Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đấng Cứu Tinh

Tác giả: 
Lm Trịnh Ngọc Danh

Lễ GIÁNG SINH

 

   . Lễ Nửa Đêm : Bài đọc 1 : ( Is. 9: 2-4. 6-7). Bài đọc 2: ( Tt 2: 1-14).Tin Mừng :                     (Lc 2: 1-14)

   . Lễ Rạng Đông: Bài đọc 1 : ( Is 62 : 11-12). Bài đọc 2 : ( Tt 3: 4-7). Tin Mừng : ( Lc 2: 15-20)

   . Lễ Ban Ngày : Bài đọc 1 : ( Is 52: 7-10). Bài đọc 2: (Dt 1: 1-6). Tin Mừng : ( Ga 1-18)

 

                                                          ĐẤNG CỨU TINH

   Sống trong một làng quê nghèo nàn,đang lúc vợ đang mang thai, ông Giuse và bà Maria, theo chiếu chỉ của hoàng đế Auguttô lại phải lên đường trở về nguyên quán  kê khai dân số. Không người thân, không ai quen biết,không còn chỗ trọ, hai ông bà đành phải tìm đến một chỗ tồi tệ nhất: hang bò lừa. Và ở đó bà Maria đã sinh con giữa tiết đông lạnh lẽo. Không có lấy một tấm vải để bọc ấm hài nhi. Còn khổ cực thiếu thốn nào hơn! Nhưng có ai ngờ hài nhi ấy lại chính là hài nhi mà sứ thần Gabrien đã tiên báo cho Trinh Nữ Maria : “ Trinh Nữ sẽ thụ thai, sinh một một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”( Mt 1:23).

 

   Những lời tiên tri trong Cựu Ước về Đấng Mêsia phần lớn đều nhấn mạnh đến việc Ngài sẽ giải phóng và mang lại tự do cho dân Ngài. Những lời tiên báo ấy có một giá trị rất lớn đáp ứng được những khát vọng được giải thoát khỏi cuộc sống nô lệ bên Ai Cập và thời lưu đày ở Babylon. Sự hiện diện ấy đã được bộc lộ qua Lề Luật được ban bố qua ông Môisen trên núi Sinai, được thể hiện cụ thể qua Hòm Bia Thiên Chúa và tại Bêlem cách hơn hai ngàn năm trước, là Đấng Emmanuen: “Thiên- Chúa- ở- cùng- chúng- ta” đã ra đời: “ Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

 

   Những người Kitô hữu sơ khai đã cảm nghiệm được thế nào là tự do khi họ phải sống trong nô lệ và tù đày. Khát vọng mong Đấng Mêsia đến để giải thoát và đem lại tự do cho họ là một khát vọng nồng cháy. Họ là những người “đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng”, “ đang sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. “ Chúa ban chan chứa niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ vui mừng trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.”(xem Is 9: 1-3)

 

   Hôm nay, chúng ta cũng được thấy và nghe lại  tin vui trọng đại ấy, nhưng chúng ta đón nhận tin vui ấy như thế nào? Vội vả như các người chăn chiên hay bàng quang không hay biết như cả thành Giêrusalem, như các thượng tế và kinh sư thời ấy!

 

   Ngày nay, niềm khát vọng tự do, hạnh phúc ấy vẫn còn day dứt trong cuộc sống khi con người vẫn vì những tham vọng ích kỷ mà chống phá lẫn nhau, vẫn còn đi trong những tham mê dục vọng. Đấng Mêsia đã đến và đang đến ở đây vào lúc này nơi thế gian và trong tâm hồn mỗi người. Nhưng trớ trêu thay, nhân loại vẫn không chịu nhận ra Ngài, phủ phàng thay lại khước từ Ngài; “ Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” ( Ga 1: 9-11) Đấng Emmanuen đã đến và đang đến và sẽ đến với chúng ta: Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến ngày tận thế.  Đấng Emmanuen là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, nhưng con người lại phủ nhận ánh sáng, phủ nhận tình yêu của Thiên Chúa để sống trong diệt vong.

 

   Thiên Chúa không phải chỉ “ ở với chúng ta” khi Con Ngài xuống thế, nhưng đã ở với dân riêng của Ngài từ ngàn xưa và còn sẽ ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế. Tình thương bao la của Thiên Chúa không dừng lại ở những sự hiện diện thiêng liêng qua các biếu tượng mà còn hiện hiện cách cụ thể qua Con Ngài xuống thế làm người và sẽ còn hiện diện sau khi Con Ngài chết và lên trời trong bí tích Thánh Thể. Còn cách nào mà Thiên Chúa không dùng để tỏ lòng Ngài thương yêu chúng ta. Có chẳng chỉ vì con người vô tâm, chai đá không nhận ra những dấu chỉ tình yêu của Ngài.

 

   Các mục đồng xưa kia sau khi chiêm ngắm được Hai Nhi Giêsu đã vội vã ra về loan báo tin vui cứu độ ấy cho người khác. Hờ hững vô tâm với tin mừng cứu độ ấy với người khác, phải chăng chúng ta chưa đủ xác tín vào mầu nhiệm giáng thế của Ngôi Hai Thiên Chúa!