Ghen tuông
GHEN TUÔNG
Khác nhau giữa ghen và ghen tuông:
Ghen nói chung là khó chịu, bực dọc với người được hưởng cái gì đó, thường là về tinh thần, tình cảm hay vật chất hơn mình, như nó ghen với em vì em được mẹ bế; ghen tài nhau; “giầu ghen, khó ghét”; thấy bạn được khen mà phát ghen. Còn ghen tuông là ghen trong tình yêu nam nữ, vợ chồng. Đó là định nghĩa chữ ghen và ghen tuông trong tự điển của Viện Ngôn Ngữ Học, do nhà xuất bản Phương Đông phát hành năm 2008. Trong môi trường xã hội hôm nay, người ta thường thấy chữ ghen dùng nhiều trong tình yêu nam nữ, vợ chồng như đánh ghen, ghen động trời, ghen bóng ghen gió, ghen lồng ghen lộn…
Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi chỉ xin đề cập một vài khía cạnh trong vấn đề ghen tuông của tình yêu nam nữ, và đặc biệt là trong tình yêu hôn nhân. Nhất là làm thế nào để ghen mà vẫn giữ được hạnh phúc gia đình. Ta cùng nhìn qua:
Những vụ đánh ghen kinh hoàng khiến dư luận dậy sóng năm 2016.
Người ta thường nói: ghen tuông là gia vị của tình yêu. Nó giúp cho tình yêu được đằm thắm, mặn mà, và bền vững, nếu người ta biết ghen tuông một cách tinh tế nhẹ nhàng và phải cách. Ngược lại, chính ghen tuông đã gây ra bao vụ đánh ghen chết người, gây thương tích cho bao nạn nhân, làm ly tán bao mối tình, bao gia đình tan hoang, để lại con cái cù bơ cù bất, nheo nhóc đầu đường xó chợ thảm thương! Ta cùng điểm qua một số vụ đánh ghen kinh hoàng làm dậy sóng năm 2016:
“Rạch mặt tình địch, lột quần áo giữa phố, cắt phăng “của quí”… là những hành động kinh hoàng mà rất nhiều người đã hành xử trong lúc cơn ghen tuông lên đến đỉnh điểm”. Đó là một tít lớn trong báo Dân Trí ngày 03 tháng 01 năm 2017.
Dùng dao rạch mặt tình địch
Vào tháng 10 năm 2016, vụ đánh ghen xẩy ra ngay trên đường phố tại xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Chị N H T M (sinh năm 1986) đã được bố ruột nắm tóc tình địch, là cô H T B T (sinh năm 1989) để chị N H T M dùng dao lam rạch mặt tình địch. (Dân Trí 03-01-2017)
Vào nhà nghỉ cắt “của quý” của tình địch
Tháng 9 năm 2016 tại Bắc Giang, anh Nguyễn Văn Huân (sinh 1987) phát hiện vợ ngoại tình với anh Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1985). Anh Huân ép vợ nhắn tin hẹn anh Hòa tới nhà nghỉ để nói chuyện. Khi giáp mặt, hai người đàn ông cãi vã kịch liệt. Anh Huân đè anh Hòa xuống giường rồi dùng dao cắt “của quí” của tình địch. (Báo Dân Trí 03-01-2017). Cùng một số vụ đánh ghen khác cũng được báo Dân Trí đưa tin như: Nhảy lên nóc capo, đập vỡ kính xe Mercedes vì thấy bạn trai đi với người khác. Màn đánh ghen trên xẩy ra tại đường Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm giữa thủ đô Hà Nội vào tháng 6 năm 2016; lột đồ tình địch giữa đám đông đã xẩy ra ở Hưng Yên tháng 9 năm 2016.
Ngoài ra, qua các thông tin đại chúng, báo đài, sách vở, và thực tế, ta còn thấy hàng ngàn vụ đánh ghen khắp nơi trên đất nước, từ nông thôn đến thành thị cũng rất thâm độc dã man như: Tạt axít vào mặt (Cẩm Nhung); đâm chém nhau; nam còn bị cắt “của quí” (Riêng bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM đã thực hiện ghép nối 30 trường hợp quí ông bị vợ cắt đứt “Cậu nhỏ” (Yên Phong, báo Lao Động); còn nữ thì bị lấy keo sắt, dán vào nơi kín (Cánh Đồng Bất Tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư); rồi ghen vô lý, ghen bóng ghen gió, ghen lồng ghen lộn vô căn cứ…
Ghen tuông như những mẫu chuyện nêu trên, đã gây ra đổ bể gia đình, và làm tan tác bao mối tình, dẫn đến hồi kết của tình yêu một cách bi thảm. Và trên hết nó phi đạo đức, mất nhân tính. Điều đó chắc hẳn cần phải tránh, và cần cố gắng ngăn ngừa không để xẩy ra trong xã hội bằng cách giáo dục, hay có luật pháp bảo vệ và răn đe.
Ta cùng tìm hiểu cách ghen tuông kinh điển, nổi tiếng đã lưu truyền khắp nơi từ giới bình dân đến giới trí thức trong xã hội Việt Nam hàng mấy thế kỷ nay. Đó là cách ghen tuông của Hoạn Thư trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du (1765-1920)
Ghen như ghen hoạn thư
Khi tác phẩm Kim Vân Kiều, còn gọi tắt là truyện Kiều của cụ Nguyễn Du ra đời, thì gần như những ai đã đọc qua, đều ấn tượng sâu sắc với cách đánh ghen của Hoạn Thư. Vì thế, từ bao thế kỷ nay người ta đã nói: “Ghen như ghen Hoạn Thư”.
“Có nhiều người cho rằng: Hoạn thư là con người thâm độc, nham hiểm, tàn nhẫn khi hành hạ Thúy Kiều. Vì thế, tên Hoạn Thư đồng nghĩa với việc ghen tuông độc ác của một người đàn bà” (nhà phê bình văn học Tạ Quang Khôi).
Ngược lại, ngay nay, có nhiều nhà phê bình đã phân tích rạch ròi, tường tận để nhận ra cái “nhân từ độ lượng” (Tạ Quang Khôi) trong việc đánh ghen của Hoạn Thư, hơn hẳn cách đánh ghen độc ác ở nhiều người trong xã hội ngày nay. Cách đánh ghen của Hoạn Thư cần được xem xét, phân tích và học tập…
Xin được góp một vài nhận xét làm rõ nhận định trên. Thời vợ chồng Thúc Sinh và Hoạn Thư trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, nước ta là nước phong kiến, “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”. Thúc Sinh chỉ cần mạnh dạn báo với Hoạn Thư thì Hoạn Thư sẵn sàng nhận Thúy Kiều. “Ví bằng thú thực cùng ta/ Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên” (Kiều). Tiếc rằng, Thúc Sinh lại nhút nhát không dám mạnh dạn bầy tỏ với Hoạn Thư như Kiều đã căn dặn, trước khi chàng trở về gặp Hoạn Thư: “Đôi ta chút nghĩa đèo bồng/ Đến nhà trước hãy nói sòng cho minh/ dù khi sóng gió bất bình/ Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi/ Hơn điều giấu ngược giấu xuôi/ Laị mang những việc tày đình đến sau” (Kiêu). Chính vì thế, mà Hoạn Thư mới bày kế đốt nhà của chàng tại Lâm Truy và cho một xác vô thừa nhận vào nhà cho cháy rụi, coi như Kiều bị chết cháy. Đội “Biệt kích” của Hoạn Thư bắt cóc Kiều đem về Võ Tích để hành hạ. Đây quả là một trò chơi ghen tuông độc đáo của Hoạn Thư nhằm vào Thúc Sinh nhiều hơn vào Kiều. Trò chơi đến lúc hấp dẫn là Hoạn Thư gọi Thúy Kiều, Osin mới trong nhà ra hầu rượu vợ chồng nàng, khiến Thúc Sinh chết đứng: “Vợ chồng chén tạc chén thù/ Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi/ Bắt khoan bắt nhặt đến lời/ Bắt qui tận mặt bắt mời tận tay…” (Kiêu). Và đỉnh điểm là Hoạn Thư bắt Kiều gẩy đàn hầu rượu hai vợ chồng nàng: “Bốn giây như khóc như than/ Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng/ Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm” (Kiều).
Tính nhân từ độ lượng của Hoạn Thư được thể hiện ở chỗ, là bằng lòng cho Kiều đi tu theo mong ước của Kiều, và để Kiều trốn khỏi “Quan Âm các” mang theo chuông vàng khánh bạc để Kiều không thể trở lại gặp Thúc Sinh nữa, như lời khuyên của chính Thúc Sinh đã vụng trộm thăm Kiều, khi Hoạn Thư vắng nhà: “Liệu mà xa chaỵ cao bay/ Ái ân ta có ngần này đấy thôi”. Và cũng chính tính nhân từ và độ lượng đó, mà Thúy Kiều khi lấy Từ Hải, ngồi ghế chánh án không thể trừng phạt hay cầm tù Hoạn Thư như ý định ban đầu, mà buộc Kiều phải tha bổng Hoạn Thư trong vai trò bị can lên tiếng: “Rằng tôi chút phận đàn bà/ ghen tuông thì cũng người ta thường tình/ Nghĩ cho khi viết gác kinh/ Với khi bỏ cửa dứt tình chẳng theo/ Lòng riêng riêng những kính yêu/ Chồng chung chưa dẽ ai chiều được ai/ Trót lòng gây việc chông gai/ Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng” (Kiều).
Ta có thể nói, mục đích ghen tuông chính đáng của Hoạn Thư đã thành công mỹ mãn là giữ được chồng, và cho tình địch một đường thoát thân êm thắm, có cơ hội làm lại cuộc đời. Tình địch không còn ý tưởng trở về với chồng nàng. Cách đánh ghen thật tinh tế, sâu sắc mang tính nghệ thuật cao, đầy nhân từ và độ lượng. Đánh ghen kiểu Hoạn Thư còn góp phần làm cho hai câu thơ kết trong truyện Kiều của tiên sinh thêm ý nghĩa: “Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” (Kiều). Thật tài tình!
Lời kết
Ghen tuông là bản năng, mà Tạo Hóa đã ban cho con người nhằm duy trì hạnh phúc trong hôn nhân. Nhưng ghen tuông như thế nào để hạnh phúc gia đình mãi bền vững là vấn đề cần đặt ra, chúng ta cần học tập để thực hiện. Những mẩu chuyện ghen tuông độc ác kể trên chỉ là phần nhỏ trong muôn vàn câu chuyện ghen tuông độc ác đang diễn ra trong xã hội hôm nay, ta cần tìm hiểu để tránh vấp phải. Đồng thời, ta cũng cần tìm hiểu học hỏi những cách ghen tuông, mà hạnh phúc gia đình vẫn được bảo đảm như: Tỉnh táo và thông minh trong ghen tuông; ghen tuông là một nghệ thuật sống để bảo vệ hạnh phúc gia đình; cần tìm hiểu nguyên nhân của ngoại tình (đàn ông cũng như đàn bà) để kịp tự sửa chữa bản thân về ngoại hình, cũng như tính tình, và cách cư sử trong đời sống vợ chồng, và gia đình hai bên…Để mình vẫn mang tính hấp dẫn với người phối ngẫu của mình…
Ngoài ra, người Công giáo cần thiết tha cầu nguyện để xin Chúa soi sáng cho ta “biết việc phải làm, cùng khi làm” và tuyệt đối tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, vì Chúa đã phán: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7, 7). Tôi tin tưởng rằng với lời cầu nguyện thiết tha, bền bỉ và sốt sáng, sóng gió nơi gia đình sẽ qua đi, và hạnh phúc gia đình, một vợ một chồng mãi bền vững theo đúng luật Chúa đã dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân ly” (Mc 10, 9).
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: