Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Giao ước tình yêu

Tác giả: 
Lm. Nguyễn Văn Quang

 

 

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY B

 

Gr 31,31-34 ; Dt 5,7-9 ; Ga 12,20-33

 

Chủ đề: GIAO ƯỚC TÌNH YÊU

 

Lời Chúa: "Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt" (Ga 12,24).

 

Nhập lễ:

 

Kính thưa cộng đòan phụng vụ,

 

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 5 mùa chay hôm nay cho chúng ta thấy, tình yêu Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu khi Người chấp nhận cái chết trên thập giá là vinh quang của Người. Người chấp nhận chết đi cho tội lỗi loài người để đem lại cho chúng ta sự sống đời đời:

 

Cũng như hạt lúa thối đi,

Xác thân của Chúa chết vì tội nhân.

Cho ta cuộc sống canh tân,

Với bao hoa trái muôn phần tốt sinh.

Ta nay hãy biết hy sinh,

Noi gương Con Chúa phúc vinh muôn đời.

 

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta nhận ra cái chết của Chúa Kitô mang đến cho loài người ơn cứu độ. Xin cho chúng ta biết đáp lại tình yêu của Người bằng việc cỏi bỏ con người cũ của mình mà mặc lấy con người mới trong tình yêu của Chúa Kitô. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

 

Sám hối:

 

X. Lạy Chúa, Chúa là giao ước tình yêu được ký kết bằng giá máu của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

X. Lạy Chúa Kitô, Chúa chấp nhận cái chết trên thập giá để làm vinh danh Chúa Cha. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

 

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

 

X. Lạy Chúa, Chúa đã vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá để cứu độ chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

 

CĐ: Amen.

 

Suy niệm:

 

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

 

Cuộc sống của dân Israel cũng như cuộc sống của mỗi người luôn bị giằng co giữa Thiên Chúa và thế tục. Hứa trung thành với Chúa nhưng rồi lại bỏ Chúa. Khi giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ của Ai cập, Thiên Chúa đã ký kết với họ một Giao ước ở chân núi Sinai vào khoảng thế kỷ 13 trước công nguyên qua Môsê. Theo đó, Thiên Chúa nhận dân Israel làm dân riêng của Ngài và luôn bảo vệ họ; còn dân Israel nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất họ tôn thờ và hứa trung thành phụng sự Ngài. Giao ước đó đã được khắc lên hai bia đá để giúp dân tuân giữ. Giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và loài người là một giao ước tình yêu.

 

Thưa anh chị em, được vào đất hứa với bao vui sướng: đất đai phì nhiêu, đời sống thoải mái khác xa những ngày lang thang trong hoang địa. Nhưng đồng thời lại do tiếp cận với nếp sống cầu an, hưởng thụ, dân Israel đã sớm phá vỡ giao ước ấy, nghĩa là chối bỏ, phản bội, bất trung, không chấp nhận tình yêu ấy nữa và kết quả khiến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trút xuống toàn dân, đền thờ bị tàn phá, đất nước bị sâm chiếm, dân chúng bị bắt đi lưu đày ở Babylon. Chính trong bối cảnh lịch sử bi đát đó, dù dân Israel có bất trung phản bội, Thiên Chúa vẫn luôn trung thành. Ngài đã nhờ tiên tri Giêrêmia loan báo Thiên Chúa sẽ lập một giao ước mới và vĩnh cửu: Giao ước mới này không khắc ghi lên hai bia đá mà ghi tận đáy lòng, ghi trong tâm hồn con người. Kết quả của việc ghi luật mới vào tâm hồn là Thiên Chúa tha thứ cho họ, xóa bỏ sự gian ác của họ, không còn nhớ đến tội lỗi của họ nữa: “Mọi người từ lớn chí nhỏ đều nhìn biết Ta”“Ta sẽ tha tội ác của chúng và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”. Giao ước tình yêu này được ký kết thật sự trong máu Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô đổ ra trên thập giá. Tình yêu Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu khi Người chấp nhận cái chết trên thập giá là vinh quang của Người. “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”. Khi chấp nhận mục nát như hạt lúa gieo vào lòng đất với cuộc Vượt Qua trên thập giá là vinh quang của Người, Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn mầu nhiệm tự hủy nơi bản thân mình. Chính nhờ sự vâng phục trọn vẹn đó mà Chúa Giêsu khi hoàn tất “Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Người”.

 

Có một câu chuyện kể rằng, Đức Hồng y Veuillet, Tổng giám mục Paris, khi biết mình bị ung thư và sắp chết, đã nhắn nhủ các linh mục của ngài như sau: “Chúng ta nói rất hay về sự đau khổ. Bản thân tôi cũng đã làm như vậy. Thế nhưng, giờ đây tôi xin các linh mục đừng nói gì về vấn đề ấy nữa, bởi vì chúng ta không hề biết đau khổ là gì. Tôi đã phải khóc lên vì nó”.

 

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

 

Đứng trước đau khổ, trước khó khăn thử thách, con người tự nhiên ai cũng chùn bước. Đức Hồng y Veuillet, Tổng giám mục Paris, khi biết mình bị ung thư và sắp chết cũng không thoát khỏi thử thách đó. Chúa Giêsu cũng không là một ngoại lệ, như chúng ta thấy Người cầu nguyện trong vườn Cây Dầu. Nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi sự vì Người yếu mến và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Sự vâng phục này được thể hiện qua việc Chúa Giêsu sẵn lòng chịu khổ nạn đến mức chịu chết và chết trên thập giá để cứu độ loài người. Đây là chìa khoá để giúp mỗi người chúng ta vượt qua những gian nan thử thách: yêu mến và thi hành thánh ý Chúa.

 

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết tận dụng những ngày còn lại của mùa chay thánh này trở về với Thiên Chúa, là Đấng vì yêu thương đã chết thay cho tội lỗi của chúng ta để chúng ta được sống. Xin cho chúng ta biết vâng nghe thánh ý Chúa trong đời mình, biết quảng đại hy sinh để kiến tạo niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Amen.

 

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.