Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hôn nhân dị chủng

Tác giả: 
Trần Mỹ Duyệt

 

 

HÔN NHÂN DỊ CHỦNG

 

 

 Trần Mỹ Duyệt

 

Hôn nhân dị chủng là hôn nhân mà người của quốc gia này kết hôn với người của một quốc gia khác. Khác ngôn ngữ, khác văn hóa, khác truyền thống, khác lịch sử dân tộc.  Đối với giới trẻ Việt Nam ngày nay, một trong những sinh hoạt xã hội có liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình là hôn nhân dị chủng. Nó không chỉ là một thử thách lớn đối với người trẻ mà còn cho cả giới phụ huynh nữa.

 

 

1. Khác biệt ngôn ngữ.

 

Ngôn ngữ là một phương tiện chuyên chở của văn hóa và tư tưởng con người. Ngôn ngữ là một phần trong văn hóa của một dân tộc. Thiếu khả năng tiếp nhận và truyền đạt tư tưởng không những không phát triển được sự thông cảm liên kết với người khác mà còn trở thành nạn nhân của xã hội, của thế giới chung quanh. Người ta thường cảm thấy xa lạ, bị cô lập, và bị hiểu lầm giữa thế giới chung quanh vì thiếu khả năng diễn đạt tư tưởng, trao đổi và cảm thông với người khác bằng tiếng nói.

 

Trong lãnh vực tình cảm, những dấu hiệu được tìm thấy qua việc thiếu khả năng truyền đạt tư tưởng là mặc cảm tự ty, cô đơn, nghi ngờ, và thiếu tự tin. Những thái độ này xảy ra vì người ta đã không làm chủ được tình cảm của mình qua việc truyền đạt bằng ngôn ngữ.

 

Trong tâm lý học, khả năng diễn tả tư tưởng đi liền với khả năng của lý trí. Mức độ phát biểu của một người tùy thuộc vào trình độ hiểu biết và ngôn ngữ của người đó dùng khi nói năng và giao tiếp. Vì thế, ngôn ngữ được chia thành hai cấp bậc: Ngôn ngữ bình dân dành cho những người bình dân với những từ ngữ và lối diễn tả bình dân. Và ngôn ngữ bác học được sử dụng giữa những thành phần trí thức và hiểu biết. Tuy cùng một câu truyện, một sự việc nhưng những chữ dùng, cách diễn tả lại khác nhau giữa người bình dân và người có trình độ kiến thức cao.   

 

Đối với đời sống hôn nhân, khả năng diễn tả tư tưởng của người chồng hoặc người vợ, và khả năng hiểu được người phối ngẫu nghĩ gì và muốn gì là một điều hết sức quan trọng và cần thiết để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Phần lớn những cuộc cãi vã, chửi bới, và ẩu đả nhau trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái đều đến từ những bất đồng ý kiến, và hiểu lầm nhau. Từ ngữ chuyên môn gọi là miscommunication - hiểu lầm nhau, hoặc theo cách diễn tả bình dân là khắc khẩu. Trong những trường hợp ấy, việc trao đổi và chuyển đạt ý kiến của mình với người mình muốn nói là một cách thức giải quyết tốt đẹp nhất. Nhưng nếu ta không thấu suốt, không lưu loát, và không hiểu một cách đầy đủ, hoặc có khả năng thuyết phục với kho tang ngữ vựng dồi dào, thì sự hiểu lầm kia sẽ ngày càng trở nên trầm trọng và sẽ đi đến chỗ bế tắc hoặc đổ vỡ.

 

Nói, nghe, đọc và viết được tiếng Anh, tiếng Pháp hay một ngôn ngữ nào đó chưa bảo đảm là đã thấu hiểu văn hóa của ngôn ngữ ấy. Nói, nghe, đọc và viết tiếng Anh, tiếng Pháp trong tầm nhìn và hiểu biết về văn hóa của người Hoa Kỳ, người Anh hoặc người Pháp là hai điều hoàn toàn khác biệt. Điều này cũng áp dụng cho một người ngoại quốc khi nói và sử dụng tiếng Việt.   

 

 

2. Khác biệt văn hóa.

 

Nói tiếng Pháp, tiếng Mỹ, tiếng Ðức trôi chảy, hoặc ngay cả được lớn lên và được giáo dục ở Mỹ, ở Pháp, hay ở bất cứ một quốc gia nào chỉ chứng minh được khả năng ngôn ngữ của một người. Tuy không gặp trở ngại khi nói năng, trò truyện hoặc trao đổi về mặt ngôn ngữ, nhưng đó không phải là đã hoàn toàn hiểu và thấu triệt được văn hóa của nước đó.

 

Văn hóa, bằng một định nghĩa thông thường, thì đó cái làm cho tôi là người Việt Nam là văn hóa Việt Nam, và cái làm cho người khác là người Mỹ là văn hóa Mỹ, là người Pháp là văn hóa Pháp. Văn hóa còn được định nghĩa một cách rộng rãi hơn, đó là cơm ăn, nước uống, áo mặc, khí trời, khung cảnh gia đình, dòng tộc và huyết thống, phong tục, tập quán, truyền thống, và lịch sử của một dân tộc. Những cái đó quyện lẫn với nhau và vào nhau để làm nên một người Việt Nam, Mỹ, hay Pháp.

 

Ảnh hưởng văn hóa Việt Nam trong một người là cái mà không thể tìm thấy nơi một người Hoa Kỳ, Pháp, Anh, hay Ðức. Trong khi thẩm định một hội chứng tâm lý chẳng hạn, yếu tố văn hóa và nòi giống bao giờ cũng được ghi nhận là quan trọng. Thí dụ, khi tìm về lịch sử của bệnh nhân, bao giờ cũng ghi: Khoa, 5 tuổi con trai, có khả năng đi đứng bình thường, người Mỹ gốc Việt. Cha mẹ sinh tại Việt Nam và định cư tại Hoà Kỳ năm 1975. Hoặc: Antonio, 12 tuổi con trai, ngồi xe lăn, người Mễ. Gia đình di dân tới Hoa Kỳ được 10 năm.

 

Trước năm 1975, tôi có gặp một sĩ quan người Hoa Kỳ. Anh đã tình nguyện ở lại Việt Nam sau thời gian quân ngũ. Anh học tiếng Việt và có bằng cử nhân Văn Chương Việt Nam. Anh nói tiếng Việt một cách sành sõi và biết nhiều tiếng lóng. Anh đọc và cắt nghĩa thơ Hồ Xuân Hương một cách rất mùi mẫm. Một lần anh tâm sự với tôi là để hy vọng hiểu được văn hóa Việt Nam, anh đã làm quen với những món ăn Việt Nam như tiết canh, lòng lợn, thịt chó, nước mắm và mắm tôm… anh đã tự ép mình ăn những món ấy. Kết quả, anh đã phải vào nhà thương 3 lần, lần cuối cùng là 3 tháng vì xáo trộn tiêu hóa, tiêu chảy và kiết lỵ, một chút là bỏ mạng. Ðó là cái giá để làm quen với văn hóa Việt Nam mà anh đã trả.

 

Nhưng rồi càng ngày, trong khi giao tiếp, anh ta càng tỏ ra cho biết là anh vẵn không thể nào ăn cơm, canh, và rau muống chấm tương hay cà pháo chấm mắm tôm thay bánh mì, thịt bò. Anh cũng chưa thể làm quen với nước chè, nước dừa hay rượu đế như anh vẫn thường thích uống Coca-Cola, 7Up, hoặc bia. Anh yêu tiếng Việt, nhưng anh vẫn thấy ngọt ngào, và thoải mái hơn khi nói truyện với người đồng hương của anh bằng Anh ngữ.

 

Một thiếu nữ Việt Nam mặc chiếc áo dài với khăn đống trên đầu hoặc chiếc nón trong tay là một tác phẩm tuyệt vời mà chỉ tìm thấy ở quê hương và con người Việt Nam. Nhưng nếu một thiếu nữ hay phụ nữ Hoa Kỳ, Pháp, Anh mặc áo dài và đội khăn đống, cầm chiếc nón lá trong tay thì đấy chỉ là một thời trang và kiểu cách vay mượn. Cũng thế một người Hoa Kỳ, Pháp, hay Anh với bộ râu quai nón mặc một bộ vét và đi giầy trông đẹp và lịch sự khác hẳn với một người Việt Nam mặc bộ vét, đi giầy với bộ râu chòm phất phơ. 

 

Trong lãnh vực văn chương, thi ca, có nhiều tác phẩm viết về Việt Nam do những tác giả ngoại quốc, nhưng nội dung các tác phẩm ấy cũng chỉ nói lên một điều đó là những gì được trình bày chỉ là lối nhìn và phán đoán của một người Pháp, người Mỹ, hay người Anh về Việt Nam. Nó giống như câu truyện 5 người mù xem voi. Rất phiến diện và chủ quan.  

 

Khác biệt về văn hóa là một cái gì mà khả năng ngôn ngữ hay tiếng nói vẫn không thể hóa giải. Không phải bây giờ, mà đến đời con, đời cháu, những khác biệt ấy mới là một câu hỏi và trở thành một đề tài mà chúng muốn tìm hiểu.

 

Trong một khảo cứu về sự hội nhập văn hóa và tâm lý cho thấy rằng, vì nhu cầu hội nhập, vì nhu cầu sinh tồn hay vì những thôi thúc của môi trường sống, những nhóm di dân khi đến một quốc gia nào đó đã tìm mọi cách vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ để đi vào dòng chính. Hành động này đã dẫn đến tình trạng chối bỏ cội nguồn, và quên quá khứ của mình. Họ muốn mình là người Mỹ, người Pháp, người Ðức, người Anh một trăm phần trăm. Nhưng rồi sau đó, chính con hoặc cháu họ, tức thế hệ thứ 2 và thứ 3 của di dân lại tìm về nguồn gốc của mình và tự hỏi: “Tôi là ai? Tôi làm gì ở đất nước này? Và tổ tiên tôi là những ai? Họ ở đâu và tại sao đến xứ sở này?” Con, cháu, hoặc chắt những người Việt tại hải ngoại sau này cũng có những câu hỏi và sự tìm hiểu tương tự như thế về dòng dõi và xuất xứ của tổ tiên mình như vậy.

 

 

3. Khác biệt trong triết lý sống.


Nói chung, những khó khăn trong đời sống của một cuộc hôn nhân dị chủng được tổng hợp trong triết lý sống của người chồng và người vợ. Như vừa trình bày, triết lý sống này lại được hình thành và ảnh hưởng bởi mỗi nền văn hóa khác nhau.

 

Truyền thống gia đình và luân lý gia đình tuy vẫn là cái gì mà mọi nền văn hóa đều tôn trọng, nhưng ở mỗi nền văn hóa đều có những nét khác nhau và đặc thù. Cấu trúc gia đình người Việt ảnh hưởng sâu đậm truyền thống đại gia đình. Ngược lại, phần lớn các quốc gia Âu Mỹ theo chế độ tiểu gia đình. Đối với người Việt Nam việc kết hôn, lập gia đình là một việc trọng đại liên quan đến cả dòng họ. Nhưng đối với đa số người Âu Mỹ, việc này chỉ là hành động có tính cách cá nhân, giữa hai người yêu nhau.

 

Khác biệt về triết lý sống là kết quả của những khác biệt về nhân sinh quan và vũ trụ quan. Một người con rể hay con dâu ngoại quốc sẽ không hoặc khó lòng cảm nhận được sự gần gũi, gắn bó của truyền thống gia đình Việt Nam. Một người con dâu hay con rể Việt Nam cũng sẽ không thoải mái khi giao tiếp với những người trong gia đình của chồng hay vợ là người ngoại quốc. Ðó là chưa nói tới những hình thức cảm nhận tình tự dân tộc dựa trên những phong tục, tập quán về hôn nhân, gia đình.

 

Cha mẹ Việt Nam thường lấy việc săn sóc và lo lắng cho con cái như một lẽ sống của mình. Phải hỏi, phải lo lắng không những vấn đề công ăn, việc làm, việc học hành, việc vợ chồng mà còn cả khả năng sinh sống của con. Nhưng do những khác biệt văn hóa và triết lý sống, họ đang gặp phải những ngãng trở lớn lao khi con trai hay con gái họ lập gia đình với một người ngoại quốc, hoặc đang cố bắt chước lối sống của những người bản xứ. Đối với lớp trẻ này, hành động ấy lại là một lo lắng thái quá, và là một xúc phạm đến đời tư của chúng.

 

Người Việt Nam, nhất là những bậc cao niên tại hải ngoại vẫn thường kể cho nhau những câu truyện cười ra nước mắt về con dâu, con rể hay cháu nội, cháu ngoại của mình mang hai dòng máu. Ðối với các vị cao niên này thì không bao giờ có thể hiểu được rằng họ phải xin phép trước mới được phép đến thăm cháu. Hoặc phải rửa tay sạch sẽ trước mới được bế cháu.

 

Triết lý sống của người Việt còn đặt nặng trên tình tự dân tộc, quê hương như triết lý Trống Ðồng, huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, huyền thoại các vua Hùng dựng nước. Những chiến thắng anh dũng của tiền nhân qua các thời đại lịch sử. Những cái này đã thẩm thấu, đi vào xương tủy và tạo nên con người Việt, văn hóa Việt. Sự hòa nhập vào một dòng văn hóa khác, sự hòa nhập vào đời sống của một người khác mầu da, tiếng nói, phong tục và tập quán đòi hỏi nhiều suy nghĩ. Thành quả lệ thuộc không những trên các yếu tố khách quan, mà còn bao gồm cả các yếu tố chủ quan trong đó có những khác biệt văn hóa và triết lý sống của mỗi dân tộc.