Con hy vọng rất nhiều vào Chúa
CON HY VỌNG RẤT NHIỀU VÀO CHÚA.
Triết gia Emmanuel Kant của Đức nói: “Sống trên đời, người ta phải có ba sự hiểu biết: Biết cái gì? Biết mình muốn cái gì? Biết mình phải làm gì? Về phương diện cá nhân, xin nói ngay: hãy biết đến HY VỌNG, hãy có ước muốn ra đi với HY VỌNG, hãy sống trong HY VỌNG. Ngày hôm nay con người càng cần hy vọng nhiều hơn khi đứng trước những thực tế khá mong manh phũ phàng, vô thường. Thực tế không thỏa mãn được những ước vọng của ta, còn hy vọng vạch ra cho ta một tương lai tốt đẹp, hấp dẫn, ví dụ một học sinh đang phải chăm chỉ học hành, vất vả nhưng hy vọng rằng ít lâu nữa mình sẽ có một mảnh bằng cử nhân, tiến sĩ, sẽ làm ông nọ bà kia... Ai cũng có quyền hy vọng như thế và phải hy vọng.
Con người trên trần gian này luôn sống trong hy vọng vì chưa bao giờ tới đích là hạnh phúc tuyệt đối, chính hy vọng là ánh sáng hun đúc tinh thần cho con người phấn khởi tiến lên như vua Charlemagne V đã từng nói: “Hơn nữa! Hơn mãi! Hơn nữa! Hơn mãi mãi”. Hy vọng là điểm tựa để ta tiến lên. Francois Mauriac nói: “Hy vọng là chiếc neo của cuộc sống. Kẻ khờ dại nào không có nó mà lại dám lên tàu vượt biển trần gian, nơi đầy dẫy bão táp và cuồng phong”. Anh sẽ hỏi ai? Sẽ vay mượn ai niềm tin để đi tiếp. Ai đã làm anh vực dậy, đứng lên và đi tiếp sau những cú vấp ngã, sau những nỗi chán chường bên lề đời. Đó chính là niềm hy vọng. Hy vọng không có gì là sai, mà còn là một động lực rất lớn.
Hy vọng khác với ảo tưởng và liều lĩnh. Hy vọng để có niềm tin vào bản thân, để có thể mạnh dạn hơn bước vào phía trước, và không chùn bước khi gặp những khó khăn. Trong lúc mất hết tất cả, không bạn bè, không người thân bên cạnh, bị đời lượn lờ dèm pha, xô đẩy, áp bức tư tưởng, cưỡng bức cảm xúc, đè nén hành động, chỉ còn biết hy vọng vào ngày mai, một ngày mai có thể tươi sáng hơn. Nếu không lấy hy vọng đặt vào tim như chiếc neo thần vững vàng thì khó có thể cố gắng thực hiện được những mơ ước, khát khao, hoài bão. Hy vọng là một cuộc chiến nơi chính bản thân mình. Hy vọng là xông xáo lên đường với niềm tin vững chắc vào chính mình. Làm sao có thể chỉ ngồi đó để chờ đợi vào phép lạ trời ban! Cố gắng làm hết mình, bản thân hy vọng đã là ân sủng, phép lạ do chính bản thân tự tạo nên! Hy vọng là lối thoát cho đời sống vốn rất nhiều khó khăn, và nhiều lần vấp ngã. Bởi vậy, khi thiếu đi hy vọng, cuộc sống sẽ trở nên tối tăm, không còn con đường thoát ra. Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa biết bao. Hy vọng tạo nên màu sắc trong bức tranh cuộc đời, tô vẽ nó thêm phần sinh động. Ai cũng vậy, khi chán chường như đi vào vực thẳm cũng từng không hy vọng. Giải thích nghe thật giản đơn và ấu trĩ “không hy vọng để khỏi phải thất vọng”. Hy vọng không phải canh bạc may rủi của đời. Chính tư tưởng an phận là kẻ thù của hy vọng.
Trước khó khăn vấp ngã, thật kỳ lạ thay vì né tránh, chạy trốn, đặt mình đối diện để hy vọng thì tâm hồn như được tiếp thêm sức mạnh: càng hy vọng, sẽ hy vọng hơn, hy vọng mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Hãy hỏi lần nữa, câu hỏi khác hơn nhưng không chệch hướng: chúng ta có thể hy vọng điều gì? Và chúng ta không được hy vọng điều gì? Kho tàng đạo lý của con người không sẵn sàng trong tay như những dụng cụ mà chúng ta dùng; nó hiện diện như một lời mời gọi đối với sự tự do và như một khả năng lựa chọn. Điều này, có nghĩa là: Tình trạng tốt đẹp của xã hội loài người, và tình trạng đạo đức của thế giới sẽ không bao giờ được bảo đảm chỉ nhờ vào các định đề luân lý, những thực hành lễ nghi tôn giáo lâu đời hay các nguyên tắc của nhà chính trị hoặc sẽ được đảm bảo nhờ sự thông suốt của truyền thông đa chiều mà thôi, dù chúng có tốt đến đâu đi nữa. Những thể chế chính trị hay những hình thái kinh tế xã hội nào đi chăng nữa cũng không thể và không được loại ra ngoài lề tự do của con người.
Hy vọng là sự tự do tuyệt hảo nhất được mặc cho một tâm hồn dày dặn kinh nghiệm. Càng đi tới, càng hy vọng; càng hy vọng càng thấy mình đi tới. Ngay cả những cấu trúc tư tưởng, những hệ thống tốt nhất cũng chỉ thực hiện được chức năng, ý nghĩa của chúng khi cá nhân có xác tín, cưu mang niềm hy vọng mới có khả năng kích thích con người tán thành một cách tự do trật tự xã hội. Tự do để tán thành hay phản kích đòi phải có xác tín; xác tín không tự mình tồn tại, nhưng phải luôn luôn xoay chiều trong quỹ đạo hy vọng. Con người là hữu thể tự do. Trong một thế giới hẹp, những kẻ độc đoán, hẹp hòi thiển cận còn tham vọng định hướng dư luận, định hướng hành động của người khác thì tự do chân thật luôn luôn còn rất đỗi mong manh, vương quốc của thiện chí sẽ không bao giờ có thể được thiết lập một cách chung cuộc trên thế gian này.
Bất cứ ai hứa hẹn một thế giới tốt hơn tồn tại muôn đời quang vinh muôn năm chỉ là khẩu ngữ sống sượng, duy ý chí; người ấy đang bỏ qua không tính đến tự do của con người. Có thể đồng ý không nếu nói con người không thể đơn giản là được cứu rỗi từ bên ngoài? Francis Bacon và những ai theo trào lưu hiện đại mà ông ta thấy được hứng khởi sai lầm khi tin rằng con người có thể được cứu rỗi bởi khoa học.
Khoa học tự bản chất không có giá trị cứu rỗi, nó chỉ có thể đóng góp lớn lao cho việc xây dựng thế giới và con người nhân bản hơn. Con người tự cứu rỗi chính mình xuyên qua một niềm hy vọng, niềm hy vọng cứu cánh tối hậu qua một trường thiên xác tín và chọn lựa mỗi phút giây. Nhưng nó cũng có thể huỷ diệt nhân loại và thế giới trừ khi nó được hướng dẫn bởi những lực lượng có sức quán thông chọc thủng mọi bức màn không gian và thời gian để đưa con người đi vào thực tại tối hậu. Mặt khác, theo Đức Thánh Cha Benedict XVI, tôi thích gọi ngài là Joseph Ratzinger hơn, đã cho rằng: chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng Kitô giáo hiện đại, khi đối diện với những thành công của khoa học trong việc xây dựng thế giới cách tiến bộ, trên một quy mô lớn, đã hạn chế sự chú ý đến các cá nhân và ơn cứu độ của họ. Khi làm thế, Kitô giáo đã giới hạn chiều kích niềm hy vọng của mình và không nhận ra đầy đủ sự cao cả trong sứ mạng của mình - ngay cả dù cho Kitô giáo tiếp tục đạt được những thành tựu lớn lao trong việc đào tạo và chăm sóc cho những người yếu thế và đau khổ.
Có thể vài người hay nhiều hơn sẽ đồng ý với luận điểm: không phải là khoa học giải thoát con người: con người được giải thoát bởi hy vọng. Điều này đúng ngay cả đối với thế giới ngày nay. Khi một người cảm nghiệm được chiều kích mới mẽ của mình trong đời, đó là giây phút người ấy được “giải thoát”, là giây phút đem đến một ý nghĩa mới cho cuộc đời. Nhưng chẳng mấy chốc người ấy nhận ra rằng hy vọng được trao ban trên anh ta tự nó không giải quyết được vấn nạn đời mình, chính anh ta là hy vọng tốt nhất cho chính mình và tự siêu độ thăng biến khỏi những ràng buộc của đam mê, bất nhất, quá tin vào ngoại tại và tự giam mình trong gương thần.
Con người cần đến một hy vọng đủ sức cưu mang thực tại toàn bộ cuộc đời mình cách vô điều kiện. Con người cần đến một niềm hy vọng nơi thực tại tuyệt đối vững vàng chắc chắn khiến anh ta dám nói: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực sâu hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, sẽ không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (x. Rm 8,38-39). Nếu niềm hy vọng ấy thực sự tồn tại, với sự chắc chắn tuyệt đối của nó, thì lúc đó –và chỉ khi đó – con người được “cứu rỗi”, dù cho chuyện gì sẽ xảy đến với người ấy trong những điều kiện cụ thể của anh ta.
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI xác tín: Chúa Giêsu Kitô đã “cứu rỗi” chúng ta. Qua Ngài chúng ta trở nên chắc chắn về Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa không phải là một “căn nguyên -“primam causam” xa xôi của thế giới, bởi vì Con một-tự hữu của Ngài đã hóa thành phàm nhân và mọi người có thể nói về Người: “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (x. Gl 2:20). Theo nghĩa này, nếu đúng vậy, thì những ai không biết đến Thiên Chúa, cho dù người ấy có tràn trề mọi loại hy vọng, thì tối hậu cũng chỉ là vô hy vọng, cũng là không có một hy vọng cao cả nâng đỡ toàn bộ cuộc đời (x Ep 2:12). Hy vọng cá nhân chỉ có sức lướt đi qua cuộc đời cách tự do nhưng không nâng cánh bay lên đến sự cao cả thật sự vững vàng. Hy vọng bay lên cao, thiển nghĩ cá nhân, chỉ có thể là một thực tại tối hậu, có thể gọi ngài là “Thiên Chúa” – một vị Thiên Chúa mà Kinh Thánh chép là đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta “đến cùng”, đến khi mọi sự “đã hoàn tất” (x Ga 13:1 và 19:30). Ai bị rung động bởi niềm hy vọng như thế sẽ bắt đầu cảm nhận được “sống” thực sự là gì. Người ấy bắt đầu cảm nhận ý nghĩa của lời hy vọng trong trạng thái viên mãn nhất, toàn bộ đơn giản chỉ là sự sống. Sự sống trong ý nghĩa đích thực không phải là một điều gì chúng ta sở hữu độc quyền hay đến từ chính chúng ta: đó là một quan hệ.
Để hiểu rõ tình trạng khủng hoảng niềm hy vọng hiện nay, cần phải nhìn lại các nguyên nhân sâu xa. Các nguyên nhân đó là: hai cuộc chiến tranh thế giới, các chế độ toàn trị, các ý thức hệ và ý chí thích áp đặt thống trị tư tưởng lẫn hành vi lên tha nhân. Đó là các nguyên nhân khiến cho não trạng con người và xã hội không còn “tìm thấy những hình thức chung sống với nhau, biết tôn trọng những điểm riêng biệt của mỗi người trong thế giới này”, bất chấp mọi tiến bộ đạt được trên bình diện chính trị, kinh tế và khoa học.
Hình như: “con người không còn khả năng tìm lại chính mình” và đã trở thành “một con người hoang mang, lưỡng lự, không có khả năng tìm ra một con đường ra thực sự để thoát khỏi đường hầm của khủng hoảng”. Vào thời đại chúng ta, tính di động lan rộng và sự dễ dàng truyền thông xuyên qua các “phương tiện truyền thông mới” đã hòa trộn các dân tộc, các kiến thức, các kinh nghiệm lại với nhau. Nhưng niềm hy vọng này không thể nảy sinh qua những vấn đề thời sự đang diễn ra, niềm hy vọng ấy diễn ra trong chính nội tâm của con người trong những sự kiện thời sự ấy. Truyền thông không làm nên niềm hy vọng, nó chỉ truyền tải hình ảnh và đóng vai một kẻ tường thuật đơn thuần.
Truyền thông niềm hy vọng mới thật sự cần cho người đau khổ. Bốn thế kỷ đã trôi qua, nhân loại đã tìm được hạnh phúc thật sự? Những cuộc chiến tranh kinh hoàng đã bùng phát, lấy sức mạnh tư tưởng và vũ khí làm phương tiện khẳng định chân lý. Lấy số đông đè bẹp thiểu số. Sự thật nằm trong tay kẻ có quyền lực. Vũ khí càng ngày càng khủng khiếp và con người lao vào cuộc chém giết triền miên, nhỏ lẻ hoặc quy mô với mục tiêu thực hiện chương trình kiến tạo hạnh phúc duy ý chí của phe nhóm mình. Nhưng, thế kỷ 21 được mở đầu với những bài ca hy vọng, những tràng pháo hoa tuyệt đẹp như báo tin hoa hạnh phúc tươi nở cuối chân trời. Hãy tin. Người Kitô hữu, hay người theo Thiên Chúa giáo hiện nay sống trong niềm biết ơn và hy vọng.
Dân Kitô giáo đúng chất chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về sứ mạng, và quyết định làm người Công giáo. Niềm hy vọng cho họ là chính Thiên Chúa. “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (X. Rm 15:13).
Lm FX. Nguyễn Văn Thượng
Gp. Mỹ Tho
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: