Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Anh phải sống

Tác giả: 
Đặng Phúc Minh

 

 

ANH PHẢI SỐNG

 

Dù hy sinh nhỏ bé hay lớn lao đều đáng trân trọng.

 

hy sinh là nhận về phần mình một cách tự nguyện sự mất mát lớn lao nào đó, vì một cái gì cao đẹp” (định nghĩa của Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam). Nhân loại đã và đang có biết bao cách khác nhau, thể hiện sự hy sinh cao đẹp của một cá nhân, hay một tập thể. Đó có thể là hy sinh tiền tài của cải; hy sinh thời gian, sức khỏe hay hy sinh cả mạng sống cho lý tưởng,cho đồng loại hay cho quê hương. Hy sinh có mặt ở mọi giai tầng trong xã hội, từ người quyền thế giầu sang đến người thường dân thiếu thốn đều có thể hy sinh theo cách,và hoàn cảnh riêng của họ. Hy sinh dù nhỏ bé như chỉ nhường chỗ ngồi cho người cao tuổi, người khuyết tật trên xe; hay “nhường cơm sẻ áo” cho người nghèo khó, dù chỉ một ổ bánh mì, một bát cháo, một manh áo; hay lớn lao như chỉ nhận lương 1 USD/ năm, thay bằng nhận 400.000 USD/năm của Tổng thốngTrump, Hoa Kỳ; hoặc tỉ phú Bill Gates dành 95% trong tổng tài sản 85 tỉ USD mình cho chương trình y tế và giáo dục trên toàn thế giới đều đáng được trân trọng.

 

Hy sinh chính là nét đẹp nhân văn cao cả đã có mặt mọi nơi, mọi lúc trong dòng lịch sử của loài người từ ngàn xưa tới ngày nay, và hy vọng nét đẹp văn hóa đó còn mãi tới mai sau, đến muôn nơi!

 

Trong pham vi của bài viết tác giả chỉ xin giới hạn bàn đến việc: 

 

Tình nghĩa gia đình cần hy sinh cho nhau.

 

Trước tiên ta cùng tìm hiểu gia đình là gì? và sự tương tác giữa xã hội và gia đình.

 

Gia đình là gì?

 

Gia đình là một cộng đồng người sống chung gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và trải qua một quá trình phát triển lâu dài” (theowikipedia).

 

Sự tương tác giữa xã hội và gia đình

 

Một vấn đề đã hiển nhiên, mà mọi người đều thừa nhận: Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội. Một thực tế, mọi người cũng đã thấy là: Một xã hội, mà các gia đình từ nông thôn đến thành thị đều có lối sống lành mạnh tiến bộ, con cái được giáo dục đến nơi đến chốn theo một đường lối giáo dục: Nhân bản, Khoa học, Dân tộc và Khai phóng; các gia đình được đối sử tôn trọng và công bằng.thì xã hội đó tiến bộ văn minh và phát triển...

 

Ngược lại, một xã có nhiều gia đình bất an, vì không được đối sử công bằng, bị phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo…; con cái của họ không được hưởng nền giáo dục bình đẳng, nhân bản, khoa học; nhiều người, nhiều gia đình, nhiều nhóm người đều có lối sống vị kỷ, gian tham, tìm cách dành nhiều đặc quyền đặc lợi cho mình, nhóm mình, phe mình, thì xã hội đó trì trệ, chậm tiến, lạc hậu, khiến mọi người chán ghét…

 

Xem như thế, chính đời sống của các gia đình đã tạo nên và phản ảnh một xã hội thịnh suy, lạc hậu hay tiến bộ của đất nước, của một dân tộc.

 

Trong gia đình hy sinh cho nhau nhằm mục đích gì?

 

Dù ở trong hoàn cảnh nào: giầu sang hay nghèo khó; quyền cao chức trọng, hay thường dân thấp hèn, các gia đình đều mong ước gia đình mình hạnh phúc ấm êm, con cái được học hành hẳn hoi. Đó là mong ước hoàn toàn chính đáng của những người đang làm vợ làm chồng, và làm cha làm mẹ trong bất cứ xã hội nào, thời nào. Chính vì thế mà Calderon: “Tất cả kho báu trên trái đất không thể nào sánh bằng hạnh phúc gia đinh”. Nhiều nhà tư tưởng cũng đã từng nói: “Gia đình là nơi đã trang bị cho bạn những hành trang quí giá nhất để bạn bước vào ngưỡng của cuộc đời”.

 

Làm cách nào để giữ gìn hạnh phúc gia đình

 

Câu trả lời có thể gọn gàng là: Vợ chồng cần sống yêu thương, thuận hòa, chung thủy, thông cảm, và đặc biệt là biết hy sinh và tha thứ cho nhau để cùng hưởng hạnh phúc trong đời sống lứa đôi, gia đình với con cái.

 

Về điểm này thì trong ca dao tục ngữ Việt Nam đã mô tả thật phong phú và đa dạng:

 

Người vợ luôn là trung tâm của sự dịu dàng yêu thương, chung thủy đã to nhỏ với chồng trong đêm vắng để mưu tìm hạnh phúc lứa đôi:

 

Đi đâu cho thiếp đi cùng.

Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam” (Ca dao)

 

Dù người vợ đã biết rõ, khi chính người yêu, chồng mình cũng đã chân tình bộc bạch đâu đó với mình:

 

Nhà anh chỉ có một gian.

 Nửa thì làm bếp nửa toan làm buồng

Anh lấy em coi sóc trăm đường

để anh mua bán trẩy trương thông hành…” (Ca dao)

 

Hạnh phúc gia đình thể hiện ở những điều thật bình dị đời thường, ngay trong cảnh nghèo khó, chứ không nhất thiết phải giầu sang phú quí:

 

Làm trai cho đáng nên trai

Ăn cơm với vợ, lại nài vét niêu

Con vợ nó cũng biết điều

Thắt lưng con cón, cạy niêu với chồng”(cadao)

 

Khi vợ chồng đã thương nhau rồi, thì họ sẵn sàng chấp nhận những điều không hoàn hảo của nhau:

 

Đêm nằm thì gáy o o…

Chồng yêu chồng bảo gáy cho vui nhà

Đi chợ thì hay ăn quà

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm…” (ca dao)

 

Trong khi đó thì người vợ hết lòng chung thủy với chồng

 

Có chồng bớt áo thay vai

Bớt mầu trang điểm kẻo trai nó lầm” (Ca dao)

 

Hoặc:

 

Chồng ta áo rách ta thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người” Cadao)

 

Và chính sự hy sinh nhịn nhường nhau đã giúp giữ được hạnh phúc gia đình bền vững:

 

Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi bớt lửa, một đời chẳng khê” (Ca dao)

 

Và vợ chồng đừng cư xử với nhau

 

Chồng ăn chả, vợ ăn nem

Đứa ở có thèm mua thịt mà ăn

 

Như thế sẽ đưa đến đổ bể gia đình, con cái sẽ tan tác.

 

Vợ chồng ngoài việc hy sinh cho nhau, họ còn đồng tâm nhất trí hy sinh thời gian, tiền bạc và đôi khi nhường cả bát cơm manh áo cho con cái được ấm no. Họ tìm thấy hạnh phúc khi hy sinh cho nhau và cho con cái:

 

Mẹ cha gánh vác hy sinh

Mẹ cha quên cả thân mình vì con” (Ca dao)

 

Hay

 

Dù đi khắp bốn phương trời

Công cha nghĩa mẹ không ai sánh bằng” (Ca dao)

 

Anh Phải Sống

 

Hy sinh đã được thể hiện bằng muôn vàn hình thức khác nhau trong cuộc sống. Nhưng sự hy sinh cao cả nhất, chính là sự hy sinh mạng sống của mình cho người mình yêu quí.

 

Truyện ngắn Anh Phải Sống của Khái Hưng (1896- 1947) và Nhất Linh (1906- 1963) trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn viết chung đã một phần nói lên được điều đó.

 

Vợ chồng bác Phó Nề Thức, một buổi chiều, sau nhiều đắn đo suy tính, nhưng cuối cùng đã liều đưa con thuyền từ chân đê Yên Phụ ra giữa dòng sông Nhị Hà, dù nước chảy xiết, trời thí sấm chớp sắp có mưa bão. Họ liều chỉ vì mấy đứa con thì đói, gạo không còn, vay không được. Thật chua chát khi anh Thức: “Chồng giữ gì lái, vợ vớt củi, chẳng bao lâu thuyền đã gần đầy, vợ chồng sắp sửa quay vào…” tưởng rằng nhà anh sẽ có bát cơm do đổi củi lấy gạo; một chút hy vọng lóe lên thì ngay lập tức bị dập tắt vì “trời đổ  mưa …Rồi chớp như xé màn đêm”.  thuyền của anh chị đã chìm!

 

Chị Lạc, vợ anh Thức sau một lúc tự bơi, rồi đuối sức phải bám vào vai anhThức để bởi tiếp. Anh Thức mỏi dần không thể bơi nổi, khi chị Lạc bám vào vai. Lúc đó, khi nghĩ đến “Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Anh Phải Sống” chị lạc đã tự buông tay khỏi vai anh Thức để chìm xuống lòng sông. Một sự hy sinh mạng sống để cứu con cứu chồng cao quí biết bao!

 

Lời kết

 

Tình nghĩa gia đình đích thực là biết sống vì nhau, của nhau và cho nhau để cùng hướng về một mục đích bình thường nhưng cao đẹp. Đó là một gia đình vợ chồng, con cái thuận hòa hạnh phúc. Điều đó cần đến sự hy sinh và cảm thông sâu sắc từ nhiều phía, vợ chồng và cả con cái.