Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nỗ Lực Gia Công Thường Nhật Cho Lòng Thương Xót Chúa

LOẠT BÀI LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG

KỲ 08: NỖ LỰC GIA CÔNG THƯỜNG NHẬT CHO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 

Có người kể cho tôi nghe câu chuyện này. Một thanh niên ngồi ăn xin bên đường, đợi người ta đi qua thì than thân trách phận để mong ai thương xót cho ít tiền. Gần trưa gặp ông lão hồng hào khoẻ mạnh phúc hậu thong thả đi ngang qua. Hắn cảm thấy cơ may, bíu vạt áo ông lão mà nài nỉ. Ông lão dừng bước nhìn khắp hắn, hỏi rõ từng câu:

 

- Chú em có gì đánh đổi để lấy tiền không?

 

Người thanh niên thảng thốt kêu lên:

 

 - Ôi, con có chút gì đâu, nên chỉ biết đi ăn xin thôi, xin bác bố thí!

 

Ông già quắc mắc hỏi:

 

- À, vậy thì con à, bác hỏi mua đôi cánh tay, đôi chân, đôi mắt của con 5000 lượng vàng, được không? Con có thể bán bao nhiêu nè? Tất nhiên,  trừ riêng cái đầu của con  thì dù 1 xu hay cả vạn tỉ là thứ không thể bán hay mua!

 

Gã thanh niên kia sợ hãi kêu lên:

 

- Ôi thế thì con đau đớn sống còn tệ hơn chết! Đang nguyên thế này mà còn chả ra gì đây!

 

Lão ông chậm rãi vuốt râu và cười lớn:

 

 - Vậy là anh đang sở hữu những thứ có giá trị, nhưng không dám bán mà thôi, sao lại phải đi xin tiền cơ chứ?

 

Người thanh niên đứng lên tiếp tục van vỉ: - Xin cho con ít tiền kiếm miếng ăn qua ngày!

 

Ông bác quay lại đáp:

 

- Ta không bao giờ cho không ai thứ gì cả . Bây giờ cũng thế, chỉ cho anh cơ hội : đó là ĐÁNH ĐỔI ! Ngay cả khi anh dám bán các bộ phận cơ thể thì tiêu ít hôm sẽ hết! Sao không dùng chúng mỗi ngày để kiếm tiền?

 

Gã thanh niên chấp: - Con bao lâu chỉ đi ăn xin, không đi xin ăn bây giờ biết làm gì đây?

 

Người già gập cặp kính lão lại và nói:

 

- Thật ra mỗi ngày anh đã từng gặp bao nhiêu người , cố kêu khổ, cố làm mình tàn tạ hơn để xin tiền họ mà không chịu làm điều ngược lại : gắng ngon lành hơn và hỏi xem mình có thể làm được gì cho ai không - Anh chưa biết, vậy ta sẽ mua sức lao động trong thời gian ít ngày của anh.

 

Người thanh niên ngượng ngùng, lão già tiếp:

 

- Hãy ra chợ gần đây làm bất kỳ điều gì tốt được người ta chấp nhận ở nơi đó, ta cùng đến, sẽ giám sát và trả công cho anh mỗi ngày, cho đến khi có ai thay ta trả tiền công cho anh! Này, hãy cầm chiếc bánh ta tạm ứng trước cho anh để có sức mà bắt đầu kiếm ra tiền.

 

Gã ăn mày cầm lấy chiếc bánh như sợ ông lão lấy lại. Y lững thững đi vào chợ, ông lão cũng đeo cặp kính vào rồi xách chiếc giỏ đệm đi tiếp. Ông đến ngồi một nơi cao, dưới gốc cây to mát giữa chợ, tĩnh toạ an nhiên thiền định, thỉnh thoảng ôn tồn chuyện trò với một số người qua lại ghé lại hỏi han gì đó. Còn hắn suy nghĩ thực sự phải làm gì đây khi hắn chỉ quen ngồi không ngửa tay xin bố thí? Hắn bắt đầu chọn công việc ít được mọi người tranh giành nhất: dọn rác chợ, khai thông cống trước sạp thịt, rồi nâng gỡ hàng hoá cho ông hàng gạo, xếp lại mớ rao cho bà cụ quê đang lui cui bày mấy lọn rau vừa cắt trong vườn nhà, hắn làm mọi công việc giúp cho người bán, kẻ mua. Người thanh niên rồi cũng nhận được mấy lời cảm ơn dù ít ỏi. Hắn thấy vui lạ thường, niềm vui hơn là hôm nào đó xin được nhiều tiền.

 

Đến cuối ngày, ông lão cho hắn chút tiền đủ để hắn có bữa cơm đầy đặn và thuê nhà trọ bình dân tắm rửa, ngủ qua đêm. Hôm sau sạch sẽ và sảng khoái hơn. Niềm vui hôm qua hắn lại ra chợ, làm việc giúp đỡ mọi người. Cứ thế, vài ngày sau, cuối chiều không thấy ông lão nữa, hắn chậm chạp đi về nhà trọ. Chủ nhà trọ vồn vã hơn hôm đầu nói:

 

-  Nè cậu thanh niên, cứ ăn ở tại đây, tự nhiên đi, vì đã có lời dặn của ông lão kia rồi, tiền nhà được trả hết rồi.

 

Cả tháng sau, trong lúc dọn dẹp cho mấy gian hàng thực phẩm sau buổi họp chợ, ông lão kia xuất hiện, vỗ vai hắn và nói:

 

- Ta đã trả tiền ăn ở của anh trong vài tháng, và với những việc anh đã làm, vẫn còn dư chút tiền nữa, đây hãy cầm lấy!

 

Thời gian ngắn trôi đi, nhiều người ở chợ nhìn hắn đã quen, họ cởi mở thân thiện hơn, đã cho hắn chút tiền nho nhỏ, có người còn chủ động gọi hắn làm vài việc vặt và trả tiền công đàng hoàng. Ông chủ nhà trọ hỏi hắn muốn làm việc tại đây không với một số tiền mỗi ngày ! Hắn thấy vui vui, nhẩm tính hơn kém rồi vui vẻ nhận lời!

 

Vào một ngày đầu xuân, vị ân nhân gặp lại người cựu hành khất:

- Này nhé, đã có người thay ta mua sức lao động của anh rồi.  Hãy học kỹ cách làm cho anh trở nên có ý nghĩa trong xã hội. Ai muốn và biết lao động thì đều tìm thấy chỗ, thấy việc đúng với giá trị của mình cả thôi...

 

***

 

Mỗi con người khi bước vào đời không bao giờ có được một chọn lựa cả, ai cũng đồng ý rằng bất cứ ai trong 7 tỷ dân trên trái đất đều không bao giờ được hỏi trước liệu có muốn được sinh ra hay không? Nhưng rồi khi được sinh ra làm một con người, qua bao cuộc chuyển hoá, trở nên một người trưởng thành biết nghĩ suy, mới hoang mang nhận ra, sẽ làm được gì với cuộc sống mà Tạo Hoá đã chọn cho mình? Đời người, làng xóm, cận nhân, những chọn lựa đó của Tạo Hoá hoàn toàn không theo sở thích của mình, không theo nhận định và cách mình thích. Tương lai cũng lơ mơ, mù tịt về những băn khoăn điểm đến cho những chuyến hành trình. Thiên Chúa cho mỗi con người bắt đầu học về những thứ đó từng bước, từng bước như trẻ tập đi. Điều duy nhất được học là làm sao để đạt giá trị. Đời người là một quà tặng của Tạo Hoá, sự sống là món quà đẹp, đáng yêu, cũng có những chặng cuộc sống tưởng mình cục nợ chán nản, muốn bỏ cuộc. Lúc nào đó, hoàn toàn chẳng có giá trị gì về mặt con người. Và rồi, mau mắn nhận ra một điều, chỉ có những ai biết mính, chọn lựa cách dấn thân trong cuộc đời này mới tận dụng được môi trường làm người để vươn lên chân - thiện - mỹ tuyệt đối. Vậy mà, phần nhiều trong 7 tỷ thụ tạo ấy của Tạo Hoá, chẳng biết mình là ai, muốn gì, cứ ầm ầm lao đầu vào xã hội bằng bản năng, chiến đấu giành giật, giẫm đạp lên nhau mà sống; và đương nhiên có nhiều người, bằng mọi cách; để đến nỗi những người rớt lại phải chán nản và xấu hổ hay kể cả tự tử. Trong suốt cuộc đời, có thể khai triển một thái độ tự do khi đối diện với sự sống: đón nhận sự sống như một ân huệ, và theo một nghĩa nào đó, “trở nên” điều khả dĩ có thể là nơi bản thể hữu hạn nhân sinh: trở nên bước chân Tạo Hoá tìm đến tình thương, nhân từ, khoan dung, độ lượng và cống hiến phụng sự. Bước chuyển đó sẽ đánh dấu một khúc quanh trưởng thành trong hữu thể nhân sinh và trong tương quan liên đới, và mối tương quan này chứa đựng Lòng thương xót của Tạo Hoá kỳ tài, huyền ái. Đó là một bước chuyển làm cho hữu thể khả biến cũng có khả năng đi vào thường biến, bất chuyển dịch nhờ thường trụ với Tạo Hoá, tập tành thương xót, quảng hiến như Tạo Hoá.

 

Trước mặt Thiên Chúa cũng thế, tất cả là thụ sinh. Thiên Chúa là hiền phụ của mọi cuộc hiện sinh, của mỗi hữu thể nhân văn. Lòng Thương xót là một tặng phẩm đồng thời là lời mời gọi nhập cuộc và lao động cho lòng thương xót. Chính tinh thần yêu thương, tha thứ, công bình, quảng hiến làm nên mối tương quan độc nhất, cá biệt so với tất cả thụ sinh khác. Thiên Chúa là nguồn cảm hứng bất tận của tình yêu, lòng thương xót. Và ngay cả trong mối tương quan với Thiên Chúa với lòng kính phục, yêu mến,  có thể đi vào cuộc “tái sinh”, trút bỏ tính khả biến để bước chân vào thường hữu bằng ân sủng. Lòng thương xót khiến chúng ta trở nên công trình mô phạm của Thiên Chúa. Điều này có thể xảy ra nhờ đức tin, nhờ “tiếng xin vâng” sâu xa và đầy hiếu kính với Thiên Chúa, nền tảng của cuộc đời mọi sinh thể khả biến và thường hữu. Với “tiếng xin vâng”, nhân sinh đón nhận sự sống như hồng ân lòng thương xót của Cha Trên Trời, Đấng sinh thành không thấy được, nhưng lại là Đấng Siêu việt, tự do và hiện trình của niềm tin.  Tự đáy sâu tâm hồn, lời mời gọi đi vào vườn nho của Lòng Thương xót và chuyên chăm cấy trồng hạt nhân hậu của Thiên Chúa, tấm lòng một người Cha vô cùng tốt lành và trung tín. Một lần nữa, ghi nhớ trong tâm trí rằng không ai tự mình làm người: tất cả đều “được sinh ra”, mà không hề có một hành động nào tự mình. Trên bình diện đời sống Kitô hữu: không ai có thể tự mình làm Kitô hữu, bằng ý chí riêng của mình. Thánh Gioan nói: “Nhưng đối với tất cả những ai tiếp nhận Người, thì Người ban cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (x. Ga 1,12). Mỗi Ki-tô hữu được sinh ra và được tái sinh để sống một cuộc sống thần linh mới. Được sinh ra từ tình yêu của một người cha và của một người mẹ, và được tái sinh từ tình yêu của Thiên Chúa, giúp thụ nhân sống thật sự ân điển làm con của Thiên Chúa, không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động: “Và đây là giới răn của Ngài: tin vào danh Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, và yêu thương nhau, như Ngài đã ban cho chúng ta giới răn tình yêu” (x. 1Ga 3,23).

 

Đời sống Ki-tô hữu không chỉ có “nhãn hiệu” để an phận rằng mình có sẵn ơn giải thoát của Đức Ki-tô mà là tiến trình đi vào mầu nhiệm tình thương, khám phá ngày càng rõ rệt hơn và dấn bước cách đầy thiện ý cho đời sống sung mãn, đầy ý nghĩa. Thật cao quý khi ai đó luôn lên đường, năng động, linh hoạt chu toàn sứ mệnh tình yêu. Thiên Chúa đưa nhân sinh vào thế giới để làm việc trong cánh đồng truyền giáo của Người. Chúa sai phái đến để hoạt động cho Lòng thương xót Chúađ trong dòng nhân sinh giữa vũ trụ vật chất. Phẩm giá và trách nhiệm của nhân sinh là tiêu điểm của công trình Lòng Thương xót Chúa. Mỗi cá nhân linh hoạt của Thiên Chúa được tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc mạnh mẽ chu toàn trách nhiệm này một cách trung thành và hào phóng. Làm người và làm cộng sự viên của Lòng Thương xót là tiến trình từng bước một; theo một ý nghĩa nào đó, đây là một tiến trình diễn tiến từng ngày.

 

Để có thể khám phá ra huyền nhiệm cuộc đời, phải biết lắng nghe để tiếp nhận và trao hiến lòng thương xót cho nhau. Công nhân của xưởng “Lòng Thương xót” lao động càng nhiệt thành thì càng thường xuyện cầu nguyện, trông cậy vào Thánh Tâm Chúa Giêsu để ôm ấp sứ mệnh Chúa giao phó. Thiên Chúa kêu gọi từng giờ trong cuộc sống mỗi cá nhân để cho thánh ý Chúa được ghi nhận một cách chính xác và rõ ràng hơn qua những bước dân thân phụng sự cụ thể và liên tục của người môn đệ. Nhờ đó, Ki-tô hữu trở nên một với Chúa Kitô để qua hoạt động cá nhân, với cá nhân ấy và tác thánh cá nhân cộng sự với Lòng thương xót Chúa mọi lúc trong cuộc đời: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (x. Gioan 2, 5). Tuy nhiên, việc sống theo thánh ý Chúa đòi hỏi một khả năng và tinh thần đại lượng để thực hiện và nuôi dưỡng lòng thương xót một cách tự do và có trách nhiệm. Thánh Lê-ô Cả nói: “Kẻ nào ban cho nhân phẩm cũng sẽ ban cho sức mạnh!”

 

Bằng hữu của Lòng Thương xót là cảm nghiệm tuyệt diệu đòi hỏi nhiều cố gắng: “Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa thanh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ” (x. 1 Phê-rô 2, 2).

Chúa Giêsu luôn luôn kêu gọi mọi người ôm ấp tình yêu và lòng thương xót như Cha trên trời. Tất cả đều được gọi nên trọn lành và nên thánh. Điều này cũng đúng với công việc phụng sự Lòng Thương xót Chúa. Được làm người, làm Ki-tô hữu là hồng ân ôm ấp vận mệnh thật trọn vẹn. Ơn Thiên Triệu mời gọi làm công việc đặc biệt của Lòng Thương xót Chúa. Nhờ không ngừng hoạt động với lòng thương xót, ai nấy sẽ biết mình ở đâu.

 

Khi chúng ta nhìn Chúa Giêsu, chúng ta thấy được một mẫu gương lao động cần mẫn cho lòng thương xót. Chúa Giêsu luôn giương cao Lòng thương xót của Chúa Cha ngay khi khởi sự việc mục vụ công khai. Công việc hiến đáp Lòng Thương xót là một lời mời gọi đến từ Thiên Chúa và công việc mỗi tá viên đang tiến hành sẽ nuôi dưỡng đời sống Công giáo, sẽ giúp ích cho tiến trình hoán cải liên tục của Hội Thánh. Hoạt động cho Lòng Thương xót Chúa trong cuộc sống làm giàu có cho đời sống thiêng liêng của nhân sinh, giúp toàn nhân loại đan quyện lại với nhau trong con tim của Chúa. Nếu chúng ta chấp nhận lời mời gọi đó xuyên qua đời sống và tâm tư cầu nguyện sẽ khích động công việc của chân lý và bình an. Không phải ngẫu nhiên mà Thiên Chúa đã mời gọi mỗi người chúng ta. Mỗi chúng ta là thành phần trong toàn bộ chương trình của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: “Người đã gọi chúng ta theo như ý Người định. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi. Những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; và những ai Người đã làm nên công chính, thì N gười cũng cho hưởng phúc vinh quang” (x. Roma 8, 28-30).

 

Vì thế việc chúng ta được kêu gọi đều có mục đích và đã được tiền định, được kêu gọi sống một đời sống sâu sắc và trọn vẹn, tập trung vào Lòng Thương xót Thiên Chúa. Khi ý thức về trách nhiệm tá viên ấy, tức là phải sống những điều căn bản để trở nên Kitô hữu đích thực. Hy vọng rằng khiđáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, tá viên sẽ sống Lòng Thương xót như một ơn gọi, như một lối sống. Lòng Thương xót là một ơn gọi mở ra và tiến hóa và mỗi người chúng ta cần phải xem xét cNn thận để chấp nhận ơn gọi ấy, để đáp ứng và cam kết theo đuổi ơn gọi ấy. Việc đầu tiên chúng ta phải làm là kính trọng và khâm phục cho cân xứng. Lòng Thương xót là chương trình của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chương 15, Chúa Giêsu nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (x. Gioan 15, 16). Đó là mời gọi thường xuyên trong đời tông đồ Ki-tô.

 

Đức Giêsu vừa nhắc khéo vừa trách thái độ ỷ lại vào ân sủng: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (x. Ga 6, 27). Đức Giêsu không mời gọi chúng ta sống ơn gọi Ki-tô hữu một cách thụ động, nhưng Người đòi buộc chúng ta phải “ra công làm việc”. Cảnh tượng thế giới xâu xé, lòng người lãnh đạm, xa lánh, đánh mất liên đới trách nhiệm là môi trường để người Kitô hữu sống Lòng Thương xót Chúa cách thiết thực và cất giữ cho mình kho tàng “không thể mối mọt” đó là thực hiện “những điều Thiên Chúa muốn”. Hoạt động cho Lònng Thương xót của Thiên Chúa là làm sống lại tiếng Chúa Ki-tô nhắc nhở dân Chúa luôn luôn: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (x. Mt 6,33). Lao tác cho Lòng Thương xót Chúa qua đời sống Ki-tô hữu tạo nên “chiến công” thầm lặng mà hữu hiệu cho cuộc sống “ơn gọi làm Kitô hữu” mà Thiên Chúa muốn mỗi người vươn tới: chứng nhân cho Lòng Thương xót của Thiên Chúa sinh động và hữu hiệu cách hiền từ và cương nghị giữa lòng thế giới.

 

L.M P.X Nguyễn Văn Thượng