Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vời vợi sáng, một trời hương gió vàng

 

 

Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần thứ 6 mùa Thường niên năm A 12/02/2017

 

“Vời vợi sáng, một trời hương gió vàng”
Ngàn sao bâng khuâng trên bên sông Ngân.
Lời suối réo đàn lệ hoen tà áo.
Đôi mắt giai nhân tìm đâu giữa trời sao.”

(Lê Trọng Nguyễn – Sao Đêm)

 

(Cv 15: 8-9)


Sao đêm, mà sáng thế sao? Mắt giai-nhân, tìm đâu giữa trời sao ư? Quả thật lạ, một điều lạ ở chốn gian trần này. Điều lạ đây, là điều ít thấy ở đâu đó, mà chỉ có ở thi-ca/âm-nhạc, như nghệ sĩ nhà mình lại diễn tả nhiều hơn nữa, như sau:

 

“Đồi lạnh vắng!

Lạc loài ta với đàn.
Hồn thơ lâng lâng theo áng mây hoang.
Lời gió hú buồn.
Biển sao gợn sóng.
Thuyền trăng đưa khách lạc giữa đại dương.

Ôi cánh sao đẹp xa cuối trời di về đâu.
Đêm quá sâu hồn ta rã rời trong trời nâu.
Tìm em không gian hồ đồ vỡ theo tinh cầu bay.
Thời gian tím ngắt như đêm nay.

Vội vàng hái cả trời sao chín mọng.
Mà ôi thiên thai sao tắt mây vương.
Lạc bước thiếu tài nhạc lôi rượu cuốn.
Người yêu xa mãi tìm gió ngàn phương.

(Lê Trọng Nguyễn – bđd)

 

Đó, mới là chuyện lạ ở đời, rất con người. Thế còn chuyện lạ ở nhà Đạo thì sao? Nhà Đạo, nay lại thấy đôi điều cũng rất lạ, chỉ mới xảy ra thôi nhưng cũng đã có lời nhỏ/to to/nhỏ vẫn cứ hỏi đấng bậc trong Đạo. Hỏi, là hỏi về một sự lạ ít thấy ở nhà Đạo, nay xuất-hiện trên báo chí như sau:

 

“Thưa Cha,

Mới đây, trên cột 8 của báo này, con thấy có đến 4 Đức Hồng Y nhà Đạo mình lại đã gửi thư lên Đức Phanxicô bày tỏ đôi điều mà xem ra các ngài không đồng ý cho lắm. Con thấy đây là hiện-tượng ít thấy xảy ra trong giới lãnh-đạo Công giáo của ta. Vậy, xin hỏi cha: trong trường hợp này, con phải suy-tư nghĩ ngợi sao cho phải lẽ, khi con thấy ngay như Hồng Y/Giám mục mà còn bất-đồng với nhau nữa, thì nói chi là giáo-dân! Xin cho con đôi lời giải-thích để con còn biết đường mà tôn-trọng các ngài, chứ.” (Người viết thư quên ký tên nên không biết là nam hay nữ).

 

Có ký tên hay không ký, miễn là anh hay chị cứ bày tỏ những điều mình nghĩ, thế thì tốt. Tốt hơn nữa, nhờ có anh/chị hỏi nên cha đạo mới giải-thích theo kiểu “huề vốn” cho đỡ “bận lòng tướng quân” cũng rất đạo. Thôi thì, ta cứ mở rộng vành tai ra mà nghe những lời “huề vốn” huề cả làng, cho được việc.

 

Đấng bậc vị vọng ở Sydney, nay đã sẵn sàng trả lời rất như sau:

 

“Hãy cho phép tôi trở về với nguồn gốc của cuộc tranh-luận xuất tự câu nói của Đức Phanxicô viết trong Tông-thư ‘Amoris Laetitia’, chương 8 nói về việc giúp đỡ các cặp phối-ngẫu đang sống trong tình-cảnh khá bất thường. Các cặp này, gồm cả những người từng ly-thân/ly-dị và nay sống với đối-tác mới nhưng không có bí-tích hôn-phối, và cả những người chưa từng lấy nhau, nhưng vẫn ở với theo kiểu “sự đã rồi” có tương-quan xác thịt. Nhưng, các cặp như thế có được phép rước Mình Máu Chúa không? Cho đến nay, truyền-thống cho biết: họ không được phép lên rước lễ, như thế.

 

Thật ra, trong Tông Thư ‘Amoris Laetitia’ Đức Giáo Hoàng Phanxicô không viết điều gì đi ngược lại truyền-thống giáo-huấn của Hội-thánh, hết. Thế nhưng, một số thần-học-gia cũng như Giám-mục ở đây đó, lại đã giải-thích lời lẽ viết trong Tông-thư này khiến người đọc hiểu theo cách khác nhau và trái-nghịch rằng trong tình-cảnh nào đó, các cặp này có thể rước Mình Thánh Chúa vào lòng, trong khi một số vị khác cho rằng không thể thế được. Điều nguy-hiểm là các nguyên-tắc nền-tảng về thần-học luân-lý vững chắc hằng nhiều thế-kỷ, nay bị xét nghiệm.

 

Trong nỗ-lực phá bỏ sự lầm lẫn về vấn-đề quan-trọng như thế, 4 vị Hồng y đã viết thư xin Đức Giáo Hoàng và Thánh-bộ Giáo-lý Đức tin ban lời giải-thích hầu làm sáng-tỏ sự việc. Như đã biết, đây là sự việc hoàn-toàn chính-đáng, bởi lẽ Giáo hội ta vẫn từng làm như thế trong rất nhiều trường-hợp. Giả như Đức Giáo-hoàng hoặc thánh-bộ Giáo-lý Đức Tin chọn cách trả lời cho các ngài, thì sự việc sẽ kết thúc mọi tranh-luận có thể có. Trong khi đó, thì sự việc nói ở đây vẫn tiếp tục diễn tiến.

 

Cũng nên biết là các tranh-luận/bàn cãi trong Giáo hội không phải là chuyện mới xảy ra. Ngay từ thời đầu của Giáo hội, ta đọc sách Tông Đồ Công Vụ cũng thấy rõ là có sự bất-đồng quan-điểm về chuyện người ngoại trở lại Đạo có buộc phải chịu phép cắt bì hay không. Có một số vị thuộc Giáo-hội Antiôkia vẫn chủ-trương buộc phải như thế; nhưng sách Công Vụ lại kể rằng:

 

“Ông Phaolô và ông Banaba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Banaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.” (Cv 15: 2, 7)

 

Kể từ đó, mỗi lần có Công đồng Đại-kết, các Giám-mục lại bày-tỏ ý-kiến khác nhau về nhiều vấn-đề này. Đây là chuyện tự-nhiên và bình thường bởi lẽ mỗi vị Giám mục nhìn sự việc theo tầm nhìn riêng của các ngài. Sau khi lắng tai nghe các quan-điểm rất khác-biệt, các Giám-mục đi đến quyết-định chung. Đây là lề-lối Giáo-hội của ta thực-thi mọi chuyện dưới sự hướng-dẫn của Chúa Thánh Thần.

 

Trong Tông thư Amoris Laetitia, Đức Giáo Hoàng có nói là vấn-đề đặt ra tại Thượng Hội Đồng Giám-mục thật phức-tạp để rồi các ngài cùng đưa ra một tài-liệu “bộc-lộ nhu-cầu cần tiếp-tục thảo-luận cách cởi-mở về một số vấn-đề mang tính-chất tín-điều đạo-đức, thiêng-liêng và mục-vụ. Tư-duy của các vị mục-tử và thần-học-gia , nếu là tín-hữu trong Đạo, đều chân-phương, thực-tế và sáng tạo, sẽ giúp ta có tầm nhìn sáng-sủa và cao-cả hơn.

 

Vào lúc đó, Đức Giáo-Hoàng lại đã mô-tả sự đa-dạng về quan-điểm/lập-trườngkhi đề-cập đến vấn-đề này, rằng: “Các cuộc tranh-luận còn được cung-cấp cho giới truyền-thông và một số cơ sở còn phổ-biến trên báo/đài ngay đến các vị thừa-tác-viên cũng bày-tỏ niềm ao-ước có sự thay đổi toàn-bộ nhưng chưa suy-nghĩ đủ hoặc không có lý-do chính-đáng, hoặc có động-thái muốn giải-quyết hết mọi sự bằng việc áp-dụng luật chung hoặc xuất tự những kết-luận do lập-trường thần-học không phải phép.”

 

Vâng. Giáo-hội ta buộc phải thảo-luận một cách cởi mở, nhưng vẫn trung-thành với giáo-huấn của Hội-thánh với lòng bác-ái và tôn-trọng người khác chính-kiến. Đây không hẳn là trường-hợp xảy ra,

 

Vậy thì, là giáo-dân bình-thường, ta phải xử-sự ra sao khi các cuộc bàn-cãi gay-gắt vẫn tiếp-tục? Câu nguyện và cầu-nguyện, là điều tốt nhất. Câu chuyện bàn-luận ở đây là vấn-đề nền-tảng. Thế nên, điều quan-trọng là các mục-tử phải áp-dụng nguyên-tắc đạo-đức của Giáo hội Công giáo và giáo-huấn về các bí-tích một cách thích-đáng.

 

Thế nên, cũng giống thời trước, việc cần-thiết đối với các tín-hữu trong Hội-thánh là ta phải cầu nguyện sao để các vị có trách-nhiệm trong sự việc này, biết lắng tai nghe tiếng Chúa và hành-xử cho phù-hợp với nguyên-tắc đặt ra. Hệt như Giáo-hội thời tiên-khởi vào lúc thánh Phêrô đấng Chủ-quản đầu tiên của Giáo-hội bị Hêrôđê giam-giữ, đã được toàn thể Giáo-hội cầu nguyện để ngài xứng-đáng với chức vụ mà Hội-thánh Chúa giao-phó.” (X. Lm John Flader, Differences of opinion in the Church? It is nothing new or unusual, Question Time, The Catholic Weekly 18/12/2016 tr. 28)

 

Nghe giải-đáp những lời trên, bần đạo bầy tôi đây lại suy-nghĩ cũng hơi khang-khác. Khác ở chỗ, lâu nay vẫn hiểu rằng: tín-hữu nhà mình xưa giờ vẫn quan-niệm chuyện thần-thiêng thánh-hoá vẫn thể-hiện ở nhiều nơi, nhiều đạo-giáo, có khi ở Cựu-Ước có Môsê, Êlya và các ngôn-sứ mà người xưa cứ gọi là tiên-tri biết trước mọi sự và báo trước mọi điều xảy đến với Giáo-hội.

 

  1. nữa, tín-hữu thời nay lại vẫn hiểu: các đấng bậc thánh-thiêng hiền lành vẫn hiện-diện ở tôn-giáo bạn chứ đâu chỉ mỗi Công-giáo và Do-thái-giáo mình, thôi. Xem thế thì, nhiều khi thành-viên Giáo-hội ta có bất-đồng chánh-kiến hay sao đó, vẫn nên hiểu rằng: Đức Chúa của ta vẫn ở với và ở cùng chúng ta, là những con người thực bất kể có khác nhau về chánh-kiến hoặc về bất cứ điều gì.

 

Cứ hỏi và đáp theo kiểu trên, thì đến khi nào mới hết chuyện. Chi bằng, hãy mời bạn/mời tôi, ta cứ nghe thêm câu truyện kể ngăn-ngắn nhiều ý-nghĩa, để có hứng mà bàn tiếp. Truyện kể, là truyện như thế này:

 

“Có gã thanh niên còn trẻ đến gặp một ông già để hàn huyên, cho quên buồn. Đang huyên-thuyên khoe trình-độ hiểu/biết của mình hơn nhiều người thấy rất rõ, gã thanh niên bèn rủ ông cụ già mà nói rằng:

-Tôi với ông, ta hãy so kiến-thức xem ai hơn ai nhé. Chỉ mỗi việc, là: tôi đố ông, ông đố tôi qua lại, là xong. Thấy ông cụ già còn đắn-đo, gã thanh-niên bèn đưa thêm điều kiện cho thêm phần hung tráng, rất kịch tính:

-Nếu ông thắng, ông sẽ được 10 đô. Nếu ông thua, thì chỉ mất có 1 đô thôi. Dễ quá chứ nhỉ?

-NhẤt trí! Anh ra câu đố trước đi.

-Câu đố là thế này: tay nào lên vũ trụ đầu tiên?

Ông giả không trả lời, cứ lẳng lặng rút tờ 1 đô trả cho gã trẻ tuổi. Được việc, hắn ta bèn đố tiếp:

-Thế ai là người đầu tiên phát-minh ra luật bảo-toàn khối-lượng?

-Đành chịu! Lại tờ 1 đô nữa, ông già giơ ra cho anh ta.

-Thôi anh đố nhiều rồi, để tôi đố anh một câu có được không?

-Đồng ý hết mình.

-Con gì lên đồi bằng 2 chân, còn xuống đồi bằng 3 chân?

Suy nghĩ một hồi lâu, gã thanh-niên quyết định rút tờ 10 đô ra đưa cho đối thủ và hỏi lại:

-Không biết. Thế đó con gì thế hả ông?

Ông già lẳng lặng rút tiếp tờ 1 đô ra đưa cho gã trẻ tuổi…” (Truyện kể lượm lặt ở trên mạng)

 

Đúng thế. Cứ đưa ra tờ 1 đô xong là vui cả làng. Chẳng ai khiếu nại hoặc vấn-nạn ai đúng ai sai, dù đó là hồng y, giám mục hay giáo-hoàng. Bởi, có là giáo hoàng đi nữa, rất nhiều chuyện cả ngài và đầy tớ hoặc vua quan lãnh chúa ở quanh đó, cũng đâu rành rẽ, hết mọi chuyện. Chi bằng các vị cứ trao nhau tờ 1 đô, suốt đời để tới khi gặp gỡ thánh Phêrô ở đâu đó, sẽ không có gì mà hối tiếc với hối hận.

 

Chuyện đời ở đâu cũng thế, kể cả nhà Đạo, cũng vẫn có những điều khó hiểu, dù đã nói ra bằng lời hoặc còn giữ kín trong bụng. Hay nhất, là làm như nghệ sĩ viết nhạc, cứ ngước mặt nhìn trời nhìn ngắm “Sao đêm” rồi ghi lại những tiết điệu cùng ý/lời như sau, là hay nhất. Ý và lời, những hát rằng:

 

“Còn gì nữa?
Tuổi vàng qua mất rồi
Làn môi khô khan câm nín đau thương
Và tóc rối bời hồn đang lạnh trống
Đôi mắt mơ xanh mờ theo ánh tà dương

Chờ gì nữa?
Nửa trời sao úa rồi
Vì sao em quên câu hát yêu thương?
Tìm ít gió lành còn trong cuộc sống
Dìu nhau qua bến vượt sóng đại dương

Em, cánh sao mờ xa cuối trời đi về đâu?
Em biết chăng hồn ta rã rời trong sầu đau?
Tìm em không gian hồ đổ vỡ, theo tinh cầu bay
Rồi đêm gối sách mơ trăng sao

Còn gì nữa?
Bầu trời rạn nứt rồi
Đường lên thiên thai sao tắt mây vương
Lạc bước, thiếu tài, nhạc lôi rượu cuốn
Người yêu xa mãi tìm gió ngàn phương

(Lê Trọng Nguyễn – bđd)

 

Hát thế rồi, nay đề nghị bạn và tôi, ta phiếm thêm bằng giòng chảy truyện kể cũng đáng nể, để rồi sẽ không còn bối rối với người đời thường hoặc thắc mắc chuyện trên trời/dưới biển, mà chẳng ưu-tư gì cho lắm chuyện đời có những người trẻ ở đây đó, vẫn sống mà chẳng bận-tâm xem người khác có “nhiều kiến thức hơn mình” không.

 

Nghĩ thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta bắt đầu kể câu truyện “Cô Bé Bán Diêm” như sau:

 

“Đây là truyện do văn-hào người Đan Mạch có tên là Andersen được nhiều người biết đến. Song, ít người biết rằng cô bé ấy thật sự đã có mặt trên đời này và từng đi qua cuộc đời của chính Andersen.


Vào một buổi tối mùa thu, tại một khu phố thuộc thành phố Copenhagne – Danmark

-Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm!

Một tiếng nói khàn khàn, mệt mỏi chợt vọng đến tai Andersen. Đằng kia, trước mặt chàng hơn mươi bước là một người đang ngồi co ro trên thềm của một ngôi nhà cao ráo. Ánh sáng đèn từ trong nhà chiếu ra cho chàng thấy đó chỉ là một đứa bé con. Hẳn nó đã phát ra những lời vừa rồi.

-Tối lắm rồi sao cháu còn chưa về nhà ngủ?

Andersen bước đến, ái ngại. Đấy là một cô bé khoảng hơn 10 tuổi, run rẩy trong bộ quần áo vá víu bẩn thỉu. Vai áo rách để lộ đôi vai gày còm. Nhìn gương mặt hốc hác của nó, có thể đoán nó đang chịu cảnh thiếu ăn, thiếu uống từ lâu.

-Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm!

-Tay cầm bao diêm, cô bé chỉ vào chiếc túi con căng phồng bên cạnh, khẩn nài - Cả ngày cháu chẳng bán được gì, cũng chẳng ai bố thí cho cháu đồng nào.

Cô bé rơm rớm nước mắt. Thân hình tiều tụy ốm yếu của em run lên khi gió lạnh thổi qua.

-Thế sao? Andersen động lòng.

Chàng khẽ vuốt mái tóc dài xoăn thành từng búp trên lưng cô bé.

-Gia đình cháu đâu cả rồi? Không ai lo cho cháu sao?

Cô bé buồn bã lắc đầu. Em bùi ngùi kể lại những năm xưa khi còn sống trong ngôi nhà xinh đẹp với những dây trường xuân leo quanh. Từ khi bà em qua đời, gia sản lụn bại, gia đình em phải lìa bỏ mái nhà thân yêu đó để chui rúc trong một xó xỉnh lụp xụp, tối tăm.

-Không có tiền cháu đâu dám về nhà vì bố sẽ đánh chết thôi!

Cô bé nhìn Andersen, đôi mắt cầu khẩn.

Thực vậy, em có một người cha ác nghiệt. Hơn nữa về nhà cũng chẳng hơn gì. Hai cha con chen với nhau trên một gác xếp tồi tàn, gió rét vẫn lùa vào được dù đã bít kín những lỗ thủng trên vách. Lúc này, đôi chân cô bé đã lạnh cóng, em mang đôi giầy vải mòn cũ do mẹ em để lại.

-Cháu đừng lo!

Andersen cho tay vào túi lấy ra một số tiền đặt vào bàn tay bé bỏng của em

-Còn bấy nhiêu chú cho cháu cả. Cháu về nhà mau kẻo chết cóng mất. Ôi, lạy Chúa!

Vẻ đầy mừng rỡ, cô bé hôn tíu tít lên tay chàng:

-Từ ngày bà cháu mất đi, chú là người thương cháu nhất trên đời này. Với món tiền này, bố con cháu sẽ được nhiều bữa no. Nhưng... cô bé bỗng đăm chiêu… Nếu chú cho cháu hết thì tiền đâu chú sống, hở chú?

-Sao cháu khéo lo thế?

Chàng mỉm cười, nụ cười đầy hiền dịu:

-Chú sẽ còn cho cháu nhiều thứ nữa. Chú sắp đi xa, đầu năm tới mới trở lại nơi này, khi ấy chú sẽ tặng cháu một món quà đặc biệt.

-Ồ, thích quá! Còn cháu, cháu cũng sẽ tặng chú một món quà. Mà chú tên gì nhỉ?

-Chú là Andersen.

Chàng âu yếm nắm đôi vai gầy của cô bé

-Có bao giờ cháu nghe đến tên ấy chưa?

-Tên chú nghe quen lắm. Cô bé nhìn đăm đăm gương mặt trầm tư có chiếc mũi khoằm của chàng:

-Chú có phải là thợ mộc không?

-Không phải! Andersen mỉm cười lắc đầu.

-Thợ may?

-Cũng không.

-Hay chú là bác sĩ?

-Ồ, không phải đâu. Thế này này...

Chàng đưa ngón tay trỏ viết viêt vào không khí, vẻ hơi đùa cợt.

A! Cô bé reo lên.

-Cháu hiểu rồi, chú làm nghề bán bút!

Andersen chỉ tủm tỉm cười. Chàng thấy yêu cô bé quá. Em khiến chàng, một nhà văn thề suốt đời gắn bó với tuổi thơ, nhớ đến thời thơ ấu của mình và thành phố Odense cổ kính, nơi tuổi thơ của chàng êm ả trôi qua.

Là con một trong gia đình nên dù cha chỉ là một bác thợ giày nghèo, cậu bé Andersen hầu như chẳng phải mó tay đến bất cứ một việc gì ngoài mỗi việc là mơ mộng liên miên. Cậu bé lắm khi chỉ thích bầu bạn với chiếc cối xay già nua đứng run rẩy trên bờ sông hiền lành của thành phố quê hương. ...

 

Sau đó Andersen đi du lịch đâu đó... và chàng đã quên luôn lời hứa với cô bé bán diêm. Khi về thăm lại khu phố năm nào, chàng tự trách mình đã quá mải mê với chuyến viễn du đến nỗi quên khuấy đi lời hứa với cô bé bất hạnh mà giờ này hẳn đang lang thang đâu đó với chiếc túi đựng đầy diêm.

 

Phải mua ngay cho em một chiếc áo len, một chiếc áo lông cừu dày và thật ấm để em qua được cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông... Và Andersen sau những lần dò hỏi tin tức của em bé bán diêm, được ông chủ hiệu quần áo cho biết:

-Con bé chết rồi còn đâu. Ngày đầu năm mới người ta nhìn thấy em bé chết cóng tự lúc nào ở một góc đường giữa hai ngôi nhà. Cái chết cứng đờ của nó ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Có lẽ nó muốn sưởi cho ấm. Có điều lạ là hai mà nó vẫn hồng và miệng nó như đang mỉm cười.

-À này, ông ta tiếp tục trước khuôn mặt chết lặng của Andersen, khi mang xác nó đi người ta thấy trong túi nó rơi ra vật gì giống như một chiếc quản bút làm bằng những bao diêm. Hẳn nó để dành tặng ai, vì trên chiếc quản bút có ghi giòng chữ: tặng chú Andersen. Andersen quên khuấy món quà ông định tặng cho cô bé bán diêm. Nhưng cô bé, cô bé vẫn nhớ tới lời hứa của mình với vị khách tốt bụng của buổi tối mùa thu.

 

Hơn nửa thế kỷ qua, hàng triệu con người trên trái đất đã nghe tim mình thổn thức mỗi khi đọc câu chuyện về cô bé đáng thương của văn hào Đan Mạch. Phải chăng Andersen đã viết câu chuyện ấy như một món quà để tặng hương hồn cô bé bán diêm?“ (Truyện kể của Hans Andersen)

 

Câu truyện ở trên không chỉ là chuyện để phiếm cho qua ngày/đoạn tháng; mà là, truyện kể để mọi người tặng cho nhau làm quà, ngày kỷ niệm. Thời buổi hôm nay, người ta chỉ muốn kiếm tìm những câu truyện kể “nghe quen quen“ rất vô thưởng vô phạt, chẳng đụng chạm gì ai.

 

Thế nhưng, có những câu truyện kể càng “đụng“ nhiều càng tốt. Bởi, có đụng nhiều mới đạt, và có đạt nhiều mới thích-thú. Chứ, cứ kể những chuyện nhạt-nhẽo, chán phèo cũng không hay.

 

Vậy thì, hôm nay đây, thay vì kể thêm nhiều chuyện nghe-mãi-không-chán, xin mời bạn mời tôi, ta nghe nghệ-sĩ làng nhạc Việt hát thêm đôi lời rất “Sao đêm“ để rồi còn suy-tư nguyện cầu ngày buồn chán, rất hôm nay, sau đây:

 

“Còn gì nữa?
Tuổi vàng qua mất rồi
Làn môi khô khan câm nín đau thương
Và tóc rối bời hồn đang lạnh trống
Đôi mắt mơ xanh mờ theo ánh tà dương
Chờ gì nữa?
Nửa trời sao úa rồi
Vì sao em quên câu hát yêu thương?
Tìm ít gió lành còn trong cuộc sống
Dìu nhau qua bến vượt sóng đại dương
Em, cánh sao mờ xa cuối trời đi về đâu?
Em biết chăng hồn ta rã rời trong sầu đau?
Tìm em không gian hồ đổ vỡ, theo tinh cầu bay
Rồi đêm gối sách mơ trăng sao
Còn gì nữa?
Bầu trời rạn nứt rồi
Đường lên thiên thai sao tắt mây vương
Lạc bước, thiếu tài, nhạc lôi rượu cuốn
Người yêu xa mãi tìm gió ngàn phương

(Lê Trọng Nguyễn – bđd)

 

Hát thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta đi vào vùng trời Lời Vàng Ngọc của Đấng Thánh-hiền mà tìm cho ra những câu nói đậm-đà, tình-tiết rất thân-thương như sau:

 

“Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can

đã chứng tỏ Ngài chấp nhận họ,

khi ban Thánh Thần cho họ

cũng như đã ban cho chúng ta.

Ngài không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ,

vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ.”

(Cv 15: 8-9)

 

Quả-quyết của đấng thánh hiền-lành vào thuở trước, sẽ là và vẫn là động-lực thúc-đẩy tôi và bạn, ta sẽ đi hoài và đi mãi trong chốn dân-gian hiền hoà mà kiếm-tìm những người bạn chưa quen nhưng vẫn biết. Bởi, bạn cũng như tôi, ta vẫn biết rằng Thiên-Chúa tạo-dựng nên ta là để ta sống hài-hoà với hết mọi người, dù họ có bất-đồng hoặc chống-đối tôi, chống-đối bạn cách nào đi nữa.

 

Quyết thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta cứ hiên-ngang tiến về phía trước mà hát lên những câu ca dù buồn bã, những viết rằng:

 

“Vời vợi sáng, một trời hương gió vàng
Ngàn sao bâng khuâng trên bên sông Ngân.
Lời suối réo đàn lệ hoen tà áo.
Đôi mắt giai nhân tìm đâu giữa trời.”

(Lê Trọng Nguyễn – bđd)

 

Đôi mắt ấy, sẽ tìm thấy ở mọi nơi, mọi thời. Cũng rất chóng.

 

 

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn không cần tìm đôi mắt giai-nhân

cho bằng con mắt của tình thương yêu cũng thật gần

như bao giờ.