Mẹ Việt Nam
Mẹ Việt Nam
Gởi các con yêu dấu của mẹ
Các con ơi,
Hôm nay không hiểu sao mẹ buồn quá, lòng mẹ chùng xuống và kỷ niệm xưa tràn về. Chung quanh đây thật cô quạnh, cây cỏ úa tàn hòa với điệu nhạc buồn của biển rì rào như than như khóc. Những điều mẹ muốn quên đi nay lại trở về ngập tràn tâm khảm. Bây giờ mẹ viết ra đây để các con hiểu thêm mà chia sẻ với mẹ, mà cùng mẹ lo liệu các việc sắp tới. Mẹ không hề trách cứ hoặc đòi hỏi điều gì cho bản thân mình đâu, chỉ là lời tâm sự của mẹ thôi con nhé!
Con ơi!
Bốn ngàn năm trước, khi nước ta mới được thành lập, mọi người đang sống trong an vui bỗng một ngày cha con, Lạc Long Quân lại nói lời chia tay với mẹ. Sau này mẹ mới hiểu ra quả thật một bên Lạc Long Quân thuộc về dòng dõi Rồng, một bên Âu Cơ là dòng dõi Tiên, khi hết duyên nợ với nhau thì phải chia lìa, nhưng lúc đó mẹ sững sờ và đau lòng không tả. Cha đã phải đem 50 anh em chúng con xuống biển, mẹ cắt ruột đem 50 đứa còn lại lên núi, gia đình chúng ta phải chia đôi. Mẹ gồng gánh cực khổ biết bao để sống còn, vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi dạy chúng con và mở mang đất đai, giữ gìn truyền thống.
Dù bao thử thách, nhưng lịch sử Việt Nam luôn oai hùng. Qua bao đời vua Lý, Lê, Trần, chúa Trịnh, chúa Nguyễn… từ đó đến nay đã bao nhiêu lần đánh đuổi quân Tàu xâm lược, rồi tới giặc Tây. Đừng quên những trang Sử đó, đừng quên gương hy sinh “Vị quốc vong thân” của các bậc tiền nhân nhé con.
Thế rồi vận nước tiếp tục nổi trôi, sau đó lại xảy ra chiến tranh Nam Bắc. Có những đứa con đã vì Tự Do Dân Chủ mà hy sinh máu xương cố gắng chặn làn sóng Đỏ. Có những đứa con đã sai đường đi theo chủ nghĩa Cộng sản, tạo ra cuộc chiến tang thương và khốc liệt, tàn hại cả dân tộc. Cuối cùng cả nước rơi vào tay Cộng sản và bây giờ Trung Cộng lại lăm le trở lại muốn đô hộ đất nước mình theo lối mới. Mẹ tuy quê mùa , yếu đuối nhưng không ngu khờ đến nỗi không nhận ra. Mẹ cũng không thể nhu nhược im lặng để nguy cơ mất nước, mất con xảy ra.
Con ơi,
Như lời bài hát “Hoa Cài Mái Tóc” của tác giả Thông Đạt:
“Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc
Nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình
Lệ mừng nhòa đôi mắt long lanh
Nghe tin con vẫn còn ngày xanh….”
Mẹ thật lòng yêu các con, yêu quê hương và yêu hòa bình - Một nền hòa bình yên vui no ấm thật sự - không phải như bây giờ, dù không chiến chinh nhưng người dân vẫn đói khổ, không có tự do dân chủ. Lệ mẹ nhòa nhưng mẹ luôn tin con vẫn còn một ngày xanh trên quê hương, hãy cố gắng lên con nhé!
Rồi trong bài nhạc “Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê” cố nhạc sĩ Duy Khánh đã viết dùm tâm trạng của mẹ:
“… Trời Nam đau khổ
Nhà Việt Nam cách trở
Mẹ Việt Nam đau khổ”
Quả thật khổ lắm các con ơi. Con hãy hiểu tâm trạng của người đàn bà sau khi mang nặng đẻ đau, đặt bao yêu thương vào gia đình, nhưng cả đời lại phải sống trong âu lo, tang tóc. Nhiều khi quá sức chịu đựng, mẹ cũng muốn la hét, nổi giận, nhưng mẹ cố chịu đựng dằn lòng:
“Sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ dịu dàng.
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của mẹ trùng dương.
Sóng vỗ êm êm như khuyên con nên trở lại mẹ hiền.
Gió rít thông reo như kêu con mau trở về mẹ yêu…”
Tóc bạc, lưng còng, mình hạc xương mai nhưng tiếng ru của mẹ vẫn muốn kéo dài tới muôn đời cho con yêu nước, nên người:
“Mẹ hiền ru những câu xa vời
Ạ à ơi tiếng ru muôn đời.
Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi, tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!”
Con hãy lắng nghe điệu nhạc của bài trường ca gồm bốn phần Đất mẹ, Núi mẹ, Sông mẹ, Biển mẹ, sáng tác của Phạm Đình Chương:
“Mẹ Việt Nam, không son không phấn
Mẹ Việt Nam, chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam, không mang nhung gấm
Mẹ Việt Nam, mang tấm nâu sồng.”
Mẹ không sợ vất vả lao nhọc, mẹ chỉ lo cho tương lai, cho những đứa con bỗng một ngày lại trở nên ác độc. Con có hiểu được gia đình mình đã thảm sầu như thế nào trong nạn đói năm Ất Dậu, khi bị thi hành chính sách “Cải cách ruộng đất”, bị “đấu tố”, bị bắt bớ trong phong trào “Nhân văn giai phẩm”... không? Vì thế mẹ phải bỏ quê mang con di cư từ Bắc vào Nam trên con “Tàu Há Mồm” để trốn cộng sản. Rồi sau đó tình hình chính trị lại biến động, người ta đảo chánh và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lịch sử Việt Nam phải mở sang một trang khác đầy bi thương. Rồi tới cuộc thảm sát tết Mậu Thân, bao nhiêu ngàn người bị giết hại, chôn sống… Con đã phải cùng mẹ chạy trốn trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” tỉnh Quảng Trị năm 1975…. Mẹ Việt Nam của con đó, con có thương không?
Quả thật mẹ đau khổ lắm con ạ. Nhớ lại thời chiến tranh, mẹ đã phải vò võ đợi trông con về:
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già
Chờ con lúc đêm khuya
Người con đã ra đi, vì nước.
Con bước đi khi trống làng dồn xa
Mẹ đưa mắt trông về ngọn cờ
Cầu cho đứa con trai, ở đâu đó con ơi, được vui! (Nhớ người ra đi, Phạm Duy)
Mẹ hay đưa mắt hướng về ngọn cờ, vì lá cờ Vàng ba sọc đỏ có từ thời vua Thành Thái là biểu tượng của quốc gia dân tộc và dòng máu người dân ba miền Bắc Trung Nam. Mẹ trân trọng và muốn gìn giữ lắm. Con có hiểu để luôn cùng mẹ hướng về ngọn cờ chính nghĩa đó không?
Thế rồi sau ngày Quốc Hận 30 tháng 4, 1975, với chế độ Cộng sản những đứa con của mẹ lại càng sống trong tăm tối hơn nữa. Đã có những bà mẹ, người vợ phải bán hết những thứ trong nhà để có tiền đi thăm nuôi người trong tại tù “Cải Tạo”, gia đình nhớ nhung chia cách.
“Thời gian quá nửa đời người, là người con dân Việt Nam” ít khi nào được vui, cuộc sống luôn dẫy đầy thử thách, tai ương. Con hãy nghe câu hát cho bà mẹ Việt Nam:
“Năm mươi năm làm dân chưa được mấy lúc mừng
Vậy mà mẹ không than, chỉ sống với lòng thương”.
Trong sáng tác "Nhớ Mẹ", Thiếu tướng Lê Minh Đảo và Đại tá Đỗ Trọng Huề đã nói lên dùm tâm trạng cũng những quân, cán, chính bị lao tù cộng sản:
“Những chiều buồn trên đất Bắc, con hướng về Nam con nhớ mẹ nhiều
….
Giã từ miền Nam tang tóc, con sống trầm luân kiếp sống lưu đày
Hằng đêm con nghe thương tiếc, xót xa đắng cay dâng ngạt tháng ngày…”
Những đứa con của mẹ từng là những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa anh dũng, nay vì thời thế đã phải bỏ súng xuống thành “bên thua cuộc”, bị bỏ tù với danh từ “học tập cải tạo”, phải vào những nơi rừng sâu nước độc rồi chết thảm không có được ngày về. Mà nếu còn mạng trở về thì lại bị quản thúc, bị đi vùng “Kinh Tế Mới”, chịu bao khó khăn tủi nhục.
Chưa bao giờ trong lịch sử phụ nữ Việt lại bị rao bán như những món hàng, bị dụ dỗ làm “cô Dâu Đài Loan”, phải lấy chồng Đại Hàn, Trung Quốc để giúp gia đình. Những nàng Kiều thời đại này cũng rất truân chuyên, bị ép hành nghề mãi dâm, làm tôi mọi cho cả gia đình người chồng tàn phế, thậm chí bị lấy cắp nội tạng.... Những đứa con khác thì bị bán làm nhân công xuất khẩu lao động, sống tha hương rồi bị người chủ đánh đập tàn nhẫn, làm việc trong môi trường rất khắc nghiệt. Trong khi đó bọn đại sứ quán và cầm quyền cộng sản VN lại không hề dám lên tiếng bênh vực.
Mẹ đã buồn đứt ruột khi nghe chuyện có gia đình nghèo tới nỗi trong nhà còn một mảnh vải trắng, nhưng không dám dùng làm khăn tang mà phải để dành may áo che thân cho những đứa con ốm đói gầy guộc.
Rồi vấn nạn Vượt Biên xảy ra, dù biết cơ hội sống còn rất ít, nhưng vì hai chữ “Tự Do” người dân đã phải liều mình vượt biên giới bằng đường bộ, vượt biển trên những chiếc tàu mong manh, thành thuyền nhân và sống lưu lạc khắp nơi trên thế giới:
“Tự Do hỡi Tự Do,
Anh trao bằng máu xương.
Tự Do ơi Tự Do
Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ Tự Do,
Ta mang đời lưu vong....!”
Bài hát này của nhạc sĩ Nam Lộc đã đi vào lòng người. Cũng như bài hát “Chút quà cho quê hương” của cố nhạc sĩ Việt Dzũng:
“Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy”
Cám ơn con gởi mẹ cây kim để mẹ vá khâu tình người, tình quê hương, dù mắt mờ tay run yếu ớt.
Đó là những người may mắn tới được bến bờ tự do, nhưng còn biết bao người vùi thây nơi rừng sâu nước độc, nơi biển cả, hoặc bị hải tặc hãm hiếp, bắt đi. Nước biển và muối khi đó đã phải mang màu đỏ vì nhuốm màu của máu, của tủi nhục.
Những đứa con còn kẹt ở lại quê nhà, tính tới nay đã hơn 90 triệu người, thì lại có những đứa bị tôi luyện thành “cán bộ, công an” tàn ác, bán nước cầu vinh, cam tâm để người dân chịu cảnh nô lệ ngoại bang, cướp đất cướp nhà, ăn nói tráo trở. Những thanh thiếu niên tới trường nhưng bị bưng bít nhồi sọ không hiểu sự thật, giáo dục xuống cấp làm các em đối xử tệ với ông bà cha mẹ, thầy cô giáo, đánh đấm bạn bè, du côn hỗn láo chưa từng thấy. Rồi lại có các thầy cô, hiệu trưởng làm chuyện dâm ô dụ dỗ học sinh, các đại gia bày đủ trò vui trên thân xác phụ nữ, xài tiền phi lý trong khi biết bao nhiêu người đói khổ. Rất nhiều tệ nạn xã hội như say sưa, hút xách tìm quên vì không dám nghĩ tới tương lai. Người ta lừa đảo lẫn nhau, thức ăn môi trường độc hại đầy hóa chất, bao nhiêu người đang chết dần chết mòn vì ung thư bệnh hoạn trong khi y tế, bệnh viện thật là xuống cấp. Sự kiện “Formosa” và biết bao tai ương khác vẫn ngày ngày xảy ra trên quê nhà. Do không biết bảo vệ thiên nhiên, chỉ nghĩ tới cái lợi trước mặt, bão lụt thường xuyên hoành hành trên quê mẹ. Khắp vùng là những trạm thu “Phí”- những trò để móc túi người dân. Sự tham nhũng đã lên tới hàng quốc gia, nay còn mai mất không có gì là an toàn. Rồi còn có màn bịt miệng người dân qua cái gọi là “Luật An ninh mạng”. Những người có tinh thần quật khởi, dám lên tiếng cho sự thật và nhân quyền thì bị trù dập tàn khốc, hành hạ tù đày - đau lòng mẹ lắm các con ơi …
Riêng những đứa con thoát được ra hải ngoại, mẹ cũng mừng vì chúng có được tương lai, lo học hành xây dựng đời mới làm vẻ vang dân Việt. Nhưng con ơi, lại cũng không ít những đứa thiếu suy nghĩ, lạm dụng quyền tự do suốt ngày lên các diễn đàn, trang mạng để chửi bới chụp mũ, nghi ngờ lẫn nhau làm cộng đồng bị xáo trộn. Vì thế việc nắm tay cùng nhau lo việc chung, quên đi quyền lợi cá nhân mình để góp phần cho đất nước bị ảnh hưởng. Hai chữ “đoàn kết” hầu như chỉ còn trong từ điển, rất khó xảy ra trong thực tế. Ai cũng có ưu điểm và cũng phải mang nhiều khuyết điểm, sai sót, các con hãy thông cảm và bổ túc cho nhau, đối thoại với nhau kẻo vì tự ái mà chuyện bé xé ra to, cuối cùng bên nào cũng thiệt hại, tổn thương. Các con đừng nghe tin đồn mà không kiểm chứng, đừng coi nhẹ bỏ qua các việc nhỏ tưởng không hại nhưng hại không tưởng. Hãy không chỉ trang điểm, tô chuốt cho bề ngoài mà cần hơn là làm đẹp nội tâm, bảo tồn văn hóa, bồi đắp tinh thần vững mạnh.
Con ơi!
Mẹ nay tuổi đời chồng chất, mẹ có thể bị lú lẫn, bị bỏ quên trong các nhà già, viện Dưỡng Lão nay mai, nhưng thật sự mẹ không quan trọng tấm thân mình, mẹ chỉ muốn bù đắp, khuyên can các con thôi. Thời gian không còn bao lâu, cuộc sống đã quá phức tạp rồi, đừng để “đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt …”.
Các con hãy nghĩ đến giống nòi Tổ Tiên mà từng đứa từng đứa cố gắng hơn nữa. Hãy làm sao để xứng đáng là “con Rồng, cháu Tiên”, hãy làm sao để đất nước Việt Nam có một ngày mới trên quê hương, để văn hóa và truyền thống tốt đẹp của tiền nhân luôn mãi trường tồn. Hãy cố gắng mãi con nhé, để dù nhắm mắt lìa đời, mẹ vẫn có thể an tâm và hãnh diện vì các con …
Mẹ Việt Nam của con.
- Tổng Hơp: