Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sống nhẫn nhục như Chúa

Tác giả: 
Huệ Minh

 


 

Thứ Năm tuần II TN

Mc 3:7-12

SỐNG NHẪN NHỤC NHƯ CHÚA

 

Trang Tin mừng hôm nay, dường như tác giả muốn đưa chúng ta vào một sự hiểu biết như thế. Thánh Maccô trình bày cho chúng ta nhiều nhận thức khác nhau về con người Chúa Giêsu.

 

Tin Mừng hôm nay muốn trình bày cho chúng ta nhiều thứ hiểu biết về Chúa Giêsu: ma quỷ biết Chúa Giêsu, nhưng biết trong thù hận; đám đông thì tìm đến với Ngài vì mục đích trục lợi; bà con thân thuộc của Ngài chỉ có về Ngài một sự hiểu biết hời hợt, thiếu chiều sâu; những người Biệt phái thì hoàn toàn mù tịt về con người Chúa Giêsu; chỉ có Nhóm Mười Hai về sau này mới có một hiểu biết chính xác về Ngài.

 

Trước hết là từ đám đông các nơi tìm đến với Chúa, họ nghe và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài thực hiện. Nhưng họ chỉ tìm đến để được ăn no nê, để được chữa trị khỏi các bệnh tật, chứ không phải để hoán cải; và nhận ra dấu chỉ của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã loan báo. Còn ma quỷ thì biết Chúa Giêsu là ai, nhưng biết để hận thù chứ không phải để sống.

 

Chỉ có nhóm Mười Hai về sau này mới có một hiểu biết chính xác về Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, biết ngài không chỉ là một nhận thức của trí tuệ, biết và tuyên xưng trên môi miệng mà thôi chưa đủ, biết Ngài thật sự là nên một với Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài. Và đây chính là sự hiểu biết mà Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi mỗi kitô hữu chúng ta.

 

Thầy Giêsu vẫn quen giảng khởi đi từ những chuyện hàng ngày.

 

Thời xưa, khi chưa có điện, ngọn đèn dầu đem lại ánh sáng cho cả căn nhà. Bởi vậy không thể nào hiểu được chuyện ai đó thắp đèn lên, rồi lại đặt nó dưới cái thùng hay gầm giường. Cứ sự thường phải đặt nó trên đế để soi sáng mọi sự. Ngọn đèn mà Thầy Giêsu nói ở đây có thể ám chỉ Tin Mừng của Ngài, và cũng có thể ám chỉ chính Con Người của Ngài. Tin Mừng ấy không được phép đem giấu đi, nhưng phải được quảng bá và rao giảng. Con Người Đức Giêsu không được che kín sau bức màn, nhưng phải được từ từ vén mở cho mọi người thấy. 

 

Trình thuật Tin Mừng của thánh Maccô 3, 7-12 xảy ra sau năm cuộc tranh luận tại Capharnaum (Mc 2,1-3,6) giữa Chúa Giêsu với các kinh sư (Mc 2, 6.16) hoặc với những người Pharisêu (Mc 2,24; 3,6). Các cuộc tranh luận này không chỉ liên quan đến những vấn đề lý thuyết, nhưng phát xuất từ những sự kiện cụ thể. Các cuộc xung đột này dẫn đến việc phái Pharisêu tìm cách giết Chúa Giêsu (Mc 3,6).

 

Trước những thái độ như vậy, Chúa Giêsu đã đối xử nhẹ nhàng, không tranh luận với những người chống đối khi thấy không cần thiết. Chúa Giêsu cũng không muốn khua chiêng đánh trống hay quảng cáo ồn ào. Ngài đã dùng tình thương chứ không dùng tài nghệ để đối xử với mọi người.

 

          Đó là lý do tại sao ở cuối cuộc xung đột thứ năm này, Maccô cho thấy cuộc đời của Chúa Giêsu không dễ dàng, nhẹ nhàng, nhưng Ngài sẽ phải đối diện với cái chết do sứ mạng của Ngài. Tuy nhiên, thánh sử Maccô không dừng lại Tin mừng của mình với gam màu xám trong hành trình sứ vụ của Chúa Giêsu, nhưng Maccô đã mở ra một bức tranh rực rỡ vinh quang với những sắc màu tuyệt đẹp trong vinh quang, quyền lực của Chúa Giêsu.

 

Thánh Maccô nhấn mạnh rất nhiều về việc Chúa Giêsu xua đuổi, trục xuất ma quỷ. Phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu là việc xua đuổi ma quỷ (Mc 1, 25), và đây là phép lạ gây tiếng vang, ảnh hưởng của Chúa Giêsu đến với mọi người vùng lân cận miền Galilê (Mc 1,28).

 

Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra xung đột giữa Chúa Giêsu và các kinh sư chính là việc Ngài xua trừ ma quỷ (Mc 3,22). Đó cũng là quyền lực mà Chúa Giêsu đã trao ban cho các tông đồ để các ông ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa (Mc 16,17). Chắc chắn, Maccô phải có chủ ý khi nhấn mạnh nhiều về quyền năng xua trừ ma quỷ trong Tin Mừng của ông.

 

Một trong những mục tiêu của Tin mừng nơi Chúa Giêsu là việc giải phóng con người ra khỏi sự sợ hãi này. Nước Thiên Chúa đang đến đồng nghĩa với một quyền lực mạnh mẽ đang đến. Chúa Giêsu chính là Đấng đầy quyền năng, mạnh mẽ. Ngài đến để chế ngự Satan, chiến thắng tội lỗi, giải thoát con người ra khỏi mưu mô, quyền lực của ác thần, của tội lỗi, của những điều xấu xa, của sự sợ hãi…

 

Đó là lý do tại sao Maccô nhấn mạnh rất nhiều đến chiến thắng vinh quang của Chúa Giêsu trên sự xấu xa, tội lỗi, ma quỷ, trên Satan. Từ khi bắt đầu cuốn Tin mừng, cho đến khi kết thúc, thánh Maccô lặp đi lặp lại cùng thông điệp với các từ ngữ gần như nhau “Ngài xua trừ ma quỷ, trục xuất các thần ô uế” (Mc 1, 26.27.34.39; 3, 11-12.15.22.30: 5, 1-20; 6, 7.13; 7, 25-29; 9,25-27.38; 16, 9.17).

 

Dường như đó là một điệp khúc được lặp đi lặp lại trong Tin mừng của Maccô và thánh sử muốn nhắc đến niềm tin vào Chúa Giêsu của người Kitô hữu trong thế giới đầy dẫy những tội ác, sự xấu xa, bất công, hận thù, ghen ghét…

 

Thật vậy, với Chúa Giêsu, biết Ngài không chỉ là một nhận thức của trí tuệ, mà là đi vào tri giao mật thiết với Ngài, đi theo Ngài, nên một với Ngài. Ðó là lý do tại sao sau khi Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng Ngài là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài liền loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và mời gọi họ vác lấy Thập giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Và đó chính là sự hiểu biết về Ngài mà Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi mỗi Kitô hữu. Biết và tuyên xưng trên môi miệng mà thôi chưa đủ, biết Ngài thật sự là nên một với Ngài đến độ thốt lên như Thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".

 

Những thái độ của con người đối với Chúa Giêsu trong bài Tin mừng này gợi ý cho tôi xem lại thái độ của tôi đối với Chúa Giêsu, đối với Lời Chúa dạy ta mỗi ngày. Thái độ của Chúa Giêsu trong Lời Chúa hôm nay cũng là tấm gương cho ta trong việc phục vụ tha nhân và thi hành bổn phận. Đó là thái độ khiêm tốn hiền hòa trong tương quan đối với tha nhân.

 

Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hiểu ra rằng: dù trong bất cứ một hoàn cảnh, nghịch cảnh nào, người Kitô hữu luôn tin rằng, họ sẽ vượt qua được những thử thách, những sóng gió, những điều xấu xa, những tội lỗi đang rình rập…. vì Chúa Giêsu đã chiến thắng quỷ thần, Ngài sẽ giải thoát họ khỏi những gông cùm của bạo lực, bất công, khỏi những mưu mô của ác thần đang vây bủa xung quanh họ. Ngài đã chiến thắng sự dữ, và vinh quang tuyệt vời trước cái chết là sự Phục sinh vinh hiển.