Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cảm Nghĩ Hành Hương Fatima 2017

Cảm Nghĩ Hành Hương Fatima 2017

Dominic Thiện

 

Nói chung người Công Giáo Việt Nam có lòng kính mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Vì thế có lẽ ai cũng ao ước được thể hiện một chuyến hành hương Fatima hoặc Lộ-Đức ít nhất là một lần trong đời. Cuối tháng Sáu vừa qua, tôi đã được hân hạnh cùng với một nhóm giáo dân GX ĐM La-vang vùng Grand Rapids, MI, đi hành hương, nhân dịp kỷ niệm 100 Năm Mẹ Hiện Ra tại Fatima.

 

Chuyến hành hương 12 ngày đã mang lại nhiều kỷ niệm vui, nhưng quan trọng hơn nữa nó là một quãng nhỏ của hành trình đức tin Kitô hữu. Bởi vì hành hương, theo lời ĐTC Biển Đức XVI, “là bước ra khỏi chính mình để gặp gỡ Thiên Chúa tại những nơi Người đã tỏ mình, nơi mà ân sủng Người đã toả chiếu với nét đặc biệt, và nơi mà ơn hoán cải cùng với sự thánh thiện của những người tin đã sinh hoa trái.”

 

Vài tháng trước chuyến đi hành hương, một người bạn rủ vợ chồng tôi cùng tham dự, chúng tôi hơi lưỡng lự. Nhà tôi đã tham dự một chuyến hành hương Năm Thánh 2000 và đã thăm viếng các linh địa của bốn nước: Ý-đại-lợi, Bồ-đào-nha, Tây-ban-nha, Pháp quốc và Do-thái cũng như được yết kiến vị Thánh Giáo-hoàng Gioan Phaolô II. Riêng tôi thì chưa được bao giờ đi hành hương Âu-châu, mặc dù đã 4-5 lần đi công tác tại Đức quốc và các nước lân cận như Pháp, Áo và Thuỵ-điển. Vì vậy nhân dịp Giáo Hội kỷ niệm 100 năm Mẹ hiện ra tại làng Fatima, chúng tôi đã quyết định làm một chuyến hành hương Âu châu. Khi ghi danh đi hành hương, thì có lẽ mỗi người đều mang theo những ước nguyện và đi với mục đích riêng. Như vậy hành hương là gì, và tại sao các tín hữu Công Giáo thích đi hành hương hay là nên đi hành hương chung hoặc riêng?

 

Sách Thánh Vịnh có chép: “Lạy CHÚA, xin nghe lời con nguyện cầu, tiếng con kêu cứu, xin Ngài lắng tai nghe. Con khóc lóc, xin đừng làm ngơ giả điếc, vì con là thân khách trọ nhà Ngài, phận lữ hành như hết thảy cha ông.” (Tv 39:13) Chữ lữ hành được dịch từ chữ peregrinus tiếng La-tinh, và là nguồn của chữ pilgrimage, từ đó chúng ta có chữ hành hương. Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội (Lumen Gentium) dùng hình ảnh lữ hành để diễn tả Giáo Hội tại thế: “Bao lâu còn là lữ hành trên dương thế xa cách Chúa (x. 2Cor 5,6), Giáo Hội nhận mình bị lưu đày, nên luôn tìm kiếm và nếm hương vị trên trời, nơi Chúa Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa;” (x LG #6). Như vậy qua phép Rửa, mỗi một tín hữu trở nên một lữ hành trên đường đi về quê trời. Đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu trong thế gian này là một cuộc hành hương.

 

Tập truyền đi hành hương đã có từ thời Cựu Ước, nhất là sau khi đền thờ Giê-ru-sa-lem được xây cất vào khoảng 957 BC. Thời đó luật Mô-se buộc đàn ông Do-thái hiện diện trong ba đại lễ: Vượt Qua (Pesach), Ngũ Tuần (Shavu’ot), và Lễ Lều (Sukkot hoặc Tabernacles). Cho tới ngày nay, họ vẫn còn đi hành hương và vừa đi họ vừa hát các bài Thánh Vịnh 119-133. Những cuộc đi viếng đền thờ hằng năm này dần dần trở thành “lễ hội Hành Hương” trong truyền thống Do-thái.

 

Đến thời Giáo Hội sơ khởi, các tín hữu Kitô Giáo vì lòng tin-cậy-mến đã ao ước được đi trên những đoạn đường mà Đấng Cứu Chuộc, Mẹ Maria và các thánh Tông Đồ đã trải qua. Đây là hành hương Đất Thánh. Sang các thế kỷ sau đó, giáo dân được chứng kiến những cái chết và đời sống gương mẫu của các vị thánh, đặc biệt các Thánh Tử Vì Đạo, mọi người lại càng hăng hái hơn trong việc hành hương đất thánh để suy niệm và tưởng nhớ sự Thương Khó, Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đến thời Trung Cổ (Middle Age), vì phương tiện đi hành hương Đất Thánh trở nên khó khăn, tốn kém, chiến tranh và nguy hiểm tới tính mạng (bịnh hoạn, cướp bóc và bắt cóc), các tín hữu đã ít đi đất thánh. Thay vào đó họ tới những đền thờ và các Vương Cung Thánh Đường, nơi mà các phép lạ đã xảy ra.

 

Trong chuyến hành hương 2017 này, linh địa chính mà chúng tôi ghé tới là Đền Mẹ Fatima, nơi Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với ba trẻ mục đồng trên cây sồi. Công trường đền thánh rộng lớn với một nét đẹp đơn sơ và trẻ hơn khi so với Lộ-đức. Mới đây ĐTC Phan-xi-cô tới để phong thánh cho hai chân phước trẻ, Gia-xinh-ta và Phan-xi-cô, nên lễ đài vẫn còn lại. Phía cuối công trường, một khung tháp vỏn vẹn với Thánh Giá nhỏ và hai đèn trắng, đánh dấu nơi ba trẻ mục đồng và hàng ngàn người đã quỳ để cầu nguyện và chờ phép lạ Mặt Trời Múa ngày 13/10/1917. Đền ĐM Fatima nhắc nhở các lữ hành một điều – nơi đây Mẹ Thiên Chúa đã chọn để mời gọi thế giới: tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, siêng năng lần hạt Mân Côi và chạy tới Mình Thánh Chúa. Cũng nơi đây, Đức Mẹ dạy ba trẻ cầu nguyện cho thế giới, thờ lạy và siêng rước Thánh Thể – vì Bí Tích Cực Thánh này là nguồn và tột đỉnh của sự sống. Thiên Chúa đã dùng Mẹ Maria để vạch đường cho mọi người tới Đức Giêsu, chẳng vì thế mà CĐ Vatican II nói: “Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian.” (LG 62)

 

Khi tiếp gặp các khách hành hương Fatima, hình như mỗi người mang theo những tâm trạng lẫn lộn. Người thì đến viếng đền thánh để biết, người thì tới để tạ ơn hoặc xin ơn, và cũng có người chỉ tới quan sát theo cái nhìn lịch sử. Riêng cá nhân tôi, khi tham dự thánh lễ, đọc kinh giờ Đền Tạ, rước tượng Mẹ và Thánh Thể, hoặc khi quỳ và bò lết trên con “đường đền tội” (atonement path) dài khoảng 550 ft với tràng kinh Mân Côi, tôi cảm thấy lòng lâng lâng với tâm trạng một người con mang những lỗi lầm vì chưa thi hành mệnh lệnh của Mẹ. Tôi còn nhớ vài giọt lệ sám hối và cảm kích đã lăn trên má khi quỳ dưới chân Mẹ vào đêm cuối trước khi rời Fatima. Khi xưa Mẹ “đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng đó.” (LG #58), và cho tới bây giờ, Mẹ vẫn muốn đồng hành với nhân loại.

 

Sau Fatima, đoàn lữ hành rời Bồ-đào-nha và trực chỉ thành phố Zaragoza, Tây-ban-nha. Nơi đây chúng tôi được viếng và dự Thánh Lễ Chúa Nhật ở Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Cột Trụ (Our Lady of Pillar). Lịch sử của linh địa này đáng chú ý. Theo truyền thuyết để lại, thì khoảng năm 40 AD, Thánh Gia-cô-bê Cả (anh của Th. Gio-an) đã lặn lội qua thổ địa Tây-ban-nha để truyền giáo cho dân ngoại. Lúc đó, sau khi mệt nhọc rao giảng Lời Chúa mà không thấy kết quả, vị tông đồ của nhóm “Tay Ba” buồn rầu và đã nghỉ chân tại bờ sông E-brô để cầu nguyện. Trong lúc cầu nguyện, Mẹ đã hiện ra với thánh Gia-cô-bê, bế Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay và đứng trên cây cột trụ. Đức Maria đã yên ủi vị tông đồ này và hứa sẽ bầu cử cho dân Zaragoza trở lại đạo. Mẹ còn nói cây cột trụ mà Mẹ đứng là biểu tượng cho đức tin cứng rắn của dân này. Sau đó Mẹ dặn thánh Gia-cô-bê và các môn đệ xây một nhà nguyện nơi này và hứa: “Đền thánh này sẽ đứng vững cho tới giờ cuối cùng để nhờ đó Chúa sẽ làm những phép lạ và những kỳ công qua lời bầu cử của Ta cho tất cả những ai chịu đến vớiTa để cầu khẩn.” Hai điều cần chú ý là (1) hiện tượng Mẹ hiện diện tại Zaragoza với thánh Gia-cô-bê trong khi Ngài còn đang sinh hoạt ở Giê-ru-sa-lem với các tông đồ khác là một biến cố phân thân (bilocation) mà Thiên Chúa đã đặc biệt ban cho Mẹ. Trong sử các thánh, GH ghi nhận phân thân là ơn đặc biệt mà ít người được; (2) tượng Mẹ Cột Trụ đã đứng vững hơn 2000 năm đúng như lời Mẹ tiên đoán mặc dù nhà nguyện đã bị huỷ hoại vài lần trong các thế kỷ qua. Số là vào cuộc nội chiến nước Tây-ban-nha khoảng năm 1936-1939, quân đội đã thả bom trên thành phố và có ba quả đã rớt vào nhà thờ, nhưng qua sự quan phòng của Chúa, không một quả nào đã bùng nổ. Hiện nay, bên cạnh đài ĐM Cột Trụ khách hành hương có thể nhìn thấy vỏ bom treo trên tường cũng như một lỗ trên trần nhà. Đây là vết chứng của chiến tranh.

 

Như vậy từ lúc đền Đức Mẹ được xây cất đến giờ, đã bao nhiêu điềm thiêng giấu lạ xảy ra, và người dân địa phương cũng đã trở lại đạo. Đức tin của họ đã cứng cáp và GH Tây-ban-nha đã có bao nhiêu vị thánh đáng kính như lời Mẹ nói trước. Nhiều người Tây-ban-nha đã đặt tên cho các bé gái là Pi-lar (nghĩa là cột trụ) để kính nhớ Đức Mẹ Cột Trụ. Lòng sùng kính Mẹ Maria có lẽ bắt nguồn từ nơi này. Khi viếng thánh tượng Mẹ bồng Chúa đứng trên Cột Trụ và được sờ vào Cột, tôi cảm thấy nhỏ bé và cảm kích vì tình mẫu tử mà Mẹ đã luôn dành cho nhân loại, là những người mà Chúa đã trăn trối với Mẹ ở chân thánh giá.

 

Chuyến hành hương này không thể hoàn tất nếu chưa viếng thăm đền Đức Mẹ Lộ-đức, Pháp quốc, nơi mà Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hiện ra với một mục đồng 14 tuổi, tên Bernadette vào năm 1858. Đức Mẹ hiện ra với Bernadette 18 lần với thông điệp sám hối và cầu nguyện cho các tội nhân hoán cải. Các dấu lạ đã xảy ra tại hang Lộ-đức bao gồm các ơn chữa lành, lòng hoán cải và xác nguyên vẹn của thánh Bernadette. Hiện tượng Lộ-đức được Giáo Hội công nhận năm 1862, và năm 1890 ĐGH Lêô XIII đã chọn ngày 11 tháng 2 là Lễ Kính Mẹ Lộ-đức trong lịch PV. Đền thánh này đã thu hút hằng trăm nghìn khách hành hương trong những thế kỷ qua. Âu châu truỵ lạc bao nhiêu, thì Lộ-đức cho ta thấy lòng tin vào Chúa vẫn còn sống động bấy nhiêu.

 

Nhóm chúng tôi đã được tắm và uống nước suối mà chính Mẹ đã chỉ dạy thánh Bernadette, “con hãy đi uống nước từ suối này và lau mình ở đó” (25/02/1858). Theo tài liệu thì có hơn 5,000 trường hợp liên quan tới nước suối Lộ-đức mà đã được ghi nhận là phép lạ chữa lành. Trong hơn 5000 trường hợp trên, thì Giáo Hội đã chính thức công nhận 80 phép lạ -- sau khi truy xét và nghiên cứu kỹ lưỡng. Thật ra thì nước suối Lộ-đức không phải là nước thần hoặc là một loại nước có chất hoá học đặc biệt (theo khoa học minh chứng). Các bệnh nhân được ơn chữa lành là vì họ đã khiêm nhượng vâng theo lời chỉ dạy của Mẹ, và nhất là họ đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa thể hiện qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria. Đó là đặc điểm của hiệu quả nước suối hang Lộ-đức.

 

Ngoài các linh địa Đức Mẹ, phái đoàn hành hương cũng đã thăm quan nơi các thánh được sinh trưởng hoặc được Thiên Chúa tỏ mình. Một trong những nơi mà tôi có ấn tượng là đan viện Nhập Thể, nơi thánh Tê-rê-sa thành A-vi-la đã cải tiến đới sống tu trì sau 20 năm sống trong dòng Cát-minh. Năm 1970 ĐGH Phao-lô VI đã nâng ngài lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh; vị thánh nữ đầu tiên trong lịch sử GH với tước hiệu doctor ecclesiae. Thánh Tê-rê-sa để lại một kho tàng đời sống cầu nguyện, và đã được mệnh danh là “tiến sĩ kinh nguyện”. Nơi đan viện này, dòng đã để lại một số những di tích lịch sử của các thể kỷ trước như là để nhắc nhở và mời gọi các tu sỹ hoặc khánh hành hương luôn hoán cải đời sống tâm linh. Tôi học được linh đạo của thánh Tê-rê-sa là một linh đạo đời sống chiêm niệm và cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện được ví như một toà lâu đài với 7 phòng ốc dẫn tới phòng chính nơi Chúa Giê-su ngự trị. Mỗi người Kitô hữu phải có một đời sống cầu nguyện tích cực mà tột đỉnh là sự hiệp nhất với Chúa.

 

Mục đích hành hương là “bước ra khỏi chính mình để gặp gỡ Thiên Chúa”. Ngoài thăm viếng các nơi thánh trong cuộc hành hương vừa qua, các lữ hành còn có các cơ hội hằng ngày để đến với Chúa qua cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, như bí tích Hoà-giải và Thánh-thể. Chương trình hành hương đã tạo cơ hội để mọi người có thể tham dự thánh Lễ mỗi ngày và cùng nhau đọc Kinh Phụng Vụ ban Sáng. Một người trong nhóm chia sẻ là anh chưa từng bao giờ thực hành được việc này cho tới khi tham dự chuến hành hương vừa qua bởi vì tại mỗi linh địa, ban tổ chức cố gắng xếp chương trình cho phái đoàn sốt sắng dự Lễ. Có thể nói, chuyến hành hương này có sự hiện diện của Chúa đúng như câu, “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18:20) Chúa đã hiện diện và sau khi gặp gỡ Ngài, ơn hoán cải đã đổ xuống. Một người bạn chia sẻ niềm hân hoan trong lòng khi thấy người thân của mình làm hoà với Chúa qua BT Hoà-giải sau nhiều năm xa vắng. Ngoài điềm này, tôi còn cảm thấy phấn khởi khi biết được một bạn trẻ trong nhóm hành hương kết luận rằng: làm sao có thể không tin sự hiện hữu của Chúa sau người ta đi thăm quan các thánh địa nơi Chúa đã tỏ vinh quang Người qua các điềm thiêng dấu lạ.

 

Không những Chúa đã hiện diện trong các giờ kinh nguyện và thánh Lễ, nhưng có lẽ Người còn hiện diện trên khuôn mặt của những người mà chúng tôi gặp gỡ trong chuyến đi; từ những người vất vả nâng đỡ các bệnh nhân và khách hành hương tắm suối Lộ-đức, đến những người đẩy xe lăn cho các người bệnh và già nua, hay những bạn trẻ đã hy sinh tiền/thì giờ/tâm sức để phục vụ khách hành hương tại các đền thánh. Những người này đã mang một hình ảnh Đức Kitô “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20:28). Họ đã gián tiếp làm sống động câu nói của thánh Gia-cô-bê, “tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (2:18). Nói tới đây, tôi nhớ lại một hình ảnh khó quyên và dễ thương. Đó là một cậu bé khoảng 13 tuổi, hì hục đẩy xe lăn chở bà, để cùng nhau tới thăm nơi Đức Mẹ hiện ra.

 

Sau chuyến hành hương tôi trở về nhà với một thân xác mệt mỏi, và vài món quà nhỏ để tặng họ hàng và bạn bè, nhưng tâm thần thì phấn khởi và ao ước sẽ trở lại một dịp khác. Thử hỏi như vậy chuyến hành hương này đã đạt mục đích chưa hay chỉ là một chuyến công du? Bằng cách nào mà tôi đã gặp được Chúa tại những linh địa và qua sự gặp gỡ đó tâm hồn tôi cảm thấy ra sao?

 

Thần học gia Frank Sheed nói Chúa dựng nên mỗi người với một linh hồn và thể xác, và linh hồn được toàn diện khi ý chí (hướng về Chúa) và trí thức (khả năng tìm biết Chúa) cùng được áp dụng một lúc. Đối với tôi, chuyến hành hương này là một chuyến đầu tiên trong đời, nhưng nó không là chuyến cuối cùng. Trí thức đã được toại nguyện phần nào vì nhìn thấy những vinh quang Chúa, thể hiện qua các tác phẩm, kiến trúc vĩ đại, đời sống gương mẫu các thánh, và những điềm thiêng dấu lạ ghi nhận trong lịch sử. Từ những ý thức này, đức tin thúc đẩy tôi phải gia tăng lòng mến và trông cậy vào Chúa bằng cách hoán cải tâm hồn và thực hành thông điệp Fatima tích cực hơn. Thế giới ngày nay cần Mẹ Fatima không khác gì hơn 100 năm trước, bởi vì con người ta vẫn xoa đoạ trong tội xã hội, xúc phạm đến Thiên Chúa bằng sự bất kính Thánh Thần Chúa. Là phần tử của một Giáo Hội lữ hành, tôi không thể nào làm ngơ mà không tích cực trong lãnh vực cầu nguyện và hoán cải tâm hồn. Lạy Chúa xin giúp con tiếp tục đến với Mẹ vì Mẹ là “dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành” (LG 68).