Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bất khả phân ly

Tác giả: 
Huệ Minh

 

 

BẤT KHẢ PHÂN LY

 

          Không phải vào thời đại của Môsê mới có chuyện ly dị, thời đại hôm nay sa sút không thua kém gì, đến nỗi việc ly dị như là “mốt” của đợt sống mới. Nếu trước đây lòng chung thủy được đề cao: “Theo nhau cho trọn đạo đời, dù cho lên ải xuống đèo cũng cam,” thì ngày nay: “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề nuối tiếc.” Vì thế, phục hồi giá trị cao quí bất khả phân ly trong hôn nhân là việc cấp bách, hơn nữa, đó là đòi hỏi của Thiên Chúa đối với chúng ta.

 

          Sự bất khả phân ly trong đời sống hôn nhân là ý muốn của Thiên Chúa, dựa trên nền tảng tình yêu bền vững của Thiên Chúa dành cho con người. Chính Chúa Giêsu đã phục hồi ý định thánh thiện ấy nơi người nam và người nữ, bằng cách ban cho họ một tấm lòng mới, thay cho “lòng chai dạ đá,” và cho họ được dự phần vào tình yêu toàn diện và trung tín của Thiên Chúa.

 

          Chính vì thế đôi bạn phải trung thành và làm chứng với một lòng quảng đại tuân theo ý Chúa, không bao giờ phân ly điều Chúa đã phối hợp. Trong Tông Huấn về Gia Đình, làm chứng về lòng chung thủy trong đời sống gia đình là một trong những bổn phận cấp bách nhất và quan trọng nhất của vợ chồng (số 20).

 

          Và rồi ta thấy trang Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta về những trang đầu tiên của lịch sử nhân loại, trong đó Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để họ chung sống với nhau trong mối giây bất khả phân ly của đời sống đôi lứa. Có thể nói, đó là gia đình đầu tiên của lịch sử loài người. Chúa Giêsu đã nại đến sự kiện này để giải đáp vấn nạn của người Biệt phái: "Người ta có được phép rẫy vợ không?", và như vậy một cách nào đó, Ngài đã đề cập đến hôn nhân, đến giá trị và đòi hỏi của hôn nhân.

 

          Trước hết, hôn nhân là một sự tự do trao đổi yêu thương giữa người nam và người nữ, một sự cam kết sống chung suốt đời. Chiếc nhẫn mà họ trao cho nhau trong ngày cưới là dấu chứng tình yêu, và từ ngày đó mọi hành vi đi ngược với lời cam kết đều bị coi là ngoại tình, bởi vì hôn nhân là do Thiên Chúa thiết lập và con người không thể phân ly những gì Ngài đã kết hợp.

 

          Khởi đi từ khởi nguyên, “Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ” (St 1, 27, Mc 10, 6). Tuy phân biệt về giới tính nhưng Thiên Chúa đã ấn định cả hai cùng chung chia một cội nguồn, ngang hàng phẩm giá và đều là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Kinh Thánh còn cho thấy tình yêu nam nữ dành cho nhau có vị trí rất quan trọng: “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình” (St 2, 24, Mc 10,7). Tình yêu nam nữ còn khắng khít hơn nữa khi được Đức Ki-tô mặc thêm ý nghĩa mới. Từ cạnh sườn của Ađam, Thiên Chúa đã tạo nên Eva, thì từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Kitô, Người đã trao ban tất cả vì yêu thương Hội Thánh. Thế nên, tình yêu nam nữ có khuôn mẫu là tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh (x. Ep 5, 25).

 

          Và nếu trong tình yêu hôn nhân chấp nhận sự ly dị thì tình yêu đó đánh mất bản chất là sự tha thứ và hiến thân. Ly dị là lìa xa chính cội nguồn, lìa xa những phúc lành mà Thiên Chúa đã ấn định. Chính Chúa Giêsu đã dang rộng cánh tay tha thứ và đón nhận những kẻ lỗi nghịch vào Hội Thánh Người.

 

          Hôn nhân còn là một cộng đồng kết hợp hai tâm hồn và được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Hôn nhân là giây tình yêu liên kết hai người phối ngẫu, và tình yêu này phản chiếu tình yêu thần diệu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Thánh Phaolô đã ân cần nhắc nhở: "Chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình đi".

 

          Hiển nhiên, ta thấy rằng trong đời sống hôn nhân hai người nương tựa vào nhau, bổ túc và tài bồi lẫn nhau. Thiên Chúa thấy người nam ở một mình không tốt, Ngài đã dựng nên cho nó một người nữ, rút từ cạnh sườn người nam, và người nam sẽ bỏ cha mẹ để nên một với vợ mình, đó là hình ảnh của một tình yêu kết hợp. Nhờ tình yêu kết hợp trong hôn nhân, người nam và người nữ sẵn sàng chấp nhận việc sinh dưỡng và giáo dục con cái thành những đứa con ngoan của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của gia đình và xã hội.

 

          Nhưng một cuộc hôn nhân chỉ thành công khi người nam và người nữ thực tình yêu nhau, có sức hiến thân cho nhau, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách mà hoàn cảnh đè nặng trên con người, trong tâm tình chúc tụng tạ ơn. Thật vậy, việc cam kết trước bàn thờ là một lời khấn trọng thể, một lời hứa thánh thiêng đặt nền tảng trên tình yêu, tình yêu mà Thánh giá là biểu hiện rõ nét nhất, tình yêu mà Chúa Kitô hiến mình cho Giáo Hội đến cùng mức. Hôn nhân không phải luôn luôn là một khúc tình ca, một cuộc ve vãn suốt đời, nhưng là một cuộc sống chung nhiều khi khó khăn. Do đó chỉ có tình yêu đích thực khi đôi bạn có khả năng và muốn giữ lời gắn bó với nhau cho đến chết. Những hy sinh từ bỏ, sự trung tín qua những thử thách, những lần nhượng bộ, đều là bằng chứng của đức tin và sức mạnh nhận được từ Thánh Thần.

 

          Chính vì những giá trị cao đẹp của hôn nhân như thế, nên thái độ của Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân thật dứt khoát. Ngài xác định lại nền tảng thánh thiêng cũng như tính cách bất khả phân ly của giây hôn phối. Ngài mạnh mẽ lên án tội dâm bôn ngoại tình, cả việc rẫy vợ nữa, trừ phi là nố gian dâm, nhưng điều đó có lẽ không nhằm biện minh cho việc ly dị, mà chỉ là đuổi người vợ bất chính, hoặc là ly thân rồi sau đó không được tái hôn nữa. Như thế, chính nhờ Chúa Giêsu, hôn nhân đã được nâng lên hàng Bí Tích và mặc một sắc thái mới phản ánh vẻ đẹp ban đầu đã bị lu mờ vì tội lỗi nhân loại.

 

          Tình yêu bị thử thách khi có sự lỗi phạm đến nhau và sẽ gặp nguy hiểm nếu không có sự tha thứ. Tình yêu dù có liên kết bởi bí tích Hôn Phối, trong ràng buộc huyết thống, hoặc bất cứ tương quan nào thì tất cả đều cần đến sự tha thứ. Tha thứ cho nhau là đón nhận nhau để cùng chia sẻ một hạnh phúc, một tình yêu và một kiếp sống trọn vẹn.