Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần thứ 4 mùa Chay năm A 26/3/2017
“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!”
Như yêu giòng sông ngậm ánh trăng non,
mộng ước quanh năm
Yêu chàng, chàng chở tình về cho mắt em ngoan...
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu làn mây lờ lững trôi xuôi, ủ đóa hoa tươi
Yêu chàng, chàng thổi tình ngời cho tóc em bay.”
(Nhạc: Phạm Duy – Thơ: Nguyễn Tất Nhiên: Hãy Yêu Chàng)
(1Corinthô 4: 21/1Côrinthô 8: 21-24)
Hãy thử đưa ra giả thuyết này, là: ta thay túc-từ “chàng” ở câu trên bằng chữ: “nàng”, hoặc “Ngài” hoặc “Người”, hẳn sẽ có một gợi hứng nhỏ gửi đến các bậc giảng thuyết ở nhà Đạo làm bài giảng, cũng rất nên.
Nên, là vì: lời khuyên nhủ “Hãy yêu chàng (hay yêu nàng), vẫn như “yêu giòng sông ngậm ánh trăng non, mộng ước quanh năm”; hoặc, yêu thứ gì khác tựa hồ lời hát ở bên dưới vẫn cất tiếng:
“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu luống mạ xanh mơn mởn, tuổi thơ mau lớn.
Yêu chàng, chàng hôn tình đầy cho ngực em căng.
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu những giọt sương tươi mát, cỏ hoang thơm ngát.
Yêu chàng, chàng kết tình vào hơi thở em nồng...
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu niềm hy-vọng mãi không thôi, trong trái tim vui.
Yêu chàng chàng thổi tình bùi cho ấm đôi tay.
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu mặt trời lửa sáng hân hoan, sưởi nắng mơ màng
Yêu chàng, chàng bật đèn tình soi dáng em thon.”
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên - bđd)
Hãy cứ yêu chàng hay yêu nàng như thế, cho thật nhiều. Và, hãy yêu nhiều và yêu mãi đến thiên-thu. Yêu, như những người chưa từng yêu, chưa bao giờ biết yêu và như không còn nhiều năm tháng/ngày giờ để yêu như thế. Yêu thế, tức là vẫn cứ hát những ca-từ như sau:
“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu cánh gió, gió tung tăng hai vạt áo hường.
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu mưa xuống.
Nước mưa tuôn, mát ngọn cỏ ngoan.
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Hãy yêu chàng!
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên - bđd)
Với đời người, lại có những lời khuyên không xa-xôi, diệu vợi hoặc “lem lẻm”, nhưng toàn những yêu-thương, chân-chất, rất giống truyện kể để mào đầu bài phiếm, hôm nay:
“Truyện rằng:
Có 3 vị: một bác sĩ, một luật sư, một cậu bé và một cha xứ tình cờ đi cùng nhau trên một chiếc chuyên cơ riêng. Bất thình lình, động cơ máy bay gặp trục trặc. Mặc dù phi công đã cố gắng hết sức nhưng không thể sửa được. Máy bay bắt đầu rơi tự do khiến tất cả ai nấy đều hoảng loạn.
Cuối cùng, người phi công vơ vội một chiếc dù và hét lên "tất cả mọi người hãy nhảy xuống" trước khi lao ra khỏi chuyên cơ. Tuy nhiên, vấn đề là trên máy bay chỉ còn lại đúng 3 chiếc dù trong khi có tới 4 người đang gặp nạn.
Vị bác sĩ vội vàng xí một cái và nói: "Tôi là bác sĩ. Công việc của tôi là cứu người nên tôi phải sống" và nhảy ngay ra ngoài. Vị luật sư cũng nói: "Tôi là luật sư và luật sư là những người thông minh nhất trên thế giới nên tôi đáng được sống". Nói đoạn, ông này lập tức chiếm một chiếc dù và nhảy ra ngoài.
Lúc này trên máy bay chỉ còn lại đúng một chiếc dù. Chính vì vậy, cha xứ nhìn cậu bé và bảo:
-Con trai, cha đã sống đủ cuộc đời của mình. Con còn nhỏ và có cả cuộc đời rộng mở phía trước. Con hãy cầm chiếc dù cuối cùng và sống an bình nhé.
Cậu bé với thái độ rất bình tĩnh đưa lại chiếc dù cho cha xứ và nói:
-Cha không cần phải lo cho con. Người đàn ông thông minh nhất thế giới kia đã "hạ cánh" với chiếc ba lô của con rồi, cha ạ".
Truyện kể, đơn giản chỉ mỗi thế. Không oang-oang, hoành-tráng cũng chẳng lốp-xốp/lộp bộp như phần lớn các truyện được đấng bậc cha/cố giảng ở nhà thờ. Thế nhưng, người kể hôm nay lại minh-định bằng một bài học để đời, rút từ câu truyện kể ở trên, nói thế này: “Công việc không định nghĩa được con người bạn nhưng làm một người tốt thì luôn được mọi người ghi nhận và những nhiều điều tốt đẹp chắc chắn sẽ đến với bạn. "Khôn ngoan không lại với trời", vạn vật trên đời đều có nhân quả báo ứng.”
Bài học nhân/quả, kể cũng lạ. Nhưng, lạ nhất là ở chỗ: người kể truyện cứ muốn áp-dụng vào cuộc sống ở đời không cần phải khôn-ngoan, bởi có khôn ngoan cũng “không lại được với trời.”
Sống Đạo ở đời, cũng thế. Nhiều lúc, ta tưởng đó chỉ là những chuyện Đạo rất khô-khan/đạo-mạo hoặc chuyện mô-phạm chẳng liên-quan đến người đời, và cũng chẳng thích-hợp với sự sống có ý-nghĩa của cuộc đời, thôi. Cũng hệt như đề-tài được người trong Đạo bàn bạc, rất hôm nay.
Hôm nay, có những chuyện xảy ra ở trong Đạo/ngoài đời, lại là vấn-đề sống Đạo được đấng “lờ mờ” ở Sydney gợi ý bằng những lời hỏi/đáp rất như sau:
“Thưa cha.
Tôi quen một cô bạn từng làm mẹ của 4 người con nhỏ, trai gái đủ cả. Chị đã quyết-định triệt-sản vì không còn khả-năng chịu nổi sức ép của việc nuôi nấng, giáo-dục được nữa rồi. Chị nói: vẫn biết là Giáo-hội ta không chuẩn-thuận cho những hành-xử tựa hồ như thế, nhưng chị thấy trong hoàn-cảnh tư-riêng của mình, là làm sao để mọi người cảm thông với mình, là tốt chán. Câu hỏi tôi đặt ra hôm nay, là: có thể nào, ta dựa vào lương-tâm trong trắng để có lựa chọn nào đó giống thế, không?”
Câu hỏi đây, tuy không đơn-giản, nhưng rất dễ có câu trả lời khái-quát, đại-trà. Thế nhưng, câu trả lời của đấng bậc phụ-trách mục giải-đáp thắc-mắc trên tuần báo The Catholic Weekly ở Sydney, cũng đại-để như sau:
“Lâu nay, Giáo-hội ta vẫn dạy rằng: nhiều hành-xử, tự nó đã sai sót rồi, chính vì thế ta không nên theo đó mà làm, bất luận hoàn-cảnh mình sống có ra sao, tốt/xấu thế nào, cũng mặc. Tự thân, đây là việc của ác-thần/quỉ dữ mà thôi.
Danh-sách sự việc nói trên gồm các thứ như sau: giết người vô tội, phá thai, trộm cắp, hãm hiếp, ngoại tình, tra-tấn, đánh đòn thật dã man, vv… Vâng. Trực-tiếp triệt-sản, được thực-hiện như biện-pháp tránh sinh thêm con, cũng là hành-xử tắc trách, rất tệ lậu. Bởi, người thực-thi triệt-sản đã sử-dụng việc tránh thai cốt nhằm mục đích ấy. (X. Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo đoạn 2399, 2370).
Bảo rằng, đó là hành-động tự nó đã sai trái là vì đi ngược lại sự tốt lành của người phàm. Mà, những gì đi ngược lại sự tốt lành, đều không là hành-động tốt, bất kể lúc ấy người xử sự có nghĩ là mình đang làm điều tốt lành hay không. Việc này, làm hại cho người ra tay hành động và cũng gây ảnh-hưởng lên người khác. Có thể là, ngay khi ấy, người ra tay hành-động không am-tường sự thật, nên mới thế.
Vai-trò của lương-tâm chức-năng diễn-giải ở sách Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo như “phán-quyết của lý-trí” qua đó bản thân con người am-tường phẩm-chất của hành-vi cụ thể sắp thực-hiện hoặc đã xảy ra rồi.” (X. GLHTCG đoạn 1778)
Lời lẽ thật quan-trọng. Và, vai-trò của lương-tâm là nhận ra được phẩm-chất đạo-đức ở trong đó. Mọi người đều hàm-ngụ nhiều ý-tưởng khi nghĩ rằng: mọi hành-xử đều có phẩm-chất ở bên trong. Nói thế có nghĩa bảo rằng: để xem chúng có phù-hợp với luật của Chúa không; và có làm lợi cho người nào khác không? Sách Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo lại cũng viết: Nhờ vào phán-quyết của lương-tâm, con người mới nhận-chân/am-tường các điều-khoản trong luật của Chúa. (X. GLHTCG đoạn 1778)
Con người xưa nay đều nhận ra giáo-huấn Hội-thánh vốn dạy rằng: hành-vi nào đi ngược lại luật của Chúa, thì vai trò của lương-tâm sẽ áp-dụng phán-quyết cho mọi vụ/việc ngay tại chỗ. Và từ đó, quyết được rằng: dù có khó khăn, con người cũng không được phép hành-xử như thế.
Nhiều lúc, đương-sự thấy khó mà ra quyết-định cho phải lẽ. Sách Giáo lý Hội-thánh còn viết thêm: “Con người có lúc ở vào hoàn-cảnh ít chắc chắn để đưa ra được phán-quyết đúng-đắn. Và đôi lúc, cũng thấy khó để quyết-định điều gì cho phải lẽ. Nhưng, ai cũng phải nghiêm-túc nhận ra được điều phải/trái; và nhận rõ ý Chúa diễn-bày nơi luật thần thiêng của Ngài.” (X. GLHTCG đoạn 1787)
Khi hoàn-cảnh thúc-bách ai làm việc gì đó và người ấy biết rõ sự việc chống lại lề-luật của Chúa, thì tốt nhất hãy nhớ rằng: Thiên-Chúa đích-thực là người Cha đầy lòng thương mến chỉ muốn tạo điều tốt cho con cái, đem đến cho ta điều tốt lành như mệnh lệnh hoặc lời khuyên hầu giúp ta có được hạnh phúc ở đây, bây giờ, và sau này nữa.
Và, khi Giáo-hội là người Mẹ yêu-thương vẫn chuyển đến cho ta các lệnh-truyền ấy là để giúp ta dấn bước lên đường mang theo lời khuyên bảo của Mẹ hiền. Giả như đôi lúc Mẹ có dạy đôi điều vương-vấn sự xấu nằm bên trong mà đàn con không thực-hiện được, điều đó có nghĩa là bởi vì hành-động ấy sẽ tác-hại lên ta gây trở-ngại cho hành-trì ta tiến vào với hạnh-phúc đích-thực, mà thôi.
Có thể là, ngay khi ấy ta chưa hiểu nổi, nhưng dù sao đi nữa, ta vẫn phải tiến bước tuân theo lời dẫn-dụ của bậc Mẹ Cha. Việc này cũng giống như thể người mẹ nọ khuyên con mình đừng bao giờ nhận lời theo chân người lạ mặt hoặc theo-dõi chương-trình nào đó trên truyền-hình. Cho dù đám con trẻ không hiểu lý do tại sao phải làm thế, nếu chúng là những đứa trẻ mẫn-cảm, chúng sẽ nghe theo lời dẫn-dụ của mẹ mình.
Về vấn-đề này, ta cũng nên nhớ rằng: Chúa không đòi ta phải làm những việc không thể làm được; và, Ngài luôn ban cho ta thêm ân-huệ để thực-thi những gì Ngài yêu cầu. Rất nhiều lần, ta nhận ra là mình đang đi ngược lại phán-quyết nhân-bản của chính mình và chống-cự lại những gì Ngài yêu-cầu ta thực-hiện, mọi việc đều có thể diễn-tiến một cách tốt đẹp hơn ta tưởng. Bởi lẽ, người đàn bà có thêm đứa con nữa thay vì biến cho mình thành vô-sinh hoặc thay vì tìm đến phá thai, tức: tìm đến kết-quả tốt nhất xảy đến cho bà.
Hãy học cách tin-tưởng vào Chúa và thực-hiện những gì Ngài yêu-cầu. Bằng cách đó, ta tránh được mọi thứ tội và như thế sẽ tăng-trưởng một cách lành-thánh và đạt được phúc hạnh.” (X. Lm John Flader, The Church says it is wrong, but I felt it was the right thing to do, The Catholic Weekly Question Time 22/01/2017 tr. 16)
Rất đúng. Lương tâm, lâu nay vẫn là chức-năng tiềm-tàng trong con người. Thứ chức-năng vẫn luôn giùm giúp ta ứng-xử mọi tình-huống khó khăn, cần sáng-suốt. Đích-thị là lương-tâm chức-năng không bao giờ khuyên con người làm việc sằng bậy.
Nói cho cùng, lương-tâm có sẵn trong con người vẫn là chức-năng nội-tại giúp ta nói chung và giúp người mẹ có 4 con kể ở trên, có thể thực-hiện vai-trò làm mẹ cho tốt với 4 người con nhỏ, tức: làm điều ích lợi cho người khác.
Cuối cùng thì, ta cũng nên nhớ lời bậc thánh-hiền từng khuyên-nhủ dân con mọi người, rằng:
“Anh em không thể vừa uống chén của Chúa,
vừa uống chén của ma quỷ được;
anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa,
vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được.
Hay là ta muốn làm cho Chúa phải ghen tương?
Chẳng lẽ ta mạnh sức hơn Người?
"Được phép làm mọi sự"; nhưng không phải mọi sự đều có ích.
"Được phép làm mọi sự"; nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng.
Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác.”
(1Côrinthô 8: 21-24)
Xem thế thì, sống đời hạnh-đạo chung đụng với mọi người, là phải “tìm ích-lợi cho người khác”. Có như thế, cuộc sống của mình và của người khác mới có ý nghĩa. Mới, sống cho ra hồn. Đó, còn là lời khuyên được người nghệ-sĩ diễn-bày ở câu hát được trích-dẫn, có ca-từ rằng:
“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!”
Như yêu giòng sông ngậm ánh trăng non,
mộng ước quanh năm
Yêu chàng, chàng chở tình về cho mắt em ngoan...
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu làn mây lờ lững trôi xuôi, ủ đóa hoa tươi
Yêu chàng, chàng thổi tình ngời cho tóc em bay.”
(Nhạc: Phạm Duy/Thơ: Nguyễn Tất Nhiên – bđd)
Để minh-hoạ những điều nói ở trên, mời bạn/mời tôi, ta tìm về với vườn hoa truyển kể mà đi về một kết-luận rất nhanh gọn, như sau:
“Tiểu bang Georgia nước Mỹ có một cụ bà làm nông sống 132 tuổi 91 ngày. Lúc cụ được 130 tuổi, có phóng viên hỏi bí quyết trường thọ của cụ là gì, cụ trả lời: Trước hết là sự hòa thuận trong gia đình.
Đại học Harvard có một khảo sát trên 268 người nam cũng phát hiện: Điều thật sự quan trọng trong cuộc sống một người chính là mối quan hệ với người khác, khuyết thiếu sự ủng hộ của xã hội, thì ảnh hưởng đến sức khỏe cũng tương đồng với hút thuốc và không vận động.
Một chuyên gia tâm lý học người Mỹ có một nghiên cứu “Quan hệ giữa tính cách và trái tim” trong 25 năm đã phát hiện: Người có lòng dạ hẹp hòi, nặng danh lợi, nặng thù hằn thì tỷ lệ tử vong lên đến 14%; còn người có lòng dạ rộng rãi, vui vẻ giúp người, tính cách hiền hòa thì tỷ lệ tử vong chỉ có 2.5%. Tỷ lệ bệnh tim thì người trước cao hơn người sau gấp 5 lần.
Khi phân tích nguyên nhân, ông nói: Quan hệ xã giao và thân thuộc không tốt, làm cho nội tâm một người đầy phẫn nộ, oán hận, bất mãn… sẽ khiến thần kinh giao cảm thường xuyên trong trạng thái kích thích, adrenalin và hoóc-môn stress sẽ bài tiết ra rất nhiều.
Nhà tâm lý học Maslow đã tổng kết nhu cầu của một người như sau, từ thấp đến cao, theo thứ tự: “nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã giao, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu được thể hiện”.
Ngoại trừ nhu cầu sinh lý, còn lại đều liên quan đến quan hệ xã giao và thân thuộc. “Nhu cầu” khi được thỏa mãn sẽ mang đến cảm giác vui vẻ thoải mái. Sự hòa thuận trong gia đình là bí quyết hàng đầu của trường thọ. (truyện kể do St sưu-tầm)
Đọc truyện rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta cứ hiên-ngang hãnh-tiến bước về phía trước, mà hát thêm những lời ca làm kết-đoạn cho một phiếm-luận có lời rằng:
“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu luống mạ xanh mơn mởn, tuổi thơ mau lớn.
Yêu chàng, chàng hôn tình đầy cho ngực em căng.
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu những giọt sương tươi mát, cỏ hoang thơm ngát.
Yêu chàng, chàng kết tình vào hơi thở em nồng...
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu niềm hy-vọng mãi không thôi, trong trái tim vui.
Yêu chàng chàng thổi tình bùi cho ấm đôi tay.
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu mặt trời lửa sáng hân hoan, sưởi nắng mơ màng
Yêu chàng, chàng bật đèn tình soi dáng em thon.”
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên - bđd)
Cuối cùng thì, “Hãy yêu chàng” hay “yêu nàng”, tức người khác chứ không chỉ mỗi chính mình, lại là cứu cánh cuộc đời người ở mọi nơi và mọi thời. Và, lương-tâm/chức-năng là cơ-quan nội-tại giúp ta nhớ mãi điều ấy, suốt một đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những lời ca văng vẳng
mãi khuyến khích
một lập-trường sống
rất thân-tâm.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: