Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lòng phóng khoáng Thiên Đàng rộng mênh mang

LÒNG PHÓNG KHOÁNG, THIÊN ĐÀNG RỘNG THÊNH THANG…

 

Ai sống trên đời cũng có những bận tâm. Ngày nào đó, trên tòa xá giải, một cô vừa lấy chồng, sau khi xưng tội, nhờ cha giải quyết mối bận lòng. Mà thật nực cười, bận lòng ấy rất nhân sinh, rất phụ nữ: “Thưa cha trong đời con, ‘con chả lo gì – chỉ lo già’ thôi”. Ngay cả tuổi thần tiên – thần tiên thì không lo lắng gì cả, hoàn toàn hồn nhiên trong sáng, thanh thản, vậy mà chương trình học dày đặc, đặc biệt còn có ‘trào lưu dạy thêm – học thêm’ tràn lan khiến những ‘ông thần – bà tiên’ ấy hết vô tư. Người ta nói rằng bọn học trò hôm nay có nhiều cái lo. Sáng đi học lo bài chưa học xong, đến lớp sợ bị khảo bài đúng ngay bài không thuộc, đến giờ kiểm tra thì lo làm bài cho được. Học trong áp lực, vừa ngồi vừa run. Nếu cuối tháng, cuối năm điểm kém thì coi như chết toi với ba mẹ ở nhà, nguy cơ bị đòn, bị ‘cấm chỉ’ là hoàn toàn có thể…

 

Có câu chuyện cười, rằng: Một anh nọ cưới vợ, cả mừng, nhưng lo không biết vợ có thai được chăng? Năm sau vợ anh mang thai, anh lại lo hơn, không biết vợ có sinh được không. Lại một phen mất ăn mất ngủ. Rủi thay, vợ anh chuyển bụng lúc mới 8 tháng, đứa bé sinh non, cân nặng một ký chín. Anh lo lắng quá, sợ không nuôi được đứa bé. Gặp ai anh cũng hỏi: “Sinh thiếu tháng như thế, liệu có nuôi được không?” Và dù được nhiều người trấn an, nhưng anh chẳng bình yên chút nào. Tình cờ gặp người bạn cũ, anh đem chuyện ra hỏi. Người bạn cũ vừa an ủi vừa dẫn chứng: “Có gì đâu mà lo với lắng! Bà nội tôi sinh cha tôi, cũng sinh non. Mới hơn bảy tháng đã sinh rồi”.

 

Anh chàng lo lắng kia vội hỏi dồn một cách nghiêm trọng: “Thế à! Rồi có nuôi được đứa nhỏ không ? Đứa nhỏ có yếu lắm không? Có phát triển bình thường không? Trí thông minh có bị ảnh hưởng gì không? …”.

***

Có lẽ, trong tất cả loài thụ sinh Thiên Chúa đã dựng nên, chỉ có con người là loài cả lo nhất. Loài vật cũng lo lắng nhưng chúng có bản năng, phản xạ và ít đau khổ vì sự lo lắng. Bản năng loài cho chúng biết chúng cần gì, mùa nào, tìm ở đâu, sống thế nào, chiến đấu ra sao. Loài vô trí, vô tư lự không hề biết ưu sầu, lo lắng, đau khổ là gì. Loài người, thụ tạo có lý trí, biết tính toán, hiểu sự đời lại bị giày vò trong muôn nghìn lo lắng đến đau khổ, bất an, loạn thần, lạc trí. Kinh tế suy thoái, chính trị xáo trộn, bệnh tật, an sinh, công việc, lương bổng, giá sinh hoạt... “Lo lắng” là căn bệnh ‘mãn tính’ trong phận người. Thác sinh trong trần thế là đâm đầu vào biển lo. Ai cũng lo từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ vật chất cho tới tinh thần; lo cả những chuyện không đâu: “Một mình lo bảy lo ba; lo cau trổ muộn, lo già hết duyên”. Quanh năm suốt tháng lắng lo đủ chuyện, chẳng mấy khi thấy được niềm vui và bình an thư thái trong cuộc đời.

 

Về sức khỏe thể lý, lo lắng quá sẽ bị stress, mất trí nhớ và cáu gắt. Hơn nữa, lo lắng thái quá sẽ có ảnh hưởng không tốt cho cơ thể nhất là trái tim. Cơ thể sẽ tiết ra một số hóa chất làm mạch máu co hẹp, tim đập mau, tăng huyết áp, tiêu hóa rối loạn, ngủ khó khăn cũng như làm cho tính tình thay đổi… Chính vì thế, chúng ta hiểu tại sao trước đó Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (x. Mt 6,24).

 

Một người không hề biết lo lắng chắc hẳn sẽ bị cho là người không bình thường. Tuy nhiên, Tin Mừng Chúa lại dạy: “Anh em đừng lo lắng cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc.” (x. Mt 6, 25). Rõ ràng nhiều người lo lắng quá, làm cho đời sống trở thành một chuỗi ngày dài mất niềm vui. Thực chất sự lo lắng chẳng mang lại ích lợi gì. Theo kinh nghiệm cho thấy điều ta lo lắng ít khi trở thành sự thật. Đức Kitô chất vấn tất thảy: “Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình được một gang không?” (x. Mt 6, 27). “Lo lắng” theo đuổi của cải, tiền tài danh vọng sẽ làm chết ngạt Lời Chúa: “Nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời Chúa không sinh hoa kết quả” (x. Mt 13,22). Một khi say mê tìm kiếm của cải vật chất như cứu cánh, chúng ta sẽ trở nên nô lệ của chúng, dẫn đến hậu quả tai hại như Thánh Phaolo khẳng định: “Lòng ham tiền của là cội rễ mọi điều ác” (1Tm 6,10).

 

Phải, lo lắng thái quá làm lu mờ đức công chính và lòng trông cậy. Lòng bối rối trước nhu cầu cuộc sống khiến ta chăm chú vào những rắc rối sự đời mà quên mất niềm hy vọng nơi Chúa. Nhiều khi, lo lắng muộn phiền còn làm suy giảm niềm tin, và lấy mất khỏi ta sự bình an thật sự. Trong sa mạc, dân Israel đã quên sự săn sóc của Chúa, quá lo lắng về thức ăn, nước uống và họ đau khổ vì bận tâm hiện sinh ấy đến nỗi mất kiên nhẫn, mất cậy trông vào Chúa ( x. Ds 11-14).

 

Kitô hữu sống đạo cách “cuồng tín tiêu cực” nghĩ rằng: cứ tín thác vào Chúa, Chúa lo liệu hết. Tâm tưởng khoáng trắng cho Chúa rồi sống hoàn toàn vô tư, khoanh tay ngồi chờ, không lo lắng gì, không hề biết tiên liệu gì, hoặc lãng lánh trách nhiệm của mình là cách sống ngây ngô, cuồng tín chứ không phải việc sống đạo như Chúa muốn. Đức Kitô cảnh giác môn đồ đừng lo lắng thái quá đến độ căng thẳng, xao xuyến, mất bình tĩnh trong chọn lựa – biện phân tốt xấu. Lo lắng đến độ phải ưu sầu, cay cú, lạm quyền, lạm tiền, lạm dục đến độ xao lãng việc đạo nghĩa, là mối lo lắng vô ích mà Kitô hữu cần phải tránh xa.

 

Cho nên Chúa Ngài đã kết án: “hại thay các ngươi là những kẻ giàu có!” (x. Lc 6,24), và Ngài kêu gọi: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất: vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (x. Mt 6,19). Phải từ bỏ sự lo lắng về vật chất theo lời mới gọi: “Hãy đi bán tài sản của mình” (x. Mt 19,21), trở nên người thoát khỏi sự ràng buộc của cải thế gian. Chúa Giêsu muốn con người sống trong bình an hạnh phúc, Ngài muốn con người “Đừng lo lắng”.

 

Người Do Thái hồi xưa có mối lo sợ thường xuyên là ngày tận thế, họ tin tưởng ngày tận thế xảy đến thì rất kinh hoàng khủng khiếp, sức lý luận hiểu biết của nhiều người đương còn đơn giản thấp kém và nông cạn. Nỗi lo lắng đó thường trực trong tâm hồn. Chúa Giêsu khuyên bảo họ phải biết khôn ngoan, cẩn thận, giữ gìn, và lo dự liệu chuẩn bị. Chúa không dạy nhắm mắt, ngó lơ trước thực tại. Vì,  cần phân biệt giữa “lo lắng” và “lo liệu”. Chúa bảo ta đừng lo lắng quá mức cho những thực tại khả diệt chứ không phải đừng lo liệu cho đức công chính và tìm kiếm sự lành. Lo lắng tồn trữ, tiêu pha, xúng xính danh phận vì không tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Tiên liệu khôn ngoan theo ý Chúa có liên hệ đến tương lai đời sống vĩnh cửu, mà tương lai của mỗi Kitô hữu Thiên Chúa chứ không phải hệ thống tài chánh vững chắc và siêu thị bán lẻ mênh mông! Lo liệu theo sự khôn ngoan của đức công chính là vẫn lo làm việc hôm nay, tiên liệu cho ngày mai, nhất là luôn tin cậy phó thác cho Chúa và làm việc hết khả năng, với mọi cơ hội xảy đến. Tiên liệu cho đời sống là hiện sủng Thánh Linh, nên không còn lắng lo nào làm hao mòn cuộc sống nhân sinh đến mức lãng quên Thiên Chúa.

 

Sống trong một xã hội tục hóa hôm nay, có biết bao nhiêu nỗi bất an đưa con người đi vào con đường lầm lạc. Bất ổn thường xuyên của hệ thống tài chính, hệ tư tưởng, an sinh xã hội làm cho nhân loại nhiều phen mất định hướng và không thể vươn lên được. Đức Kitô Giêsu muốn giải phóng nhân loại đáng thương ấy thoát vọng kiềm kẹp của bất ổn vật chất, và Người đề nghị phương án: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (x. Lc 21, 34). Có thể hiểu, Chúa muốn mỗi người chúng ta đừng đam mê và hưởng thụ ở đời này mà quên thực hành đức công chính.

 

Kitô hữu biết tha thiết với thực tại Nước Thiên Chúa là những người không “lo lắng sự đời”, không mê mẩn danh, lợi, thú. Họ, nhờ kiên nhẫn đọc Lời Chúa, áp dụng khôn ngoan trong đời sống, biết rõ tất cả những gì của thế gian này không làm cho mình vươn cao lên được. Văn minh, phong nhiêu, tiện ích, con người làm mọi cách để có thể hưởng thụ tốt nhất, thích được ăn trên ngồi trước, thích được người ta ca tụng, thích mình hơn người khác để tự hào. Để được thế, phải có thật nhiều tiền, phải nắm nhiều quyền, phải khiển nhiều người. Người ta bất chấp mọi thủ đoạn để có được tiền, quyền, tình. Lo lắng bất chính khởi phát từ đam mê bản năng. Vì thế, Đức Kitô đề nghị người Kitô hữu, cách riêng người sống đời thánh hiến, cần có một đời sống tỉnh thức, cân bằng, trưởng thành. Điều đáng tìm kiếm nhất là cuộc sống đời sau, lúc tâm hồn được hiệp nhất cùng Chúa. Đức công chính dạy ta dù đang sống ở đời này mà tâm hồn vẫn trực hướng về thế giới vĩnh cửu, hạnh phúc đích thực của Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ đòi hỏi một điều: tín trung với Ngài. Ngài sẽ bao bọc nâng đỡ và dẫn dắt dân Chúa đi về miền đất hứa. Trong cuộc sống ngày nay, con người lo lắng vật chất danh vọng mà quên đi sự có mặt của Thiên Chúa trong cuộc sống.

 

Nỗ lực chính đáng của con người không chỉ là sự cố gắng để vun đắp cho các cảm xúc giác quan bản thân mà là nỗ lực đồng hành, hướng lên Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương nhân loại: “Cho dù người mẹ có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi” (x. Is 49,15). Trên chiến trường thì phải đánh, phải tránh, phải lo chiến lược, chiến thuật, hoặc thiên tai thì phải lo chạy trốn, khuân vác đồ đạc cần thiết và ẩn nấp chứ không phải đứng đó mà làm thơ! Đức Kitô dạy chúng ta phải giữ cho lòng mình nhẹ nhàng và tỉnh táo chứ không phải quá loạn óc hay quá vô tâm, vô ý tứ.

 

Chuẩn bị cho mình một hành trang nhẹ nhàng là lòng thanh thoát trước sự đời, sống thánh thiện trong cách ăn nết ở như lời thánh Phao lô khuyên ta “Trở nên thánh thiện, không có gì đáng trách trước nhan Thiên Chúa”. ( 1Tx 3,13.4,1) Có thế mới luôn sẵn sàng lên đường gặp Chúa, hiện diện với Chúa. Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và lòng tin tưởng để có thể thoát khỏi những sự dữ và những bộn bề cuộc đời để đứng thẳng, ngẩng đầu và đứng vững trước mọi thách đố cuộc đời. Và nếu lòng tràn đầy thanh thoát, sẽ vững vàng hiện diện trước Chúa với một bảo đảm được cứu rỗi.

 

Bận tâm và lo toan đôi khi cũng được xem là ắt có trong cuộc đời. Thế nhưng, Chúa muốn chúng ta xem là không đáng bận tâm cho bằng bận tâm đến việc thực thi đức công chính. Danh xưng Kitô hữu không có đức công chính cũng phù du. Chức phận giáo sỹ mà không thực hành đức công chính cũng chỉ là hào nhoáng. Phương tiện vật chất xa hoa, lầu đài tráng lệ chỉ là phụ thuộc. Tương quan nhân loại, tước vị, xe cộ, nhà cửa chỉ ở một chừng mực rất hữu hạn, vì chẳng có gì, chẳng có ai cùng đi với mình suốt hành trình đời người – chỉ có Chúa. Tiên vàn, hãy tìm kiếm Thiên Chúa và Đức Công Chính của Người…

---

Nguyễn Văn Thượng