Con bảo Thầy là ai?
Con bảo Thầy là ai?
(Suy niệm Tin mừng Mác-cô (8, 27-35) thuộc Chúa Nhật 24 thường niên B)
Hôm ấy, “Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Ngài hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? " Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8, 27-28).
Như thế, người Do-thái đương thời không biết đích xác Chúa Giê-su là ai. Họ tưởng Ngài chính là Gio-an Tẩy Giả bị Hê-rô-đê trảm quyết nay sống lại. Có kẻ thì tưởng lầm Ngài là ngôn sứ Ê-li-a xưa kia được đưa lên trời nay lại giáng lâm. Kẻ khác thì cho rằng Ngài là một ngôn sứ nào đó.
Sau khi nghe các môn đệ cho biết dư luận quần chúng về mình, Chúa Giê-su quay sang hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô" (Mc 8, 29).
Thế là ngoài Phê-rô, dường như chẳng ai biết được chân tướng của Chúa Giê-su. Phê-rô quả có phúc lớn vì được biết căn tính của Thầy mình.
Hôm nay, Chúa Giê-su cũng đặt lại câu hỏi nầy với mỗi người chúng ta. Ngài muốn chúng ta bày tỏ nhận định của ta về Ngài: “Về phần con, Thầy là ai đối với con?”
Thầy là Thẩm phán khắt khe
Khi câu hỏi nầy được đặt ra với một nhóm thanh niên đang ngồi tận ngoài cổng nhà thờ sáng Chúa nhật, vừa hút thuốc vừa dự lễ, thì họ trả lời qua khói thuốc: “Đối với chúng tôi, Chúa Giê-su là một vị Thẩm phán khắt khe, hay bắt bẻ những người phạm luật. Dù chẳng yêu mến gì Chúa Giê-su, nhưng vì sợ bị khép vào tội bỏ lễ Chúa nhật, nên chúng tôi miễn cưỡng đến ngồi đây dự lễ.”
Thầy là một vị Thần tài
Khi câu hỏi nầy được nêu ra với một số doanh nhân tất bật với việc làm ăn buôn bán, thì họ trả lời rằng: “Đối với chúng tôi, Chúa Giê-su là một ông Thần tài. Dù chẳng yêu mến gì ổng, nhưng chúng tôi biết đối xử sòng phẳng với ổng. Nếu ổng phù hộ chúng tôi ăn nên làm ra, thì chúng tôi còn đặt ổng lên bàn thờ, có nhang đèn hoa trái hẳn hoi. Nếu ổng không giúp chúng tôi phát đạt, chúng tôi mời ổng đi chỗ khác.”
Thầy là tấm phao cứu hộ
Khi câu hỏi nầy được nêu lên với một nhóm người khác đang theo đuổi lạc thú, họ đáp: “Chúa Giê-su là ai ư? Thật tình chẳng mấy khi chúng tôi nghĩ đến. Có lẽ khi nào chúng tôi già yếu, lâm bệnh nguy kịch, hoặc gặp gian nan khốn đốn trong cuộc đời, chúng tôi sẽ tìm đến với Ngài… Vâng, lúc đó, chúng tôi sẽ cần đến Ngài như những người đi biển gặp nạn cần đến tấm phao!”
Thế là đối với một số người, Thiên Chúa chỉ là vị Thẩm phán khắt khe, một Thần tài xa lạ hay đơn giản chỉ là một tấm phao cứu sinh hay là một nô bộc phục dịch con người. Đúng như lời Chúa Giê-su: “Dân nầy tôn kính Ta ngoài môi miệng còn lòng chúng thì quá xa cách Ta.” (Mc 7,6)
Thiên Chúa đau buồn biết bao khi đoàn con yêu dấu của Ngài nhận định về Ngài như thế.
Khi thấy dân chúng chẳng hiểu căn tính của mình, ngay cả các môn đệ cũng chẳng biết Đấng Ki-tô là ai, Chúa Giê-su liền bày tỏ cho họ biết Ngài chính là Đức Ki-tô, nhưng không phải là một “Đức Ki-tô vinh thắng” chinh phục các lân bang và báo thù cho dân riêng của Chúa như người Do-thái mong đợi, nhưng là một “Đức Ki-tô nhẫn nhục” hiến mạng sống mình chết thay cho muôn dân. Ngài tỏ cho môn đệ biết: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).
Ước gì, đừng có ai trong chúng ta xem Chúa là Thẩm phán khắt khe để rồi đến với Chúa vì sợ bị phạt chứ không vì lòng yêu mến; thờ Chúa như Thần tài để xin ân huệ và lợi lộc cho mình hoặc xem Chúa như tấm phao và chỉ tìm đến Chúa khi gặp gian nan nguy khốn.
Dostoyevsky, văn hào vĩ đại nhất của nước Nga vào thế kỷ 19, đã tôn Đức Giê-su làm thần tượng của mình và đã tuyên xưng:
“Đối với tôi, không có gì đẹp đẽ, sâu xa, dễ mến, hợp lý và hoàn hảo cho bằng Đức Ki-tô, và hơn thế nữa, dù có ai chứng minh với tôi rằng Đức Ki-tô ở ngoài chân lý, thì tôi không ngần ngại chọn ở lại với Đức Ki-tô hơn là chiều theo chân lý” ( Thư gửi bà Von Vizine ).
Lạy Chúa Giê-su,
Nếu hôm nay Chúa đến và hỏi: Về phần con, con bảo Thầy là ai, thì con xin thưa:
Chúa là Đấng đã nộp mình chịu chết để đền tội cho con. Chúa đã hy sinh đời mình cho con được sống. Chúa là Đấng yêu thương con hết lòng hết sức trên hết mọi sự.
Vì thế, con xin chọn Chúa làm thần tượng của đời con. Con xin dành chỗ nhất cho Chúa trong trái tim con.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: