Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót

Tác giả: 
Lm. Nguyễn Văn Quang

 

 

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN – C

Xh 32, 7-11. 13-14; 1 Tm 1, 12-17; Lc 15, 1-10 {hoặc 1-32}

 

Chủ đề: THIÊN CHÚA LÀ CHA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

 

Lời Chúa: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối" (Lc 15,10).

 

Nhập lễ:

 

Kính thưa cộng đòan phụng vụ,

 

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 24 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Người là mục tử yêu thương đi tìm con chiên lạc, và là người cha vui mừng hoan hỉ đón con trở về:

 

Như người mục tử tìm chiên,

Hay như quả phụ tìm tiền sẩy tay.

Cha lành nhận lại con trai,

Đều là hình ảnh tròn đầy Chúa thương.

Tình Cha cao cả khác thường,

Giúp con mau mắn tựa nương trở về.

 

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết xót thương người như chính Chúa đã thương xót chúng ta. Đồng thời, xin cho chúng ta biết chạy đến với Chúa mỗi khi lầm lỗi, để được lãnh nhận tình thương và ơn tha thứ của Chúa. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

 

Sám hối:

 

X. Lạy Chúa, Chúa đã được sai đến để cứu chữa những tâm hồn thống hối. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

X. Lạy Chúa Kitô, Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

 

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

 

X. Lạy Chúa, trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

 

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

 

Suy niệm:

 

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

 

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy được biểu lộ qua chính Người Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô như thánh Gioan đã viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ”. Chính vì thế, các bài đọc phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy dung mạo của Thiên Chúa là Cha, Đấng giàu lòng thương xót, chậm bất bình và rất mực yêu thương các tội nhân.

 

Thưa anh chị em, lịch sử của dân Israel đã cho thấy nhiều lần họ phản bội Thiên Chúa. Sách Xuất hành hôm nay thuật lại Thiên Chúa đã nổi giận vì Israel phản bội khi họ thờ bò vàng. Thiên Chúa phán cùng Môsê: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ”. Thiên Chúa đã nổi giận đối với dân Ngài và có ý định tiêu diệt họ, nhưng Môsê đã đứng ra can thiệp cho dân với lời cầu nguyện tha thiết, và lời cầu khẩn ấy đã được Thiên Chúa nhậm lời để nhường chỗ cho lòng nhân từ thương xót của Ngài: “Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Ngài đe doạ phạt dân Ngài”. Điều muốn nói ở đây là lời cầu nguyện của Môsê làm cho Thiên Chúa nguôi giận và không còn nghiêm khắc muốn tiêu diệt Israel nữa, và Thiên Chúa lại yêu thương chăm sóc cho dân. Tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự công bình của Ngài. Tình yêu ấy, hôm nay được tỏ bày qua Chúa Giêsu lòng thương xót của Người đối với các tội nhân. Chính lòng Chúa thương xót dành cho các tội nhân đã rực sáng lên trong hình ảnh của người mục tử đi tìm con chiên lạc, người đàn bà năng nổ thắp đèn, quét nhà tìm đồng bạc mất, và nhất là hình ảnh người cha lý giải thái độ của ông đối với đứa con hoang đàng trở về trước cậu con cả đang hậm hực tức tối. Dụ ngôn này là lời biện minh cho thái độ của Chúa Giêsu đối với những người mà xã hội thời đó cho là tội lỗi: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Chính thái độ của Chúa Giêsu đã phản ảnh tình thương của Thiên Chúa đối với các tội nhân: “Con Người đến tìm kiếm những gì đã mất”. 

 

Có câu chuyện kể rằng, một lần kia các tu sĩ trong miền dẫn tới Đức Cha Anmôna một thiếu nữ mang bầu và xin ngài ra hình phạt. Nhưng Đức cha đã ban phép lành cho thai nhi, rồi ra lệnh ban cho cô sáu tấm vải bằng lanh mịn. Những kẻ tố cáo lại nói: Tại sao Đức Cha làm như thế? Xin ra cho nó một hình phạt. Ngài ôn tồn bảo: Anh em thử nghĩ xem, cô ta đã đau khổ muốn chết được; tôi phải làm gì hơn nữa? Nói thế rồi ngài cho cô ta về. Từ đấy không tu sĩ nào còn dám tố cáo ai nữa.

 

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

 

Thiên Chúa luôn tỏ lòng nhân hậu và tha thứ cho các tội nhân. Hôm nay Ngài mời gọi chúng ta, nếu chúng ta lỡ lạc đường sa ngã hãy quyết tâm trở về với Ngài. Hãy khoan dung tha thứ cho người anh em, nếu chẳng may trượt chân vấp ngã. Đừng có thái độ lên án, loại trừ như thái độ của Biệt phái, Pharisêu hay người con cả trong dụ ngôn. Hãy phản chiếu hình ảnh lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta biết đối xử với anh em như Chúa đã đối xử với chính chúng ta. Muốn làm được điều đó, chúng ta ý thức thân phận mỏng dòn yếu đuối của mình. Có nhận ra mình hay lầm lỗi, chúng ta mới dễ cảm thông tha thứ cho những lỗi lầm của anh em. Đừng bắt người có tội phải bị trừng phạt mới hả dạ, đừng đòi hỏi cho được sự công bằng mới thôi, vì Martin Luther King có viết: “Nếu cứ áp dụng luật “mắt đền mắt” thì mọi người đều trở nên mù loà”.

 

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết xót thương người như chính Chúa đã thương xót chúng ta. Xin cho chúng ta biết chạy đến với Chúa qua bí tích hoà giải mỗi khi lầm lỗi, để chúng cảm nghiệm được lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa. Amen.

 

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.