Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tin Mừng Phục Sinh của chúng ta

Tác giả: 
Lm Dương Trung Tín

Chúa Nhật Phục Sinh     

Tin Mừng Phục Sinh của chúng ta

 

Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy và cho Người xuất hiện tỏ tường; không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chúng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,40-41).

 

  Trong các Chúa Nhật mùa Phục Sinh, bài đọc một luôn luôn là đọc sách Công vụ, với sức mạnh của Chúa Phục Sinh và sự hướng dẫn của Thánh Thần, hình ảnh sơ khai của Giáo Hội được hồi tưởng lại. Hàng năm, đọc lại bài này trong Chúa Nhật Phục Sinh, thánh Phê-rô đã lên tiếng làm chứng về Chúa Phục Sinh tại nhà ông sĩ quan tên Co-nê-ri-ô ở Xê-da-rê.

 

  Trong lời chứng này, thánh Phê-rô, một trong những người đã “cùng ăn cùng uống với Đức Giê-su sau khi Người từ cõi chết sống lại”. “Việc cùng ăn, cùng uống” này nói lên rằng Đức Giê-su thực sự đã sống lại. Vì người chết thì không thể ăn uống gì được. Đức Giê-su đó, “đã bị treo lên cây gỗ mà giết đi”; đã chết thật và được mai táng trong mồ.

 

  Việc chết thật này của Đức Giê-su được mô tả trong bài Phúc Âm. Với mà Ma-ri-a Mác-đa-la, người đi ra thăm mộ từ sáng sớm, thì thi thể của Đức Giê-su đã bị ai đó đem ra khỏi mộ(x.Ga 20,2). Còn đối với Phê-rô và Gio-an thì chỉ “thấy những băng vải để đó” (x.Ga 20,6), thi thể của Đức Giê-su thì chẳng thấy đâu.

 

  Điều đó có nghĩa là Đức Giê-su đã sống lại rồi và chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã sống lại từ cõi chết. Tin Đức Giê-su Sống Lại nghĩa là gì? “Sự Phục Sinh vừa là một biến cố lịch sử được các môn đệ chứng thực vì họ đã thực sự gặp Đấng Phục Sinh; vừa là biến cố siêu việt, vì nhân tính của Đức Ki-tô đi vào trong vinh quang của Thiên Chúa”(x. GLCG, số 656).

 

  Theo đó, Phục Sinh là biến cố lịch sử, nghĩa là có thật và đã xảy ra, được các mộn đệ mà Phê-rô và Gio-an là một trong những chứng nhân. Phục Sinh còn là biến cố siêu việt, nghĩa là vượt quá trí hiểu của con người; vì nhân tính -thân xác- của Đức Ki-tô đã phục sinh và đi vào trong vinh quang của Thiên Chúa.

 

  Còn ngôi mộ trống và những băng vải thì sao? “Ngôi mộ trống và những băng vải xếp ở đó nói lên rằng: Nhờ quyền năng của Thiên Chúa, thân xác của Đức Ki-tô thoát khỏi xiềng xích sự chết và sự hư nát. Những chứng cứ trên chuẩn bị cho các môn đệ gặp gỡ Đấng Phục Sinh” (x. GLCG, số 657).

 

  Như thế, Đức Ki-tô “Trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”(x.Cl 1,18), tức là người đầu tiên từ cõi chết sống lại- là nguyên lý cho sự sống lại của chúng ta: ngay trong hiện tại, Người công chính hóa linh hồn chúng ta và sau này cho thân xác chúng ta được sống lại” (x. GLCG, số 658).

 

Ngay trong hiện tại, Người công chính hóa linh hồn chúng ta” nghĩa là gì?

 

  “Có hai khía cạnh trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su. Một là Đức Ki-tô chết để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi; hai là phục sinh để mở đường cho chúng ta vào cuộc sống mới. Cuộc sống mới này bao hàm trước tiên là sự CÔNG CHÍNH HÓA, nghĩa là đặt chúng ta lại trong ân sủng của Thiên Chúa; để cũng như Đức Ki-tô đã được sống lại từ cõi chết, chúng ta cũng được sống đời sống mới(x. Rm6,4).

 

  Đời sống mới này là chiến thắng sự chết do tội lỗi gây ra và được thông phần lại vào ân sủng. Kế đến, đời sống mới thực hiện ơn làm nghĩa tử Thiên Chúa vì con người chúng ta trở anh anh em của Đức Ki-tô. Chúng ta trở thành anh em của Đức Ki-tô không phải do bản tính nhưng do hiệu quả của ân sủng. Vì ơn làm nghĩa tử thông hiệp chúng ta thực sự vào đời sống của Con Một Thiên Chúa, như mầu nhiệm Phục Sinh đã mạc khải trọn vẹn” (x. GLCG, số 654).

 

  Vậy ta phải làm gì? Theo thánh Phao-lô, thì “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (x. Cl 3,2).

 

  Quả thật, qua bí tích rửa tội, chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô và ta sẽ cùng được sống lại với Người. Bởi đó chúng ta phải có một cách sống mới. Cách sống mới đó chính là “Hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới”. Nghĩa là chúng ta đang sống ở hạ giới này, nhưng ta không chú tâm vào chúng, nhưng hướng lòng trí về quê trời nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

 

  Vì chúng ta biết và tin rằng, dù có sống 100 năm trên cõi đời này đi nữa, cuối cùng chúng ta, ai cũng phải chết thôi. Chúng ta không ở mãi mãi ở thế gian này đâu. Chúng ta sẽ mãi mãi ở trên trời với Chúa. Bây giờ thì chỉ có linh hồn; nhưng đến ngày tận thế, thân xác của chúng ta sống lại, cùng với linh hồn được vào vinh quang và sống với Chúa mãi mãi.

 

  Thế thì chúng ta phải hướng về trời và lo sao để qua cõi đời này ta được ở mãi mãi với Chúa chứ. Nếu chúng ta chỉ chú tâm vào những gì ở đời này thôi, thì chắc chắn sau này chúng ta không được ở mãi mãi với Chúa đâu, mà sẽ phải ở mãi mãi với ma quỉ đấy. Điều này thật quan trọng và cần thiết với chúng ta, nhất là các linh mục hay tu sĩ. Hiện nay, chúng ta thấy, người ta trong đó có cả linh mục và tu sĩ ngày càng chú tâm vào những sự ở đời này mà không lo đời sau của mình. Cứ lao đầu vào công kia việc nọ, đôi khi quên lo cho đời sống thiêng liêng của mình; quên lo cho đời sống linh hồn của mình.

 

  Làm việc thì giỏi thì hay, thành công, nhưng lại kiêu ngạo; chuyên lo lắng những sự thế gian này mà chẳng lo nên thánh nên thiện gì cả. Lời của thánh Phao-lô vẫn còn có giá trị cần thiết. Theo tôi, lời đó vẫn vang lên và vô cùng khẩn thiết cho chúng ta ngày nay. Lời đó thức tỉnh mỗi người chúng ta, trong khi mừng mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Ki-tô.

 

  Đức Ki-tô phục sinh để làm gì và chúng ta mừng lễ Phục Sinh để làm chi? Lễ Phục Sinh có ý nghĩa cho mỗi người chúng ta không? Hay chúng mừng là chỉ để mừng cho vui vậy thôi. Năm nào cũng vậy và lễ Phục Sinh nào cũng thế. Việc chúng ta chú tâm vào đời này thì cứ chú tâm; việc ta sao lãng đời sau thì cứ sao lãng sao !!!!!!!!!!!!!!!!!!

 

  Thật là đáng tiếc cho chúng ta, nếu chúng ta cứ mừng Lễ Phục Sinh cho long trọng ở đời này, mà không lo chuẩn bị cho sự phục sinh của mình mai sau. Mừng Chúa Phục Sinh hoài, mà mai sau chúng ta lại không được phục sinh và ở mãi với Chúa trên trời mà phải ở mãi với ma quỉ. Thật là đáng tiếc! Đáng tiếc lắm !!!!!!!!

 

 Vậy để khỏi phải tiếc nuối gì khi lìa bỏ trần gian này, chúng ta hãy “hướng lòng trí về trời” trong khi mừng lễ Chúa Phục Sinh và đang khi sống ở đời này. Chẳng ai bắt chúng ta bỏ đời này cả; chỉ nhắc nhở chúng ta rằng “đừng chú tâm” vào những gì ở đời này thôi. Nghĩa là chúng ta hãy dùng những của đời này mà chuẩn bị cho sự phục sinh tương lai của mình.

 

  “Thật vậy, chúng ta đã chết và sự sống mới của chúng ta đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa, để khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, chúng ta sẽ được xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (x. Cl 3,4). Đó chính là Tin Mừng Phục Sinh của chúng ta.

 

Lm. Bosco Dương Trung Tín