Tống cựu nghinh tân
TỐNG CỰU – NGHINH TÂN
Mừng NĂM MỚI, hãy thực lòng MẾN CHÚA, quyết tâm dẹp bỏ thói mê tín dị đoan, ắt sẽ được cả bốn mùa luôn có TẾT.
Là NGƯỜI MỚI, xin hết dạ YÊU NGƯỜI, nhất định thực thi việc Tông đồ bác ái, ấy là sống tròn một kiếp chỉ toàn XUÂN.
XUÂN VỀ – HÂN HOAN CHÚC “GIÁO XỨ VUI HOÀI ĐỜI THÁNH HIẾN”
TẾT ĐẾN – ĐỒNG HÀNH CÙNG “GIA ĐÌNH TRẺ MÃI VỚI TIN MỪNG”
Trong khổ thơ đầu tiên của bài thơ “Đà Lạt Trăng Mờ”, Hàn Mạc Tử đã viết những câu thơ thật truyền cảm, nhẹ nhàng như đưa hồn con người vào chốn linh thiêng, huyền diệu:
“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt.
Như đón từ xa một ý thơ.”
Cảnh đêm nơi xứ sương mù thật huyền ảo và đầy thi vị, đã khiến cảm xúc nhà thơ trào dâng không gì kềm giữ nổi. Thi cảm mãnh liệt đến nỗi đã khiến ông không lưu ý đến vần mà luật thơ thất ngôn thường bó buộc (Theo luật thơ “Thất ngôn trường thiên” – Bài thơ dài gồm nhiều khổ thơ, mỗi khổ có 4 câu 7 chữ, trong đó chữ cuối của câu 1, câu 2, câu 4 phải hiệp vần với nhau). Hàn Mặc Tử đã dùng vần ÂU – “khởi đầu” – ở câu 1, sang đến câu 2 và câu 4 lại dùng vần Ơ – “huyền mơ”, “ý thơ”. Điều này lại càng chứng tỏ cảnh thiên nhiên hoà điệu cùng tâm tư nhà thơ tưởng chừng muốn làm cho nhà thơ “hồn trào ra đầu ngọn bút” như ở bài “Rướm máu” thi sĩ đã diễn tả:
“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút.
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt.
Cho mê man chết điếng cả làn da.”
Không hiểu thi sĩ đã sáng tác bài thơ “Đà Lạt Trăng Mờ” vào dịp nào trong năm, nhưng với kẻ viết bài này thì cứ mỗi đêm giao thừa hàng năm, lại nhớ lại như một thói quen đã trở thành bản năng của mình. Cứ mỗi đêm giao thừa, tay châm vài ngọn nến, đốt nén hương trầm, đứng trước bàn thờ, mới cảm nhận hết được giây phút linh thiêng tiễn đưa năm cũ (TỐNG CỰU), đón chào năm mới (NGHINH TÂN). Thật đúng là “Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu”.
Tiễn năm cũ vào dĩ vãng, nó sẽ không bao giờ trở lại nữa, dù rằng theo Âm lịch thì cứ một chu kỳ 60 năm – hoặc Dương lịch là 4 năm – lại lặp lại y hệt như vậy. Đó chỉ là cách tính lịch theo vòng xoay của trái đất quanh mặt trời (Dương lịch) hoặc vòng xoay của mặt trăng quanh trái đất (Âm lịch), cho dễ phân định năm tháng ngày giờ thôi; chớ thật sự cảnh thiên nhiên và nhất là đời sống con người thì không bao giờ có sự lặp lại lần sau y hệt lần trước. Triết gia Hy-lạp Héraclitus đã diễn tả sự biến chuyển ấy: “Người ta không bao giờ tắm 2 lần trên cùng một dòng sông” (Tất cả mọi sự vật và hiện tượng thiên nhiên luôn luôn biến đổi và phát triển không ngừng, cũng như dòng sông kia nước luôn luôn vận động chảy trôi không bao giờ dừng lại).
Tâm trạng tiễn đưa năm cũ tránh sao khỏi bồi hồi xao xuyến vì nuối tiếc, thậm chí có thể cả ân hận. Nhưng để bù lại thì tinh thần lại phấn khởi vui mừng vì hy vọng năm mới sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp. Quả nhiên giây phút giao thừa đối với con người – nhất là những người cao tuổi – có thật nhiều tâm cảm. Ngoài những cảm xúc trần tục về nhân tính (nuối tiếc những kỷ niệm đẹp về năm đã qua, về những năm đã trôi vào dĩ vãng, thương nhớ những người thân, bạn bè, anh em đã khuất bóng…), còn có cả xúc cảm hướng thượng thuôc thiên tính nữa (tạ ơn Trời đã cho mình sống thêm một tuổi, cầu mong Đấng Cao Xanh sẽ ban cho mình thật nhiều phước lộc trong Năm Mới, càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan sáng suốt trong ân huệ dồi dào của Thượng Đế). Vì thế mới coi Giao thừa là giây phút giao cảm với thần linh, giao hoà với thiên nhiên, hoà giải với nhân sinh.
Với Ki-tô hữu cũng không ngoại lệ. Chúng ta đã coi đêm Thiên Chúa Giáng Trần là đêm giao thừa giữa Cựu Ước (loài người còn sống trong đêm đen tội lỗi) với Tân Ước (mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên Cứu Độ); đêm Giáng Sinh là đêm “Đất với Trời se chữ đồng”. Vậy thì tại sao chúng ta lại không nghĩ rằng đêm Giao thừa cũng chính là đêm Trời đất giao hoà, nhân sinh hoà giải. Trong giờ phút thiêng liêng của cuộc bàn giao giữa năm cũ và năm mới, giữa con người cũ và con người mới, chúng ta hãy nhìn lại một năm đã qua, những năm đã qua… không phải để nuối tiếc, mà là để thấy được bản thân đã có những ưu điểm nào đáng duy trì và phát huy, đồng thời thấy được những khuyyết điểm, những lỗi phạm, những sai sót để hối cải, khắc phục. Sau khi đã “nhìn lại mình” ở quá khứ trong tâm tình “sám hối”, nhiên hậu hãy đổi mới (“canh tân”) bản thân bằng cách để tâm hồn hướng thượng (nhìn lên) Thiên Chúa với tâm tình tạ ơn và hy vọng được Người thưong ban nhiều hồng ân trong Năm Mới, trong tương lai là Ngày Chúa Quang Lâm lần thứ hai.
Sự hối cải và hy vọng đó cũng chính là đức tin, vì “Đức tin là Hy vọng”. Thông điệp Đức tin là Hy vọng “Spe Salvi” (số 2) đã giải thích: “Hy vọng”, thực ra là một từ chủ yếu trong Thánh Kinh – đến mức trong nhiều đoạn những từ “đức tin” và “hy vọng” dường như có thể hoán chuyển cho nhau. Vì thế, Thư Do Thái liên kết chặt chẽ “sự viên mãn của đức tin” (Dt 10, 22) với “sự tuyên xưng cách quả quyết niềm hy vọng của chúng ta” (Dt 10, 23). Cũng thế, trong thư Thứ Nhất, khi Thánh Phê-rô khích lệ các Ki-tô hữu hãy luôn luôn sẵn sàng đưa ra câu trả lời liên quan đến logos – ý nghĩa và lý do – cho niềm hy vọng của họ (1Pr 3, 15), thì từ “Hy vọng” là tương đương với từ “Đức tin”. Chúng ta thấy sự hiểu biết về chính mình của các tín hữu Ki-tô sơ khai đã được hình thành mạnh mẽ đến mức nào khi họ nhận được hồng ân của một niềm hy vọng đáng tin cậy, hay khi chúng ta so sánh cuộc sống Ki-tô với cuộc sống trước khi có đức tin, hay với tình trạng của các tín hữu thuộc các tôn giáo khác.”
Tắt một lời, hãy tiễn đưa năm cũ (tống cựu) – Đinh Dậu – bằng tâm tình sám hối và đón mừng Năm Mới (nghinh tân) – Mậu Tuất – với quyết chí đổi mới con người, canh tân cuộc sống. Viết tới đây, kẻ viết bài này lại nhớ tới Hàn Mạc Tử với 4 câu thơ đầu trong bài thơ “Đêm Xuân Cầu Nguyện” của ông:
“Trời hôm nay bình an như nguyệt bạch.
Đường trăng xa, ánh sáng tuyệt vời bay.
Đây là hương quý trọng thấm trong mây.
Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm.”
Không sai, đêm Giao thừa hôm nay lại một lần nữa được đón nhận ân sủng “Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm”. Thế thì tại sao lại không vui mừng hớn hở đón chào Năm Mới Mậu Tuất như lời khuyên của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Phi-lip-phê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.” (Pl 4, 4-7).
Trong bầu khí thiêng liêng và ấm cúng của giờ phút Giao Thừa hàng năm, xin hãy thinh lặng suy niệm về những hồi ức dĩ vãng đã có một Đấng Thiên Sai đến “trao” cho con người sứ vụ “tư tế, ngôn sứ, vương giả”. Cho đến hiện tại và mãi mãi, Người vẫn tiếp tục “trao”, ăn thua là chúng ta có chịu “nhận” hay không và “nhận” như thế nào mà thôi. Vâng, xin hãy tiễn đưa những cái cũ bằng tâm tình sám hối, quyết từ bỏ những sai phạm, lỗi lầm; đồng thời sẵn sàng đón nhận cái mới và thực thi bằng tỉnh thức, bằng hành động, bằng cả cuộc sống của bản thân, để sẵn sàng đón “Đấng đã đến và sẽ đến” là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta quang lâm. Chính Người sẽ đến trong giờ phút Giao Thừa trọng đại của ngày cánh chung – một thời điểm đã được định sẵn từ trước vô cùng, nhưng lại đến một cách bất ngờ như kẻ trộm, bởi “ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời, hay ngay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Mt 24, 36-44).
Đó mới chỉ là “nhận”, chúng ta đã nhận rất nhiều từ Thiên Chúa, Đấng luôn luôn “cho một cách nhưng không”. Vậy thì đừng chần chờ nữa, mà hãy mở rộng trái tim, sẵn sàng trao “cho” anh em những gì mình đã “nhận” từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mở rộng cửa lòng “cho” anh em không chỉ là những lời chúc tốt đẹp đón mừng Năm Mới, mà hãy thể hiện cụ thể bằng hành động: Đến với anh em khó nghèo tật bệnh, thăm hỏi kẻ bị áp bức, lao tù, chia áo cho người không có, san sẻ của ăn cho người đói khát. Nhất là đừng bao giờ quên Lời dạy của Thầy Chí Thánh: "Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy." (Mt 10, 8). Ấy cũng bởi vì "cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20, 35). Chỉ có như vậy mới thực sự nói lên đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của giờ phút "trao" (Giao) và "nhận" (Thừa) giữa năm cũ và năm mới, và nhất là giờ phút Giao Thừa giữa cuộc sống trần thế hữu hạn bước sang cuộc sống trường tồn vĩnh cửu mai sau.
Trong Thánh lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (ngày đầu năm mới 01/01/2017), Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã giảng: “Cử hành lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta vào thời khắc bắt đầu một năm mới nghĩa là nhắc lại một xác tín luôn đồng hành trong đời chúng ta: đó là chúng ta có một người mẹ; chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi. Các bà mẹ là loại thuốc giải độc mạnh nhất để chữa trị khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân và sự tự cao tự đại của chúng ta, để chữa trị sự thiếu cởi mở và thờ ơ của chúng ta. Một xã hội mà không có các bà mẹ thì không chỉ là một xã hội lạnh lùng, nhưng còn là một xã hội đánh mất con tim, và mất đi “cảm giác của gia đình”. Một xã hội mà không có các bà mẹ sẽ là một xã hội tàn nhẫn, một xã hội trong đó con tim chỉ có chỗ cho những tính toán và đầu cơ…
Khởi đầu năm mới bằng cách nhắc lại sự tốt lành của Thiên Chúa nơi khuôn mặt từ mẫu của Đức Maria, khuôn mặt từ mẫu của Giáo hội, và khuôn mặt các bà mẹ của chính chúng ta, chúng ta được bảo vệ khỏi một căn bệnh suy kiệt trở thành kẻ “mồ côi tinh thần”. Đó là cảm giác mồ côi mà linh hồn trải qua khi nó cảm thấy không có mẹ và thiếu vắng sự dịu dàng của Thiên Chúa, khi cảm giác thuộc về một gia đình, một dân tộc, một đất nước, hay thuộc về Thiên Chúa trở nên mờ nhạt. Cảm giác mồ côi này chôn kín trong một con tim tự ái, chỉ có thể thấy chính bản thân mình và những lợi ích riêng của mình. Nó phát triển khi chúng ta quên mất rằng cuộc sống là một món quà mà chúng ta đã nhận được và còn nợ những người khác – một món quà mà chúng ta được mời gọi để chia sẻ trong ngôi nhà chung này.”
Như vậy thì năm nay (năm Mậu Tuất 2018) với chủ đề Mục vụ “Đồng hành với các gia đình trẻ”, toàn thể gia đình Ki-tô hữu Việt Nam (Giáo hội Việt Nam) hãy đón NĂM MỚI bằng CON NGƯỜI MỚI, hãy dùng những ngày đầu năm mới cầu nguyện và dâng lên Từ mẫu Maria Mẹ Thiên Chúa tất cả các gia đình trẻ. Cầu xin Mẹ bảo trợ và hướng dẫn các gia đình trẻ sống ơn gọi và sứ mạng hôn nhân của mình như lòng Chúa mong ước và thực hiện lời hứa của Đấng Phục sinh: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Cầu nguyện, đồng thời biến những lời cầu nguyện thành hiện thực, đến với và “Đồng hành với các gia đình trẻ” trên hành trình tiến về quê Trời vĩnh cửu. Ước được như vậy.
Ôi! Lạy Chúa! Chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con thêm một tuổi mới, thêm những hiểu biết về Lời Chúa, nhất là thêm sáng suốt nhìn ra được những lầm lỗi thiếu sót chúng con đã mắc phạm trong năm vừa qua, trong những năm đã qua. Cúi xin Chúa ban Thánh Linh soi sáng cho chúng con có đủ sáng suốt và can đảm đổi mới con người và cuộc sống của minh, nhất là xin ban đức tin cho chúng con để chúng con luôn sẵn sàng làm theo Lời Chúa dạy: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã đến gần”. Ôi! Lạy Chúa! Chúng con ước ao được dâng lên Chúa cả tâm hồn và thể xác, cả dĩ vãng và hiện tại của bản thân chúng con, gia đình chúng con, các gia đình trẻ trên đất nước Việt Nam cũng như toàn thế giới. “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion” (Tv 133, 3). Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: