Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Suy Niệm Lễ Giáng sinh 2017 Lễ ngày

Tác giả: 
Lm. Anthony Trung Thành

 

 

Suy Niệm Lễ Giáng sinh 2017

Lễ ngày

 

Hang đá Bê-Lem và Chúa Giáng sinh là hai sự kiện luôn gắn liền với nhau. Vì thế, hễ ở đâu có người công giáo thì ở đó sẽ có hang đá trong dịp lễGiáng sinh. Người công giáo làm hang đá để làm gì? Thưa, để diễn tả lại quang cảnh lúc Chúa Giáng sinh. Trong hang đá thường có nhiều bức tượng nhưng không thể thiếu ba bức tượng sau đây:

 

Thứ nhất,bức tượngChúa Hài Đồng Giêsu: Ngài được bọc trong một chiếc khăn trắng và đặt nằm trên những cỏng cỏ khô, nói lên sự thiếu thốn nghèo hèn của ngày Ngài sinh ra. Chiếc khăn trắng báo trước về chiếc khăn liệm xác Ngài sau này.

 

Thứ hai, bức tượng Đức Maria:Ngài đang chắp tay và đứng bên phải trong hang đá. Tư thế chắp tay nói lên niềm tin của Mẹ vào Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Thế. Đồng thời, tư thế chắp tay cũng nói lên sự khiêm nhường thẳm sâu của Mẹ.Nhìn kỹ hơn nữa chúng ta sẽ thấy, khuôn mặt của Mẹ không dấu được sự băn khoăn lo lắng và đượm chút buồn sầu: buồn vì sự từ chối của con người để Hài Nhi phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn như vậy; băn khoăn lo lắng vì không biết rồi đây con trẻ lớn lên sẽ ra sao? Nhưng chắc chắn Mẹ vẫn tràn đầy niềm hy vọng phó thác vào Thiên Chúa tình yêu.

 

Thứ ba, bức tượng Thánh Giuse:Ngài thường được đặt phía bên trái trong hang đá, mặc chiếc áo choàng rộng, là cha nuôi của Hài Nhi, với sứ mạng bảo vệ Hài Nhi và Mẹ Người. Tin mừng cũng cho biết, đang khi Thánh Giuse đưa Đức Maria về quê quán để kê khai hộ khẩu thì Đức Maria đến ngày mãn nguyện khai hoa. Thánh Giuse đã tìm hết cách cho Đức Maria có được một nơi xứng đáng để sinh con, nhưng đều bị con người từ chối. Cuối cùng, Đức Maria đành phải sinh con trong hang đá nghèo hèn như vậy. Sau đó, Thánh Giuse tiếp tục sứ mạng của mình bằng cách chăm sóc bảo vệ Hài Nhi và Đức Maria: Đưa Hài Nhi và Mẹ Maria trốn sang Aicập khỏi sự lùng bắt của vủa Hêrôđê ; Cùng với Đức Mẹ đi tìm trẻ Giêsu khi Người lạc mất trong đền thờ ; Làm thợ mộc để nuôi sống Đức Maria và Chúa Giêsu…

 

Nhìn vào hang đá, chúng ta không thể không nghĩ đến cảnh nghèo nàn thiếu thốn của Thánh gia, nhưng chúng ta cũng không thể không nghĩ đến sự ấp áp đầy tình Chúa và tình người của Thánh gia. Cụ thể, sự hiện diện của Đức Maria và Thánh Giuse bên cạnh Hài Nhi Giêsu nói lên sự quan tâm chăm sóc của hai Đấng đối với trẻ Giêsu, điều đómuốn dạy cho mỗi người, mỗi gia đình chúng ta hôm nay bài học về sự quan tâm chăm sóc của người cha người mẹ đối với con cái.

 

Thật vậy, trong thời đại chúng ta đang sống, nhiều gia đình đang thiếu vắng tình thương, thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái thể hiện một cách cụ thể qua các tình trạng đáng báo động sau đây:

 

Tình trạng phá thai : Nhiều người cha người mẹ đã khước từ con cái ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em - Bộ Y tế cho biết, mỗi năm nước ta có khoảng 250.000 - 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Đáng chú ý, tỉ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60-70% là sinh viên, học sinh, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 19. (Nguồn: giadinh.net.vn)

 

Tình trạng trẻ em bị bỏ rơi:Vài năm gần đây, thông tin phát hiện trẻ sơ sinh, trẻ tật nguyền bị bỏ rơi ngày càng nhiều. Đáng quan tâm, không ít trong số đó, khi được phát hiện, có em đã tử vong, còn nhiều em, do bị vứt bỏ ở những nơi hoang vắng, được phát hiện muộn nên đã bị các loại côn trùng, động vật cắn, dẫn đến thương tật suốt đời. (Nguồn: baomoi.com).

 

Tình trạng trẻ em bị bạo hành trong gia đình và nhà trường:Các hình thức bạo lực đối với trẻ em là: chửi mắng thô tục, làm nhục, dùng đòn roi để trấn áp để lại hậu quả hết sức nặng nề về thể chất và tinh thần của trẻ. Các vụ việc bạo hành mà một số bậc cha mẹ, thầy cô, người thân gây ra cho trẻ em đã được phát hiện và đưa lên báo chí, khiến dư luận xã hội rất căm phẫn, đồng thời xã hội cũng lo ngại về sự xuống cấp của chuẩn mực đạo đức, sự thiếu vắng môi trường văn hoá chuẩn mực của giáo dục. (nguồn: congtacxahoi.net).

 

Tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động: Những số liệu gần đây cho thấy, ở nước ta, trẻ em dưới 17 tuổi tham gia vào các hoạt động kinh tế chiếm khoảng trên dưới 30%, khoảng 60% trẻ lao động ở các cơ sở ngoài quốc doanh sống trong điều kiện khó khăn (ăn, ngủ, sức khỏe, vệ sinh không đảm bảo...), tiền công rẻ mạt, cường độ lao động cao; 71,2% trẻ làm việc từ 9 đến 10 giờ/ngày; 72% trẻ làm việc cả ngày chủ nhật. Nhóm trẻ độ tuổi 15-17 có tỷ lệ tham gia lao động tương đối cao (63,3% so với độ tuổi). Điều đáng chú ý là có khoảng 15% trẻ em làm thuê, phải làm các nghề với điều kiện nặng nhọc và độc hại như sản xuất gốm, sành sứ, vật liệu xây dựng dân dụng. Không ít trẻ em hiện nay đang nằm trong tình trạng bị lạm dụng sức lao động, thậm chí bị xâm phạm cơ thể và danh dự...(Nguồn: baomoi.com).

 

Tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục: Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Đa số thủ phạm là người quen của nạn nhân.Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.(Nguồn: news.zing.vn).

 

Là người kitô hữu, chúng ta hãy nói không với các tình trạng trên. Thay vào đó, chúng ta luôn phải biết tôn trọng sự sống, quan tâm và chăm sóc trẻ em, nhất là những người cha người mẹ hãy quan tâm chăm sóc con cái của mình, không được bỏ rơi chúng.

 

Bài báo với tựa đề: “Giáng sinh đầu đời không cha mẹ nhưng đầy ắp tình thương của em bé bị bỏ rơi” được đăng trên trang điện tử vietbao.vn đáng chúng ta suy nghĩ. Bài báo viết như sau: Giáng sinh là khoảng thời gian cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau hưởng trọn cảm giác ấm áp tình yêu thương. Thế nhưng đâu đó vẫn có những đứa trẻ không nhận được hơi ấm gia đình khi bị bố mẹ bỏ lại giữa những ngày tiết trời lạnh xuống.  Đó là trường hợp của bé gái chào tại Bệnh viện Từ Dũ (Sài Gòn) ngày 4/12, nặng 2,8 kg, hoàn toàn khỏe mạnh. Bé gái chào đời vào ngày 4/12. Theo chia sẻ từ các bác sĩ, bé gái được sinh tại bệnh viện và xuất viện sau đó. Tuy nhiên, 2 ngày sau bố mẹ em đã mang bé đến bệnh viện nhờ chăm sóc rồi bỏ đi với lý do không thể tiếp tục nuôi em. Mặc dù mọi người cố gắng liên lạc với người thân nhưng không được. Thông tin duy nhất mà các bác sĩ biết được đó là mẹ bé còn khá trẻ, 23 tuổi quê ở Kiên Giang. Bố mẹ bé gái đều còn khá trẻ và đã bỏ lại em khi không đủ khả năng nuôi dưỡng. Thế là hơn 2 tuần qua dưới sự chăm sóc của các bác sĩ nơi đây, đặc biệt là bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh, bé gái phần nào cảm nhận được tình yêu thương trong những ngày đầu đến với thế giới mới lạ. Không được bên bố mẹ nhưng em vẫn nhận được đầy đủ tình yêu thương từ các bác sĩ. “Chúng tôi muốn bù đắp phần nào cho con. Khi lớn lên, nhìn lại những bức ảnh này, con gái sẽ vững tin khi biết rằng con không cô đơn trong cuộc đời này”, bác sĩ Từ Anh chia sẻ. Chiếc mũ len Giáng sinh màu đỏ trên đầu bé gái chính là món quà nhỏ xinh mà mọi người nơi đây tự tay cắt may và mua thêm một vài vật liệu trang trí như cây thông Noel để tạo nên bức ảnh đầu đời thật ý nghĩa cho con. (Nguồn: vietbao.vn)

 

Lạy Chúa Hài Nhi, mặc dầu Chúa phải sinh ra trong hang bò lừa thiếu thốn đủ điều, nhưng thay vào đó Chúa lại được sưởi ấm bằng tình yêu thương của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Xin cho các thai nhi và trẻ em hôm nay cũng được bảo vệ bởi những người có trách nhiệm, đặc biệt là người cha người mẹ, để các em được sinh ra, lớn lên xứng đáng là một con người, là con cái Chúa. Amen.

 

Lm.Anthony Trung Thành