Lòng thương xót vượt qua tất cả
CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN - B
Lòng thương xót vượt qua tất cả
(Lv 13,1-2.44-46; 1Cr 10,31 – 11,1; Mc 1,40-45)
Tu sĩ: Jos.Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Có một cô gái đẹp và tính tình rất tốt. Nhan sắc cũng như đức tính của cô làm mê hồn nhiều chàng trai, khiến biết bao trai tráng trong làng mê mẩn đến điên cuồng và rất nhiều người muốn được làm chồng cô trong tương lai!
Tuy nhiên, một tai ương ập đến với cô, đó là: một hôm, cô đang nấu ăn ở trong bếp, bỗng nhiên bình ga bốc nổ, khiến lửa bốc cháy dữ dội và bén vào người làm cô bị bỏng rất nặng. Người thân của cô đưa cô đến bệnh viện, nhưng các bác sĩ chỉ có thể cứu sống cô, họ không thể làm thêm được gì hết! Kết cục, khuôn mặt và thân hình của cô bị biến dạng, trông ghê rợn hãi hùng! Cũng kể từ thời điểm đó, cô không được sự ngưỡng mộ của những thanh niên cùng trang lứa. Chẳng ai thèm để ý và hy vọng được làm chồng của cô như trước nữa. Ai nhìn thấy cô, họ cũng đều sợ hãi vì sự dị dạng bất thường nơi cô. Nhiều người còn buông ra những lời nguyền rủa không thương tiếc cho số phận hẩm hiu của nàng. Nói chung, họ đều xa tránh cô, khiến cô rất đau đớn thể xác và khốn khổ về tinh thần!
Hôm nay, câu chuyện Tin Mừng cũng trình bày về số phận của người bị phong cùi. Anh ta cũng trải qua biết bao đau đớn về thể xác và chịu đựng nỗi khốn khổ khôn nguôi về tinh thần.
Tuy nhiên, may mắn cho anh cùi trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe, giữa biết bao người khinh miệt, ruồng bỏ, hất hủi, loại trừ, chà đạp và xúc phạm, anh đã gặp được quý nhân phù trợ. Đức Giêsu đã không chỉ thương anh bằng tình thương của con người với nhau, mà Ngài còn thương anh bằng trái tim và lòng thương xót của Thiên Chúa, nên anh đã được chữa lành không chỉ thể xác, nhưng còn được chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn mà bấy lâu anh đã lãnh chịu.
- Căn bệnh thế kỷ và nỗi khổ khôn nguôi
Để hiểu được nỗi khổ tâm đến xót xa của người bệnh và thấy được lòng thương xót vô biên của Đức Giêsu, chúng ta cần tìm hiểu về quan niệm, lối nhìn của người Dothái thời bấy giờ về căn bệnh quái ác này và thái độ của họ đối với người không may mắc phải.
Vào thời Đức Giêsu, người ta rất sợ hãi nghe được hay nhìn thấy hoặc đụng trạm đến những người bị bệnh phong. Họ coi những người này như một thứ quái dị, đồ bỏ. Vì thế, những người bị mắc phải bệnh cùi, họ bị chính người thân trong gia đình và xã hội loại ra bên lề.
Theo quan niệm của người Dothái, bất cứ ai tiếp xúc với người bệnh phong thì đều bị coi là ô uế và nếu đụng chạm tới thì mắc tội trọng. Người mắc bệnh phong cùi thì không bao giờ được vào thành Giêrusalem cũng như bất cứ thành phố nào được bảo vệ bằng tường bao. Người phong cùi mà vô tình thò đầu vào nhà nào thì nhà ấy trở thành nhà ô uế và ngay cả cái kèo trên mái nhà cũng bị ô uế theo. Khi ra ngoài đường, họ không được chào hỏi ai và cũng chẳng được ai chào hỏi. Khoảng cách mà người bệnh và người khỏe phải giữ với nhau, đó là gần hai mét. Nếu vô tình, người bệnh đứng ở đầu gió, thì những ai ở cùng hướng gió phải cách 45 mét. Hơn nữa, người ta kiêng kỵ đến độ những vật bày bán ở nơi người phong đi qua, cũng không nên mua và chắc chắn là không ăn.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở góc độ bị coi thường khinh miệt, mà chính bản thân họ, họ cũng phải tự mình ý thức là người đáng bị kinh tởm và tự nhận mình là người gây nên sự bất tiện cho mọi người. Để hiểu rõ điều này, chúng ta thấy sách Lêvi có đề cập đến như sau: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46).
Chính vì sự phân biệt phũ phàng đến như vậy, nên họ bị đẩy vào rừng sâu hay nơi sa mạc hoặc ra nơi đồng ruộng để tồn tại.
Trong hoàn cảnh đó, những người bị bệnh, họ đau đớn tột cùng về thể xác, nhưng có lẽ nỗi đau tinh thần còn lớn hơn gấp bội qua việc bị khinh thường và loại trừ ngay từ những người thân. Nỗi ám ảnh về số phận và tự ti vì bị coi là tội lỗi nên mới phải chịu thứ bệnh quái ác này đã làm cho họ bị dằn vặt tinh thần rất nhiều!
Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giêsu và chính anh cùi đã lội ngược dòng với những quan niệm của người Dothái đương thời, để giữa Ngài và anh có một mối liên hệ mật thiết qua lòng trắc ẩn của Đức Giêsu và nơi đức tin mạnh mẽ của anh, khiến Đức Giêsu đã làm phép lạ để giải thoát anh cách toàn diện, trọn vẹn.
- Đức tin và lòng thương xót
Vượt qua ranh giới, bất chấp lề luật, chẳng sợ lây nhiễm, nên Đức Giêsu đã tiến lại và chạm vào người bị phong cùi. Đây là hành vi phi thường đến dợn tóc gáy mỗi khi người Dothái nghĩ tới!
Còn nơi người phong cùi, anh ta có thái độ tin tưởng quá phi thường và thái độ tôn thờ đến tuyệt đối, nên đã dám đến gần Đức Giêsu, quỳ gối và van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”.
Thái độ này của Đức Giêsu hoàn toàn đi ngược lại với những nhà lãnh đạo và quan niệm của dân chúng thời bấy giờ. Nơi Đức Giêsu, Ngài không thể ngồi đó xem cách hành xử bất công của người Dothái và sự tủi nhục của người bệnh. Không! Ngài coi nó như bổn phận buộc mình phải thi hành. Điều này làm toát lên dung mạo xót thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
- Bài học cho chúng ta
Sống trong xã hội loài người, dù thời điểm nào, người ta cũng cần lắm một tấm lòng cảm thông đối với người bất hạnh. Mặt khác, nếu chúng ta là những người bị coi là bất hạnh, thì chính mình phải là người can đảm chạy đến với Chúa để được Ngài xót thương.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:
Thứ nhất, hãy noi gương Đức Giêsu, luôn yêu thương và không loại trừ anh chị em chúng ta, nhất là những người bất hạnh, nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi, buồn khổ, mặc cảm, tự ti…. Luôn biết hàn gắn những vết thương tâm hồn và tôn trọng nhân phẩm của người khác. Tránh xa sự chia rẽ và thái độ phân biệt đối xử để sống sự liên đới với mọi người.
Thứ đến, cần tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Luôn sống tình bác ái yêu thương, nhất là hãy hành động vì đức ái. Có thế, chúng ta mới đụng chạm được cốt lõi của Tin Mừng và mới có cơ hội ngửi, cảm, thấu nỗi đau khổ của anh chị em xung quanh và ra tay nâng đỡ họ. Cần can đảm loại trừ những gì làm thui chột tình thương và không phù hợp với giá trị Tin Mừng.
Thứ đến, noi gương người phong cùi, hãy khiêm tốn và can đảm đứng dạy để tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Ngài sẽ chữa lành những ai bệnh tật, xoa dịu những tâm hồn đau thương, băng bó những cõi lòng tan nát, an ủi những ai sầu khổ và cứu chuộc những ai có lòng tin.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho đôi mắt của chúng con được mở ra và nhìn thấy những người bất hạnh; cho trái tim biết rung lên những nhịp đập yêu thương; cho khối óc biết nghĩ đến người đau khổ; cho đôi chân biết đi tới những nơi cần sự giúp đỡ; cho đôi tay biết mở ra để ban phát, và, cho đôi tai biết lắng nghe để cảm thông. Amen.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: