Ki-tô hóa môi trường nhân văn bằng tình yêu
KITÔ HÓA MÔI TRƯỜNG NHÂN VĂN BẰNG NHIỆM CỤC TÌNH YÊU HẰNG SỐNG.
Người bỏ lối đường heo hút
Ta tiễn người qua khúc đoạn đường
Ngày mai, ngày mốt thương lưu giữ
Dẫu màu thu hằn vết tử thời gian…
***
Thư Côrintô viết: “không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (x. 1Cr 2,11). Những nỗi đoạn trường của Chúa Kitô Giêsu và kỳ án oan sai khổ nhục của Người là một mầu nhiệm ẩn kín của Tình Yêu. Chỉ có Thần Khí mới có thể lý giải nguyên nhân vì sao Thiên Chúa lại yêu thế gian đến nỗi hy sinh người con một duy nhất (x. Ga 3,16). Chỉ những ai chịu chung một thống khổ như Đức Kitô Giêsu mới hiểu đầy đủ ý nghĩa đằng sau những đoạn trường của Người, cả vết tử thương cuối cùng trên Thập giá. Những suy tư, lý luận, phân tích của tất cả các sử gia, triết gia, thần học gia chính thống và không chính thống đều chỉ là chuyển thể đau khổ ấy từ sự kiện cụ thể sang ý tưởng và hiện thực hóa bằng ngôn ngữ, và như thế sẽ không còn yếu tính là đau khổ mà chuyển sang lập luận về khổ hình của Chúa Cứu Thế.
Nhiều nhà tư tưởng hiểu rất rõ về hiện tượng Đấng Cứu Thế, cuộc sống và sự chết của Người nhưng họ không tài nào cảm thấu nỗi đau và đi vào hiệp nhất với Người trong nỗi thống khổ đoạn trường ấy. Cho nên, những Kitô hữu cần đến Thần Khí của Đức Chúa để hiểu và sống mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô Giêsu trong tâm tình của chính Người. Sống khiêm nhường, khẩn xin tha thiết với Thần Linh Chúa thì cơ may mới có thể thụ ân điển cho nếm vài giọt trong chén đắng của Chúa Kitô.
Những suy tư cổ thời để ý nhiều hơn đến những đau khổ thân xác của Chúa Kitô, đòn vọt Người chịu, mão gai Người đội, thập tự gỗ người vác nhưng ít chú tập đến nỗi đau trong thần trí và thâm tâm Người. Những phương thức khổ hạnh đánh tội nhặt phép, chay tịnh nhiệm nhặt để phạt xác đền tội là cách suy nghĩ chú ý nhiều đến đau khổ thân xác hơn sự chiến đấu trong tinh thần liên tục.
Để có thể trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong cái chết của Người” (x. 3,10) thì cách “đánh tội” từ bên trong tâm hồn, chấp nhận thua thiệt, hy sinh ý riêng, dẹp bỏ tư thù, vâng phục khiêm nhường, quảng đại tha thứ, diệt đoạn dục vọng mới có thể nhẹ nhàng và nghị lực vác lấy thập giá bổn phận mình mà theo Thầy Chí Thánh. Cũng như một vài hình thức nhiễm lây, phải có một nguyên khởi. Thế vậy vết tử thương của Đức Kitô Giêsu chính là vết “nhiễm lây lạ lùng” khiến ơn cứu độ phát khởi nơi những vết tử thương cuộc đời với những hy sinh âm thầm trong tín thác và yêu mến như Chúa Kitô. Ơn cứu độ từ các vết thương Khổ Nạn của Chúa có thể truyền sang qua tâm hồn đã sẵn sàng chứ không phải qua hình thức đánh tội cho đến tứa máu mà không có sự khiêm nhường từ bên trong với lòng tín thác tuyệt đối nơi Đức Chúa.
Nhiều người phủ nhận việc Đức Kitô chịu đau khổ thật sự trong thân xác. Vì Người là Thiên Chúa, nên không thể có đau khổ thân xác thật sự. Đó là quan điểm của Ảo thân thuyết – Dokétisme vốn cho rằng Chúa không có thân xác thực như ta mà chỉ có “thân xác ảo”, nên chủ trương Người không chịu đau khổ thực sự tuy bên ngoài có vẻ như Người đang phải gánh chịu, sự gánh chịu ấy là một “thực tế ảo” mà thôi.
Các thánh Giáo phụ, những văn sĩ Kitô giáo lừng danh trong lịch sử đồng xác nhận Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người toàn vẹn trong thiên tính, cũng như toàn vẹn trong nhân tính, là Thiên Chúa thật và là con người thật. Đặc tính của mỗi một trong hai bản tính càng được bảo toàn khi tụ hợp với nhau nơi một ngôi vị và một bản ngã...” (x. DS 301-302). Ngôi vị Đức Kitô chấp nhận đau khổ thật sự chứ không phải một “thực tế ảo” như Doketisme nhận định.
Cuộc Tử nạn và Phục sinh là mầu nhiệm cơ bản của Kitô học hữu thể, và là tâm điểm của lịch sử cứu độ; đó là lúc Ngôi vị Thiên Chúa chấp nhận tử nạn trong nhân tính để nhân tính con người bắt được nhịp cầu đi vào thừa tự Thiên Tính như dưỡng tử của Cha Trên Trời. Sách Giáo Lý định nghĩa: “Hội thánh gọi sự kiện Con Thiên Chúa mang lấy bản tính nhân loại để thực hiện trong bản tính ấy việc cứu độ chúng ta..” (số 461). Muốn hiểu phần nào về mầu nhiệm này, trước hết cần phải đi vào chính nhân tính của Đức Kitô bằng việc chia sẻ thập giá với người trong nhiệm vụ hàng ngày với sự hiệp nhất, thống nhất nên một với Đức Kitô để mặc lấy những tâm tình của Người.
Hiệp nhất hay thống nhất với hành vi hiến tế của Đức Kitô có nghĩa là cúi xuống đau khổ dằn vặt của kiếp nhân sinh, mồ hôi máu nhưng vẫn một niềm hy vọng. Tuy nhiên, những đau khổ của nhân sinh khác hẳn với nỗi thống khổ vì tình yêu đến tận cùng như Đấng Tạo hóa với tạo vật. Đức Kitô, qua nhân tính, đi vào trực tiếp hiệp nhất với cộng đồng nhân loại, để nhận loại nhờ hiệp nhất với Ngôi Lời mà nên một với bản ngã Thiên Chúa nơi Đức Kitô Giêsu.
Mầu nhiệm hiệp nhất của Hội Thánh với Đấng Phu Quân kỳ lạ thay lại cốt ở điểm hiệp nhất này. Sự hiệp nhất này là cuộc phối ngẫu ân sủng do ý định của Thiên Chúa Cha. Ý nghĩa là Ngôi Lời vĩnh cửu (và tiên hữu) kết hiệp làm một với Hội Thánh Hiền Thê cách toàn vẹn. Thiên Chúa Ba Ngôi là tác giả của việc kết hợp ấy, vì đó là việc làm nên một nhiệm cuộc sáng tạo mới – ơn hòa giải toàn thể vũ trụ với Thiên Chúa – hữu thể vô thời gian. Nhìn, ngẫm, suy, niệm và sống mới thấy qua biến cố Tử nạn và Phục sinh của Ngôi Hai nhập thể, chính bản thể của Người đảm nhận trong thái độ tuân phục, tín thác chứ không phải “giả đò” như lạc thuyết Doketismé đã nghĩ.
Những cảm nghiệm về cuộc Tử nạn của Đức Kitô nơi mỗi ngôi vị Kitô hữu có thể hiểu như một lãnh vực không thể nào chia sẻ cách đầy đủ bằng ngôn ngữ, nhưng lại cảm thấy nhu cầu và khynh hướng mở ra cho tha nhân. Càng đóng kín trong mình, con người càng bị giới hạn; còn càng mở ra thì càng triển nở phong phú là cách xác tín dẫn đến thực hành của bác ái Kitô giáo trong lĩnh vực tâm linh. Nhận biết và đảm đương cuộc tử nạn Kitô hữu của chính mình cách tích cực và hợp tác với ân sủng là cách đáp trả cho vấn nạn biện chứng ấy. Đức Giêsu không bị giới hạn ở trong chính mình, cuộc Tử nạn của Người không bị giới hạn vào không gian và thời gian lịch sử của thời đại Do thái khi ấy. Cuộc Tử nạn ấy là một biến cố ân sủng tái hiện liên tục cho đời sống Kitô hữu nên phong nhiêu. Nơi hy tế thập giá của Chúa Kitô, người Kitô hữu lãnh nhận khả năng mở con người mình ra cho tha nhân trong niềm đam mê vô hạn. Hy tế thập giá là chiếc chìa khóa thần diệu mở ra tới tận con tim Thánh Phụ Tối Cao và tới tận mọi tạo sinh hữu hình và vô hình. Mầu nhiệm thập giá Đức Kitô có khả năng đón nhận mọi người, và trao ban sự sống Thiên Chúa và Thần Khí cho mọi người. Tử nạn với Đức Kitô mỗi ngày là được sinh ra từ Tình yêu tuyệt đối, tình yêu nhập thể, tử nạn và phục sinh vinh quang.
Càng đi sâu vào trong huyền nhiệm sự tự hủy đến chết trên thập giá của Đức Kitô, thì càng hiểu được rõ hơn vai trò tối quan trọng của hy tế thập giá trong đời sống Công giáo. Do bởi bản tính, Đức Chúa Giêsu đứng “ở giữa” Thiên Chúa và loài người. Người là chiếc cầu bắc ngang giữa bờ thụ tạo và bờ phi tạo, giúp cho con người bước qua được vực thẳm hư vô mà đến với Chúa Cha qua chiếc cầu là cây thập giá đã treo Người lên rất cao trên đồi Golgôtha – ngọn đồi chiến thắng của tình yêu tuyệt đối. Hiến tế thập giá mà chính Người là thượng tế, Người hiện hữu trước tòa Thiên Chúa uy linh nguyện cầu cho chúng ta (x. Dt 4:14─7:28); chiến thắng tuyệt đối trên tử thần, Người là vua trên hết các vua, là chúa trên hết các chúa, Người chi phối lịch sử loài người bằng cây thập giá với trọn vẹn niềm đam mê và tình yêu, yêu cho đến tận cùng (x. Ga 18:37; Kh 5:13).
Hiến tế thập giá đưa một vị Thiên Chúa tham dự trực tiếp và sống động vào lịch sử loài người cách cụ thể, cách chủ động, theo cung cách con người. Theo cung cách “cụ thể” nghĩa là đường lối cứu rỗi qua hiến tế thánh giá là đường lối hữu hình, diễn ra trong giới hạn của lịch sử, qua trung gian cụ thể, và – trong thực tế – một thứ trung gian đó được ủy thác cách vĩnh viễn cho Hội Thánh được “mua lại” bằng giá máu Đấng Cứu Thế hùng tráng. Sự cần thiết của Hội Thánh để “hiến tế liên tục mỗi ngày trên bàn thánh thay cho toàn thể nhân loại” phát xuất từ điểm nền tảng này. Cũng từ đó mà có “nhiệm cục bí tích,” tức là phương pháp cứu độ dùng vật chất và cử chỉ làm khí cụ cho ân sủng. Thiên Chúa, qua mầu nhiệm Ngôi Lời đã mang lấy toàn bộ lịch sử, nên mọi biến cố trong đời sống của Ngôi Hai đều trở thành nhân tố cứu độ: con người được cứu độ qua việc dấn thân vào giữa lòng xã hội, giữa các biến cố lịch sử, ngay trong thế gian, chứ không cần phải “ra khỏi” thế gian. Đời sống hằng ngày trong sự hiệp nhất liên tục với cuộc Tử nạn của Đức Chúa Con chính là môi trường cứu độ với không biết bao nhiêu giá trị và ân sủng.
Tử nạn trong tín thác với hết lòng tận tụy trong công việc cá nhân và xã hội trở thành khí cụ của ân sủng, lối dẫn về với Thiên Chúa, khí cụ chiến đấu với tội lỗi vốn là mối nguy tách ta ra khỏi Người. Chúa Giêsu Kitô phối kết hài hòa trong chính mình các yếu tố cấu tạo mầu nhiệm nhập thể: thần thiêng và nhân loại, xác và hồn, trí thức và lao động, tôn giáo và xã hội, cuộc sống cá nhân và sinh hoạt cộng đoàn, tử nạn đau thương và phục sinh vinh hiển. Mọi nỗ lực của Hội Thánh nhằm mởi một kênh hữu hiệu truyền dẫn “yếu tố kitô” đến mọi ngôi vị, nền văn hóa, bối cảnh xã hội và thời gian, nhờ đó có thể hợp nhất hài hòa mình với môi sinh, với Thiên Thượng để chữa lành vết thương của tội lỗi nằm sâu trong nhân tính và sống niềm thống nhất nội tâm, sống thật với mình và với mọi tha nhân. Nhưng không phải lúc nào Hội Thánh cũng thành công.
Đấng Messia đã chủ động tham dự vào sinh hoạt xã hội. Như thế, ơn cứu độ không phải là chuyện máy móc, phù phép, mang lại kết quả một cách tự động, nhưng đòi phải mở lòng đón nhận Đức Kitô với một thái độ liên đới trách nhiệm và khiêm nhường nội tâm. “Yếu tố Kitô” chính là men đang đổi mới vũ trụ, nhờ thứ men “Kitô hiệp” này con người mới cũng như đất mới, trời mới, sẽ khả dĩ hình thành được. Khi đó, các tín hữu kitô biết ra tay dấn thân tích cực hoạt động giữa cuộc sống trong niềm hy vọng thông phần vào sự sống tích cực nơi Thiên Quốc trong ngày mai, qua chiếc cầu của sự chết vật chất và biến thể trạng thái vật lý.
Vaticanô II cho biết rằng: “…một cách nào đó, Con Thiên Chúa đã kết hợp với tất cả mọi người” (x. Hiến Chế Mục Vụ Gadium et Spes, số 22b). Mầu Nhiệm thập giá không phải là thất bại của lịch sử lòng thương xót mà là chiến thắng khải hoàn của lòng nhân hậu Chúa. Bởi, Thiên Chúa thương yêu hết thảy mọi người (x. Ga 3:16), nên Người tự trao ban chính mình cho mỗi người, mong hòa giải mọi người với Thiên Chúa và với nhau, làm cho ơn liên đới ấy trở thành “môi sinh” của nhân loại mới. Vì vậy, nơi tha nhân, người kitô có bổn phận phải nhận ra sự hiện diện của chính Đức Giêsu để phụng sự thành tâm. Cuối cùng, chân lý chỉ có một: Đức Kitô là nguyên nhân hiệp nhất tất cả trở thành một.
Hiến tế thập giá là một sự hiến dâng bên trong, biểu hiện bằng lễ vật bên ngoài, để nhận quyền năng của Đấng tạo hóa, tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời xin các ơn và đền tội cho ta. Ân sủng Thánh Thần Chúa mạnh đến nỗi với một việc làm, một kinh nguyện, một giọt nước hòa trong rượu cũng đã đủ thể hiện tình yêu và sự hiến mình của Chúa Kitô và của toàn thể Kitô giới. Ngoài Hy tế thập giá của Chúa Giêsu không lễ tế nào hoàn hảo, tất cả hy tế trước đó của con người chỉ là nỗ lực bản năng, luôn bất toàn. Còn hiến tế thập giá của Chúa Kitô tự hiến là lễ tế hoàn hảo nhất, Đấng tế lễ và của lễ là Con Thiên Chúa. Điều này quả là đẹp lòng Thiên Chúa Cha, và như thế thì mới cân xứng với việc đền tội thay cho nhân loại. Việc đền tội này vừa có hiệu quả uyên thâm vừa có tính bao quát vạn năng.
Vì bản chất Thiên Chúa là tình yêu, mà bản chất đó hằng tồn tại nơi Đức Kitô nên hiến tế thập giá nằm tại con tim của Đấng Mêsia, như chính Người vậy. Vì thế, thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (x. 1 Ga 4,8; 4,16) và “Tình yêu của Ngài là nguồn mạch cuộc sống của con người”. Đó là điều cốt tủy của Đức Tin mà mỗi người Công giáo đã được nghe và đã tin ngay từ khi còn non dại. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viết rằng: “tất cả cuộc đời kitô giới là một cuộc hành trình vĩ đại tiến về nhà Cha để mỗi ngày khám phá thêm tình yêu vô điều kiện của Ngài đối với mỗi con người thụ tạo, nhất là đối với đứa ‘con hoang đàng’. Nhân loại chỉ là những đứa con hoang đàng, tội lỗi mà Thiên Chúa luôn hoài khát mong nó trở về”.
Mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh cho chúng ta thấy niềm hy vọng hằng sống bừng lên từ giữa cảnh chết chóc. Khi sự chết trở thành “bí tích của sự sống”, tất cả những gì là bóng tối đang bao phủ loài người sẽ được soi rạng nhờ ánh sáng của Thiên Chúa. Ttừ đây, hết thảy mọi sinh vật mang thân phận khi bước qua cảnh chết để đạt đến sự sống - đều đang sống và tiếp tục sống cuộc tái diễn biến cố Tử nạn- Phục sinh của Đức Kitô.
Mọi sự trong tác động tình yêu và nhân văn đều có thể trở nên dấu chỉ cho mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Đức Giêsu với điều kiện nó đang thể hiện cho sự khao khát vươn lên hòa nhập toàn vẹn, biến toàn thể hữu thể mình tràn đầy “Kitô tính”. Nhờ chính mầu nhiệm này mà toàn thể vũ trụ có nhân loại làm tâm điểm, được biến hóa từ tình trạng manh nha của mầm giống và hình bóng “Kitô tính”, trở thành thân mình của Thiên Chúa, thành “Kitô quyển” – nơi đó nhân loại mới hít thở Thần Khí và sống cuộc sống cao thượng siêu linh. Đấy là nhiệm cuộc tình yêu bao trùm, tràn ngập trong tương lai Kitô giới mà Thiên Chúa đã “khởi động dự án” và “tổng đầu tư” bằng biến cố Tử nạn và Phục sinh của một Ngôi Vị Thiên Chúa.
***
Viết tại Nhà Thờ An Đức
Thứ Tư, ngày 26 tháng 10, năm 2016
L.M Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thượng
Gp. Mỹ Tho
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: