Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Với Đức Giê-su Ki-tô, tôi sẽ chọn lẽ sống đúng cho mình

 

 

VỚI ĐỨC KITÔ GIÊSU, TÔI SẼ CHỌN LẼ SỐNG ĐÚNG CHO MÌNH…

 

Biển sóng gọi về tia nắng mới
Tâm hồn đào luyện chuyến ra khơi
Chấp bút đôi dòng lại nghĩ ngợi
Sống sao cho xứng kiếp con người…

 

Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền Viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và hình như muốn khẳng định câu trâm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là: “Có tiền mua tiên cũng được”. Thế nhưng 25 năm sau, những gì đã xảy đến cho tám nhà kinh doanh giàu có này?

 

Charles Schwab, giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác. Samuel Insull, giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi. Hơưard Hopson, giám đốc của một hãng gas lớn trở thành điên loạn. Arthur Cutten, chuyên xuất nhập cảng lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túi. Richard Whitney, giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên. Albert Pall, một nhân vật cấp cao trong Chính Phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng. Người cuối cùng trong danh sách tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng tự kết liễu cuộc sống của mình. (Trích từ sách “Lẽ Sống”, Radio Veritas)

 

Những thương nhân tội nghiệp kia khác ông Philipphê. Niềm khao khát của Philipphê là chính Thiên Chúa Cha: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện rồi.” (x. Ga 14, 8). Ngày nay, có một hiện tượng đáng chú ý là càng lúc có nhiều người tìm về đời sống nội tâm, những bài thực hành thiền định, những lớp học Yoga giúp quân bình tinh thần và tái tạo năng lượng không phải là cách trở về nội tâm và tìm kiếm năng lượng nội tại, thuộc linh đó sao? Trong một thế giới đầy những thực tại ảo, đầy những giả hình và dối trá, nhiều người lừa đảo, những thông tin dối trá, những kẻ giả nhân nghĩa, cuồng tín, việc trở về với nội tâm là dấu hiệu tích cực.

 

Nơi nội tâm, dù qua phương thức thiền định, tĩnh lặng suy nghiệm, Thiên Chúa sẽ có cách riêng để tỏ mình ra cho họ trong sự thật. Tiên tri Hôsê đã được Thiên Chúa cho biết như thế: “Ta sẽ quyến rủ nó, đưa nó vào sa mạc để cùng nó thổ lộ tâm tình”. (x. Hs 3,16). Ngày nay con người bị thu hút về một cõi tâm linh thanh tịnh, hướng đến một thế giới trong suốt phẳng lặng, đầy ánh sáng để soi dẫn bước nhân sinh của mình. Đây thật sự trở nên “sa mạc tâm linh” hấp dẫn để đưa đến Thiên Chúa. Chính Chúa Kitô Giêsu đã luôn thực hành điều này trong suốt cuộc sống rao giảng Tin Mừng: “Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. (x. Lc 6, 12). Hôm nay, người ta chỉ cần bình an, còn Chúa Kitô Giêsu sự bình an ấy là Thiên Chúa Cha. Bình an để đón nhận thực tại và sống chứ không phải bình an ẩn núp, chạy trốn cuộc đời. Người có thói quen “tham thiền nhập định” có phải là “bằng hữu” với Chúa Kitô, có nên gọi họ là “đạo nhân cận Kitô” vì đời sống tâm linh thực hành gần giống như Đức Kitô. Chỉ khác là họ chưa nhận ra được Thiên Chúa Cha như Cúa Kitô Giêsu. Và, có phải Hội Thánh nên cân nhắc một phương pháp “sa mạc tâm linh” hấp dẫn đưa các “đạo nhân cận Kitô” này tiếp cận Thiên Chúa của Tin Mừng trong thế giới hôm nay  - Một cách truyền giáo “bối cảnh tâm linh sa mạc hóa” của tiên tri Hôsê?

 

Đối với người viết, cầu nguyện là cách tiếp cận Thiên Chúa rất hiệu quả. Giáo Hội Công Giáo cố gắng truyền bá dung mạo Thiên Chúa Cha là Đấng đầy lòng thương xót qua cung cách phục vụ bác ái xã hội của mình như một cố gắng rao giảng Tin Mừng về Lòng Thương xót cho thế giới hôm nay. Thế nhưng, lý tưởng nhất để truyền giáo không hẳn chỉ cần hoạt động bác ái xã hội, nhưng thiển nghĩ, trước tiên là có khả năng đi vào chính tâm linh của mình và rồi của đối tượng đón nhận Tin Mừng. Nói cách khác, hãy “Tin Mừng hóa” từ bối cảnh tâm linh và văn hóa của đối tượng truyền giáo là hơn. Khả năng “Tin Mừng hóa” đó chỉ có thể thực hiện bằng thái độ cầu nguyện với Thiên Chúa không ngừng như Chúa Kitô Giêsu.

 

Giáo Hội cố gắng rao giảng sự thật, vì hễ ai nghe sự thật là nghe tiếng Thiên Chúa. Đúng vậy. Nhưng nếu tiếp nối công cuộc của Đức Kitô Giêsu mà “không thể nhìn thấy Thiên Chúa Cha” bằng đời sống cầu nguyện tiếp xúc Thiên Chúa như Đức Kitô Giêsu thì làm sao chúng ta là nhân chứng của Đức Ki-tô – “là con đường, là sự thật và là sự sống” (x. Ga 14,6)? Chỉ cần học thuộc Kinh Thánh và giáo huấn của Hội Thánh, lập luận logic, điều nghiên lên án cái sai của người khác không phải là phương pháp tốt để rao giảng Tin Mừng của Ngôi Lời. Thế giới cũng sẽ chán nản nghe Tin Mừng khi thấy gương xấu trong Hội Thánh của những tâm hồn hủ bại nghiêng về sự dối trá, giả hình, định kiến, hẹp hòi và thiển cận. Những tác nhân xấu đó không khi nào sống đúng thái độ của Chúa Kitô Giêsu. Nhiều khi nỗ lực lập luận là chuyện vô ích. Những việc ấy dẫn chúng ta đi lạc đường, xa lìa đường sống, đường lối chân thật của Thiên Chúa mà chạy theo đam mê “chủ nghĩa tam đoạn luận” hơn là truyền giáo.

 

Sống và khát vọng hiệp thông với Đấng Thiêng liêng (mà tôi thích gọi là Thiên Chúa hơn !) là một nhu cầu bản năng tâm linh. Mọi tôn giáo, và đặc biệt trong toàn bộ lịch sử cứu độ, đều làm chứng cho sự khao khát Thiên Chúa nơi con người. Nhưng chính Thiên Chúa đã đi bước trước, không ngừng lôi kéo mỗi người đến gặp gỡ Ngài cách huyền nhiệm trong việc cầu nguyện. Những tu viện, nhà thờ, cộng đoàn tu khắc khổ, đời sống đan tu nhiệm hiệp trên đỉnh non cao, trong rừng thẳm hay trong sa mạc hoang vu, sống chủ yếu hướng về mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa. Không phải đời sống thành thị thì người ta không có lòng yêu mến Thiên Chúa nhưng cuộc sống chấp nhặt, ồn ào, cạnh tranh, mù quáng, dâm loạn khiến bầu khí tâm linh bị ô nhiễm nặng nề, làn khói tục lụy ảo mờ chân lý khiến những người chân chính cũng mấy phen lảo đảo không biết tìm hướng. Tìm kiếm Thiên Chúa là một nhu cầu chính đáng của lương tâm, của tâm linh và của linh hồn sẵn sàng đi vào đời sống thân mật với Thiên Chúa.

 

Thật vậy. Khi đời sống tinh thần được chan hòa ánh sáng, cuộc sống sẽ vững chãi và bình yêu.  Khi tâm trí thật sự xúc động tận trong sâu thẳm, tình yêu thương được cảm nhận trên trán, trong tim và trên hai bàn tay, tràn ngập hồn sẽ thấy thật nhẹ nhàng thanh thoát đồng thời cảm thụ một niềm an bình sâu xa, một nỗi hân hoan ngoại thường, khó diễn tả. Thiên Chúa – tôi chỉ muốn gọi Người là Thiên Chúa hơn là Thượng Đế, vì Thượng Đế là cách của người không tin Người là Thiên Chúa vũ trụ - với niềm tri ân chân thành và hết sức ngỡ ngàng trước bao việc diệu kỳ nơi đời sống của tôi và trong dòng chảy của đời.

 

Buổi sáng là lời cầu nguyện tha thiết dâng lên THIÊN CHÚA Thương Xót Từ Ái vô biên. Buổi chiều là kêu xin THIÊN CHÚA Thầy Thuốc cho thể xác và cho tinh thần, cho tất cả những ai đang đau khổ và bệnh hoạn tật nguyền, soi sáng dẫn đưa người tội lỗi bước đi trên con đường ăn năn hoán cải. Khát vọng Thiên Chúa xuất phát từ chính con người thật và rất riêng tư của mỗi cá nhân, không ai áp đặt nỗi một “Thiên Chúa” xa lạ với nội tâm của tha nhân được, bởi vì mỗi người chúng ta là một hữu thể duy nhất và cá biệt, không ai giống ai, và Thiên Chúa đã tỏ ra cho con người qua rất nhiều phương thế: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này,Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (x. Dt 1,1-2). 

 

Người ta đưa ra một nhận định có tính khôi hài rằng: “Sau khi Thiên Chúa tạo dựng nên bạn, Người đã đập bể cái khuôn đúc”. Điều này muốn nói lên một sự thực là mỗi người được tạo nên trong một “cái khuôn duy nhất và riêng biệt”. Không bao giờ có một nhân vật nào giống như nhau tuyệt đối. Truyền giáo là đem lại cảm hứng cho tha nhân từ một Thiên Chúa trong chính lương tâm nhân loại chứ không phải “thay thế” hay “cắm” một Thiên Chúa nào khác sau khi “tẩy não” như phương pháp tuyên truyền “quán triệt” của thời đại chúng ta đang sống.

 

Mỗi người trước khi thuyết phục người khác tin đạo, cần phải trở về nội tâm: “khi tạo dựng nên tôi, Thiên Chúa đã có một ý định, một kế hoạch cho riêng tôi, suốt cuộc đời tôi là cả một khát vọng hoàn thành ý định của Người, để đạt tới tầm mức viên mãn như Thiên Chúa muốn trên cuộc đời tôi. Để biết và thi hành ý định của Người, tôi cần thiết phải có mối tương giao mật thiết với Chúa, mối tương giao này giúp tôi biết về Chúa và khám phá chính bản thân tôi.” Đó là công việc của nhà truyền giáo, sống và truyền cảm hứng về Thiên Chúa cho tha nhân, truyền cảm hứng bằng chính cảm hứng từ bản thân mình và đối thoại với tha nhân giúp họ tìm ra cảm thức về Thiên Chúa nơi chính bản thân họ. Điều này đòi buộc sự kiên trì và cầu nguyện không ngừng. Đức Thánh Cha Phaolô VI nhắc nhở phải luôn quan tâm củng cố con người nội tâm của mình: “Sự trung thành cầu nguyện mỗi ngày vẫn luôn là một nhu cầu thiết yếu và phải chiếm vị trí ưu tiên trong đời sống” (x. ĐTC Phaolô VI, Chứng Tá Phúc Âm, số 45). Sự hiểu biết về Chúa có thể được đào sâu bằng nhiều cách, nhưng phương thế cơ bản và thiết yếu nhất đó là sự gặp gỡ cá vị với Chúa. Chìm đắm trong tình yêu Chúa một cách nồng nàn và riêng tư. Chính nhờ sự chú tâm vào sự hiệp thông với Thiên Chúa mà Kitô nhân biết đặt đời mình trong sự thống nhất với đời của Đức Kitô Giêsu – Thiên Chúa thật và là người thật.

 

Thế gian có lôi cuốn, sôi sục thế nào cũng không thể lấy mất khoảng thời gian gặp gỡ Chúa một cách riêng tư nếu mỗi cá nhân còn thao thức tìm kiếm Chúa và thiết lập mối tương giao thân tình và riêng tư với Chúa. Ít ra, sau những mệt mỏi và cố gắng hiện sinh, mỗi người cũng có những khoảnh khắc, những giây phút gặp gỡ Chúa trong giờ cầu nguyện riêng, trong những phút hồi tâm, trong những biến cố xảy ra, trong niềm vui nỗi buồn trải dài trong cuộc sống, những hoán chuyển trong nội tâm, những cảm nhận về nỗi yếu hèn bất trung của bản thân, cảm nhận về tình yêu và lòng thương xót.

 

Những lúc một mình nhỏ bé đứng trước sự bao la của đất trời, trước sự hoàn mỹ của tạo vật, những lúc niềm vui dâng cao hay những giây phút nặng nề của tâm tư, của sợ hãi và chán chường… tất cả mọi hoàn cảnh và tình huống khác nhau ấy đều có thể giúp chúng ta đi vào cuộc trò chuyện và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, lòng kề lòng. Vậy ai sẽ giúp tha nhân hiểu và cảm nhận nếu họ chưa nhận ra? Cần những “nhà truyền giáo” nghiệp dư, đã sống và cảm nhận như thế để “kể lại câu chuyện của Thiên Chúa” bằng chính ngôn từ và đời sống thường nhật với nội tâm ngời sáng, trong sạch của mình sau khi đã được tiếp xúc riêng tư với Thiên Chúa: “tất cả những gì nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều rỉ tai trong ẩn kín, sẽ được công bố trên mái nhà.” (x. Lc 12, 3)

 

Hạt giống của Tin Mừng được gieo vào thế giới, không phải để “cải tạo” thế giới theo ý muốn của Hội Thánh mà là làm theo ý Đấng Cứu Thế, đưa nhân loạivào tình yêu hiệp nhất, nên một trong Thiên Chúa Cha. Như thế, “trở nên Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao thượng, nhưng là cuộc gặp gỡ với một sự kiện, một con người, vốn đem lại cho đời ta một chân trời mới và một hướng đi có tính quyết định”. Và, “Để có thể có ‘cuộc gặp gỡ’ này cùng với Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã dựng nên Hội Thánh của Người. Thật vậy, Hội Thánh ‘hằng khát khao phục vụ cho chung cuộc duy nhất này, là mỗi người đều có thể tìm gặp Chúa Kitô, để Người có thể đồng hành với mỗi người trên đường đời” đưa đến gặp gỡ và kết hợp thâm sâu cùng Thiên Chúa Cha, thực tại tối hậu của vũ trụ và con người.  (x. ĐTC Phanxicô, Tài liệu chuẩn bị “Đại Hội Các Gia Đình trên thế giới” tại Philadelphia).

 

Trong ánh sáng của tình yêu Chúa, nhờ đức tin, có những cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua đời sống tâm linh phong phú mới giúp con người đứng vững và chiếm lấy sự sống đời đời: “…Nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được.” (x. Mt 11, 12). Những biến động trần thế, sự bất an của đời sống xã hội, những xáo trộn do dối trá và thao túng đã chỉ cho nhân loại thấy rõ: chỉ có gặp gỡ Thiên Chúa cách hoàn hảo nhất trong đời sống cầu nguyện mới đem lại bình an cho mình và cho thế giới, đẩy lùi sự ác khỏi nội tâm và kiến tạo hòa bình công lý bền vũng. Những ai càng chìm đắm trong cầu nguyện, càng say mê cầu nguyện. Say mê cầu nguyện, lại càng dẫn ta đến với cầu nguyện chìm đắm. Càng chìm đắm và say mê cầu nguyện bao nhiêu, khuôn mặt Thiên Chúa tình yêu càng hiện rõ bấy nhiêu. Khi đó, sẽ đủ sức để “truyền giáo” hơn.

 

Chỉ có cầu nguyện mới mang lại đức tin. Vì đức tin chỉ có thể vững vàng, khi đức tin ấy xuất phát từ kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, gặp Gỡ Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế của mình. Kiến thức về Thiên Chúa và các bài học tu đức chỉ là bước đầu tiên giới thiệu Thiên Chúa, giới thiệu ta đến với chân trời của đức tin, là khởi điểm cho một nền tảng không biên giới của lòng tin, của tình yêu Thiên Chúa dành cho ta. Cầu nguyện là phương cách giúp ta sống đức tin. Hiểu như thế, ta nhận ra rằng, kiến thức vững về Thiên Chúa chưa phải là cách tốt nhất mang lại đức tin, vì đó chỉ mới là kiến thức mà thôi. Đời sống cầu nguyện mới là điều kiện tối ưu, cung cấp một bằng chứng đức tin vững chãi.

 

Thiên Chúa chính là niềm khao khát của tâm hồn, chúng con khiêm nhường sấp mình quì bên Thánh Thể Chúa và xin dâng lên Chúa trọn cả con người chúng con. Xin Chúa thương sai Thánh Thần Chúa đến hướng dẫn, sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con, giúp chúng con có đủ tư cách, nghị lực và ước muốn lành thánh để lại bắt đầu hành trình đi tìm gặp Chúa. Và xin cho chúng con lên đường truyền giáo sau khi con tim đã được lấp đầy bằng tình yêu Đức Kitô Giêsu, khuôn mặt chúng con toát lên lòng nhân từ đại lượng của Thiên Chúa, và tâm trí chúng con điềm tĩnh, khôn ngoan đắm chìm trong Thần Linh Chúa.

 

“Ðoàn con, Chúa chọn đoàn con để nên các chứng nhân, thành tia sáng, sẽ thành tia sáng chiếu soi muôn dân…Tình yêu, trong nguồn tình yêu, Người tu dưỡng chúng con, nguyện từ đây, khấn nguyện từ đây chúng con trung thành…” (trích bài hát: Lạy Chúa Xin Hãy Sai Đi, tác giả: Hoàng Kim)

 

---

Viết tại Nhà Thờ Thới Sơn

Ngày 19/10/2016

LM. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho