Tôi mơ giấc mộng dài
Chuyện Phiếm đọc trong tuần 11 Thường niên năm B 17-6-2018
“Tôi mơ giấc mộng dài
Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh
Tôi đang thấy màu xanh
ở trên cây càn trôi xuống thân mình
(Phạm Duy/Lê Lan – Tôi đang mơ giấc mộng Dài)
(Công vụ 2: 17)
Màu xanh anh thấy, có là màu mỡ hay màu mè của đời tôi đang “mơ giấc mộng dài”, hay chăng hoặc chẳng biết. Mộng dài màu xanh, nay là sắc màu cuộc đời của tôi, của bạn, của mọi người.
Mộng dài màu xanh, có là sắc màu lý tưởng mà nhiều đấng bậc nhà Đạo thường nghĩ tới? Câu trả lời của tôi chứ không phải của bạn, sẽ là và vẫn là: không hẳn thế. Bởi, làm sao được như thế khi anh, khi tôi, khi mọi người vẫn chắm chú theo dõi bản tin có Đức Giáo Tông nhà mình, từng tuyên-bốnhư sau:
“Vừa qua, giữa tháng Hoa 2018, có nguồn tin cho thấy Đức Phanxicô đã triệu tập các giám mục Chí Lợi đến Rôma để họp khẩn cấp sau khi nhận được báo cáo dày 2.300 trang về tình trạng bao che nạn lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sĩ. Trong cuộc tông du hồi tháng giêng tại Chí Lợi, ĐTC đã mạnh mẽ bênh vực ĐGM Juan Barros là người bị các nạn nhân tố cáo là bao che - mặc dầu chứng kiến các màn tồi bại - cho một linh mục từng là cha “nghĩa tử” của ngài. ĐTC nhìn nhận là đã “sai lầm nghiêm trọng vì không có được những thông tin khả tín”.
Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi cho biết trong 3 ngày nhóm họp với Đức Giáo Hoàng, họ muốn lắng nghe ý kiến và đi theo sự dẫn dắt của ngài để xin các nạn nhân tha thứ. Phát ngôn viên của Hội Đồng, Đức Giám Mục Juan Ignacio Gonzalez cho biết: “Có thể sẽ có một vài giám mục xin từ chức, thế nhưng còn tuỳ nơi Đức Giáo Hoàng”.(Vũ Nhuận Facebook “Dấu Chỉ Thời Đại” 16/05/18)
Nếu thế thì, “Dấu Chỉ Thời Đại” hôm nay gồm toàn những dấu hiệu tỏ cho thấy: cả đến Đức Giáo Hoàng cũng nhìn nhận là mình “đã sai lầm nghiêm trọng vì không có được những thông-tin khả-tín”, nên mới thế.
Thế mới biết, con người ngày nay, chí ít là những người con nhà Đạo rất “Công giáo” của ta, cũng đã thấy rằng mình “không có được thông-tin khá-tín” như vậy, nên mới thế. Nói thế, tức bảo rằng: hiện thời, ta có quá nhiều loại hình thông-tin mà người đời gọi là “tin giả” (tức: giả dạng loan truyền các thông-tin đích-thực để mọi người tin, hầu làm lu mời hoặc che-khuất sự thật, rất đáng tin.
Có một sự thật trong đời rất khó mà tin từng che khuất hoặc bị con người thời nay làm lu mờ đi rất nhiều. Mặc dù chuyện ấy từng xảy ra nhiều năm trời ròng rã. Sự thật gì ư? Trước khi tìm ra câu trả lời, nay mời bạn/mời tôi, ta để tai nghe câu hát tiếp như sau:
“Tôi đang nhìn thấy màu xanh ở trên cây cành trôi xuống thân mình
Tôi đang nhìn thấy màu hồng ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn
Từ bình minh tươi mát, về hoàng hôn thơm ngát
Làn gió đưa hương đời vào chứa chan lòng tôi
Tôi nghe từ cõi đời vui vượt qua đêm dài lên tới sao trời
Tôi nghe từ cõi lòng người lời nói bồi hồi tìm kiếm ngọt bùi
Và nhìn thấy trong tim, tình yêu nở những con chim
Nở những con chim tuyệt vời
Đừng lay tôi nhé cuộc đời,
Tôi còn trẻ dại, cho tôi mơ mộng.”
(Phạm Duy/Lê Lan – bđd)
Phải chăng vì “còn trẻ dại” nên mới “mơ mộng”? Điều này cần được kiểm chứng, rất nhiều lần. Nhưng, với nhà Đạongay các vị bô lão cũng biết đến giấc mộng, như được báo động trong giấc mơ được làm “đấng bậc” để mọi người luôn cầu nguyện không ngừng.
Ở nhà Đạo cũng thế, có những giấc mộng lớn hoặc “Giấc mơ tuyệt trần đời” đối với nhiều người, vẫn là chuyện thường ngày ở huyện nhà. Và, huyện nhà ta hôm nay, lại cũng nói đến giấc mộng của một số dân con nhiều thời, vẫn có giốc mộng/mơ được nhiều người chiếu cố tới, bằng lời cầu.
Ở huyện nhà Đạo của tôi hay của bạn, lại cũng có những câu hỏi khá ư là “lỉnh kỉnh” gửi đến đấng bậc vị vọng để hỏi những chuyện “lỉnh kỉnh” như sau:
“Thưa Cha,
Cha xứ nơi con sinh-hoạt thường nhật, vẫn cứ yêu cầu con cầu nguyện cho ngài, nhưng con thấy đây là điều trái khuấy, khá lạ lùng. Nói cho cùng, thì ngài là một linh mục, luôn rất tốt. Con đây mới là người cần đến lời nguyện cầu, chứ không phải ông cha chánh xứ. Câu hỏi của con hôm nay là: có thật là các linh mục cũng cần đến người khác cầu nguyện cho mình không? Phải chăng có cầu hay không cho các vị ấy, thì theo con các ngài vẫn lên thiên đàng thẳng cánh cò bay thôi…” (Câu hỏi từ một giáo-dân khá nhiều thắc mắc, từ xưa giờ)
Vâng. Đúng thế. Đã là người, dù đạo đức cách mấy, vẫn luôn cần đến người khác cầu nguyện cho mình. Đấy, chỉ là ý kiến riêng tư của bần đạo bầy tôi, thôi. Nay, mời bạn và mọi người, hãy để tai xem đấng bậc vị vọng ở Sydney trả lời ra sao. Và, dưới đây là câu trả lời, rất rành rọt:
“Ta phải cầu nguyện nhiều cho các linh mục, cho tất cả mọi linh mục, không cần biết các ngài ra thế nào đi nữa. Bởi, nói cho cùng thì các ngài cũng là Kitô-hữu như chúng ta; và các ngài cũng phải cứu linh hồn của các ngài. Các ngài cũng là người nên cũng vướng mắc tội lỗi và không ai trong chúng ta nắm chắc được ơn cứu rỗi cho đến khi mình quá vãng. Không phải cứ có Bí tích thánh Linh mục là các ngài nắm chắc được cái vé tự động tiến vào chốn thiên đàng được đâu!
Hơn nữa, linh mục cũng như giám mục cần đến lời cầu nguyện của mọi người hơn ai khác, bởi vì các ngài đều biết sử-dụng ân-huệ đặc biệt và trách-nhiệm mình nhận được qua thiên-chức linh-mục, như Tin Mừng thánh Luca có viết: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.” (Lc 12: 48)
Đúng thật như thế. Linh mục có bổn phận phải trả lẽ không vì lợi ích cho phần linh-hồn của chính mình mà thôi, nhưng còn phải chứng minh xem mình đã làm được gì để giúp đỡ những ai đặt mình vào bàn tay săn sóc của các ngài nữa. Vai trò của đấng chăn dắt các linh hồn luôn có trách-nhiệm lớn lao và Thiên Chúa sẽ phán xét kỹ càng để xem các linh-mục thực-hiện chức-năng linh-mục của mình như thế nào như sách Êdêkien còn viết rõ:
“Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.8 Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: "Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết", mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. (Êdêkien 33; 7-8)
Phụng vụ Giáo-hội ta cũng đã phản-ảnh sự cần thiết là ta phải nguyện cầu cho các linh-mục bằng nhiều thánh lễ trong sách lễ dành cho các linh-mục, giám mục và các Đức Giáo Hoàng nữa. Và, trong các lời kinh nguyện cầu ở Tiệc Thánh, sau khi vị chủ tế đọc lời cầu cho Đức Giáo Hoàng, và các Giám mục, ngài cũng nguyện cầu cho cả hàng giáo sĩ nữa.
Một ví dụ rõ rệt về sự cần thiết cầu nguyện cho các linh-mục là kinh-nghiệm của cha Steven Sheier ở Hoa Kỳ. Cha Sheier được thụ phong linh mục vào năm 1973 nhưng như ngài từng cho biết đã lo âu rất nhiều không biết các linh-mục khác và giáo dân của ngài có nghĩ ngài là linh mục lành thánh đối với Chúa Kitô hay không. Thế nên, ngài quyết trở nên bình dị được mọi người biết đến bằng việc rao giảng cho hòa bình, tình yêu và niềm vui, chứ không phải về đạo lý và tín-điều cứng ngắc.
Ngày 18/10/1985 trong lúc lái xe đi từ Wichita, Kasas về nhà xứ ở Fredonia cách đó 138 cây số, ngài gặp tai nạn đâm đầu vào chiếc xe tải và bị bắn tung ra ngoài cửa sổ rơi xuống đường. Xem xét mọi chỗ trong người, thì ngài phát-hiện ra cổ của ngài bị gãy và toàn bộ hộp sọ bên mé phải ở trên đầu bị rách bung khiến một phần bộ não bi tét đè nát một số tế bào não. Dù bất tỉnh nhân sự, ngài cứ lập đi lập lại nhiều lần Kinh Kính Mừng khi nằm trên xe cứu thương chở đến bệnh viện.
Bác sĩ chữa trị cho ngài, thấy mình đành bó tay không thể làm gì được ngoài việc khâu vá lại sọ não và gọi trực-thăng cứu thương chở ngài về Wichita. Bệnh việnchẩn-định rằng ngài chỉ còn 15% cơ may sống sót mà thôi. Toàn bộ các giáo xứ Thệ phản và họ đạo Công giáo ở Fredonia liên tục cầu nguyện cho ngài suốt cả đêm cho ngài được cứu sống và may mắn thay ngài đã sống sót. Và tháng Hoa kính Đức Mẹ vào năm sau đó, ngài đã có thể quay về lại xứ đạo của ngài để tiếp tục phục vụ mọi người.
Ít lâu sau, trong lúc công bố Tin Mừng về cây vả ở Phúc Âm thánh Luca đoạn 13 câu 1-9, cha Steven thấy trang sách ngài đọc tự dưng chói sáng, bành trướng thật tỏ ra khỏi bục giảng và đập vào ngực ngài. Khi quay về phòng ở, bất chợt ngài nhớ lại sự việc xảy đến với ngài, rõ mồn một ngay lúc xảy ra tai nạn xe. Ngài thấy mình đứng trước tòa Chúa phán xét có Đức Giêsu đưa ngài trở về toàn bộ cuộc sống, cho ngài thấy rằng đã nhiều lần ngài sa ngã theo nhiều kiểu. Ngài đành công-nhận rằng tất cả những gì ngài thấy đều đúng sự thật và không còn gì để chối nữa.
Vào cuối buổi phán xét, ngài được bảo cho biết mình sẽ phải xuống địa ngục và ngài thấy rằng mình đáng bị như thế. Tuy nhiên, ngay lúc ấy, ngài nghe có tiếng nói của một phụ nữ bảo với ngài rằng: “Hỡi Con yêu dấu của Mẹ, có thể nào con tha chết cho linh mục này để Mẹ cứu rỗi linh-hồn đời đời của y ta chứ?”
Và Đức Giêsu đáp lại: “ Mẹ à, y ta từng làm linh mục những 12 năm cho chính y chứ đâu phải cho Con đâu; hãy để y chịu hình phạt này cho xứng với việc y làm.” Thế nhưng, Đức Mẹ bèn nói: “Hỡi Con yêu dấu, nếu Ta ban cho y một ân-huệ đặc-biệt và sức mạnh y cần thiết, chắc chắn Mẹ Con mình sẽ thấy y gặt hái kết quả ngay thôi; bằng không khi ấy, Con cứ việc ra tay hành động.”
Sau đó, là im lặng. Và rồi, Đức Giêsu quay sang Mẹ Ngài và nói: “Mẹ à, đây là con của Mẹ.” Thành thử, có thể bảo rằng: dù trước khi bị tai nạn, vị linh mục này không có quan-hệ mật thiết gì với Đức Mẹ cả, nhưng từ đó trở về sau, ngài đã bắt đầu sùng kính Đức Mẹ rất liên hồi. Thành ra, làm linh mục đâu có nghĩa là mình nắm chắc chiếc vé đi vào chốn thiên đường đâu.
Tất cả, đều phải kinh qua cửa hẹp, giống mọi người. Do đó, ta có thể nói: linh-mục là những vị rất cần đến lời cầu nguyện của mọi người.” (X. Lm John Flader, Question time: Prayer for Priests, The Catholic Weekly 27/7/2014, tr. 22).
Lý do mà cha cố ở trên đưa ra câu truyện kể về cha Steven, cũng tùy người đọc nhận định. Thế nên, các đấng vị vọng nhà Đạo luôn được cầu nguyện, cả vào lúc các vị vừa thành “tân chức” cho đến cuối đời mình xem các ngài có làm được việc hay không; và cả các vị sa ngã, vẫn được cầu thay nguyện giúp. Như câu nói của bậc thánh hiền đã khẳng định ở Tin Mừng, như sau:
“Thiên Chúa phán:
Trong những ngày cuối cùng,
Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm,
con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ,
thanh niên sẽ thấy thị kiến,
bô lão sẽ được báo mộng.”
(Sách Công vụ Tông đồ 2: 17)
Cầu nguyện thật nhiều, cho dù là cầu cho ai đi nữa cũng vẫn là điều cần thiết. Chí ít, là như truyện kể về bà mẹ nọ từng dạy con như sau:
Con đừng suy nghĩ nhiều về chỗ đứng
Con nên suy nghĩ về cách đứng thế nào.
Đứng thẳng người, chỗ thấp thành cao
Đứng khom lưng trên cao thành thấp.
Biết sống đủ luôn thấy mình sung túc
Sống tham lam giàu có hóa ra nghèo
Con đừng làm cái bóng ăn theo
Biết gieo cấy để vui ngày gặt hái.
Đời là biển khổ con đừng ái ngại
Phải vượt lên để biết làm người
Hạnh phúc ở đời là tỷ số những buồn vui
Phải cóp nhặt những niềm vui nhỏ nhất.
Vui thanh thản là niềm vui có thật
Vui hư danh là trò ảo ở đời.
Một kiếp người ngắn lắm con ơi
Biết sống đẹp là điều không phải dễ…” (Truyện thờ do ST sưu tầm)
Cuối cùng thì, “giấc mộng dài của tôi, của bạn và củ mọi người ở huyện nào đi nữa, cũng tựa hồ như ý/lời của bài ca trên vẫn hát rằng:
“Tôi đang nhìn thấy màu xanh ở trên cây cành trôi xuống thân mình
Tôi đang nhìn thấy màu hồng ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn
Từ bình minh tươi mát, về hoàng hôn thơm ngát
Làn gió đưa hương đời vào chứa chan lòng tôi
Tôi nghe từ cõi đời vui vượt qua đêm dài lên tới sao trời
Tôi nghe từ cõi lòng người lời nói bồi hồi tìm kiếm ngọt bùi
Và nhìn thấy trong tim, tình yêu nở những con chim
Nở những con chim tuyệt vời
Đừng lay tôi nhé cuộc đời,
Tôi còn trẻ dại, cho tôi mơ mộng.”
(Phạm Duy/Lê Lan – bđd)
Và như thế, tức là bạn cũng như tôi, như mọi người, nay đã thấy màu xanh cuộc đời “ở trên cây cành trôi xuống thân mình”, và bạn cũng như tôi, nay đã bắt đầu “nhìn thấy trong tim, tình yêu nở những con chim nở những con chim tuyệt vời.”
Thế đó, là lời cuối của người viết xin được hân hạnh gửi đến tất cả bạn bè người thân, ở trong đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn nhắn nhủ
Hết mọi người
Những lời lẽ đến là thế.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: