Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Làm mưa làm gió thời @

Tác giả: 
Người Giồng Trôm

 

 

LÀM MƯA LÀM GIÓ THỜI @

 

          Thời face-book chưa xuất hiện và dĩ nhiên web lúc ấy đang thịnh thành thì một linh mục đàn anh nhắn gửi : "Ông muốn cho cái web của ông nổi tiếng thì ông chịu khó đăng những gì tào lao nhất hay dzô dziên nhất thì thiên hạ nhảy vào web của ông đắt như tôm tươi". Đơn giản là anh linh mục biết tôi đam mê truyền thông cũng như muốn gửi chút gì đó lên "mây gió" như là tâm tình để loan báo Tin Mừng. Thật thế, nghĩ lại chuyện không đơn giản vì  không phải cái gì cũng cho lên đó được dù mình làm chủ 1 trang web.

 

          Ngày qua tháng lại, web dường như nhường chỗ cho sân chơi mới là face-book. Đơn giản là những thông tin nóng hổ như Đức Cha này bệnh, Đức Cha kia ốm hay Đức Cha kia được tiến cử thì "nhanh như chớp nhí" bay lên mạng vù vù như mây gió. Có khi hình ảnh tế nhị của Đức Cha nào đó nằm thoi thóp trong bệnh viện thì chưa trang web nào đăng tải thì face-book đã tràn lan.

 

          Không cần phải lắm lời, mọi người đều thấy công năng của face-book. Và, hẳn nhiên là cái gì cũng có lợi và cũng có hại. Cái gì cũng có mặt trái nhưng rồi cũng có mặt phải của nó. Vấn đề lớn nhất là người sử dụng những phương tiện truyền thông phải biết cân nhắc điều nào cần đưa lên và điều nào cần giữ lại cho riêng mình. Có những thứ xem ra thật kín cẩn và riêng tư nhưng người ta cứ vô tư đưa lên cho công chúng. Đương nhiên là tác hại khôn lường khi những chuyện tưởng như giấu kín đó được công khai.

 

          Chính vì tính thời sự cũng như khả năng lan rộng của truyền thông thời @ nên người này người nọ đã chớp lấy thời cơ để dẫn dắt dư luận. Mà cũng ngộ, dư luận cũng loan tin rất nhanh dù tin đó chưa được kiểm chứng hay có khi là tin vịt.

 

          Dựa vào hiệu ứng đám đông mà ta thấy có nhiều người làm mưa làm gió trên mạng để rồi gây hậu quả khôn lường cũng như tổn hại cho nhiều người và nhất là cho Giáo Hội.

 

          Chắc có lẽ dân "chơi mạng" không quên được sự kiện nóng bỏng của tuần qua về chuyện "cầm còi chạy trước ôtô" của ai đó đưa lên mạng về vấn đề thuyên chuyển Giám Mục. Chuyện thuyên chuyển hay phong chức Giám Mục là chuyện của Tòa Thánh theo các bước tiến trình sẵn có chứ không phải là chuyện đơn giản. Chỉ khi xong hết các bước cũng như thủ tục thì Tòa Thánh mới công bố và hẳn nhiên trên trang của Tòa Thánh. Thế nhưng mà ta thấy thời gian qua, lợi dụng vào sức mạnh của truyền thông cũng như lợi dụng sự hiếu kỳ của nhiều người và thích thể hiện nên đã đưa nhiều thông tin làm nhiễu nhương Giáo Hội. Những thông tin đó gây nhiễu và có khi gây tổn hại cho Giáo Hội và nhiều người mắc bẫy.

 

          Trước những nhiễu nhương của những người làm mưa làm gió trên mạng, điều cần thiết nhất đối với người đọc thông tin hay nhận thông tin đó cần phải có sự kiểm chứng nào đó để biết được tin đó tin thật hay tin giả. Kế đó là tin đó có cần chia sẻ hay chỉ để đọc tham khảo mà thôi để tránh tình trạng nguồn tin dù giả nhưng loan nhanh đến độ chóng cả mặt.

 

          Rồi kế đó, cũng cần cân nhắc xem ngườ làm tin, người đưa tin đó có sử dụng điều hệ trọng nhất trong truyền thông đó là đạo đức truyền thông hay không ? Nhiều người vì nguồn lợi của cá nhân hay của nhóm của mình đã lờ đi hay quên đi đạo đức truyền thông khi làm truyền thông dù rằng đạo đức truyền thông chính là nền tảng của truyền thông.

 

          Cơ bản nhất mà nhiều người quên đó là hình ảnh cá nhân cũng như đời tư của một người. Hình ảnh cá nhân hay đời tư của một người nào đó hết sức nhạy cảm cũng như không được vô tư đưa lên mạng dù cho mình không ưa họ. Nếu mình đưa hình một ai đó hay nói về một ai đó mà chưa có phép của họ đồng nghĩa là mình đã vi phạm quyền cá nhân của họ. Có khi mình chỉ nghe một chiều hay một ai đó nói về ai đó cách thiển cận mà mình vội vàng tung lên mạng thì mình đã bé cái lầm cách trầm trọng.

 

          Đến bây giờ, có thể là làm chủ 1 trang web nhỏ hay 1 trang face-book cỏn con nhưng hết sức cân nhắc hay thận trọng khi cho 1 điều gì lên đó. Có khi chỉ là vui tính hay ngẫu hứng đưa điều gì đó làm cho người khác không vui là vội vàng gỡ ra ngay chứ không để cho nó trở thành mầm mống của cuộc chiến bàn phím. Và, dù viết gì cũng hết sức cân nhắc chứ không phải theo kiểu thích viết gì là viết hay thậm chí nói gì là nói. Có nói, có viết thì cũng nhắm đến tình hiệp thông huynh đệ chứ không phải là để mua vui.

 

          Như Chúa Nhật vừa qua, đắng lòng với cách hành xử ở Nhà Thờ Chính Tòa Giáo Phận kia, viết đôi dòng để mọi người thận trọng nhưng một số người không chịu hiểu và đòi phải nêu tên nhà thờ đó lên. Ai cần thì cứ inbox hay điện thoại chứ không để tên Nhà Thờ đó lên để thiên hạ ném đá.

 

          Ngay cả chia sẻ cũng vậy, cũng chỉ kể lại những sự việc để cộng đoàn đừng đi theo vết xe đổ đó chứ không hề có ý đồ lên án hay luận tội. 70 chưa gọi là lành nên tôi không bao giờ lên án hay miệt thị bất cứ một ai.

 

          Tất cả mọi sự rồi cũng qua và sự thật cũng là sự thật không ai có thể chối cãi. Chính vì thế, ai nào đó muốn nổi trội trên mạng hay làm mưa làm gió nên chăng đưa những thông tin, tâm tình xây dựng sự yêu thương và hiệp nhất. Ngược lại, những tin giật gân hay gây xáo trộn trong cộng đồng sớm muộn gì cũng sẽ trôi vào dĩ vãng với những suy nghĩ coi thường hay thậm chí miệt thị những người đưa tin đó.

 

          Là người sử dụng truyền thông thời @, nhất là người Công Giáo, nên chăng hết sức thận trọng. Đơn giản, nếu không khéo mình trở thành nạn nhân hay con mồi cho những người thích thể hiện hay thích làm mưa làm gió trên mạng.

 

          Những ước mong những người tài giỏi hãy loan truyền Lời Chúa, loan truyền sứ điệp Tin Mừng của Chúa để Giáo Hội ngày phát triển chứ đừng vì lý do nào đó mà phá bĩnh Giáo Hội. Hơn 20 thập kỷ qua, Giáo Hội đã gánh quá nhiều đau khổ để rồi nếu mình là người Kitô hữu chân chính hãy loan báo Tin Mừng của Chúa hơn là người làm mưa làm gió về những thông tin giật gân và thiếu chính xác gây phiền hà cho Giáo Hội.