Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một Hài Nhi đã sinh ra

Tác giả: 
Lm Nguyễn Hữu An

 

 

MỘT HÀI NHI ĐÃ SINH RA

 

 

Ngày 20.11.2012, cuốn cuối cùng trong bộ sách ba cuốn về cuộc đời Chúa Giêsu Nazareth của tác giả Joseph Ratzinger (ĐGH Bênêđictô XVI), mang tựa đề “Thời thơ ấu của Chúa Giêsu” đã có mặt tại các nhà sách trên 50 nước. Sách do hai nhà xuất bản Rizzoli và Vatican hợp tác thực hiện bằng 8 ngôn ngữ khác nhau (Ý, Đức, Croat, Pháp, Anh, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) với ấn bản đầu tiên là một triệu bản. Trong những tháng tới, tập sách sẽ được dịch ra 20 ngôn ngữ khác và phát hành tại 72 quốc gia.

 

Nội dung cuốn sách bao gồm 4 chương giải trình về: gia phả Chúa Giêsu; Đức Maria và tiếng Fiat; biến cố Chúa Giêsu sinh ra tại Belem; và việc thăm viếng của các đạo sĩ.

 

Sáng 20.11, tại Hội trường Piô X, Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa đã giới thiệu với báo chí tác phẩm mới này và đã ghi nhận: cuốn sách như một công trình tô đậm sự tương tác giữa lịch sử và đức tin, vì xét cho cùng Hài Nhi Giêsu là chính trọng tâm của cuốn sách. Tất cả có được ý nghĩa vì Một Hài Nhi đã sinh ra. (VIS, 20-11-2012).

 

Bài đọc 1 trong Lễ Đêm Giáng Sinh trích từ (Is 9,1-6) là lời sấm thích hợp rõ ràng khơi lên mầu nhiệm Một Hài Nhi đã sinh ra.

 

Vào năm 734-732, các đạo quân Assyrie đánh chiếm vùng rộng lớn của vương quốc Miền Bắc, đất nước rơi vào ách nô lệ lầm than (x.2V 15,29). Vương quốc Giuđa Miền Nam bé nhỏ chỉ giữ được một phần độc lập nhờ chấp nhận quyền bảo hộ của vương quốc Assyrie. Dân chúng phải nếm nhục nhằn của cảnh tôi đòi (Is 8,23). Sự tang tóc và cảnh tôi mọi làm cho những miền này trở thành “miền tăm tối”. Gợi lại hình ảnh “một dân đi trong tối tăm” (Is 9,1), ngôn sứ nghĩ đến một đoàn người bị phát lưu đang tiến về miền đất lưu đày. Nhưng Thiên Chúa sẽ ra tay cứu thoát Dân Người, sẽ ban tặng “một quyền bính rộng lớn” và “một nền hoà bình vô tận trên ngai Đavit và vương quốc của Người” (Is 9,6). Niềm hy vọng của dân tộc về một vương quốc lý tưởng được thực hiện bởi một Hài Nhi “vì một trẻ thơ chào đời để cứu ta, một người con đã ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người cha muôn thửơ. Thủ Lãnh hoà bình.” (Is 9,5).

Lời sấm trên đây là một ám chỉ về việc sinh ra của một vị thừa kế ngai báu và sự thực hiện “dấu Emmanuel” đã được nói đến trong (Is 7,14). Đối với ngôn sứ, việc Đấng sinh ra này đã là một biểu lộ quan phòng về sự vững bền của lời hứa cho triều đại Đavit (x. 2Sm 16). Giữa những thảm cảnh và nổi khắc khoải của quốc gia, Isaia đã tuyên xưng niềm tin của mình vào việc xuất hiện của vị vua lý tưởng. Niềm tín thác của ngôn sứ vào lòng trung tín của Yahvê thật lớn lao. Trái với những kẻ chán chường, những kẻ hoài nghi hay những người chỉ muốn tìm sự trợ lực nơi những liên minh trần thế, vị ngôn sứ nhắc lại tính hiện thực trường tồn của sự lựa chọn : bất chấp những nổi thăng trầm hiện tại, niềm tin của Isaia vào Thiên Chúa Giao Ước đã làm cho ông dự đoán thấy sự viên mãn đáng mong ước của quốc gia. Bài thơ Is 9,1-6 được linh hứng nên đã được đem vào dòng liên tục của truyền thống Kinh Thánh; nó chuẩn bị cho những mạc khải sau này và soi sáng cho niềm hy vọng của Dân Chúa về Đấng Thiên Sai. Bài thơ loan báo sự xuất hiện của Chúa Giêsu và vương quốc thiêng liêng của Người. (theo Joseph Ponthot, “Un enfant nous est né”).

 

Phụng vụ ngày lễ Giáng sinh đã ưu tiên chọn lựa bài thơ Isaia nhằm hướng cộng đoàn về Tin mừng trọng đại : “Hôm nay Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavit, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,11). Dấu chỉ để nhận ra Người là : “Một trẻ sơ sinh bọc tả, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Từ nay,Thiên Chúa không còn đến với con người qua trung gian mà là Con Một được tặng ban cho nhân loại. Tình yêu Thiên Chúa không chỉ là lời hứa mà bằng chính nghĩa cử cao đẹp Ngôi Lời nhập thể. Từ nay, lời hứa cứu độ đã được thực hiện nơi Một Hài Nhi đã sinh ra. Lời hứa ngọt ngào từ thưở địa đàng khi Nguyên Tổ sa ngã đánh rơi khỏi tầm tay trái táo hạnh phúc (St 3,15). Rồi trải qua hàng ngàn năm bằng sự loan báo của các Ngôn sứ, Thiên Chúa vẫn mãi lời hứa tình yêu cứu độ. Một Hài Nhi đã sinh ra là điểm nhấn vĩ đại đánh dấu lịch sử Tình Yêu Thiên Chúa.

 

Một Hài Nhi đã sinh ra vào một đêm đông giá rét trong hang bò lừa ngoài đồng hoang nghèo hèn, dưới mắt người đương thời không những bình thường mà còn tầm thường hơn những hài nhi khác. Nhưng sự chào đời của Hài Nhi này lại là một niềm vui cao cả, một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.

 

Một Hài Nhi đã sinh ra là Tin mừng trọng đại cho nhân loại.

Thánh Matthêu và Luca đã viết những bản gia phả của Chúa Giêsu. Gia phả theo thánh Matthêu cho thấy Hài Nhi thuộc về hoàng tộc Đavít và là con cháu tổ phụ Abraham; còn gia phả theo thánh Luca mang một nhãn giới rộng rãi hơn, trình bày Hài Nhi thuộc về gia đình nhân loại bao gồm mọi thành phần đi từ thánh Giuse ngược lên cho tới con người đầu tiên là Ađam. Tổng hợp cả hai bản gia phả này, ta nhận biết lý lịch nhân loại của Hài Nhi, dẫu gốc nguồn là Thiên Chúa, đã hóa thân làm người, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Vì thế, theo lời sấm của Isaia (7,14), Hài Nhi được gọi tên là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

 

Và rồi bằng câu mở đầu trình thuật Giáng Sinh “Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ” (Lc 2,1), Giuse và Maria theo lệnh ấy phải lên thành vua Đavit là Bêlem và Hài Nhi đã giáng sinh tại đó, thánh sử đã toát lược cả một thời gian và không gian lịch sử, không chỉ chứng nghiệm việc Hài Nhi Giêsu sinh ra là thật, mà còn hữu ý khẳng định một khi Ngôi Lời từ đời đời hóa thành xác phàm, cũng bị ghi dấu bởi lịch sử trần thế, có thể được nghiên cứu truy tìm như bất cứ con người nào hiện hữu thật sự trên trần thế. Chúa dựng nên đất trời đã làm người trong trời đất. Chúa đến trong thế gian không như kẻ rong chơi nhàn tản vi hành, mà như như người đồng hành đón nhận kiếp phận con người với những định luật nhân sinh và quy luật pháp định trần thế. “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).

 

Một Hài Nhi đã sinh ra mang một ý nghĩa hiện sinh sâu sắc: Thiên Chúa trở nên một trẻ thơ. Ngắm nhìn trẻ thơ Giêsu trong máng cỏ nghèo hèn, chúng ta nghĩ tới bao trẻ thơ sinh ra hôm nay đang chịu cảnh đói nghèo thiếu thốn. Thiếu thốn vật chất, thiếu thốn tình thương. Thiếu thốn nhà cửa, thiếu thốn một mái gia đình. Giá lạnh của rét mướt và giá lạnh bởi thiếu vòng tay ôm ấp vỗ về. Hài Nhi Giêsu ấm áp trong tình thương của cha mẹ, bàn tay nâng niu của Đức Mẹ, ánh mắt âu yếm của Thánh Giuse. Đó là bầu khí gia đình đầm ấm. Gia đình là chiếc nôi êm ái vỗ về giấc ngũ trẻ thơ. Gia đình là lương thực bồi bổ, là thành trì bảo vệ tuổi thơ. Không có cảnh nghèo nào khốn cùng hơn cảnh trẻ thơ thiếu tình thương. Không có mái nhà nào rách nát hơn cảnh gia đình tan vỡ. Không có mùa đông nào lạnh giá hơn mùa đông của trái tim.

 

Một Hài Nhi đã sinh ra là tin vui cho toàn nhân loại.

Hài Nhi chính là Thiên Chúa Giáng Sinh đem ơn cứu rỗi cho hết mọi loài. Ngài là Đấng cứu nhân độ thế. Để cứu thế, Thiên Chúa đã nhập thế; và để cứu người, Thiên Chúa đã làm người. Hài Nhi sinh ra không là tin vui cho riêng ai, mà là tin vui cho toàn nhân loại, cho hết mọi người từ thuở tổ tông cho đến ngày tận thế. Chính vì vậy khi loan tin cho các mục đồng, thiên thần đã giải thích: “Ta báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavit, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

 

Nếu tội tổ tông gây tác hại là làm mất tình trạng ơn phúc và để cho tội lỗi lẻn vào thế giới, từ đó đau khổ và sự chết mặc sức hoành hành, thì việc Hài Nhi Giêsu sinh đến trong xác phàm lại là khởi đầu một mùa giải thoát. Hết rồi đêm tối vì Hài Nhi là ánh sáng, hết rồi lỗi tội vì Hài Nhi là thánh ân, hết rồi chết chóc vì Hài Nhi là nguồn sống, và hết rồi sầu muộn vì Hài Nhi là thiên đàng. Như vậy, xét cho cùng, khi xuống thế, Thiên Chúa đâu có rời bỏ thiên đàng, mà đích thực Ngài đã đem thiên đàng vào cõi trần gian, để mối tình trời đất bị cắt đứt bao đời lại được kết nối một cách mầu nhiệm cho vinh danh trời cao và cho an bình dưới thế.

 

Một Hài Nhi đã sinh ra chính là trọng tâm của đêm nay. Với niềm tin kính thẳm sâu và trong lòng cung chiêm thờ lạy, ta hãy hướng về hang đá để đón nhận niềm vui trọng đại và quyết tâm mỗi người từ cương vị và góc độ nhiệm vụ của mình, hãy trở thành niềm vui cho người khác, như bênh đỡ những người già cả cô thế cô thân, giúp đỡ những người cơ nhỡ thiếu thốn hoặc nâng đỡ những ai vì yếu đuối một thời đã rơi vào đam mê lầm lạc mà xa rời tình thương của Chúa. Nếu niềm vui đêm nay hệ tại việc Hài Nhi sinh ra cho chúng ta, thì trong Hài Nhi Giêsu, chúng ta cũng nhận lấy sức mạnh mà lên đường trở thành niềm vui cho người xung quanh mình.

 

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An