Tự do chứ không bị ép buộc
TỰ DO CHỨ KHÔNG BỊ ÉP BUỘC
Giáo hội yêu cầu các đôi hôn phối khi muốn trao đổi lời hôn ước, trước tiên phải ý thức về lời giao ước ấy và sau là diễn tả lòng ưng thuận qua việc trả lời công khai các câu hỏi có ý nghĩa như sau:
* Vợ chồng hiến thân cho nhau một cách hoàn toàn tự do.
* Vợ chồng hứa trung thành với nhau suốt đời.
* Vợ chồng nhìn nhận tính bất khả phân ly.
* Vợ chồng chấp nhận trách nhiệm làm cha mẹ và sinh đẻ con cái.
Một trong 4 điều kiện và cũng là điều tiên quyết được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ấn định làm chủ đề mục vụ tháng 8/2018 là: TỰ DO CHỨ KHÔNG BỊ ÉP BUỘC. Xin cùng tìm hiểu:
I- Vì sao cần có tự do trong hôn nhân?
1- Những ngăn trở: Cũng đã có nhiều người cho rằng những ngăn trở trong hôn nhân là nguyên nhân gây ra sự mất tự do. Họ đã nêu ra tới 12 ngăn trở:
a. Ngăn trở do chưa đủ tuổi để kết hôn
b. Ngăn trở do bất lực
c. Ngăn trở do đã kết hôn
d. Ngăn trở do khác biệt tôn giáo
e. Ngăn trở do chức thánh
f. Ngăn trở do khấn dòng
g. Ngăn trở do bắt cóc
h. Ngăn trở do tội mưu sát phối ngẫu
i. Ngăn trở do họ máu (huyết tộc)
k. Ngăn trở do họ kết bạn
l. Ngăn trở do công hạnh
m. Ngăn trở do pháp tộc
Nếu chỉ chú ý đến từ ngữ thì thấy có vẻ đúng, bởi ngăn trở là những lực cản trên đường hôn phối. Tuy nhiên, nhìn sâu vào vấn đề thì thấy không phải như vậy. Cần phải hiểu nguyên nhân gây ra sự mất tự do là những tác động ngoại tại (từ bên ngoài tác động vào chủ thể); trong khi đó những ngăn trở phần lớn đều là những nguyên nhân xuất phát từ chủ thể (ví dụ: Ngăn trở do chưa đủ tuổi để kết hôn; Ngăn trở do bất lực; Ngăn trở do đã kết hôn v.v…).
2- Hai quan niệm gây mất tự do: Nhìn thẳng vào vấn đề sẽ thấy có 2 quan niệm thường gây ra sự mất tự do trong hôn nhân:
a- Quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”: Đây là một quan niệm xuất phát từ ba lý do chính:
* Con cái là sở hữu của cha mẹ nên phải nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, nếu không sẽ bị coi là người bất hiếu;
* Cha mẹ là người có nhiều kinh nghiệm hơn nên sự sắp đặt của cha mẹ sẽ được cho là chuẩn xác hơn và khôn ngoan hơn;
* Việc sắp xếp hôn nhân cho con cái là trách nhiệm của cha mẹ.
Quan niệm này thể hiện một sự vâng lời tuyệt đối của con cái đối với cha mẹ liên quan đến đời sống hôn nhân. Dù rằng cha mẹ là người từng trải, có nhiều kinh nghiệm trong chuyện tình yêu và hôn nhân hơn con cái, nhưng chuyện bắt con cái phải nghe theo sự sắp đặt của mình là điều không nên. Nó mâu thuẫn với yếu tố “tự do ưng thuận”, một trong những điều cốt yếu làm nên hôn nhân Ki-tô giáo.
Cha mẹ là người sinh ra con cái, có bổn phận giáo dục và dạy dỗ con cái, nhưng con cái có quyền đưa ra suy nghĩ, chính kiến của mình, có quyền quyết định cho tương lai của mình. Hãy nhìn vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, để thấy được nguyên ủy vấn đề: Thiên Chúa dựng nên loài người và coi họ như con cái. Vậy mà bất cứ chuyện gì Thiên Chúa vẫn tôn trọng sự tự do của con người, Người chỉ mời gọi chớ không ép buộc. Để hướng dẫn con người, Thiên Chúa chỉ đưa ra những lời răn đe, nhắc nhở. Những trường hợp con người vi phạm luật lệ bị phạt, cũng là do con người đã biết đó là sai lầm, là tội lỗi, là đi ngược lại với lời dạy của Thiên Chúa, mà vẫn cứ vi phạm; thì đó là do con người tự đưa mình vào án phạt, chớ Thiên Chúa không hề bắt con người phải làm như vậy để rồi lại đưa ra án phạt.
b- Quan niệm “Môn đăng hộ đối”: Theo từ nguyên, “Môn đăng hộ đối” có nghĩa là từ ngoài cửa cho đến trong nhà đều tương xứng. Đây là câu thành ngữ chỉ việc 2 gia đình trong quan hệ thông gia, nhà trai và nhà gái là tương xứng với nhau về mặt địa vị xã hội và tài sản, đều là những gia đình quyền quý, giàu có, theo quan niệm hôn nhân thời phong kiến. Thêm một vấn đề liên quan đến chuyện “sắp xếp” của cha mẹ. Cha mẹ thường muốn con cái mình kết hôn với người có địa vị ít là phải ngang tầm với mình để được “môn đăng hộ đối”, nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng. Ước nguyện “môn đăng hộ đối” đôi khi là một loại biến tướng của kiểu hôn nhân vì vật chất, vì cái mã bên ngoài. Nhiều người, đặc biệt là các bậc cha mẹ, không muốn con cái mình kết hôn với người nghèo hơn, vì sợ mất mặt, sợ bị người ta chê cười, sợ bị hạ thấp danh dự.
Đó là nói đến quan điểm của những người giàu có, thế lực. Đặt giả thử người đưa ra quyết định “môn đăng hộ đối” là một người “nghèo rớt mồng tơi” thì liệu người ấy có đồng ý chọn một người cũng “nghèo rớt mồng tơi” như mình hay không? Tất nhiên là không, không thể có một người nghèo lại ước muốn con mình lấy một người nghèo như mình. Mục đích của hôn nhân Ki-tô giáo là hướng đến hạnh phúc của đôi lứa, không nên vì những chuyện bên ngoài mà đánh mất đi hạnh phúc của đôi bạn trẻ yêu nhau thật lòng. Bất cứ người cha người mẹ nào cũng muốn con cái mình hạnh phúc, có gia đình đầm ấm, yêu thương nhau. Vậy thì đừng lấy tiêu chí phải chọn người “môn đăng hộ đối” mới cho cưới. Cần phải nhận chân một điều: Nhân vật chính trong cuộc hôn nhân là con cái chớ không phải cha mẹ, nên không được phép lấy hạnh phúc cả đời của con làm bình phong cho danh dự của mình.
II- Khái niệm về tự do trong hôn nhân:
Tự do nghĩa là không bị ép buộc. Việc đồng ý lấy nhau hệ tại tác động của con người, được đôi bạn tỏ ra muốn hiến thân cho nhau. Việc này (tức là việc đồng ý lấy nhau, liên kết đôi phối ngẫu lại với nhau) được nên trọn nơi việc hai người trở nên một xác thịt. Việc ưng thuận lấy nhau phải là một tác động của ý muốn nơi mỗi người kết hôn, không bị áp lực hay lo sợ bề ngoài chi phối, “Không một quyền lực nhân loại nào có thể thay thế cho việc ưng thuận lấy nhau này” (Giáo Luật số 1057); “Nếu không có tự do thì hôn nhân bất thành” (Giáo Luật số 1628). Các đôi hôn phối dấn thân vào hôn nhân với trọn vẹn tự do và sử dụng đầy đủ sự tự do này. Không ai – dù là cha mẹ, gia đình hay do môi trường xã hội chung quanh – có quyền làm áp lực hoặc ép buộc đôi tân hôn.
Phải được tự do từ cả hai phía, đừng vì một áp lực nào, đó không phải là sự chọn lựa thật sự. Tự do không chỉ là lựa chọn người phối ngẫu, mà còn là chọn lựa dấn thân trong hôn nhân, là cầm lấy một quyết định trọng đại, đó là kết hôn. Tông huấn Niềm vui yêu thương “Amoris Laetitia” (số 320) đã khẳng định: “Sẽ đến một lúc mà tình yêu vợ chồng đạt tới đỉnh cao của sự tự do và trở thành một không gian độc lập lành mạnh: khi đó người này khám phá ra người kia không thuộc về riêng mình, mà có một chủ nhân quan trọng hơn rất nhiều, đó là Chúa duy nhất của người ấy. Không ai có thể tham vọng chiếm được nơi thầm kín riêng tư và bí mật nhất của người mình yêu và chỉ có Chúa mới là trung tâm điểm của cuộc sống người ấy. Đồng thời, nguyên tắc duy thực luận thiêng liêng yêu cầu người này đừng đòi người kia phải hoàn toàn thỏa mãn các nhu cầu của mình. Hành trình tâm linh của mỗi người – như Dietrich Bonhoeffer đã diễn tả rất hay – cần giúp mình đạt được sự “vỡ mộng” nào đó liên quan tới người kia, để ngừng kỳ vọng từ người kia một điều gì đó vốn chỉ thuộc về tình yêu Thiên Chúa mà thôi.”
III- Quyền tự do bất khả thay thế:
Quyền tự do trong hôn nhân đòi hỏi cả hai phía (cha mẹ và con cái) phải tôn trọng:
1- Về phía các bậc cha mẹ: Làm cha mẹ ai cũng muốn con cái mình có hạnh phúc khi lập gia đình. Từ mong muốn đó, khi thấy con trưởng thành, các bậc song thân thường tự tìm hiểu xem có đối tượng nào tương xứng với gia đình mình về các mặt quyền quý và giàu sang. Khi đã tìm được, lúc đó mới cho con biết và yêu cầu con phải chấp hành theo sự chọn lựa của cha mẹ. Thậm chí, có gia đình cha mẹ còn đi hỏi ý kiến nơi gia đình đối tượng, và nếu được thông gia chấp thuận, lúc đó mới cho con mình hay biết. Đến như vậy thì con cái chỉ còn nước vâng lời, nếu không muốn gia đình đổ vỡ, tan nát.
Vì lòng thương con, các bậc phụ huynh nên ý thức vấn đề con cái đã trưởng thành cần được tự lập, cha mẹ chỉ hướng dẫn, chỉ bảo, phân tích các khía cạnh, rồi để con tự quyết định. Cần nhớ một điều: Đây là trường hợp con cái lập gia đình chớ không phải cha mẹ, cha mẹ chỉ góp ý, dạy bảo, hướng dẫn, chớ không quyết định
2- Về phía các đôi tân hôn: Các đôi tân hôn là những con người đã trưởng thành, cần phải tự cảnh giác một điều: Có quyền tự do chọn lựa đối tác cho mình, nhưng như thế không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Phải nhớ rằng cha mẹ là đấng sinh thành, các ngài vì yêu thương con cái nên chỉ muốn con có hạnh phúc khi lập gia đình. Vì thế, khi thấy có bất đồng ý kiến thì phải suy nghĩ cho chin chắn xem ý kiến của mình như thế đã đúng chưa, có vượt quá giới hạn không? Sau đó trình bày rõ ràng với cha mẹ, xin cha mẹ để cho mình quyết định. Và khi đã được đồng tình, thì xin cha mẹ thưa chuyện với bên thông gia để xin tiến hành những nghi thức hôn nhân cả về mặt xã hội và tôn giáo.
Kết luận:
Tóm lại, sự ưng thuận kết hôn phải là một hành vi ý chí của mỗi bên kết hôn, không bị cưỡng bức vì bạo lực hay quá sợ hãi do một nguyên cớ bên ngoài. Không một quyền hành nào của loài người có thể thay thế sự ưng thuận này. Nếu thiếu sự tự do này, cuộc hôn nhân sẽ không thành. Nhìn vào cuộc hôn nhân giữa loài người với Thiên Chúa sẽ ý thức được vấn đề: Thiên Chúa dựng nên con người và ban cho sự tự do đến tuyệt đối. Con người đã lợi dụng sự tự do đó để nghe lời cám dỗ của ma quỷ mà sa vòng tội lỗi, bị tội lỗi thống trị. Người Ki-tô hữu ngày hôm nay cần xác tín hôn nhân phải được xây dựng trên nền tảng tự do: Các bậc cha mẹ hãy thương yêu con cái bằng cách dành quyền quyết định cho con cái. Các bạn trẻ hãy tôn trọng các đấng sinh thành, không vì quyền được tự do để rồi muốn làm gì thì làm. Tất cả đều phải vâng theo thánh ý của Thiên Chúa.
Ấy cũng bởi vì “Tình yêu giữa người nam và người nữ không xuất phát từ suy tư và ý chí, nhưng thống trị con người trọn vẹn” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu “Deus Caritas Est”, số 3). Chính vì thế “các Ki-tô hữu có bổn phận phải loan báo cách vui tươi và xác tín "Tin Mừng" về gia đình, vì một cách tuyệt đối, gia đình đang còn và mãi mãi vẫn còn cần nghe và cần hiểu ngày càng sâu sắc hơn, những lời đích thực mạc khải cho gia đình biết chân tính của nó, những tiềm năng và tầm quan trọng sứ mạng gia đình trong xã hội loài người và trong Hội Thánh Thiên Chúa.” (Tông huấn về Gia đình “Familiaris Consortio”, số 86). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.