổn-định, lại bị cướp mất đi lý-tưởng sống, đến độ họ đã chạy theo thuốc phiện, bia rượu, hoặc thậm chí đi đầu quân cho nhóm khủng bố, nữa. Đúng. Chúng ta có thể nói: ISIS là một nhà nước Hồi giáo, và đặc tính của ISIS là bạo-lực, bởi nó khoe với ta toàn những chuyện giết người. Nhưng, đây chỉ là một nhóm nhỏ, anh chị em không thể, không đúng, và cũng quan-niệm không thật lòng khi gọi Hồi-giáo là những người có đức tin khủng bố.’
Hỏi: Ngoài việc cầu nguyện và đối thoại ra, ta còn có sang-kiến cụ thể nào để đương đầu với bạo lực Hồi giáo không?
Đáp: Chủ nghĩa khủng-bố có mặt ở khắp nơi, chỉ cần nghĩ đến chủ-nghĩa khủng-bố bộ lạc ở một vài nước châu Phi thôi cũng sẽ thấy. Chủ-nghĩa khủng-bố lớn lên khi không họ có chọn-lựa nào khác. Và giờ đây, Cha sẽ nói về chuyện có vẻ đầy những hiểm họa gây cho thế-giới. Khi anh chị em biến “thần tài” thành trọng-tâm kinh tế thế giới, chứ không phải con người, thì đó là hình-dạng đầu-tiên của chủ-nghĩa khủng-bố. Anh chị em đã xóa đi nét vẻ nguy-nga của tạo-vật, và thay vào đó, đặt tiền bạc vào vị-trí trọng tâm. Đây là cơ sở tiên-quyết của chủ-nghĩa khủng-bố. Anh chị em cứ nghĩ về chuyện ấy cho nhiều rồi sẽ thấy...’ (X. Phỏng-vấn Đức Phanxicô trên chuyến bay trở về Rôma hôm 31/7/2016, theo phanxicovn.net)
Lời Đức Phanxico6 quả cũng rất thẳng-thắn, mạnh-bạo, nhất là trong tình-huống có nhiều khủng-bố/bạo-động đang diễn ra. Tuy vậy, dù Cha hoặc con ở nhà Đạo, có nói mạnh-bạo thế nào đi nữa cũng sẽ không thay-đổi được tình-hình an-ninh/an-toàn trên thế-giới được. An-ninh/an-toàn cuộc đời với người nhà Đạo, có lẽ sẽ nằm ở chỗ khác, ở lập-trường khác vẫn âm-thầm chứ không ầm-ĩ, như ta tưởng. Đó, có lẽ là ý-tưởng của bạn đọc nọ sau khi suy-tư rất nhiều về kết-quả của kinh Lạy Cha áp-dụng cho mọi người ở đời. Chí ít, là đời đi Đạo, lại sẽ diễn-tả cách nhẹ-nhàng hơn, như sau:
“Ðể đọc kinh Lạy Cha mà không lừa dối Chúa và tự lừa dối mình:
Bạn đừng thưa “Chúng con”...
nếu bạn sống cau-có trong ích kỷ.
Bạn đừng gọi Ngài là “Cha”
nếu mọi ngày bạn không sống như người con.
Bạn đừng kêu Ngài là “Ðấng ngự trên Trời”
nếu bạn luôn nhắm toàn những chuyện dưới đất.
Bạn đừng nói “Xin cho Danh Cha cả sáng”
nếu bạn không kính-trọng từng con người.
Bạn đừng nói “Xin cho Nước Cha trị đến”
nếu bạn lầm-tưởng nó với những tham-vọng của riêng bạn.
Bạn đừng nói “Xin cho Ý Cha được thể hiện”
nếu như bạn không chấp-nhận thử-thách xuất tự nó.
Bạn cũng đừng thưa “Dưới đất cũng như trên Trời”
nếu bạn chỉ lo nhìn lên trời mà không thấy ai khác chung quanh bạn.
Bạn đừng nói “Cho chúng con” nếu bạn không cho người khác điều bạn có.
Bạn đừng nói “Hôm nay”
nếu như bạn chỉ hối-tiếc quá-khứ hoặc chỉ đeo-đuổi tương lai nào khác, tốt hơn thế.
Bạn đừng nói “Lương thực hằng ngày”
nếu bạn không chạnh lòng thương những người đang đói khát.
Bạn cũng đừng “Xin tha tội cho chúng con”
nếu bạn không thấy lỗi của chính mình với tha nhân.
Bạn đừng nói “Như chúng con cũng tha kẻ có lỗi với chúng con”
nếu bạn chậm trễ không tha-thứ cho kẻ đã xúc-phạm bạn.
Bạn đừng nói “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”,
nếu bạn không sẵn-sàng chống lại sự dữ ấy.
Bạn đừng kết thúc bằng lời “Amen”
nếu bạn không trân-trọng những điều ghi trên đây ở Kinh Lạy Cha.”
(Sưu-tầm trên Facebook)
Và, nói đến và nói về an-ninh/an-toàn trong đời người, theo tâm-tưởng của nhà Đạo mình, cũng rất đúng với có thể là như thế. Nhưng, với người thường ở đời, có lẽ nên nói theo truyện kể, thì thích-hợp hơn.
Nhưng trước khi nói bằng truyện kể rất cụ-thể, tưởng cũng nên đi vào vườn hoa Lời Vàng của bậc thánh-hiền để có được những “cột/mốc” suy-tư, rồi đem áp-dụng cho đời mình. Một trong các Lời Vàng ấy gặp được ở sách Tin Mừng sau:
“Anh em đừng tưởng
Thầy đến đem bình-an cho trái đất;
Thầy đến không phải để đem bình-an,
nhưng để đem gươm giáo.
Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ
giữa con trai với cha,
giữa con gái với mẹ,
giữa con dâu với mẹ chồng.
Kẻ thù của mình chính là người nhà.”
(Mt 10: 34-36)
Kẻ thù của mình là chính mình, như ai đó từng hát những câu như: “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai!” Phạm Duy – Kẻ thù ta).
Vâng. Chính thế. Kẻ thù là chính mình mà giết nó đi thì cái “mình” đâu còn nữa mà nói chuyện an-ninh với an-toàn. Đó, là chưa đổ tội cho người Hồi-giáo cực-đoan, bạo-loạn để đòi giết, hoặc tố-khổ.
Kẻ thù ta, hay kẻ thù của nền an-ninh/an-toàn trên thế-giới, chính là chính-sách/chiến-thuật của ai đó, hoặc sức mạnh hùng-hổ nào đây từng dấy lên cốt tạo sự bất-ổn trong mọi sự để còn khống-chế với cầm cân nảy mực, quyết thực-hiện cho bằng được.
Kẻ thù ta, hôm nay, chắc-chắn không phải và không bao giờ là thế-lực Hồi-giáo-khủng-bố hoặc mãnh-lực của ác-thần/sự-dữ hiện-thân nơi ai đó, bên ngoài con người mình.
Nhận-định thế rồi, nay mời bạn và mời tôi ta đi vào vùng trời truyện kể để minh-hoạ cho lập-trường sống rất dễ dàng.
Nếu để ý, người đọc sẽ nhận ra rằng: cả hai truyện kể chẳng đi sâu/đi sát gì đề-tài ta bàn-luận, nhưng nếu nghĩ “trệch” khi bảo rằng: mọi chuyện trên đời xảy ra có lợi cho nền an-ninh/an-toàn của đời người hay không là tuỳ góc cạnh mình nhìn mà thôi. Nhìn theo góc cạnh ấy rồi, mình và người sẽ nhận ra một hay nhiều nhân-sinh-quan cuộc đời rất khác biệt. Thôi, xin mời bạn/mời tôi, ta bắt đầu kể:
“Truyện rằng:
Ở nước Mỹ, trong một cửa hàng bách hóa, bởi trời đột nhiên đổ cơn mưa lớn, một bà lão ăn mặc giản dị, khắp người ướt sũng đi vào tránh mưa, gần như toàn bộ nhân viên bán hàng đều không muốn để mắt đến bà lão này. Có một chàng trai rất thành kính nói với bà rằng:
“Chào bà, tôi có thể giúp gì cho bà đây?”
Bà lão cảm thấy mượn chỗ của người khác để tránh mưa, trong lòng cũng có chút khó chịu, liền muốn mua một vài món đồ, nhưng đi vòng quanh mãi mà không biết mua gì nữa. Chàng trai này nhìn thấy liền nói với bà lão rằng:
“Bà không cần cảm thấy khó xử! Tôi đã để một chiếc ghế ở trước cửa, bà cứ yên tâm ngồi ở đó là được rồi.”
Sau hai tiếng đồng hồ thì mưa đã tạnh, bà lão xin danh thiếp của chàng trai này rồi đi mất. Mấy tháng sau, chàng trai này đã được một cơ hội hiếm có, chính là được chỉ định làm đại biểu cho công ty bách hóa này đàm phán nghiệp vụ với công ty gia tộc lớn khác, lợi nhuận rất lớn. Về sau mới biết là bà lão đó đã cho cậu một cơ hội này, hơn nữa bà lão này không phải ai khác, mà chính là mẹ của “Vua Thép” Carnegie tỷ phú của nước Mỹ.
Thế là, chàng trai này từ đây đã thuận buồm xuôi gió, một bước lên mây, trở thành trợ thủ đắc lực của “Vua Thép” Carnegie, đồng thời cũng là một trong số nhân vật trọng yếu giàu có bậc nhất, địa vị chỉ đứng sau Carnegie mà thôi.
– Chẳng cần lời ngon tiếng ngọt, chỉ cần chân thành là tốt rồi;
– Chẳng cần thề non hẹn biển, chỉ cần thật sự làm được là tốt rồi;
– Chẳng cần oán trách lẫn nhau, chỉ cần hai bên hiểu nhau là tốt rồi;
– Chẳng cần ngờ vực lẫn nhau, chỉ cần tin tưởng lẫn nhau là tốt rồi;
– Chẳng cần phải tức giận cả ngày, chỉ cần hiểu được bao dung là tốt rồi;
– Chẳng cần gắn bó chẳng rời, chỉ cần trong lòng có nhau là tốt rồi.
Giữa người với người, điều cần nhất chính là một tấm lòng chân thành kia vậy!
(Tiểu Thiện, dịch từ Cmoney.tw (VIETSTAR MEDIA)
Và câu truyện kể thứ hai cũng dễ nể, như sau này:
“Lão là người duy nhất phải chăm lo từng “miếng ăn giấc ngủ” cho bà ở nhà nữa. Người chồng già nua này đang hãnh diện với công việc. Chăm sóc người vợ không còn một chút khả năng, nói đúng hơn là một “gánh nặng” đối với cách nghĩ của người khác. Riêng tôi, mọi dịp gặp hai vợ chồng này trên chuyến xe buýt, chưa bao giờ tôi thấy người chồng ra vẻ bực dọc bên chiếc xe lăn.
Có điều lão nói hơi nhiều!
Khi chiếc xe lăn được cột yên vào vị trí chỉ định, là lúc lão bắt chuyện ngay với người khác. Lão nói đủ thứ chuyện. Ai cũng nhận ra chút gì đó hưng phấn,vui vẻ, niềm hạnh phúc quá dễ dàng bắt gặp trên gương mặt xương xẩu , khô khốc kia. Phẩm chất một người chồng tận tụy, chung thủy đang thể hiện qua sự phục vụ cho một bà lão, khó tánh, hay gắt gỏng, do không còn một khả năng di chuyển, phải ngồi mãi trên chiếc xe lăn.
Người ta còn thêm một cảm nghĩ rằng: lão phục vụ người vợ, là niềm vui duy nhất,không thể thiếu và dường như lão “cần vậy” là đằng khác. Vui vẻ trên xe với mọi người; thỉnh thoảng lão cúi thấp, nho nhỏ nói vài câu với bà như “dỗ dành đứa trẻ”. Giọng ngọt ngào, mơn trớn. Hai hàm râu bên má lão rung rung theo lời nói, đôi khi tôi cảm thấy động lòng.
-Ước gì mình có một ít tính “kiên trì và chịu đựng” như lão!
Có thể tôi sai, có phần xúc phạm với lão, giá như lão biết rằng tôi dùng hai chữ “chịu đựng”.
Hai vợ chồng đó hay xuống xe vào nửa đường, gần downtown San Jose. Bà tiếp tục càu nhàu ngay khi xuống trạm. Tôi ngoái theo nhìn. Dáng lão vừa đẩy xe cho vợ đi nhanh vừa chỉ trỏ như làm trò “con rối” cho bà vui.
Mùa xuân năm nay, cũng trên chuyến xe 64 này tôi thấy vắng hình bóng vợ chồng kia cùng chiếc xe lăn. Bỗng một hôm, có một ông già lên xe. Sau vài phút để ý, tôi nhận ngay chính là lão già năm ngoái.
Nhưng lần này lão lên xe một mình. Khuôn mặt ông già năm nay co rúm nhiều hơn. Màu râu nay bạc hơn, rậm rạp, lởm chởm đến mức độ “gớm ghiếc”! Hai con mắt ti hí đen thẩm, như một vũ trụ đen tối, sâu thẳm, càng khó đoán ông đang nhìn ai?
Tôi nhận ra lưng lão gù hơn trước. Tay xách thêm một cái túi cũ mèm đựng những thứ lỉnh kỉnh, lão ngồi co ro đằng góc xa của dãy ghế trống do toán học sinh vừa xuống. Lão thỉnh thoảng nói lẩm bẩm, không ai nghe. Thỉnh thoảng lão húng hắng ho; có khi lão cố gắng dằn cơn ho lại sợ phiền lòng người khác.
Tôi cầm lòng không được:
-Chào ông , ông còn nhớ tôi không?
Lão ngẩng lên một lát:
– À…à! tôi nhớ anh… anh hay đi vè downtown; tôi thuờng gặp mà.
Tôi có cảm giác thân mật hơn khi lão nhận ra mình.
Ngần ngừ ít giây, tôi đánh bạo hỏi:
-thế thì vợ ông đâu?
Lão chợt chỉ ngón tay lên trời:
-bà ấy mất rồi.
-Ô! xin chia buồn cùng ông.
-Bà ấy ra đi ngay mùa Christmas năm ngoái anh à.
Tôi an ủi:
-Tôi tin bà lên thiên đường rồi ông ạ.
Bắt chước ông ta, tôi vừa nói vừa chỉ ngón tay lên trời. Bỗng lão chợt vui, đôi mắt như sáng hơn, rồi lại đưa ngón tay lên trời thêm lần nữa. Có điều tôi tin, ông già này hiện đang sống cô độc. Lão từng vui với công việc là người tự nguyện đẩy xe và săn sóc vợ. Giờ người vợ bệnh hoạn kia bỏ lão một mình để “lên thiên đường ” trước, thì sao lão tránh được buồn rầu và suy sụp?
Hôm nay tôi là người duy nhất bắt chuyện với lão. Trong tiếng ho kia, lão tự biết thân phận ngồi chỗ nào xa, kín đáo, để khỏi khó chịu cho ai. Tôi chào lão, nắm chặt song vịn sát trần, bước lui ít bước để khỏi làm phiền lão.
Chiếc xe hàng ngày vẫn đón vài người tật nguyền đi xe lăn như người vợ quá cố của lão. Có những người già, những đứa bé, bị bệnh đi xe lăn. Anh tài xế vẫn kiên trì làm công việc thuờng nhật là móc dây an toàn cho từng người khách bệnh hoạn này khỏi chao chạnh lúc xe chạy. Giờ lão là ngườ “hết nhiệm vụ”. Người thân yêu nhất kia đã vĩnh viễn chia ra đi. Lão là người “ở lại” trên cõi trần này buồn nhiều hơn vui. Giờ con người này thật sự cô độc, trong một xã hội không có thứ văn hoá “tam đại, tứ đại đồng đường”. Bà lão còn sống, lão là người chăm sóc. Nay bà lão ra đi, để lão một mình trơ trọi, không ai săn sóc, không ai ở kề.
Lão lại tiếp tục húng hắng ho, tiếp tục che miệng hay cúi gầm xuống lẩm bẩm nói một mình. Có thể ông già đang tâm sự với bà trong chốn vô hình nào chăng?
Nửa đường, ông già xuống xe. Cái túi đựng thức ăn của lão chợt lộ lên hàng chữ “Cơ Quan Cứu Tế CITY TEAM San Jose”; bên trong chắc hẳn là một số đồ hộp thức ăn cấp phát cho người nghèo.
Chiếc xe tiếp tục chạy. Tôi ngoái lại nhìn , hình bóng con người cô đơn kia lảo đảo bước về huớng khác để lại cái bảng hiệu ngừng xe bơ vơ bên đường.” (Đinh Hoa Lư)
Kể như thế, cốt bảo rằng: an-ninh/an-toàn trong đời người cũng đều tuỳ tâm-trạng của người đời khi sống với người và với chính mình. Đó, cũng là đôi điều xin được đến bạn, đến tôi hôm nay và trong những ngày sắp tới của đời mình.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những ngày
Cứ suy-nghĩ nhiều
Về Hồi-giáo, bạo-lực và sự tàn-bạo
trong tâm-khảm của chính mình.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: