Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Khiêm tốn và bất vụ lợi

Tác giả: 
Nguyễn Văn Nội

 

SUY NIỆM PHÚC ÂM CHÚA NHẬT

----oooOooo----

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM C (01/09/2019)

 

 KHIÊM TỐN VÀ BẤT VỤ LỢI

"Ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống,

và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên"

 

I. DẨN VÀO PHỤNG VỤ

 

Cái mà người ta ghét nhất là thái độ kiêu căng, vênh váo, tự cao tự đại, cho mình là nhất và coi khinh mọi người. Ngược lại thái độ được mọi người yêu mến và ngưỡng mộ là khiêm tốn, vị tha và bất vụ lợi (hay vô vị lợi). Hai nhận định trên rất đúng trong cuộc sống đời thường, cũng rất đúng trong đời sống đức tin. Trong bài Phúc âm Chúa nhật 22 Thường niên năm C Chúa Giê-su dậy chúng ta hai điều quan trọng ấy.

 

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA 14,1-7-14:

 

Khi ấy, nhằm một ngày Sab-bat Chúa Giê-su vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

 

"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

 

Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại".

 

III. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA 14,1-7-14:

 

3.1 Những người kiêu căng hợm hĩnh và những người thực sự khiêm tốn: Những người biệt phái trong câu chuyện Phúc âm hôm nay là những người kiêu căng, vênh váo, tự cao tự đại, cho mình hơn người. Ngày nay cũng có rất nhiều người kiêu căng tự cao tự đại, cho mình là nhất và khinh khi mọi người xung quanh, coi họ là rơm rác, là sâu bọ. Vì thế mà Chúa Giê-su mới “sửa lưng” để những con người kiêu căng ấy biết sống khiêm tốn hơn. Dĩ nhiên là Chúa Giê-su muốn những người ấy khiêm tốn thực sự chứ không chỉ là giả vờ khiêm tốn, miệng thì nói: ”tôi không xứng, tôi không xứng” nhưng trong bụng thì cho mình là cao trọng xứng đáng nhất.

 

3.2 Những ngượi vụ lợi và những người vi tha. bất vụ lợi (hay vô vị lợi):  Những người biệt phái vụ lợi là những người chỉ đãi tiệc bạn bè phe nhóm của họ chứ không bao giờ nghĩ đến những người nghèo đói chung quanh. Vì thế Chúa Giê-su mới dậy họ dọn tiệc thì mời những người đui què vì những người này không có khả năng đền trả.  Không chỉ có những người biệt phái thờ xưa sống vụ lợi mà thời nay cũng đầy dẫy những người làm bất cứ việc gì cũng nhắm cái lợi cho riêng mình và thường chỉ nhắm cái lợi riêng cho mình mà không quan tâm đến cái lợi của người khác. Thậm chí nhiều giáo dân giữ đạo và làm việc lành phúc đức cũng chỉ nhằm cái lợi cho riêng mình là được rỗi linh hồn, được lên thiên đàng. Đúng ra sống đạo và làm việc lành phúc đúc trước hết là đễ chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa. Phần đông người giáo dân Việt Nam đền với Chúa chỉ để XIN ƠN, trong khi đáng lẽ ra việc đầu tiên họ phải làm là TẠ ƠN Thiên Chúa vì mọi lành (phần hồn, phần xác) Người đã ban cho. [Dĩ nhiên chúng ta có quyền xin ơn nhưng tạ ơn thì quan trọng hơn xin ơn rất nhiều]

 

IV. THỰC THI  LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA 14,1-7-14:

 

4.1 Muốn có đức khiêm nhường thì chúng ta phải dùng các phương thế cà tự nhiên lẫn siêu nhiên. Phương thế tự nhiên là nhận thực đúng đắn và chăm chỉ luyện tập. Phương thề siêu nhiên là cầu nguyện xin ơn khiêm nhường và bắt chước gương lành của các vĩ nhân, các vị thánh, nhất là gương khiêm nhường cùa Đức Ma-ri-a và của Chua Giê-su [Đấng dù là Thiên Chúa nhưng đã tự hạ tự hủy….khi đến trần gian].

 

4.2 Muốn có tinh thần và lối sống vị tha, bất vụ lợi (hay vô vị lợi)  thì chúng ta củng phải dùng các phương thế cà tự nhiên lẫn siêu nhiên. Phương thế tự nhiên là nhận thực đúng đắn và chăm chỉ luyện tập.  Phương thề siêu nhiên là cầu nguyện xin có được tinh thần vị tha, vô vị lợi và bắt chước gương lành của các vĩ nhân, các vị thánh, nhất là gương sống vị tha, bất vụ lợi cùa Đức Ma-ri-a và của Chua Giê-su [Đấng đã đến trần gian không phải đề được hầu hạ nhưng là đề hầu hạ và hiến mạng sống mình làm gía chuộc muôn người],

 

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN [VỚI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA   14,1-7-14:

 

MỞ ĐẦU: 

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, chúng con ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ Cha vì Con Cha là Đức Giê-su Ki-tô đã dậy chúng con biết sống khiêm nhường, vị tha và bất vụ lợi  Xin Cha lắng nghe lời cầu nguyện tha thiết của chúng con.

 

Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN:

 

1. «Chúa Giê-su vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Cha cho càng ngày càng có nhiều người sống chân thật và khiêm tốn để mọi người được bình an hạnh phúc.

 

Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

2. «Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công Giáo toàn cầu và cách riêng cho Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam để mọi thành phần Dân Chúa, từ Đức Giáo Hoàng cho đến người giáo dân, luôn biết khiêm tốn trong lời nói và hành động như Chúa Giê-su Ki-tô đã dậy.

 

Xướng:  Chúng con cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.3 «Khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại»Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người biết sống vị tha và bất vụ lợi, để xã hội được xinh tươi tốt đẹp hơn.

 

Xướng: Chúng con  cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

KẾT:  

 

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su và là Cha của chúng con, chúng con chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã sai Con Một Cha xuống trần gian để đem Ơn Cứu Độ cho chúng con và dậy chúng con biết sống khiêm tốn, vị tha và bất vụ lợi.

 

Chúng con xin cảm tạ, chúc tụng và ngợi khen Cha.

 

Chúng con xin Cha ban cho chúng con sức mạnh và tinh thần khiêm cung, vô vị lợi để chúng con xứng đáng với tư cách con cái Cha,

 

Chúng con cầu xin Cha, nhờ công nghiệp Chúa Giê-su Ki-tô Con Cha, Chúa chúng con. Amen

 

Sài-gòn ngày 30 tháng 08 năm 2019

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.