Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bài giảng lễ Vọng Đức Maria hồn xác lên Trời

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

 

BÀI GIẢNG THÁNH LỄ VỌNG ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI

CỦA ĐTGM LEOPOLDO GIRELLI, CHIỀU 14/8/2016 TẠI LA VANG

 

(Người dịch: Lm. Minh Anh)

 

 

Anh Chị em thân mến,

 

Hôm nay, cùng nhau quy tụ về Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang, chúng ta mừng kính lễ Vọng Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời.

 

Với niềm ưu ái, tôi kính chào Đức Hồng Y Phêrô, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội; Đức Tổng Phanxicô Xaviê, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế; Đức Cha Giuse đến từ Đà Nẵng, Quý Linh mục, Quý Tu sĩ nam nữ cùng toàn thể Anh Chị em đang hiện diện nơi đây.

 

Trong tư cách Đại Diện Đức Thánh Cha Phanxicô tại Việt Nam, tôi mang đến cho mỗi Anh Chị em, lời chào và phép lành của ngài.

 

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho một thế giới hoà bình hơn, một thế giới biết thương xót hơn. 

 

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói, “Ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”.

 

Đức Trinh Nữ Maria đã lắng nghe Lời Thiên Chúa và giữ lấy trong lòng; cho nên, Mẹ có phúc, đầy ân sủng và niềm vui. Linh hồn Mẹ nhảy mừng trong Chúa.

 

Nhân dịp hành hương này, chúng ta hướng lòng lên Mẹ Maria với lời cầu xin: Lạy Nữ Vương, Mẹ của Lòng Xót Thương. Xót Thương quả là một phẩm tính của tình mẫu tử vậy.

 

Đức Giêsu, con Thiên Chúa, sinh ra trong xác phàm, trở nên gương mặt của lòng thương xót ở giữa chúng ta; và Đức Maria trải rộng lòng xót thương này với tình yêu của một người mẹ, nhất là trong cuộc phán xét cuối cùng.

 

Nhờ lời cầu bàu của Mẹ, chúng ta tin rằng, chúng ta sẽ được cứu giúp vào giờ cuối cùng của mình. Niềm tin đó đã chuyển thành lời kinh thân thương nhất khi chúng ta cầu khẩn Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, “Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử”.

 

Trung gian giữa Chúa Kitô và các tín hữu, Mẹ Maria, trong tư cách mẹ Chúa Giêsu, cũng là mẹ chúng ta, cầu bàu cho chúng ta một cách hữu hiệu. Vì thế, chúng ta hãy khẩn thiết tin tưởng kêu xin Mẹ.

 

Vả lại, vì lời cầu nguyện của chúng ta phải luôn đi đôi với việc làm, cho nên, Mẹ Maria còn là một gương mẫu cho đời sống người Kitô hữu.

 

Suốt Năm Thánh này, chúng ta được thôi thúc sống lòng thương xót qua việc thực hành thương xác bảy mối cũng như thương linh hồn bảy mối. Các mối này bao gồm việc “viếng thăm kẻ liệt” và “an ủi kẻ âu lo”.

 

Như chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng thánh Luca, cuộc viếng thăm người chị họ Elisabeth của Đức Trinh Nữ Maria là một gương mẫu để chúng ta noi theo.

 

Nói đúng ra, người chị họ Elisabeth không ốm đau, nhưng đang bụng mang dạ chửa, dẫu tuổi tác đã về chiều. Bà cần giúp đỡ. Đức Trinh Nữ Maria đã không ngại trẩy đi và ở lại với bà vài tuần trăng.

 

Khi viếng thăm người ốm đau, già cả trong giáo xứ, chúng ta trao tặng họ thời giờ là món quà quý nhất của mình. Quả thế, cho đi thời giờ để thăm viếng những ai đau khổ lại trở thành một dấu chỉ dự phần vào những khổ đau của Chúa Kitô.

 

Một đoạn tiêu biểu khác trong Tin Mừng thánh Gioan là sự can thiệp của Đức Mẹ tại tiệc cưới Cana miền Galilê. Đôi mắt trông chừng và cảm thức của một người mẹ nơi Mẹ đã đoán biết một điều gì đó bất ổn khiến lòng Mẹ bồi hồi.

 

Việc thiếu rượu hẳn sẽ phương hại đến bữa tiệc của chú rể, nên Đức Mẹ đã xin Chúa Giêsu can thiệp.

 

Đây là một trong những đoạn ý nghĩa nhất của Phúc Âm, bởi lẽ, một mặt, đoạn văn cho thấy niềm tin sâu sắc của Đức Mẹ vào Chúa Giêsu, ngay cả trước lúc Ngài công khai sứ vụ; mặt khác, trình thuật còn cho thấy việc cầu thay nguyện giúp của Mẹ có uy thế nhường nào. Quả vậy, “Đức Bà là Chúa Bàu chúng con” như trong kinh Lạy Nữ Vương chúng ta đọc.

 

Như Mẹ Maria, chúng ta cũng phải có những đôi mắt rộng mở và tinh tường để nhận ra những hoàn cảnh cần cứu giúp; đồng thời, phải có một con tim biết xót thương vốn sẽ thúc giục chúng ta dấn thân phục vụ.

 

Tại tiệc cưới Cana miền Galilê, Mẹ Maria đã không nhắm mắt trước điều bất trắc, Mẹ không quay nhìn chỗ khác, cũng không lờ đi trước nỗi truân chuyên của đồng loại.

 

Sau hết, trong Tin Mừng thánh Gioan, chúng ta còn thấy Đức Mẹ dưới chân thánh giá. Ở đó, Mẹ hiện diện, Mẹ thông phần cơn hấp hối của Chúa Giêsu.

 

Cùng lúc ấy, Mẹ chứng kiến sự tha thứ tột cùng mà Chúa Giêsu dành cho những kẻ đóng đinh Ngài. Cũng thế, Mẹ thông phần trong sự tha thứ vô hạn này.

 

Sự tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá lại trở thành sự tha thứ của Mẹ Ngài.

 

Vì thế, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong việc tha thứ. Hãy tha thứ và Anh Chị em sẽ được thứ tha, nhất là trong Năm Thánh này.

 

LẠY MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT, XIN CẦU CHO CHÚNG CON.

LẠY ĐỨC MẸ LA VANG, XIN CẦU CHO CHÚNG CON.