Tại sao ba là một?
Tại sao ba là một?
(Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi năm B)
Sách Giáo lý của Hội thánh dạy chúng ta biết rằng có “Ba Ngôi Thiên Chúa (là Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần) thực sự phân biệt với nhau… Chúa Con không phải là Chúa Cha và Chúa Cha không phải là Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con” (GLHTCG số 254). Tuy vậy, Hội thánh vẫn luôn tuyên xưng là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất.
Thật là điều rắc rối!
Giáo hội mượn hình ảnh một gia đình đầm ấm yêu thương hiệp nhất để soi sáng cho các tín hữu hiểu được phần nào mầu nhiệm cao cả này.
Trong thư mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa năm 2002, Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc nhở các tín hữu rằng: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Ki-tô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (số 6).
Hiệp thông trong gia đình: 3 nên 1
Trước đây, anh Bắc ở Hà nội, chị Nam ở Sài gòn, hai người ở hai phương trời cách biệt. Anh và chị là hai “ngôi” (hai người ) hoàn toàn xa lạ.
Về sau, hai người cùng vào làm trong cùng một công ty tại Nha Trang nên có nhiều cơ hội gặp nhau và đôi bên cảm thấy ý hợp tâm đầu. Tình yêu của anh chị gia tăng mỗi ngày và với thời gian, anh chị yêu thương nhau sâu đậm đến nỗi người nầy không thể sống hạnh phúc nếu thiếu vắng người kia.
Do tình yêu thúc đẩy, anh chị tiến đến hôn nhân. Lúc nầy hơn bao giờ hết, anh chị cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về nhau: cùng chung một tổ ấm, chung một tình yêu, chung niềm vui nỗi buồn, chung một ước mơ và một niềm hy vọng… Họ không còn là hai mà là một: “Mình với ta dẫu hai như một; ta với mình tuy một mà hai.[1]”(Tản Đà)
Chính Chúa Giê-su cũng nhìn nhận rằng anh Bắc và chị Nam không còn là hai mà chỉ là một: “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mat-thêu 19, 5-6).
Rồi tình yêu của anh chị đơm bông kết trái: một đứa con yêu quý chào đời!
Giờ đây tuy trong nhà có ba người hay ba “ngôi”, nhưng tình yêu thương thắm thiết đã nối kết cả ba nên một. Họ cảm thấy hoàn toàn thuộc về nhau. Họ cảm thấy mình không còn là ba nhưng chỉ là một: hạnh phúc của người nầy cũng là hạnh phúc của người kia; khổ đau của mỗi người cũng là nỗi đau chung của cả gia đình.
Anh chị cũng khám phá ra rằng: Khi còn yêu thương nhau tha thiết, thì họ xem nhau như một; trái lại khi không còn yêu thương nhau nữa, họ cảm thấy mình không còn là một mà là hai, là ba.
Từ đó, anh chị hiểu rằng: tình yêu làm cho ba người (hay ba ngôi) nên một.
Thế là khi nhìn vào một gia đình có “ngôi cha”, “ngôi mẹ” và “ngôi con” hiệp thông với nhau cách mật thiết, chúng ta hiểu được phần nào sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chúa Giê-su mời gọi sống hiệp thông theo mô hình Ba Ngôi
Được hiệp thông nên một trong yêu thương là một hạnh phúc tuyệt vời nên Chúa Giê-su muốn các môn đệ của Ngài chung chia hạnh phúc ấy. Vì thế, hôm xưa trong bữa tiệc ly, Ngài thành khẩn cầu xin cho các môn đệ: “Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…. để họ được nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17, 20-23).
Và hôm nay, Chúa Giê-su hướng nhìn về mỗi thành viên trong gia đình chúng ta và cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho người cha, người mẹ và đứa con nầy nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.”
Rồi Ngài cũng hướng về mỗi tín hữu trong Hội thánh và tha thiết khẩn cầu: “Lạy Cha, xin cho các tín hữu nầy được gắn bó nên một trong yêu thương như Chúng Ta là một.”.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con cảm nhận rằng bí quyết để được hạnh phúc tuyệt vời là cùng nhau sống yêu thương gắn bó nên một như ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ đó mỗi thành viên trong gia đình và cộng đoàn sẵn sàng xoá bỏ những bất hoà chia rẽ để tiến tới đời sống yêu thương hiệp nhất theo mô hình Ba Ngôi.
Xin cho tình yêu của ba Ngôi liên kết chúng con nên một, để đời sống gia đình và cộng đoàn chúng con trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa ba Ngôi.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
[1] Trong bài thơ “Nói chuyện với ảnh”
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: