Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đền thờ đích thực

Tác giả: 
Lm. Nguyễn Văn Quang

 

 

CHÚA NHẬT 3 MÙACHAY B

Xh 20,1-17;  1 Cr 2,13-25; Ga 2,13-25

Chủ đề: ĐỀN THỜ ĐÍCH THỰC

 

Lời Chúa: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”(Ga 2,19).

 

Nhập lễ:

 

Kính thưa cộng đòan phụng vụ,

 

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 3 mùa chay hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, vì người ta đã biến đền thờ thành nơi buôn bán, thành hang trộm cướp. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết chính Người là đền thờ đích thực:

 

Các ông cứ phá đền thờ,

Ba ngày dựng lại, chẳng nhờ tay ai.

Tuyên ngôn của Đấng Thiên Sai,

Chết rồi sống lại chẳng sai chút nào.

Phần ta phải biết tự hào,

Là đền thờ Chúa, sống sao vẹn tòan.

 

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta ý thức Thánh Đường là nơi Chúa ngự để thi ân giáng phúc nên biết kính trọng, gìn giữ sạch đẹp và tôn nghiêm, đồng thời thanh tẩy thân xác và tâm hồn ta sao cho xứng đáng để trở nên đền thờ cho Chúa ngự. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

 

Sám hối:

 

X. Lạy Chúa, Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã mạc khải cho chúng con biết chính Chúa là đền thờ đích thực. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

 

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

 

X. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con thanh tẩy thân xác tâm hồn để trở nên đền thờ cho Chúa ngự. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

Kết: Xin Thiên Chúa tòan năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

 

CĐ: Amen.

 

Suy niệm:

 

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

 

Trong các tôn giáo đều có nơi thờ tự được gọi là đền thờ. Nơi đây, người ta biểu lộ niềm tin của mình qua các nghi lễ, thờ phượng Đấng mà họ tôn thờ. Trong thời cựu ước, Thiên Chúa không muốn xây dựng cho Ngài một đền thờ, ngay cả khi vua Đavít ngỏ ý muốn xây dựng cho Thiên Chúa một đền thờ xứng đáng để Thiên Chúa ngự, và đó là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện ở giữa dân Ngài, Thiên Chúa cũng không chấp nhận mãi cho đến Salomon, Ngài mới chấp nhận cho xây đền thờ. Từ ngày Salomon xây cất, đền thờ Gêrusalem trở thành trung tâm tôn giáo của người Do thái. Chính nơi đây, Chúa Giêsu đã nhiều lần đến để tôn thờ Thiên Chúa. Và cũng chính nơi này, Chúa Giêsu xua đuổi kẻ buôn bán và đã mạc khải cho mọi người biết chính Người là Con Thiên Chúa, là đền thờ đích thực.

 

Thưa anh chị em, đối với người Do thái, đền thờ Giêrusalem là nơi tập họp mọi người trên khắp mọi miền đất nước, là nơi gặp gỡ Thiên Chúa với anh em trong tâm tình cầu nguyện, tri ân và cảm tạ Thiên Chúa vào dịp lễ kỷ niệm dân được Thiên Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai cập, vượt qua Biển Đỏ về miền Đất Hứa. Năm ấy, Chúa Giêsu cũng hoà mình vào đoàn người tiến bước về đền thờ mừng lễ Vượt Qua. Vừa bước vào đền thờ, Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc làm Chúa Giêsu đau lòng. Không nén nổi cơn thịnh nộ trước cảnh tượng đền thờ linh thiêng bị biến thành thị trường, sào huyệt của bọn đầu trộn đuôi cướp, Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Qua câu nói này, Chúa Giêsu tự xưng là Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã thanh tẩy một lối thờ phượng đã bị biến chất, người bán thì chạy theo lợi nhuận, hàng lãnh đạo thì lệch lạc trong thờ phượng biến đền thờ thành nơi buôn bán, đổi chác bất kính, đang khi đó đền thờ là nơi cầu nguyện, là nơi gặp gỡ Thiên Chúa phải được tôn kính. Qua đây, Chúa Giêsu mạc khải đền thờ mới, đền thờ đích thực và xứng đáng chính là thân xác của Người: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Quả thật, thân xác Chúa Giêsu chính là đền thờ đích thực. Đền thờ là toàn thể tâm tình và hành vi tôn thờ Thiên Chúa và cũng là nơi Thiên Chúa hiện diện chúc phúc cho dân Người. Thân xác sống lại của Chúa Giêsu mới làm hoàn tất ý nghĩa đền thờ như thế. Các môn đệ chỉ hiểu đầy đủ sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, nhờ đó niềm tin của các môn đệ được cũng cố thêm vững mạnh.

 

Có câu chuyện kể rằng, Hoàng đế Amora của Thổ nhĩ kỳ một hôm đau nặng, Vua ra lệnh cho đem mọi chiếc ly kiểu thật đẹp mà ông đã đem từ các nước về, đập bể trước mặt ông. Nhiều người thấy vậy liền can ngăn. Nhà vua nói: chúng đúng là những kỷ vật vô giá, nhưng cũng chính chúng làm ta nhiều lần quá chén đến nỗi thân thể bị tàn phá. Ta nhất quyết không để chúng làm ta sa ngã nữa.

 

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

 

Mùa chay là mùa trở về với Chúa, về với con người tốt đẹp Chúa đã dựng nên. Hoàng đế Amora của Thổ nhĩ kỳ đã làm một cuộc trở về sau khi nhận ra những chiếc ly là những kỷ vật vô giá đã làm cho ông nhiều lần quá chén đến nỗi thân thể bị tàn phá. Ông nhất quyết không để chúng làm ông sa ngã nữa dù rằng nhiều người can ngăn. Người Kitô hữu chúng ta nhờ bí tích thánh tẩy đã kết hợp với Chúa Kitô và trở thành đền thờ Thiên Chúa: “anh em không biết sao, thân mình anh em là đền thờ của Thánh Thần. Vậy anh em hãy tôn thờ Thiên Chúa nơi thân mình anh em”. Nhận thức được như thế, giúp chúng ta thanh tẩy thân xác và tâm hồn nên thanh sạch nhờ bí tích hòa giải và biết thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật.

 

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn biết thanh tẩy thân xác và tâm hồn mình mỗi ngày sao cho xứng đáng, để trở nên đền thờ cho Chúa ngự. Amen.

 

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.