Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lòng thương xót Chúa được thể hiện qua mỗi Thánh lễ hằng ngày

Tác giả: 
Lm Trần Ngà

 

 

Lòng thương xót Chúa được thể hiện qua mỗi Thánh lễ hằng ngày

 

(Suy niệm Lễ kính Lòng thương xót Chúa)

 

Chúng ta cùng tìm hiểu xem: Lòng thương xót Chúa dành cho nhân loại đạt tới mức cao nhất, lớn lao nhất vào lúc nào?

 

Tất nhiên là lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện đến mức cao nhất, tuyệt vời nhất và lớn lao nhất nơi cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giê-su. Qua biến cố đau thương này, Chúa Giê-su đón nhận vô vàn đau thương khốn khổ để đền tội thay cho nhân loại và Ngài đã chết thay cho muôn người để họ khỏi phải sa hỏa ngục và mở cửa cho họ vào thiên đàng. Đỉnh cao của lòng thương xót Chúa là đây!

 

Và điều đáng ghi nhớ là cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giê-su không chấm dứt cách đây 2.000 năm, nhưng vẫn còn tiếp diễn, tiếp diễn không ngừng trong các Thánh lễ được cử hành liên tục từng giờ, từng phút suốt dòng lịch sử nhân loại. Giáo lý Hội thánh dạy rằng “Hy tế khổ giá của Đức Ki-tô trên đồi Can-vê kéo dài qua các thời đại cho đến tận thế” (GLHTCG số 1323), “Thánh lễ hiện tại hóa hy tế thập giá của Chúa Giê-su” (GLHTCG số 1366) hay nói dễ hiểu hơn “Hy tế của Đức Ki-tô trên đồi Can-vê năm xưa và Thánh lễ hôm nay chỉ là một, vì chỉ có một Lễ vật duy nhất là Đức Ki-tô; hôm xưa, chính Ngài tự dâng mình trên thập giá, hôm nay, Ngài lại dâng mình nhờ tay linh mục” (GLHTCG số 1323. 1367).

 

Như vậy, Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót bao la không bờ không bến của Ngài qua các Thánh lễ được hiến dâng mỗi ngày.

 

Thánh lễ là nơi Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót vô biên của Ngài qua 3 hồng ân lớn sau đây:

Thứ nhất,

 

Bằng cuộc thương khó và tử nạn của mình được tiếp diễn trong Thánh lễ, Chúa Giê-su hiến dâng thân mình đền tội thay cho chúng ta, chết thay cho chúng ta… để tha thứ tội lỗi cho ta, nhằm cứu ta khỏi sa hoả ngục đời đời (GLHTCG số 1365 [1], 1367 [2] và 1366).

 

Như thế, qua Thánh lễ, lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta thật là vô biên, vô hạn.

 

Thứ hai,

 

Vì yêu thương chúng ta vô biên vô hạn, Chúa Giê-su trao ban Thịt Máu Ngài làm lương thực cho ta, để nhờ đón rước Ngài vào lòng, chúng ta được hòa chung nên một với Chúa như giọt nước hòa trong chén rượu, như ao nước nhỏ hòa với đại dương… đúng như lời Chúa phán: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong kẻ ấy (Ga 6, 56).  Nhờ đó, Chúa với ta không còn là hai mà chỉ là một và con người bụi đất hèn hạ này được nâng lên làm một với Đấng tối cao.

 

Thứ ba,

 

Một khi chúng ta được nên một với Chúa qua việc rước mình thánh Ngài, Chúa Giê-su thông ban sự sống cao vời của ba Ngôi Thiên Chúa cho chúng ta; nhờ đó ta được mang sự sống của Thiên Chúa trong ta và được sống đời đời với Thiên Chúa như lời Chúa phán: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54).

 

Như thế, chẳng còn ơn nào trọng hơn 3 hồng ân trên đây; không có gì cao quý bằng 3 hồng ân tuyệt vời này.

 

- Vậy thì chúng ta cần phải đến tôn vinh lòng thương xót Chúa ở đâu?

 

- Tất nhiên là đến với Thánh lễ hằng ngày, vì đây là nơi Chúa Giê-su thi thố lòng thương xót cao vời của Ngài cho tất cả chúng ta.

 

Vì thế, ai quay lưng lại với Thánh lễ là quay lưng lại với lòng thương xót Chúa; ai thờ ơ không tham dự Thánh lễ là không muốn đón nhận lòng thương xót Chúa.

 

Lạy Chúa Giê-su,

 

Không có tình thương nào lớn lao cho bằng tình thương của Ngôi Hai Thiên Chúa nộp mình chịu thương khó, chịu chết trên thập giá để đền tội cho những con người hèn mọn chúng con.

 

Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình yêu của Chúa khi trao ban mình máu thánh Chúa cho chúng con  để chúng con được hoàn toàn nên một thân mình, một dòng máu với Chúa.

 

Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình yêu của Chúa là Đấng đã trao ban sự sống đời đời của Chúa cho chúng con.

 

Xin cho chúng con biết tìm đến tôn vinh lòng thương xót Chúa trong các Thánh lễ hằng ngày để đón nhận những hồng ân lớn lao phát xuất từ tình thương bao la của Chúa.

 

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 

[1] “Trong Thánh lễ, Chúa Ki-tô ban chính thân mình đã tự hiến trên thập giá, ban chính máu Ngài đã đổ ra cho mọi người được tha tội”

[2] “Hy tế này (Thánh lễ) thực sự có giá trị đền tội”