Cô đơn : Chúa Giê-su và con người
CÔ ĐƠN: CHÚA GIÊSU VÀ CON NGƯỜI
Khi đối diện với đau khổ mà có người bên cạnh, họ chỉ cần hiện diện như một sớt chia, đồng cảm, cũng đủ thành sức mạnh giúp vượt qua, tăng can đảm, cộng nghị lực…
Nhưng đau khổ mà chỉ đối diện với chính đau khổ, quay quắt với bản thân, chắc chắn sẽ càng tê buốt, côi cút và bất hạnh. Nói cách khác, đau khổ nhất là khi phải đối diện nghịch cảnh mà người ta chỉ cảm nhận cô đơn. Và như thế, cô đơn chính là sự tột cùng của đau khổ…
Suy niệm đường thương khó của Chúa Giêsu, tôi cảm nhận nỗi đau tột cùng ấy của Chúa: Chúa cô đơn. Nhưng không phải chờ đến Tử Nạn. Một đời làm người của Chúa, vẫn thấy tràn ngập bóng dáng của cô đơn. Con đường lên đồi Tử Nạn và chính nơi đồi Tử Nạn là cao trào, là đỉnh điểm, là kết cuộc của một đời cô đơn, một đời mang thánh giá.
I. CÔ ĐƠN TRONG KIẾP SỐNG.
Khởi đi từ quyết định của thánh Giuse không thể chấp nhận người bạn đời, Đức Trinh Nữ “bỗng dưng” mang thai. Định tâm lặng lẽ rời xa, dù thánh Giuse không hề có suy nghĩ bỏ rơi Chúa Giêsu trong lòng Đức Mẹ, chỉ là không chấp nhận sự mang thai “kỳ lạ” của Đức Mẹ, nhưng cũng đủ chứng minh, đường lối của Thiên Chúa, và do đó cũng là đường lối của Con Thiên Chúa làm người, không dễ gì con người hiểu nổi. Vì thế, ngày Chúa Giêsu bắt đầu làm người, cũng là ngày khởi đầu của niềm cô đơn.
Sau ngày giáng sinh, phải lặng lẽ chạy trốn giữa đêm trường, phải bôn ba hải ngoại bởi loài người truy tìm sát hại. Đến khi trở về, lại ẩn mình suốt những năm tháng tuổi thơ, chìm khuất giữa làng quê Nagiareth, thuộc miền Galilêa, chứ không phải Giuđêa (x.Mt 2, 13-23).
Một mặt, Chúa Giêsu một mình thầm lặng sống thánh ý Chúa Cha, mặt khác, Người vẫn hiện diện giữa đời như mọi người làm người. Chúa cũng từng nói lên sự dấn thân này vào lúc hành hương và quyết định ở lại đền thờ, trong khi cả Đức Mẹ và thánh Giuse đều không thể hiểu thánh ý của Chúa: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49).
Rồi những năm cất bước truyền giáo, dù không biết bao nhiêu lần làm phép lạ giúp đỡ nhiều người, Chúa vẫn bị từ chối: Có lần cả thành “mời Chúa rời khỏi vùng đất của họ” (Mt 8, 34). Chúa từng bị hàng lãnh đạo Dothái giáo chống đối ra mặt. Nhiều lần họ “tìm cách giết Chúa Giêsu” (Ga 5, 18).
Chúa bị phản đối khi mạc khải sự thật về mình: là Con Thiên Chúa, là của ăn nuôi sống muôn người. Chính vì những chân lý ấy, mà có lần “nhiều môn đệ rút lui không còn tin theo Chúa nữa” (Ga 6, 66).
Những người thân của Chúa cũng xúc phạm đến Chúa không ít. Họ cho rằng “Chúa đã mất trí” (Mc 3, 21). Nhiều người khác, khi thấy Chúa trừ quỷ đã dám nghi ngờ: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ” (Lc 11, 15). Họ tìm cách xô Chúa xuống vực (x.Lc 4, 28-30) và nhiều lần ném đá Chúa: “Họ lại lấy đá ném Người” (Ga 10, 31)…
Các tông đồ là những người được Chúa trực tiếp hướng dẫn, thường xuyên sống cạnh Chúa, nhiều lúc cũng tỏ ra mù tối về những điều Chúa dạy cũng như những hành động của Chúa.
Có lần, Chúa trao cho tông đồ Phêrô quyền quan trọng: “Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở” (Mt 16, 19), thì ngay sau đó, thánh Phêrô bị Chúa quở trách nặng, vì thánh nhân không hề hiểu biết gì về chương trình của Chúa, lại còn dám can gián Người đi vào cuộc thương khó (Mt 16, 13-23).
Lần khác, sau khi tiếp tục mạc khải về cuộc thương khó mà mình phải chịu, tưởng chừng các tông đồ sẽ lo âu lắm, đau khổ lắm, nào ngờ, các ông dường như không hề nghe biết gì. Chẳng những các ông làm như mình là người đứng ngoài cuộc hoàn toàn, lại còn tranh giành quyền được “ăn trên ngồi trước” trong thiên hạ (x.Mt 20, 17-23; Mc 10, 32-40).
Đấy chỉ là một ít dẫn chứng. Đọc toàn bộ Tin Mừng, chúng ta sẽ còn bắt gặp, trong cuộc sống làm người dương thế, Chúa Giêsu quá đơn độc. Con đường Chúa đi là con đường của người phải đi một mình. Cả một kiếp người, chỉ một mình đi, một minh lặng lẽ, một mình đối diện với sứ mệnh cứu chuộc, một mình hoàn hảo hóa thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu như đã vác thánh giá ngay từ giây phút khởi đầu làm người…
Đặc biệt hơn, trên con đường thương khó và tử nạn, để kết thúc cuộc đời dương thế, sự cô đơn của Chúa càng là một trong những điểm nổi bật mà chúng ta dễ dàng chứng kiến. Đó là sự cô đơn đứng trước tội lỗi nặng nề của thế gian. Đó là sự cô đơn đối diện với quyền lực của sự ác vẫn luôn thống trị lòng người.
II. CÔ ĐƠN TRÊN ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ.
Đường thương khó khởi đi từ Chúa nhật lễ Lá, khi Chúa Giêsu khải hoàn vào Giêrusalem. Mặc dù dân chúng tung hô và ca tụng Chúa vang dậy đất trời (x.Mt 21, 7-10), nhưng Chúa biết, đấy chỉ là lớp vỏ bọc đang chất chứa nhiều bội phản, nhiều mưu mô mà một ít ngày nữa thôi, sẽ trở thành làn sóng thù hận, quyết liệt đòi đóng đinh Chúa giữa những tòa án tàn bạo của những kẻ nắm quyền (x.Mt 27, 21-23).
Đêm thứ năm tuần Thánh, sau khi dự tiệc vượt qua với các tông đồ, trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu tìm đến các môn đệ để chia sẻ nỗi xao xuyến, vì chỉ trong vài giờ đồng hồ nữa thôi, Chúa sẽ bị trao nộp và bị bắt. Nhưng các môn đệ ngủ li bì. Họ không thể chia sẻ với Chúa bất cứ một trăn trở nào (x.Mt 26, 36-46).
Chúa biết rõ, họ chỉ là những con người hèn kém. Chúa biết rõ tông đồ Giuđa đang rắp tâm trở thành kẻ bán đứng Thầy mình. Dù nhiều lần Chúa tìm cách báo trước tội của ông, ông vẫn cứng đầu, vẫn quyết tâm nộp Chúa để lấy 30 đồng bạc (x.Mt 26, 14-16).
Cả tông đồ Phêrô, dù là tông đồ trưởng, sẽ chối Chúa. Cuộc chối bỏ này diễn ra nhiều lần, nhưng về cấp độ thời gian lại vô cùng nhanh chóng: chỉ trong hai canh gà của một đêm mà thôi. Chúng ta càng nhận ra sự hèn kém dữ dội hơn, khi đối tượng của những lần chối bỏ ấy lại chỉ là những đầy tớ và là đầy tớ gái (x.Mt 26, 69-74).
Chín tông đồ còn lại nhát đảm đến nỗi cao chạy xa bay, bỏ Chúa một mình lầm lũi giữa vô vàn thương đau vây bủa. Chỉ còn tông đồ Gioan theo Chúa đến khi Chúa hoàn tất hành trình thánh giá trên đồi Tử Nạn mà thôi.
Cuộc xử án Chúa diễn ra suốt đêm. Hết dinh thượng tế đến dinh tổng trấn, rồi lại dinh vua Hêrôđê, lại trở về dinh tổng trấn, chỉ một mình Chúa đối diện với tất cả sự gian dối, sự tàn bạo, sự sỉ nhục mà thế gian dành cho Chúa.
Cô đơn ghê gớm đến tột độ, khi Chúa bị treo trên thánh giá. Nguồn an ủi duy nhất của Chúa là Chúa Cha, nhưng hình như Chúa cũng không cảm được điều ấy nữa. Trên thánh giá, Chúa thốt lên lời xót xa: “Lạy Chúa, lạy Chúa của con, sao Chúa nỡ bỏ con” (Mc 15, 34).
Dù vậy, Chúa vẫn một lòng tin tưởng nơi Chúa Cha. Trong mọi nỗi cô đơn, Chúa vẫn cho thấy lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha nơi Người là tuyệt đối, là không có bất cứ nỗi đau đớn nào làm suy giảm được. Giấy phút cuối cùng, trước khi tạ thế, Chúa tuyệt đối phó thác nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
III. NHỮNG CÔ ĐƠN GIỮA LÒNG ĐỜI HÔM NAY.
Người ta cho là thế giới ngày nay văn minh. Và người ta cũng nói, thế giới sẽ càng ngày càng văn minh. Điều đó có đúng hay không, tôi không biết, chỉ biết một điều rất thực tế: Cô đơn đang trở thành hiện tượng càng ngày càng phát triển, càng phổ biến.
Trên những con phố tấp nập, trên những con đường đông người đến nỗi thường xuyên kẹt xe, trên phố đi bộ buổi tối ồn ào, trên chuyến xe buýt đầy hành khách, trong những khu chợ sầm uất, trong những quán ăn trưa chật chội, trong những dãy nhà trọ ngột ngạt hơi người…, người ta vẫn có thể thấm thía nỗi cô đơn…
Cô đơn có thể khống chế con người ở mọi nơi, bất chấp mọi hoàn cảnh. Cô đơn ngay trong gia đình. Đời sống vợ chồng vẫn có thể trở thành chiếc nôi của cô đơn. Thậm chí cô đơn hiện hữu chính giữa cộng đoàn bác ái, cộng đoàn đức tin, cộng đoàn tu trì…
Cô đơn là tình trạng cô lập nơi một con người. Cô đơn không phải tự nhiên mà đến. Có hai loại cô đơn: Do con người tự nguyện và do tình liên đới bị tổn thương.
- Cô đơn do con người tự nguyện là sự tự nguyện một mình đi suốt chặng đường đời. Nếu cô đơn tự nguyện do sống lý tưởng cao đẹp nào đó, con người sẽ bình an, cuộc sống sẽ đẹp, sẽ hạnh phúc.
Trường hợp Chúa Giêsu. Người tự nguyện dấn thân cho lý tưởng cứu chuộc trần thế. Người chấp nhận tất cả để thánh ý Thiên Chúa ngày càng được diễn tả mạnh mẽ và rộng rãi. Người biết Người sẽ phải chấp nhận vì ai, mang lại kết quả nào. Bởi thế, nỗi cô đơn của Chúa, tuy lớn lao, tuy đau đớn, nhưng vì là sự tự nguyện, Chúa Giêsu vẫn đầy bình an, vẫn trọn vẹn hạnh phúc.
- Còn cô đơn do tình liên đới bị tổn thương là cô đơn đáng sợ. Nó có thể xảy ra do hằn thù, độc ác, vô cảm của đồng loại. Nó có sức hủy hoại cuộc đời những ai là nạn nhân của nó. Nó đánh đổ cả sự nghiệp, lòng nhiệt huyết và lý tưởng của nạn nhân. Nó có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực. Nó gây nhiều đớn đau, mệt mỏi cho chính nạn nhân, cũng như những ai có liên quan.
Là Kitô hữu, chúng ta cần loại trừ những cô đơn loại này bằng nghĩa cử của tình yêu, của quan tâm, của đồng cảm.
Tình yêu của Chúa Giêsu Kitô sẽ là nguồn gợi hứng để Kitô hữu luôn biết sống lòng yêu mến, sống tương thân tương ái. Tình yêu của Chúa Giêsu Kitô giúp Kitô hữu loại trừ thái độ loại trừ, để đôi mắt của mình luôn tạo nên và phản chiếu ánh nhìn của trìu mến, của gần gũi, của liên kết…
Dù là cô đơn do tự nguyện hay cô đơn do tình liên đới bị tổn thương, tất cả đều đòi hỏi nhiều phấn đấu, nhiều nỗ lực vượt qua.
Đặc biệt, đang khi rơi vào trạng thái cô đơn, ta cần phải cảnh giác với mọi tư tưởng, mọi hành động của bản thân hay của bất cứ đối tượng nào tác động để không gây thêm phiền phức, thậm chí nguy hiểm.
Đối với bản thân, nhiều lần tôi tìm đến sự tĩnh mịch để cầu nguyện, để suy niệm, để nghiền ngẫm biết bao nhiêu biến cố xảy ra cho mình hay liên quan đến mình. Nhiều khi tôi muốn tìm đến cô đơn để tự do yêu mến Thiên Chúa, yêu mến con người, phụng sự Chúa và phục vụ con người cách hiệu quả, an nhiên, tự tại hơn.
Nhưng cũng có lúc cô đơn là nỗi rát buốt trong tâm hồn. Tôi suy niệm những cô đơn của Chúa Giêsu Kitô để thêm yêu mến Chúa, yêu thương bản thân mình và yêu thương anh em đồng loại. Nhờ đó, tôi có những phản ứng tích cực, những việc làm bổ ích giúp thăng tiến cuộc đời, thăng tiến nhiều người cùng khổ như mình.
Tôi tin rằng, Chúa yêu tôi, Người trao cho tôi thánh giá để tôi có cơ hội cộng tác với Người trong công trình cứu chuộc mà Người dành cho tôi và cho thế giới.
Thánh giá luôn là những thanh luyện cần thiết. Tôi học tập thanh luyện trong những cô đơn rát buốt để vững vàng hơn, tâm huyết hơn, lý tưởng hơn. Tôi tin đó là hy lễ cuộc đời của bản thân mình, mà tôi có để hiến dâng Thiên Chúa, để cả đời tôi, trong từng nhịp sống, từng biến cố, tôi chúc tụng Chúa, tôi yêu mến Chúa, tôi vâng phục thánh ý Chúa, tôi nương nhờ lòng từ ái của Chúa, tôi ngã mình vào trái tim đôn hậu của Chúa.
Tôi đang sống tuần Thánh. Lặng ngắm những cô đơn của Chúa, tôi thấy quý giá biết bao nhiêu điều mà Chúa đã sống, đã trải qua. Bởi nó cho tôi quá nhiều những bài học mà không thể tìm thấy bất cứ nơi đâu. Nó đúc kết trong tôi thành ý nghĩa sống!
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: