Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Gốc tích Đức Giê-su

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

GỐC TÍCH ĐỨC GIÊ SU (CN. IV. MV- A)

 

 

Đa phần các tín hữu thời Giáo hội sơ khai không quan tâm nhiều lắm đến cuộc đời thơ ấu của Ðức Ki-tô. Họ tin Người đã sống lại sau khi chết, việc này làm chứng Người là Con Thiên Chúa được Chúa Cha gửi tới. Do đó, phải nghe Lời Người, giữ lệnh Người và chờ đợi ngày Người trở lại. Thánh sử Mat-thêu, khi viết sách Tin Mừng, cũng chỉ quan tâm trình bày những điều ấy. Tuy nhiên, vì  Ðức Ki-tô được sinh ra bởi một người trinh nữ phàm trần, nên phải có chứng tích về nguồn gốc để minh chứng “Ðức Ki-tô là Thiên Chúa thật và là con người thật” (Giáo lý HTCG, số 470).

 

Dựa theo những kiến thức thu thập được và nhất là chứng tích hiện thực nhãn tiền do được Đức Ki-tô thu nhận làm môn đệ, Thánh Mat-thêu đã có được kết quả cụ thể. Bài Tin Mừng hôm nay (CN IV/MV-A – Mt 1, 19-24) là một minh họa: Ông Giu-se, thuộc dòng dõi vua Ða-vít đã đính hôn với Maria là một Trinh nữ được Thiên Chúa tuyển chọn và sai sứ thần truyền tin Mẹ được diễm phúc đón nhận hồng ân cưu mang Con Thiên Chúa làm người. Giu-se thắc mắc, Thiên sứ hiện ra báo tin cho ngài biết người con mà Đức Maria cưu mang chính là Ðấng-Thiên-Sai–mặc-xác-phàm – Người là Thiên Chúa thật và là người thật (xc Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội “Gaudium et Spes”, số 22 – Giáo lý HTCG, số 470). Vậy thì Đức Ki-tô phải có 2 gốc tích: 1- Nguồn gốc Thiên Chúa (Con Đức Chúa Cha, thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần); 2- Nguồn gốc trần gian (dòng dõi vua Đa-vít – thậm chí Giáo hội còn xưng tụng là con vua Đa-vít: “Đức Ki-tô là Con và cũng là Chúa của vua Đa-vít” – Mt 22, 41-46; Mc 10, 48; 12, 35-37; Lc 20, 41-44).

 

Cũng có một thắc mắc cần được giải gỡ: Như vậy, phải chăng thánh sử Mat-thêu mâu thuẫn khi đưa ra hai gốc tích khác nhau như thế? Thánh sử Mat-thêu không mâu thuẫn, nhưng khi trình bày hai gốc tích khác nhau của Chúa Giê-su, thánh sử có một dụng ý thần học: Chúa Giê-su là Thiên Chúa, nên việc thụ thai phải do quyền năng của Chúa Thánh Thần; nhưng Chúa Giê-su cũng là người nên phải sinh ra bởi một con người. Thiên Chúa ban Con Một cho loài người. Đức Maria đã đại diện loài người lãnh nhận; nhưng quyền năng Chúa Thánh Thần tác động trên Đức Maria chỉ diễn ra trong riêng tư, âm thầm. Chính thánh Giu-se đưa Chúa Giê-su ra công khai khi nhận Người vào dòng tộc Đa-vít. Qua trung gian của thánh Giu-se, Chúa Giê-su đã chính thức gia nhập gia đình nhân loại, trong một đất nước, trong một dân tộc, trong một dòng họ cụ thể. Tên tuổi của Người được ghi trong lịch sử của dân tộc, của dòng họ, của gia đình. Vận mệnh của Người gắn chặt với dân tộc, dòng họ, gia đình ấy. Người chính là Emmanuel, là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta".

 

Nhờ đâu mà Thánh Giu-se và Ðức Maria được diễm phúc là những người đầu tiên, đại diện nhân loại tiếp đón Ðấng Cứu Thế? Về Đức Maria thì khỏi cần bàn cãi, vì Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước vô cùng. Tuy nhiên, khi sứ thần truyền tin cho Đức Maria thì “Nghe lời ấy, bà rất bối rối” và “Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Cuối cùng, vì lòng tín phục Thiên Chúa cách tuyệt đối, “bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." (Lc 1, 29-38). Và với hai tiếng “xin vâng”, Mẹ đã hoàn thành xuất sắc sứ vụ cao trọng vô song đó.

 

Riêng Thánh Giu-se, theo như bài Tin Mừng hôm nay (CN IV/MV-A – Mt 1, 18-24), thì: “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (Mt 1, 19). Tại sao vậy? Cũng đã có nhiều bài chia sẻ phân tích tâm trạng của Thánh Giu-se. Sở dĩ thánh nhân – nói theo kiểu ngôn ngữ thời đại – đành ôm hận âm thầm bỏ đi, một phần lỗi là tại Đức Maria. Đúng ra, Đức Mẹ khi được Thiên sứ báo tin thụ thai Con Đức Chúa Trời qua phép Thánh Linh, thì Mẹ phải tìm cách báo tin cho người bạn đời của mình mới phải lẽ. Cũng chỉ vì giữ kín như một sự lừa dối, nên mới khiến Giu-se ôm hận, và nếu như thói thường người đời, thì chắc chắn sẽ có phản ứng mạnh, ít ra là tố giác trước công luận. Còn phần Đức Mẹ, đặt giả thử bị Thánh Giu-se tố giác, thì – theo luật Do-thái thời đó – chắc chắn sẽ bị ném đá cho tới chết.

 

Phiền trách Đức Mẹ theo kiểu suy nghĩ của thời đại hiện nay như vậy thì kể ra cũng quá lạm, nếu không muốn nói là kiến thức hạn chế, là đem “tư tưởng của loài người” bất toàn ra suy luận việc làm của Thiên Chúa. Thánh Giu-se và Đức Mẹ mới chỉ đính hôn, là vợ chồng trên danh nghĩa nhưng chưa sống chung, như vậy thì việc gặp gỡ riêng khó thực hiện được, ngoại trừ những cuộc hội ngộ công cộng trong gia đình hay trong cộng đoàn. Không gặp riêng nhau thì làm sao báo tin? Vả lại, việc Đức Mẹ thụ thai hoàn toàn do thánh ý Thiên Chúa, Đức Mẹ chỉ vâng phục, như vậy thì Mẹ tin rằng Thiên Chúa cũng sẽ báo tin cho Thánh Giu-se biết như Người đã sai Thiên sứ báo tin cho Mẹ. Chắc chắn Đức Mẹ đã tin tưởng như vậy, bởi cũng nhờ niềm tin vững mạnh ấy nên Mẹ mới “xin vâng như lời sứ thần truyền”.

 

Còn Thánh Giu-se – vì là người công chính – nên chỉ chọn giải pháp âm thầm bỏ đi là thượng sách. Tuy nhiên, cuối cùng thì con người công chính ấy cũng không âm thầm bỏ đi, nhờ nỗi lòng thắp sáng một niềm tin và niềm tin ấy đã giải toả mọi thắc mắc, âu lo giày vò tâm trí thánh nhân. Đúng như suy nghĩ của Đức Mẹ, Thánh Giu-se đã được Thiên sứ báo mộng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." (Mt 1, 20-21). Không những sứ thần chỉ báo cho Thánh Giu-se biết Đức Mẹ thụ thai bởi phép Thánh Linh, mà còn cho biết tường tận bào thai Đức Mẹ cưu mang là một “Em-ma-nu-en”, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta"; Người Con mà Đức Mẹ cưu mang chính là Đức Giê-su Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 21). 

 

Rõ ràng nỗi lòng của Thánh Giu-se cũng chẳng khác nỗi lòng của Đức Mẹ. Bối rối và lo âu cũng là lẽ thường tình, nhưng cuối cùng thì niềm tin vào Thiên Chúa đã trấn an tất cả, "Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." (Lc 1, 37). Nỗi lòng của Đức Mẹ và Thánh Giu-se chính là “nỗi lòng không của riêng ai”. Đứng trước những hiện tượng siêu phàm thì tâm trạng chung của phàm nhân đương nhiên là hoài nghi, lo âu, sợ hãi. Duy chỉ có điều, anh có tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa hay không? Anh có tin Thiên Chúa là Đấng toàn năng hằng hữu hay không? Nếu anh tin, anh cứ việc hoài nghi, lo âu, sợ hãi, nhưng đừng quên cầu ngujyện; và Thiên Chúa sẽ mạc khải cho anh hiểu để cứu rỗi anh, giải thoát anh. Cũng bởi vì một “Em-ma-nu-en” tên là Giê-su đã đến, đang đến và sẽ đến cùng chúng ta. Vâng, “Trong đức tin, món quà của Thiên Chúa, một nhân đức siêu nhiên được Ngài truyền cho chúng ta, chúng ta nhận ra rằng một Tình Yêu cả thể đã được ban cho chúng ta, một Lời nhân lành đã được nói với chúng ta, và khi chúng ta chào đón Lời này, là Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, soi sáng con đường đi đến tương lai và làm lớn lên trong chúng ta đôi cánh hy vọng để nó đồng hành với chúng ta.” (Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin “Lumen Fidei”, số 7).

 

Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta tỉnh thức, dọn đường đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh. Đức Mẹ và Thánh Cả Giu-se đã làm như vậy bằng hai tiếng “xin vâng”. Còn chúng ta thì sao? Xin hãy khắc ghi lời dạy của Thánh Au-gus-ti-nô: “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Người”. Đồng thời, hãy mở tâm hồn ra và giãi bày hết mọi nỗi lòng với Chúa bằng một đức tin vững mạnh, và dù cho có băn khoăn bối rối, lo lắng sợ hãi tới đâu chăng nữa, cũng xin hãy nhìn lên mẫu gương tuyệt hảo của Đức Mẹ và Thánh cả Giu-se, mà thưa với Chúa bằng hai tiếng “xin vâng”, vì này, “Nước Chúa đã đến gần”. Alleluia!

 

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Ðức Ki-tô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật IV Mùa Vọng).

 

JM. Lam Thy ĐVD.