Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bên Đời Không Hiu Quạnh

 

 

BÊN ĐỜI KHÔNG HIU QUẠNH

 

Chúng điểu cao phi tận

Cô vân độc khứ nhàn

Tương khan lưỡng bất yếm

Duy hữu Kính Đình san.    (x.  Lý Bạch, Độc Tọa Kính Đình San)

 

Thế giới ngoại tại vốn cực kỳ tạp diễn, phồn thực và biến dị khôn xiết. Vận động và tồn tại đòi hỏi tất cả những sự vật biến thiên và thích ứng. Thiếu linh hoạt, khó thích ứng, không thể thích nghi khả năng diệt sinh là rất cao. Người ta nói vạn thể hữu sự biến thiên trong dòng luân hồi bất tận. Luân hồi xảy ra từng giây phút, từng sát na – (Sát na là thuật ngữ nhà Phật hay sử dụng, chỉ đơn vị ngắn nhất của thời gian; hay nói cách khác, sát na chỉ thời gian chớp nhoáng của mỗi biến đổi. Danh từ sát na (Khana) được dùng để chỉ thời gian chớp nhoáng của mỗi biến đổi. Theo Abhidhamma Mahàvibhàsa (Đại Trí Luận) những sự biến đổi của hiện tượng giới được giải thích một cách rõ ràng như sau: “Vạn pháp luôn luôn biến đổi, không một vật gì có thể tồn tại trong hai sát na liên tiếp”. Một ngày 24 giờ được tính bằng sáu ngàn bốn trăm tỷ, chín vạn, chín ngàn, chín trăm tám mươi sát na –một ngày bằng 6.400.000.099.980 sát na - NV).

 

Trên dòng sinh diệt liên tục, vô thường chuyển biến liên tục không ngừng trong mọi sự hữu hiện hành. Còn có một loại vô thường khác, gọi là nhất kỳ vô thường, tức là sự chuyển đổi từ một giai đoạn sinh mệnh này sang một giai đoạn sinh mệnh khác mà không có chủ thể biến chuyển, không có thực thể bất biến, không có ngã. Bắt đầu được sinh ra là chấp nhận mặc lấy cho mình sự chuyển hóa. Chuyển hóa từ một giọt máu thành phôi thai, từ phôi thành bào nhi, từ bào nhi thành ấu nhi, trưởng thành va chạm xã hội, khôn ngoan hay đần độn đi để sinh tồn và hoại thân khi đến thời chung mạng. Không ai có thể thoát được vòng chuyển hóa vật chất vô thường: sinh – trụ – dị – diệt.

 

Sự vô thường biến thiên từng sát na hoàn toàn đi ngược lại với lòng trông mong ước vọng của con người. Nhìn những cô gái trẻ trang điểm để đẹp tươi, những phụ nữ trung niên phục sức phấn son để cho mình trẻ lại. Nam nhân cũng muốn mình đẹp, trẻ mãi sống hoài. Sự thể rành rành, ai lại không muốn được sống trường thọ, hưởng vinh hoa phú quý? Họa là những kẻ dở người mới không thấy cần trường thọ hoặc phú quý. Sinh diệt biến hoại xảy ra trong từng giây từng phút. Bởi vậy chỉ trong một khắc thôi thử hỏi con người làm sao có thể tầm cầu được một sự an định và vui sướng thường hằng như kỳ vọng? Hạnh phúc trong nhà đẹp, xe sang, vợ hiền con thảo là ảo ảnh không gian, tất cả sẽ tắt ngúm trước mắt khi ta trút hơi thở sau cùng. Có phải thế không, dòng đời thực chẳng có gì là bất biến?

 

Hãy tự hỏi trong dòng biến thiên ấy niềm vui nào lớn nhất trong đời? Công thành danh toại, giàu sang hay có được điều mình mong muốn, hoặc chiếm được thiên hạ có phải là thành công, vui mừng đủ? Không bao giờ là đủ khi tâm không thể chấp nhận an phận. Rất thường khi có được thứ này chúng ta lại muốn có được thứ khác. Quá trình đuổi bắt cứ kéo dài suốt năm này qua năm khác, chúng ta không dễ gì nhận ra, niềm vui lớn nhất trong đời thực sự là gì cho chính ta.

 

Mỗi người chúng ta đều tự tạo thời tiết, hoạch định màu sắc cho khung trời vũ trụ cảm xúc cho riêng mình. Với nỗ lực sáng tạo, chúng ta có thể mang ánh sáng mặt trời đến trong căn phòng, vẽ vời bày trí theo cách tốt nhất để cảm nhận vẻ đẹp, sự bình an và quý phái. Tâm linh cũng cần những lối thiết kế của chính ta để làm cho tâm hồn chúng ta rạng rỡ mặc cho bất cứ sự cố gì xảy đến trên đường đi của chúng ta. Đường đời đầy bất trắc, mỗi thất bại sẽ để lại thương tổn nhất định làm thất vọng nội tâm sâu xa, cũng có khi ngập tràn nỗi phiền muộn đến mức ta bị kích động mãnh liệt khiến ta khủng hoảng trầm trọng, mất niềm tin và dần dần lui vào sự lãnh đạm để tìm kiếm an toàn tự kỷ.

 

Các triết gia bảo với chúng ta là mỗi người đều có nhu cầu tư hữu, cảm xúc, thế giới tâm hồn cũng đòi tư hữu những xúc cảm tích cực. Kẻ nào hoà nhập được nhân cách và bản tính của mình đồng thời định hướng cuộc đời mình theo “Kitô đạo” thì sẽ cảm nhận được niềm vui bất khả thường vong mà các thánh gọi là Niềm Vui Thánh Thiện. Khi có được niềm vui hướng thượng này thì ngoại tại khó có thể hăm doạ hoặc làm xuyến xao nổi hạnh phúc của ta. Nếu mãi ngóng ngoại giới, trông đợi bên ngoài tới giúp để tìm hoan hỷ thì chắc chắn sẽ thất vọng. Hạnh phúc vĩnh tồn không bao giờ có thể đến từ văn minh vật chất trần gian. Niềm vui không xuất phát từ những gì gặt hái từ vật chất tiện nghi hoặc từ tha nhân ngoại tại mà phải được chính linh hồn tạo ra một khi chúng ta biết tự quên mình để hướng về thượng giới, hòa mình vào nỗi khổ của đồng loại, của môi sinh để cộng tác với ơn Chúa chữa lành.

 

Điều hoà cuộc sống là hướng sức mạnh vị ngã ra bên ngoài để khát vọng và đi trong lý tường. Trong khảo luận mang tựa đề “Republic” (Cộng hoà), Platon có viết về một người suốt đời chạy theo những đam mê điên cuồng đầy nông nổi, bài văn ấy được viết ra cách đây 2300 năm thế mà đến hôm nay vẫn còn chính xác: “Anh ta thường khoái lao vào chính trị, vừa đi vừa nhảy, vừa làm vừa nói bất cứ điều gì hiện ra trong óc; hễ khâm phục một vị tướng là mọi chú tâm anh ta hướng về chiến tranh, còn nếu hâm mộ nhà thương gia thì lập tức anh ta đổi chiều theo cùng hàng ngũ với ông này. Anh ta chẳng hề biết đến trật tự và nhu yếu trong cuộc sống, chẳng thèm nghe bất cứ người nào nói cho anh ta biết rằng một số hoan lạc là phần thưởng của những ước muốn cao đẹp tốt lành, một số khác phát xuất từ những ước muốn xấu xa. Vì thế nên kiếm tìm và khuyến khích số tốt cũng như kiềm chế số xấu. Nghe nói thế, anh ta chỉ biết lắc đầu và nói rằng mọi hoan lạc, xúc cảm khoái trá đều giống nhau và đều đáng được quan tâm y như nhau”.

 

Niềm vui bền bỉ và mãnh liệt nhất chỉ có thể đến với những kẻ sẵn sàng thực hành sự tự chế ngự bản ngã, sẵn sàng chịu đựng sự nhàm chán trong việc tuân thủ một kỷ luật sơ đẳng. Quang cảnh đẹp nhất là được nhìn từ đỉnh núi, nhưng lên được đến đó có lẽ phải chịu lắm gian truân. Niềm hạnh phúc tràn đầy chỉ được cảm nhận đối với kẻ nào biết tự khước từ một số lạc thú chính đáng ngõ hầu đạt được những niềm vui chính đạo, niềm vui đi theo “phi thường đạo”.

 

Trang Tử bảo: “Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai. Dĩ hữu nhai tùy vô nhai, đãi hỷ!” (Cuộc sống của ta có hạn chừng, tri thức vô hạn chừng. Lấy hữu hạn truy vấn vô hạn, chí nguy – NV). Các bậc chân nhân Đông Phương thích lui vào tận cùng sâu thẳm của tâm mình, tận thâm sơn cùng cốc để đối diện với chân tính của mình. Hòa mình trong biến dịch tứ thời trong tận cõi lâm tuyền sơn động mà vẫn vươn lên hòa vào sự mênh mông huyền diệu của ngoại tại thực hữu. Niềm vui được giữ tâm hồn phẳng lặng như gương sáng để nhìn thấy cả thế giới “hiển minh toàn chân – rõ ràng mọi thể”  là tâm pháp mầu nhiệm để vững chãi như tùng lâm, bách sơn uy dũng khí khái. Khi triển hành tâm pháp huyền vi ấy trong đời, tức quán thông tư tưởng tất sẽ hồn nhiên quay về nẻo chân của Đạo.

 

Niềm vui tự tại có ý nghĩa rất sâu xa chứ không chỉ là những tiếng cười giòn giã của khán phòng trước một anh hài có duyên hoạt bát, hay cũng không phải là cuỗm được món hời mà là bông hoa của niềm tin vào Đấng Thiêng Liêng, niềm hy vọng đến được dòng suối tinh ròng của nhân văn hướng thiện, của nẻo Đạo huyền thâm. Nếu chúng ta sống mà không có niềm vui ấy thì cuộc sống quả thật là vô nghĩa.

 

Tôi yêu mến Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận vì khẩu hiệu cho đời Giám mục của Ngài là: “Vui Mừng và Hy Vọng” – vui mừng trong một nội tâm trong sáng mới có đủ khả năng đem lại hy vọng cho những ai tiếp xúc với mình. Đức Cha đã sống khẩu hiệu đó một cách triệt để trong suốt cuộc đời của mình. Ngài có những câu chuyện cười, có cách sống sáng và đẹp với sức sống tin yêu và hy vọng ngay cả trong những thử thách não nề.

 

Xã hội bước trên đường ánh sáng văn minh vật chất, đáng mừng thay. Thế nhưng, sự hùng vĩ của nhân cách không còn được trọng vọng nữa. Dẫu ngành công nghiệp có tạo ra hơn một triệu màu nhân tạo cũng không thể mang lại sức sống mỹ miều như cầu vồng mọc ngạo nghễ sao mưa từ chân trời này đến chân trời nọ. Thế giới cần vật chất, con người cần nội tâm. Giữa những hào nhoáng đêm nay của phố Saigon, ta vẫn nghe một thế giới nội tâm u uẩn khắc khoải của những bác lao công, của những người vô gia cư vật vờ bên hiên hàng quán, hay của những cô gái không may vướng chân vào chốn bụi trần ô nhục loay hoay mãi với chán chường. Hẳn rồi, đằng sau thế giới tồn sinh sắc màu, sang cả là những nỗi trầm tư thăm thẳm trầm mặc nhìn vào nỗi đời dâu bể.

 

Tự nhiên nước mắt của ta rơi xuống đắng mặn trên môi. Ngày xưa, các bậc đạo nhân, và chính Chúa Kitô Giêsu, thầy của ta cũng “khóc với người khóc để giọt lệ vơi đi nỗi đắng cay, cười với người vui để niềm hạnh phúc của họ được luôn đong đầy”. Thầy đã hiến trọn tình yêu ngọt ngào từ trời cao và trao ban cho những người Thầy gặp gỡ. Nhờ đó, hôm nay ta cũng quyết đem tất cả bản thân với những khát vọng, tri thức để hiến tặng nhưng không cho những kiếp đời nghèo khó nội tâm không tìm được điểm tựa. Sống trong kiếp người, đảm nhận tình yêu mục tử, tìm kiếm lẽ đạo và niềm vui tự tại chiến thắng bản thân giúp ta biết thanh luyện ước muốn và hy vọng của mình để ta có khả năng trở thành người “không là của riêng ai nhưng là của tất cả với trọn niềm vui an lạc trên từng bước chân”.

 

Thời gian như ngừng trôi trong thế giới nội tâm và ta muốn hướng mình theo tiếng gọi của vô biên và tuyệt đích. Cầu nguyện là sức mạnh giúp ta vượt qua Sinh tử Kiều – một cây cầu huyền thoại trong võ lâm mà mọi kẻ vượt qua đều phải chết (NV ) với niềm tin và hy vọng vào ý chí Thiên Thần đã được ban cấp thuở tạo sinh. Niềm vui của kẻ du mục này âu cũng là định số để “chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô” (x. 1Pr 4, 13) để con tim nhạy cảm, tâm trí nắm bắt thiện tri thức ngõ hầu dễ dàng đón nhận những khổ đau, những thử thách và bất trắc xảy đến trong cuộc sống rồi ra sẽ dễ dàng cảm thông, chia sẻ với những người đang đau khổ và bất hạnh hơn mình trên nhiều phương diện.

 

Vậy mới thấy, mấy mươi năm thanh luyện đời mình từ ấu nhi đến tuổi tráng niên trong đức tin đã giúp mình trưởng thành hơn. Ta không phải Đấng Cứu Thế nhưng sẽ góp phần cho đời tươi sáng và nhân bản hơn theo cách mà Đấng ấy đã dạy. Tận tụy vì lòng yêu mến với lòng hiểu biết sâu xa và niềm vui tĩnh tại tự tâm sáng ắt sẽ đem lại cho ta niềm hy vọng mạnh mẽ hơn. Phương cách sống của kẻ du mục này không phải là sống “quyền mưu quan trường học” mà phương cách “sống hy vọng”, hy vọng của đạo nhân để cho “phi thường đạo” là “Kitô đạo” ngày ngày lần trong huyết quản và an định với vô biên, thoát vòng kiềm tỏa sát na vô thường để tìm kiếm ý nghìa thường tồn trong “thượng trí minh tâm”. 

 

Trong mùa chờ đợi – Mùa Vọng với niềm vui tuyệt luân được trở lại làm mới chính mình làm phấn chấn thân tâm. Hãy vui lên! Vui, không vì “Nắng tươi đẹp, khung trời rồi rực sáng”. Mà vì, mỗi ngày, Đức Kitô – phi thường đạo đang đến gần hơn với tâm cầu: “Vui lên đi, này đồng hoang cỏ cháy.” (x. Is 35: 1).  “Hãy cứ vui, mà chào đón Đấng Tế Độ nhân danh Chúa ngự đến” (x. Is 35: 2). 

----

L.M P.X Nguyễn Văn Thượng