Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vì sao gọi là lễ Ba Vua?

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

VÌ SAO GỌI LÀ LỄ BA VUA?                        

(CN CHÚA HIỂN LINH)

 

Trong một cuộc mạn đàm nhân dịp nghỉ lễ Giáng Sinh, một ông bạn già đặt câu hỏi: Trước đây ở Việt Nam thường gọi Chúa nhật kỷ niệm 3 vị đạo sĩ phương Đông tới viếng Chúa Hài đồng Giê-su là lễ Ba Vua, mãi về sau này mới gọi đó là lễ Chúa Hiển Linh. Tại sao lại gọi 3 nhà “đạo sĩ” là ba vua? Tìm hiểu trong Thánh Kinh thì được biết: Nguồn gốc Lễ Ba Vua tới viếng hang đá Bê-lem xuất phát tù Cựu Ước. Bài đọc 1 hôm nay (Is 60, 1-6) là một minh họa: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.” (Is 60, 3). Thánh vịnh 72 (câu 10-11) cũng trình thuật: “Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự.” Như vậy, đến viếng Hài Nhi Giê-su có đủ các thành phần, từ hàng vua chúa tới dân chúng và cả các sinh vật.

 

Theo sách Thánh Kinh tiếng La-tinh thì câu trình thuật sự kiện 3 nhà đạo sĩ phương Đông tới triều bái Hài Nhi Giê-su được viết là: “Cum autem natus esset Jesus in Bethlehem Judæa in diebus Herodis regis, ecce Magi ab oriente venerunt Hierosolymam” (Mt 2, 1). Trước đây, khi chưa có Kinh Thánh tiếng Việt, nên gọi nôm na tiếng “Magi” là “Vua” và gọi lễ này là “lễ Ba Vua”. Còn vì sao không phải là 4 hay 5 vua mà chỉ có 3 vua? Căn cứ theo nhãn giới của ngôn sứ Isaia trong Bài đọc 1 (Is 60, 1-6), nếu đọc cả chương 60 của sách này thì thấy rõ chỉ có 3 sắc dân được trình thuật, mà cũng vì lễ vật tiến dâng thì thấy liệt kê có 3 món mà chỉ có các nhà quyền quý (vua chúa) mới sử dụng, đó là: Vàng, Nhũ hương và Mộc dược. Như vậy thì gọi họ là ba vua là phải lẽ. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là lo xác định họ là vua hay không phải là vua, họ có ba vị hay có thể có nhiều hơn nữa, mà chính là nhãn giới của Giáo hội đã nhìn họ như hình ảnh sống động của những ai có một lòng khát khao chân thành tìm kiếm Thiên Chúa khởi đi từ những tấm lòng thiện hảo, tốt lành. Và phải chăng niềm khát khao tìm kiếm chân lý đó chính là nguồn cội của một đức tin chính đáng?

 

Sau này, ban Dịch thuật Kinh Thánh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịch câu tiếng La-tinh nêu trên là: “Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem.” (Mt 2, 1). Chữ “Magi” được dịch là “nhà chiêm tinh” thay vì “nhà vua”. Nguyên nghĩa tiếng “Magi” là: Người có hiểu biết sâu rộng và chín chắn: nhà thông thái, bác học, hiền sĩ; nhà chiêm tinh. Ngoài ra, ở Ba Tư thời cổ “Magi” được gọi là “thầy Tư tế” (người lo việc phụng tự có khả năng hiểu biết siêu nhiên). Việt Nam dịch “Magi” là: nhà vua, nhà đạo sĩ, nhà chiêm tinh, nhà bác học, nhà thông thái, Trước Công đồng Va-ti-ca-nô II, phổ biến nhất ở VN là “lễ Ba Vua” (vì có 3 nhân vật thuộc hàng vương giả từ Phương Đông nhờ biết xem sao – chiêm tinh – lại rất am hiểu sấm truyền về Thánh Kinh Cựu Ước, nên mới nương theo vì sao lạ, không quản ngại đường xá xa xôi, đến triều bái Hài Nhi Giê-su).

 

Cũng vi gọi là lễ Ba Vua là chú tâm vào người đến triều bái thuộc hàng vương giả, có thể làm cho người đọc, người nghe chỉ chú ý đến “ba vua” mà lơ là đối tượng chính yếu được chiêm bái là Chúa Hài Đồng, nên sau Công đồng Va-ti-ca-nô II, muốn cho mọi người hiểu rõ sở dĩ muôn dân muôn nước (mà đại diện là 3 nhà chiêm tinh, các mục đồng…) đến triều bái Vua Tình Yêu giáng trần, chính là nhờ ánh sáng của vì Sao Chân Lý chiếu tỏa hào quang Thiên Chúa; nên Ủy ban Dịch thuật của HĐGMVN dịch là “Hiển Linh” ( 顯  靈  : bày tỏ sự linh thánh, thiêng liêng). Từ đó, trong lịch Phụng vụ thường xuyên ghi là lễ “Chúa Hiển Linh”. Thông dụng hơn, nhiều người gọi cách nôm na đó là lễ Chúa “Tỏ Mình Ra”.

 

Nhiều người cho rằng lần tỏ mình đầu tiên của Đấng Cứu Thế là Đêm Giáng Sinh nơi hang đá Bê-lem (qua nhạc ca tưng bừng cũng như lời loan báo mầu nhiệm Giáng Sinh của các thiên thần, quy tụ mục đồng và chiên lừa tới thở hơi ấm và triều bái Người), đồng thời – qua vì Sao Tinh Yêu diệu kỳ – soi đường dẫn lối 3 nhà đạo sĩ từ phương Đông đem vàng hương mộc dược tới bái kiến nữa. Thực ra, ngay từ khi mới hình thành bào thai trong cung lòng Đức Trinh nữ Maria, Đức Giê-su Thiên Chúa đã tỏ mình ra khiến một bào thai mới được 6 tháng (Gio-an Tiền Hô) đã nhảy lên mừng rỡ trong bụng người chị họ Ê-li-za-bet, cùng với lời chúc mừng của người chị họ: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em." (Lc 2, 42-45).

 

Cũng không ít người cho rằng Chúa chỉ tỏ mình ra cho 3 nhà đạo sĩ, còn đối với dân Do-thái (cụ thể là dân thành Giê-ru-sa-lem) và nhất là vua-sát-thủ-Hêrôđê thì không có được vinh dự đó. Thực ra, Chúa đã tỏ mình ra cho tất cả mọi người, nhưng vấn đề đặt ra là khi thấy dấu chỉ hiển linh đó, thì con người có tin hay không và đón nhận như thế nào mà thôi. Các đạo sĩ là dân ngoại tin như vậy chỉ vì một ánh sao, còn “dân nội” Do-thái, nhất là đám thượng lưu trí thức tư tế và luật sĩ có sách Thánh và thuộc Thánh Kinh làu làu, lại không nhận ra Đức Chúa vừa giáng sinh. Thánh sử Gio-an đã chua chát thốt lên: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1, 10-11). Họ đã cứng lòng không tin từ lần tỏ mình đầu tiên cho đến biết bao nhiêu lần khác trong suốt 33 năm Ngôi Lời làm người, để cuối cùng đóng đinh treo Người trên thập giá cho đến chết.

 

Còn Hê-rô-đê thì sao? Khác với đa số cho rằng Hê-rô-đê không tin, riêng kẻ viết bài này nghĩ rằng ông ta đã tin lời ba vị đạo sĩ, nên mới "Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu." (Mt 2, 3-4). Nếu không tin thì có cần như thế không? Bình thường, khi nghe hỏi "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?", ai cũng nghĩ rằng đó là chuyện hoang đường, vì đối với xã hội loài người, làm gì có người mới sinh ra đã là vua? Nhưng Hê-rô-đê thì lại tin rằng thực sự đã có một ông vua mới sinh, và vì mới sinh đã là vua nên tất nhiên phải là một vị vua quyền lực thượng đẳng có thể làm cho bạo chúa trở thành kẻ trắng tay. Vậy phải bằng mọi cách trừ khử ngay lập tức từ trong trứng nước kẻ đã dám đe doạ ngai vàng của mình sụp đổ. Tất yếu cơn thịnh nộ của hung thần sát thủ sẽ vô cùng khủng khiếp, hàng loạt hài nhi đã bị tru diệt thẳng tay. Thế đấy! Từ vua quan đến sĩ thứ của một dân được coi là “hàng nội 100%” đã đón tiếp Đức Vua Hoà Bình như vậy đó. Và có lẽ cũng vì thế, nên vì tình yêu bao la không phân biệt nội hay ngoại, Thiên Chúa đã dùng vì Sao Tình Yêu để “tỏ mình cho dân ngoại”.

 

Ba vị đạo sĩ bằng sụ hiểu biết của mình, đã được chiêm ngắm vì Sao đó, và với tâm đia ngay thẳng bộc trực, đã vô tình chọc giận hung thần Hê-rô-đê; nhưng mặt khác lại chứng tỏ cho thiên hạ (kể cả Hê-rô-đê) biết thực sự đã có một vị Con Trời và là Ông Trời thật, giáng trần. Ngày xưa vẫn gọi vua là Thiên tử (con Trời), mà vị Vua ấy sinh tại Do thái nên mới gọi là Vua Do-thái, chớ thực ra vị Vua ấy không phải là Vua Do-thái theo cách hiểu hạn hẹp của Hê-rô-đê (nói chung là của loài người). Người là Vua, mà còn là Vua trên hết các vua trần gian nữa, bởi "Nước tôi không thuộc về thế gian này" (Ga 18, 36).

 

Con người luôn có niềm tin, có tin thì mới sống được. Chính vì thế, nên cần phải xét xem niềm tin đó được thể hiện như thế nào. Tin có một vị vua mới sinh sẽ làm mất ngôi vị độc tôn của mình như Hê-rô-đê, để rồi trở thành kẻ sát nhân máu lạnh khủng khiếp; tin rằng vì vua ấy sẽ làm đảo lộn sinh hoạt xã hội như dân Do-thái, để rồi hoang mang lo sợ và cách này cách khác tiếp tay cho hung thần Hê-rô-đê giết chết đối tượng mà mình đã tin; hay nên tin rằng đó là vị Vua Công Chính, là Cứu Chúa sinh ra để cứu độ nhân loại như 3 vị đạo sĩ phương Đông? Đặt giả thử nếu 3 nhà đạo sĩ cũng bán tín bán nghi như dân Do-thái, thì ánh sao lạ có lôi cuốn được hay không? Chắc chắn đó phải là 3 chiêm tinh gia (biết ngắm sao, biết xem sao) đã tìm hiểu, đã biết và đã tin, và chỉ có như thế thì mới không quản gian lao vất vả, cất công mang vàng hương mộc dược lặn lội từ phương Đông tới để được triều bái Người.

 

Tỏ mình ra cho một dân (dân “nội” đàng hoàng) đã luôn miệng huênh hoang kêu “Lay Chúa! Lạy Chúa!” để khoe khoang về niềm tin của mình, nhưng thực chất trong lòng thì rỗng tuếch. Đừng trách chi tầng lớp bình dân của dân nội (Do-thái), mà ngay cả đến hàng ngũ trí thức, lãnh đạo chỉ chuyên “ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy” (Mt 23, 2) như đám thượng tế, kinh sư cũng cách này cách khác cố tình không nhận ra dấu chỉ tỏ mình của Con Thiên Chúa. Hoá cho nên Thiên Chúa đã dùng ngôi Sao Tình Yêu Bê-lem để “tỏ mình ra cho dân ngoại”. Vương quốc của Vương Nhi Giê-su không bó gọn trong phạm vi Do-thái, mà là “Trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.” (Ep 3, 6). Như vậy thì ngôi sao Bê-lem đã báo Tin Mừng về mầu nhiệm Tinh Yêu được thực hiên khi “Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại” và đó chính là dấu chỉ mầu nhiệm Giáo Hội trong tương lai.

 

Cách đây hơn 20 thế kỷ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tỏ mình ra và được đón tiếp bằng nhiều cung cách: 3 nhà đạo sĩ, các mục đồng tới tung hô triều bái, thậm chí đến cả động vật như chiên, bò, lừa cũng tới để thở hơi ấm cho Vương Nhi Giê-su; nhưng vua quan sĩ thứ của Do-thái thì lại hoang mang lo sợ cho địa vị của mình mà lùng giết Hài Nhi. Tưởng chừng như thế thì không còn lý do gì để Thiên Chúa tỏ mình ra nữa; nhưng trái lại, Thiên Chúa vì tình yêu, vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho nhân loại bằng nhiều hình thức, nhiều dấu chỉ. Chúa đã tỏ mình ra với loài người, với thế giới qua vẻ đẹp của vũ trụ, qua những khám phá, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, qua rất nhiều phép lạ cứu chữa những bệnh nhân, kể cả những người tội lỗi. Không những thế, Người còn tỏ mình ra qua những cử chỉ, những thái độ thành tâm thiện chí của con người, những tấm lòng bác ái, những tổ chức từ thiện trên khắp mặt đất.

 

Chúa vẫn đi tìm con người hơn là con người đi tìm Chúa. Và con người ngày nay đã đón tiếp vị Cứu Chúa như thế nào so với thời điểm tỏ mình ra đầu tiên của Người? Cũng có đủ trạng thái không thua gì ngày xưa: Tuy Giáo Hội của Chúa đã lan toả khắp năm châu bốn biển, nhưng tỉ lệ những người tin vẫn là thiểu số so với dân số thế giới; vẫn còn nhiều những dân ngoại – kể cả dân nội “marque déposée” (nhãn hiệu trình toà) đàng hoàng – hoang mang lo sợ, nhưng lại thờ ơ trước những dấu chỉ, những biến cố mình chứng sự hiện diện của Chúa trên trần gian. Rồi cũng còn rất nhiều những sát-thủ-Hêrôđê-thời-đại cách này cách khác lùng giết Hài nhi Giê-su, đóng đinh Cứu Chúa trên thập ác. Ôi chao! Nhiều, nhiều lắm những nạo phá thai, huỷ diệt trứng, tinh trùng, làm cho chết êm dịu, rồi thì cướp của giết người, tranh bá đồ vương, khủng bố, đánh bom tự sát giết hàng loạt dân vô tội… vô cùng khủng khiếp!!!

 

Ôi! Lạy Chúa Hài Đồng! Ngôn sứ Isaia đã tiên báo từ 5 thế kỷ trước khi Chúa tỏ mình ra tại Bê-lem: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi.” (Is 60, 1). Chúng con biết chắc chắn rằng “ánh sáng của chúng con đã đến rồi” không chỉ bằng vì Sao Tình Yêu Bê-lem, mà bằng chính Ngôi Lời nhập thể và nhập thế làm người cứu chuộc chúng con thoát vòng tội lỗi, để có thể chiến thắng sự chết. Không chỉ cách đây hơn 2000 năm, mà hàng ngày, hàng giờ, Chúa vẫn luôn tỏ mình ra ngay tại cung lòng chúng con, trong gia đình, khu xóm, giáo xứ cũng như trên đất nước chúng con và trên toàn thế giới. Ánh Sáng Tình Yêu vẫn luôn chiếu toả chúng con, hiềm một nỗi là chúng con vẫn chưa thực sự cảm nghiệm được mầu nhiệm ấy mà thực hành Lời Chúa dạy: "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời;" (Mt 5, 15-16), để được như ngôi Sao Bê-lem hiển linh Tình Yêu của Chúa.

 

Ôi! "Kìa trông huy hoàng vì Sao, chiếu soi gần xa khắp miền, nào hỡi mục đồng dạy mau. Chớ lo chi, hãy bình yên. Này đây ta báo tin Vui Mừng, giờ đây trong chốn hang lừa, đã sinh ra chính Vua Muôn Trùng. Mau đến Bê-lem kính thờ... " (TCCĐ “Kìa Trông Huy Hoàng”). Ôi! Lạy Chúa! Con ước ao được là một vì sao thật nhỏ bé (nhưng là bản sao trung thực nhất của Sao Tình Yêu Bê-lem) ở ngay trong gia đình con, để dẫn đường chỉ lối cho con cháu của con biết tìm về Chính lộ: nơi đang sáng tỏ mầu nhiệm Giáng Sinh trong mầu nhiệm Giáo Hội. Và nếu con còn một chút sức lực nào đó, xin cho con được làm một vì sao bé nhỏ trong khu xóm, trong giáo xứ của con nữa. Xin Chúa thương ban Thánh Linh cho con để con có thể làm tròn trách vụ một vì sao Ki-tô hữu trong thời buổi nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn này. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.