Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lòng Chúa Thương xót trong đời sống-Kỳ 3

 

 

LOẠT BÀI SUY TƯ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG

 

L.M Francisco Xavier Nguyễn Văn Thượng

 

KỲ 03: TỪ CÔNG LÝ XÃ HỘI ĐẾN CÔNG LÝ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 

Âm hưởng Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes: “vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng” vẫn là nhận định rất thời sự cho thời cuộc đương đại. Giữa một bối cảnh xã hội đa tâm tư, nhiều hoàn cảnh, tranh tối tranh sáng, tốt xấu, vui buồn lẫn khuất vào nhau, Hội Thánh được Chúa Thánh Thần thôi thúc quyết liệt hơn để lắng nghe, quan sát đa chiều, thông suốt và cẩn thận hầu hiểu được tâm tư khát vọng thời đại, chia sẻ tâm tư anh chị em mình được thể hiện qua thái độ lắng nghe có nhận định, hành động có suy tư và dấn thân có tình yêu và lòng khiêm nhường theo gương phúc của Thầy Chí Thánh. Mẹ Hội Thánh cũng ý thức rằng đây không phải là hành trình tìm thênh thang, nhanh chóng dễ dàng và đầy ấn tượng có sẵn trong kịch bản dàn dựng trước! Thành kiến xã hội, chủ thuyết bài xích tôn giáo, công lý xã hội mờ nhạt, lợi nhuận và sức ảnh hưởng xã hội là cách đánh giá thành công con người cộng với cách nhìn và nhận định thời cuộc cũng hoàn toàn khác nhau theo từng nhóm xã hội. Tuy nhiên, công bình và tình thương là con đường tốt nhất phải đi của Hội Thánh, rất Công giáo và rất hợp sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh.

 

Đây cũng không chỉ đơn thuần là chương trình mang tính chất kỹ thuật, mà còn thể hiện nhận thức về vai trò của mỗi cá nhân Kitô hữu nhất thiết gắn liền lối sống Tin Mừng với thực tiễn, tự mình đổi mới toàn diện, hội nhập, thăng tiến tâm hồn và vươn lên tới sự hoàn thiện mà Thiên Chúa mong muốn. Hội Thánh luôn tôn trọng, lắng nghe bằng “đại lượng công bằng” để đối thoại cùng các thành phần xã hội. Ở khía cạnh phổ quát, đại lượng này có thể được quan niệm là công bằng “cho mọi người những gì họ xứng đáng, trao cho mỗi người cái họ đáng hưởng”, “hoàn lại, trả lại cho mọi người cái mà họ có quyền được hưởng”. Đó chính là công bình của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô: “Của Xê-da, trả về Xê-da;của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (x. Mt 22, 15-21); “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, 19 công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (x. Lc 4, 18).

 

Tin Mừng đưa ra khái niệm công lý dựa trên nền tảng đạo đức, lòng nhân từ, hợp luật tự nhiên. Công bình là hành xử bất khả nhượng và bẩm sinh của tất cả tất cả mọi người, cá nhân để bảo vệ mình được bình không phân biệt đối xử dưa trên sắc tộc, giới tính, định hướng giới tính, nguồn gốc dân tộc, màu da, tôn giáo, tuổi tác, hoặc các đặc tính khác.

 

Trên phương diện xã hội, công lý xã hội thực thi là kết tinh của những nỗ lực, cố gắng không ngừng của nhân loại để thực hiện lý tưởng công bằng, là giá trị nền tảng, cốt lõi trong việc tổ chức cộng đồng trật tự và văn minh. Nhận thức về công lý là tiền đề quan trọng đảm bảo sự tính hiệp nhất trong tư tưởng và hành động của cộng đồng. Giá trị đích thực, tích cực của công lý trong thực tiễn cuộc sống là góp phần tổ chức cộng đồng năng động, dấn thân và thăng tiến.

 

Văn hào Pascal từ thế kỷ 17 đã nhận định về sự “cộng sinh”, không thể tách rời giữa “công lý” và “quyền lực” như sau: “Công lý không dựa vào quyền lực thì bất lực; quyền lực không đi đôi với công lý thì tàn bạo”. Trong lịch sử, có bốn quan điểm rõ rệt xuất phát từ bốn học thuyết khác nhau, đó là học thuyết Marx-Engels, học thuyết John Rawls, học thuyết Hòa Bình Xanh, và học thuyết Giáo Hội Công Giáo. Riêng Friedrich von Hayek, tác giả cuốn sách “Đường Về Nô Lệ”, phủ nhận hoàn toàn khái niệm ‘công bình xã hội’. Triết gia Đức là Marx và Engels trong ‘Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản’ (The Communist Manifesto). Cũng có viết: “Lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô.” Từ đó, các ông đi đến một khái niệm về ‘công bình xã hội’ triệt để, vượt qua chủ nghĩa tự do (liberalism), và cho rằng công bình xã hội chỉ có thể thực hiện trong một xã hội không giai cấp, vì trong xã hội ấy không còn bất bình đẳng về tài sản cũng như quyền lực. Vấn đề mấu chốt để giải quyết khủng hoảng bất công là công hữu hóa tư liệu sản xuất và phân phối lợi nhuận đồng điều cho các thành phần lao động. Công lý gắn liền với quyền sở hữu và phân phối, nặng tính vật chất. Trên bình diện ấy, đấu tranh giai cấp là tất yếu để giành lấy công lý là đưa lợi nhuận về phía công nhân, những người trực tiếp tạo ra sản phẩm mới là công bình cho xã hội.



John Rawls nối dài tư tưởng đạo lý (deontology) của Kant, ông nêu ra nguyên tắc cơ bản về công bình trong tập A Theory of Justice như sau: “Mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm dựa trên công lý, đến nỗi mà ngay cả lợi ích của xã hội cũng không thể tước bỏ nó được”. Vì lý do đó, ông nêu lên như một công thức: “Justice as Fairness.” – Công lý tức công bình.

 

Công lý phục vụ con người. Con người vốn thuộc về một xã hội. Vậy, quan niệm lẽ phải của công lý phải gắn bó biện chứng với khái niệm con người, khái niệm xã hội và tính ràng buộc giữa hành vi công lý và thực tiễn xã hội con người. Một quan niệm sai lạc nào bất cứ về con người và xã hội chắc chắn sẽ đưa đến một quan niệm sai lạc về Công lý chính thống. Thực thi công lý tức đụng chạm đến ý chí quyền lực, trách nhiệm, lợi ích của con người. Công lý thống nhất không thể đứng trên ý chí quyền lực của kẻ mạnh, dù thuộc tộc phái nào. Kẻ mạnh sẽ thắng và người yếu sẽ phải phục tùng là đạo lý của bạo hành và cưỡng chế.



Hành xử đúng đắn của công lý là đưa con người về lại ý nghĩa đích thực của đời sống, biết rõ con người là ai, sống ở trần gian để làm gì. Công lý là mệnh lệnh cao cả nhất trong đời sống con người hiệu triệu họ đến Tình yêu, chân lý, công bình và cái đẹp; công lý chính xác là phương tiện hỗ trợ mỗi cá nhân nhận ra con người là nguồn gốc, nhân quyền và tự do là nguyên lý, hơn thế công bình là con đường độc đạo dẫn đến Tình yêu cứu thoát. Tình yêu cứu rỗi công lý, công lý cứu lấy công bình, công bình cứu lấy nhân sinh. Để phục vụ tốt cho công lý của con người và xã hội, hãy phục vụ tình yêu.

***

Một xã hội lý tưởng chỉ trở thành hiện thực khi được xây dựng trên việc tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Công lý của Thiên Chúa chính là để con người được thương xót. Công lý Thiên Chúa là sự giải thoát kẻ yếu, cô nhi, quả phụ, khách ngoại kièu, cho họ được hưởng quyền lợi  xứng phẩm giá (x. Gr 9,23; 11,20; 23,6). Thiên Chúa thực hiện công án do lòng thương xót muốn loại trừ sự dữ khòi Israel, đưa tới một vương quốc công lý, thái bình và thịnh trị muôn kiếp (x. Đn 9,6t; Br 21,15; Esr 2,6; 9,15; Neh 9,32; Đn 9,14).

 

Công lý của Thiên Chúa tràn đầy tình thương và lòng nhân từ không lạm sát, án thần tru diệt chỉ thực hiện để giải phóng, mở đường về Đất Hứa, trả lại trời mới đất mới cho dân Chúa (x. Tv 116,5t; 129,3t). Thiên Chúa của Cựu Ước ưa thích tha thứ tội lỗi, chậm bất bình và giàu lòng nhân hậu. Thiên Chúa biểu lộ công lý của Ngài khi xét xử muôn dân (x. Ga 16,8.10; 2Tm 4,8; Mt 13,49; 22.14; 7,13; Lc 13,24). Đức Công bình và lòng thương xót chiếu theo công việc cá nhân đã làm hay không làm vì tình thương (2Ts 1,5; Rm 2,5). Thiên Chúa không thiên vị ai, vì mọi người đều có cùng phẩm giá của những thụ tạo được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa. Chính lòng thương xót của Thiên Chúa chính là nền tảng đem lại phẩm giá của con người, chứ không chỉ công lý và sự trừng phạt trước mặt. Và, dĩ nhiên khi noi theo lòng thương xót lân mẫn đó của Thiên Chúa là chìa khóa đưa tới sự bình đẳng và tình huynh đệ căn bản giữa mọi người, bất kể chủng tộc, giới tính, nguồn gốc, văn hoá hay giai cấp.



Công lý đi vào đời sống xã hội đưa tới đòi hỏi không thể thoái thác, là mọi người phải tôn trọng quyền làm người của nhau, xã hội và cộng đồng tôn trọng quyền cá nhân, cá nhân tôn trọng ích lợi cộng đồng. Sứ mạng chính yếu của Hội Thánh là làm chứng cho chân lý. Khi loan báo Tin Mừng cho muôn dân, sứ mạng này đòi buộc Hội Thánh thiết lập liên hệ mật thiết với trách nhiệm xây dựng xã hội công bình, huynh đệ và biết xót thương.

 

Vậy nên, khi loan báo Tin Mừng về Lòng Thương xót Chúa, Hội Thánh chiếu cố những con người cụ thể, phục vụ con người trong những vấn đề cụ thể chứ không lý luận chung chung rồi quên lãng trên bàn giấy. Lòng Thương xót trở thành con đường quan trọng nhất và căn bản nhất của Hội thánh. Vì thế, Hội Thánh bận tâm phụng sự phẩm giá con người, tôn trọng mỗi con người từ khi thụ thai cho đến lúc lìa đời, bất kể sang hèn, trí thức hay bình dân, khoẻ mạnh hay đau yếu.

 

Tự bản chất, Hội Thánh là công cụ thực thi công lý của Lòng Thương Xót Chúa. Mỗi Kitô hữu sống trong một xã hội, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, gây âm hưởng trên con người thời đại cũng như trên mọi mặt của đời sống bằng hành xử trong cung cách con cái Ánh Sáng, phục vụ trong tâm thức thương xót, kiên nhẫn và nhất mực yêu thương. Thực vậy, để phục vụ con người cách hiệu quả, không thể không quan tâm đến mối liên đới xã hội. Công lý Tin Mừng đòi hòi môn đệ Chúa Kitô càng cần phải quan tâm nhằm làm cho đời sống con người trở nên nhân bản hơn. Hội Thánh không bao giờ đi ngoài lịch sử nhân loại, không hề làm ngơ trước bất công và luôn bận tâm phụng sự người yếu thế, bênh đỡ người đau khổ, chữa lành tâm hồn, và cùng với xã hội trong phối cảnh đa dạng của chính trị, kinh tế, lao động, luật lệ và văn hoá, để gìn giữ, phục vụ và tô sáng các giá trị đạo đức. Tiếng gọi công lý không thể xa lạ với sứ mạng loan báo Tin Mừng, càng không thể xa lạ với thực hành từ bi, từ tâm trong xã hội đương cuộc.

 

Hiển nhiên, Lòng thương xót của Tin Mừng không đưa tới đạo đức, công bình xã hội mà rất thực tế là Nước Trời, vương quốc của Thiên Chúa, nơi công bình và chân lý ngự trị. Theo Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh “tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người”. Thế nhưng Nước Trời mà Giáo Hội loan báo không chỉ là vương quốc thánh thiện và ân sủng trong thế giới mai sau, mà còn là vương quốc của công lý, yêu thương và hoà bình, nghĩa là những giá trị cần được xây đắp và vun trồng trong đời sống xã hội cụ thể, ở đây và lúc này (x. Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (MV) số 39). Hội Thánh loan báo về Lòng Thương xót của Tin Mừng để phụng sự công lý cho xã hội và cá nhân.

 

Lòng Thương xót là con tim của Thiên Chúa, con tim của một Người Cha yêu thương và muốn mọi thụ tạo, nhất là nhân loại sống trong sự thiện và sự công chính, sống tràn đầy và hạnh phúc. Một trái tim của Người Cha vượt xa hơn ý niệm công lý xã hội để rộng mở các chân trời vô tận. Lòng Thương xót mới trao ban cho sức mạnh để tiến bước chứ không phải công lý tòa án đưa lại thịnh vượng và tình đệ huynh; Công lý của Lòng Thương xót thì tha thứ cho chúng ta nhân danh Thiên Chúa. Loan báo cho Công lý của Lòng Thương xót Chúa là trách nhiệm lơn lao biết bao. Phiên tòa Lòng thương xót chỉ có sự tha thứ, Công lý của Lòng thương xót là nơi Thiên Chúa Cha là Đấng thi hành công lý với tình yêu hiền phụ và liên kết con cái của Ngài trong tình huynh đệ khoan dung và tương thân tương ái.

 

Công lý của xã hội được thực thi mà không tránh khỏi tổn thương và diệt trừ. Duy chỉ có Lòng Xót Thương mới hóa giải và tiến triển được nhân tâm. Từ dụ ngôn “người đầy tớ nhẫn tâm” (x. Mt 18,23-35), Đức Giê-su khuyến đức các môn sinh: “hãy thực thi thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót” (x. Lc 6, 27). Lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nhưng còn là tiêu chuẩn để nhận biết ai là con cái thật của Ngài. Vì thế, là người Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi thực thi lòng thương xót, vì lòng thương xót đã được ban cho chúng ta trước cả công lý xã hội.

 

Công lý của Lòng Thương xót Chúa mời gọi ta tái khám phá vào chiều sâu các liên hệ xã hội. Ánh sáng của mặt trời vẫn chiếu trên người công chính lẫn kẻ bất chính; như mưa vẫn đổ trên người ngay lành lẫn kẻ bất lương. Thước đo công lý của Thiên Chúa là nhân từ, công bình. Đôi khi, công lý ấy vấp phải thước đo pháp điển mà con người tự tạo cho mình. Thực thi Lòng Thương xót Thiên Chúa trong xã hội khó khăn không kém một cuộc bơi ngược dòng thử sức trước sóng ngược từ thế gian. Công lí của xã hội là kết án và đào thải, Công lý của Tình Yêu và Lòng Thương xót Chúa là sự giải phóng, mang lại ân sủng Cứu rỗi giống như điều mà Thánh chiêm niệm Gioan Thánh Giá đã nghiệm thấy: “Khi chúng ta lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở của Tình yêu”.

 

Sự thật, công lý Lòng Thương xót cần những chứng nhân sống động. “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (x. Chân phước Giáo hoàng Phao-lô VI, Thông điệp “Evangelii nuntiandi - Loan báo Tin Mừng”, số 41).

(còn tiếp)

Nguyễn Văn Thượng