Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Có những niềm riêng lệ vương khóe mắt

 

 

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 31 thường niên năm C 03/11/2019

 

“Có những niềm riêng lệ vương khóe mắt”
Như cây sau mưa long lanh giọt sầu
Có những niềm riêng làm tim thổn thức
Nên đôi môi xinh héo hon nụ cười.
(Lê Tín Hương – Có Những Niềm Riêng)
 

(Lc 18: 14)   

“Niềm riêng” là “niềm” gì thế? Vui hay buồn vậy? Đó có là niềm ưu-tư rất linh tinh, thuận tình đâu đấy chứ? Hỏi thì nhiều, mà có thấy đâu đây lời đáp trả! Ôi thôi, có là niềm gì thì ta cứ việc ngâm nga ca từ như còn thấy hát ở bên dưới:

 

“Có những niềm riêng làm sao nói hết.
Như mây như mưa như cát biển khơi.
Có những niềm riêng làm sao ai biết.
Như trăng trên cao cách xa vời vợi.”

 

Có những niềm riêng lệ vương khóe mắt.
Như cây sau mưa long lanh giọt sầu.
Có những niềm riêng làm tim thổn thức.
Nên đôi môi xinh héo hon nụ cười.
Này niềm riêng như nước vẫn đầy vơi.
Đâu đây vang vang tiếng buồn gọi mời.
Ôi nỗi sầu đong chất ngất.
Như một ngày như mọi ngày.
Như vạn ngày không thấy đổi thay.


Có những niềm riêng lòng không muốn nhớ.
Nhưng sao tâm tư cứ luôn mộng mơ.
Có những niềm riêng gần như hơi thở.
Nuôi ta cô đơn nuôi ta đợi chờ.


Có những niềm riêng một đời dấu kín.
Như rêu như rong đắm trong bể khơi.
Có những niềm riêng một đời câm nín.
Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi.”

(Lê Tín Hương – bđd)

 

Niềm riêng hôm nay, có thể và vẫn cứ là nỗi niềm “một đời dấu kín” của người dân đi Đạo sống ở nơi nào cũng vẫn thấy những ảnh và những hình không mấy vui như sau:

 

“Một thoáng nhìn vào tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Úc. Một nghiên cứu cho thấy số người Úc tự nhận là không có tín ngưỡng lần đầu tiên đã vượt trên số người có đạo. Điều này cho thấy các giáo xứ sẽ có thêm thách đố cũng như cơ hội. Nghiên cứu do Trung Tâm National Centre for Pastoral Research - thuộc Hội Đồng Giám Mục Úc - thực hiện. Nghiêu cứu - dựa trên kết quả thống kê dân số năm 2016 - cho thấy tình hình tại 28 giáo phận về mặt địa lý trên toàn quốc kể cả tổng giáo phận Sydney.


Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thống kê dân số Úc, trên 30% tự nhận là không có tín ngưỡng. Tỷ lệ này vượt trên 22.6% tự nhận là tín đồ công giáo. Dựa vào số liệu thống kê này, tại tổng giáo phận Sydney có 594,145 người công giáo chiếm 24.2% dân số của thành phố là 2.4 triệu. Trong số những người công giáo ở Sydney, có trên 1 phần 3 sinh ở ngoại quốc mà đa số đến từ các quốc gia không nói tiếng Anh dẫn đầu là Ý, Phi Luật Tân, Việt Nam, Lê-ba-non và Iraq.


Trong khi đó, 5 quốc gia có số người công giáo di dân đến Úc nhiều nhất trong thời gian gần đây bao gồm Ba Tây, Colombia, Pháp, Hoa Kỳ và Iraq. Trong khi dân số Úc tăng 8.8% trong thời gian từ 2011 đến 2016 với 23,401,892 người thì tổng số người công giáo trên toàn quốc lại giảm 2.7% trong cùng thời gian, và tỷ lệ giảm tại Sydney là 2.8%. Hiện tượng giảm thiểu này lần đầu tiên cũng được ghi nhận tại Tân Tây Lan.

 

Tuy nhiên có một khía cạnh khác đáng phấn khởi là về số gia đình công giáo - mà theo định nghĩa của Tổng Cục Thống kê Dân Số là có ít nhất 1 thành viên trong gia đình là người công giáo. Con số này tại TGP Sydney đã tăng đôi chút trong 20 năm qua từ 190,455 gia đình vào năm 1996 lên 204,898 gia đình trong năm 2016.


Còn về con cái thì có 78.6% học sinh mẫu giáo và tiểu học theo học trong các cơ sở của Giáo Hội Công Giáo là người công giáo trong khi có 71% học sinh trong các trường trung học của TGP là người công giáo.


Tổng Cục Thống Kê cũng nghi nhận là hiện nay cứ 5 đám cưới tại Úc thì có 4 đám theo nghi thức dân sự chiếm 78% so với 25 năm trước đây, tỷ lệ chỉ có 43%. Một số những biến chuyển khác như tại Tổng Giáo Phận Sydney số người xem lễ mỗi cuối tuần là 93,365 và đó là con số cao nhất so với các tổng giáo phận khác; tuy nhiên, mỗi năm vẫn mất đi khoảng 1.000 người dự thánh lễ. 


Trong khi thực tế này là một thách đố, nhưng các giáo xứ vẫn là nền tảng quan trọng trong việc phát triển niềm tin trong Giáo Hội Công Giáo tại Úc. Cùng với trường học và gia đình, giáo xứ là nơi mà người ta đến gặp Giáo Hội và đó cũng là nơi mà đa số giáo sĩ sống đời chứng tá của họ.” (Vũ Nhuận chuyển ngữ từ tuần báo Công giáo The Catholic Weekly, www.catholicweekly.com.au/snapshot-of-todays-catholic-sydney)

 

“Có những niềm riêng”, mà lại chỉ là những niềm mỗi thế thôi sao? Thôi, được rồi bạn và tôi đây, lại cũng thấy nỗi niềm rất chung chung của nhà Đạo bọn mình, có đấng bậc từng san sẻ, sẻ san như bên dưới:

 

Niềm-riêng-và-chung/chung-mà-riêng hôm nay, lại là lời trích-dẫn từ vị bác sĩ giỏi ở Singapore, như sau:

 

“Chào tất cả các bạn buổi sáng.

“Hôm nay giọng của tôi hơi khàn nên hãy chịu khó lắng nghe một chút nhé.

 

“Tên của tôi là Richard - bác sĩ y khoa.

Tôi sinh ra trong một gia đình khó khăn. Từ nhỏ, tôi đã được nghe từ mọi người xung quanh mình nói rằng: Hạnh phúc chính là đạt được thành công. Và thành công đo bằng sự giàu có. Với tư duy như thế, ngay từ thời trẻ tôi đã rất tham vọng, cầu tiến. Có thể nói tôi là một sản phẩm điển hình của xã hội ngày nay.

    

“Không chỉ giành một chỗ ở trường trung học hàng đầu, tôi cần phải thành công trong tất thảy lĩnh vực. Tôi muốn đạt được cúp chiến thắng, những giải thưởng cấp quốc gia và mọi thứ như vậy. Sau đó, tôi vào trường y rồi tốt nghiệp. Như các bạn đã biết, bác sĩ nhãn khoa là một trong những chuyên ngành có sự cạnh tranh nhất nên tôi đã theo đuổi nó. Tôi giành được học bổng nghiên cứu về laser để chữa mắt ở Đại học Quốc gia Singapore.

    

“Nếu hoàn thành khóa nghiên cứu, tôi sẽ cầm trong tay 2 tấm bằng: bác sĩ đa khoa và bác sĩ nhãn khoa. Nhưng thành công về mặt học thuật này chẳng đem lại cho tôi sự giàu có. Việc đào sâu nghiên cứu tốn quá nhiều thời gian, trong khi ngoài kia, lĩnh vực phòng khám tư là mảnh đất để kiếm tiền.

 

Trong những năm gần đây, phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng được ưa chuộng. Hàng đống tiền có thể kiếm ra từ đó. Vì vậy, tôi quyết định đã đủ với chuyện học hành rồi. Tôi mở phòng khám về thẩm mỹ, hiện giờ đã trở thành một trung tâm khá lớn.

    

“Các bạn có thấy một điều trớ trêu như thế này không: Người ta không mãi ca ngợi những anh hùng chữa bệnh hay các chuyên gia vật lí trị liệu. Mà người hùng được tạo nên bởi sự giàu có và nổi tiếng.

    

“Mọi người không vui khi trả 20 đô để khám bệnh, nhưng họ sẵn sàng chi 10 nghìn đô la để bơm môi, 15 nghìn đô để nâng ngực và những điều tương tự vậy. Chuyện kinh doanh ban đầu của phòng khám rất suôn sẻ. Tôi chìm đắm trong niềm vui sướng vì có nhiều bệnh nhân. Vẻ đẹp phù phiếm, vẻ bề ngoài - người ta cần nó, đó là một mảnh đất màu mỡ để kiếm tiền! Tôi phải thuê thêm 1 bác sĩ nữa cùng làm, rồi 2 người, 3 người và đồng nghiệp thứ 4 cũng đến nhanh chóng.

 

Trong năm đầu tiên, chúng tôi leo thang về thu nhập lên tới hàng triệu đô. Nhưng sẽ chẳng bao giờ là đủ vì tôi quá ám ảnh, đắm chìm trong việc kiếm tiền này. Tôi quyết định mở chi nhánh phòng khám sang Indonesia. Cuộc sống quả thật là rất tốt!

           

“Khi đó, tôi làm gì vào dịp cuối tuần? Thường là đến các câu lạc bộ xe sang, đến Sepang ở Malaysia đua xe. Cuộc sống mà, phải hưởng thụ. Tôi mua cho mình một chiếc Ferrari 430. Sau đó mua nhà. Kế đó là tận hưởng sự giàu có và nổi tiếng. Với nhiều khách hàng là thí sinh cuộc thi sắc đẹp, dĩ nhiên tôi cũng dành thời gian bên những nhan sắc tuyệt trần và giàu sang, đi từ nhà hàng cao cấp này tới nhà hàng gắn sao Michelin khác.

 

“Tôi đã sờ chạm vào đỉnh cao sự nghiệp, tiền tài. Đó là tôi của 1 năm trước, cơ thể hoàn toàn tráng kiện và tất cả mọi thứ đều dưới tầm kiểm soát. Phát hiện ung thư ở tuổi 38 và... tìm thấy hạnh phúc thật sự.

 

Chà, tôi sai rồi. Làm sao có thể kiểm soát mọi thứ được? Vào tháng 3 năm ngoái (2010), tôi bắt đầu thấy đau lưng mà không hiểu vì sao. Ban đầu, tôi nghĩ đó là do động tác mạnh ở phòng gym. Rồi một hôm thấy đồng nghiệp thực hiện chụp cộng hưởng từ (MRI), tôi bèn nhờ anh ta kiểm tra giúp để an tâm.

    

Chiều hôm đó, anh ta gọi tôi và nói đã thấy sự thay thế tủy xương trong cột sống. Tôi biết nó có nghĩa là gì, nhưng không chấp nhận được, kiểu như "Cậu đùa đấy à?" Tôi vẫn thực hiện tốt mọi thứ ở phòng gym mà...

    

Chúng tôi thực hiện nhiều bài kiểm tra vào ngày hôm sau. Họ chẩn đoán tôi mắc ung thư phổi giai đoạn 4. Phản ứng đầu tiên là "Ối chà, nó đến từ đâu thế này?"... Tế bào ung thư đã lan tới não, cột sống, gan và tuyến thượng thận. Bạn biết không, trong giây phút tôi nghĩ rằng mình làm chủ và chạm tới đỉnh cao của thành công, tôi đã mất hết mọi thứ.

    

Đây là ảnh chụp X quang phổi của tôi. Bạn nhìn thấy không, mỗi chấm tròn này là một khối u. Tôi có hàng vạn cái như thế trong 2 lá phổi. Ngay cả làm hóa trị, thời gian còn lại cũng chỉ 3-4 tháng nữa thôi. Cuộc đời tôi sắp kết thúc rồi sao, quả thật vậy! Tôi tuyệt vọng, dĩ nhiên, rất tuyệt vọng khi từng nghĩ mình đã có hết thảy mọi thứ quý giá.

 

Nhưng trớ trêu là mọi thứ mà tôi có - thành công, cúp chiến thắng, những chiếc xe, ngôi nhà - là do tôi đã mua chúng để mang về niềm hạnh phúc. Nhưng giờ đây tôi chẳng mỉm cười được nữa. Nghĩ về việc sở hữu của cải, tôi chẳng có một chút niềm vui nào. Các bạn ạ, tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari vào giấc ngủ. Nó chẳng khiến tôi thoải mái hơn trong những ngày tháng cuối cùng.

 

Vậy điều gì đã và sẽ làm tôi hạnh phúc ở khoảng thời gian này? Đó là thời gian với mọi người - những người tôi yêu, bạn bè, những ai thật lòng lo cho mình, cùng khóc cùng cười, cùng đau khổ và chấp nhận mọi chuyện. Điều ấy đem lại cho tôi niềm hạnh phúc. Những chiêm nghiệm cuối đời: "Liệu tôi sẽ là một người bác sĩ khác nếu được làm lại từ đầu?"

           

Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện nữa. Ngày còn trẻ tôi có gặp một người bạn khá kỳ lạ tên là Jennifer - giờ chúng tôi vẫn là bạn tốt của nhau. Nếu đi trên đường và bắt gặp một con ốc sên, cô ấy sẽ nhặt nó lên rồi đưa về bãi cỏ. Tôi lúc ấy không tài nào hiểu nổi. Tại sao phải làm thế, chỉ là một con ốc thôi mà? Sao phải làm bẩn tay mình? Sự thật là cô ấy có thể cảm thông cho số phận của con ốc sến ấy! Nhưng với tôi đó chỉ là một con ốc, nếu nó cản đường con người thì có nguy cơ bị đạp vỡ, đó là sự tiến hóa tự nhiên mà?

    

Không lâu sau, tôi trở thành một bác sĩ thực tập, học cách để cảm thông và thương xót cho bệnh nhân. Nhưng tôi không thể. Có một khoảng thời gian tôi phụ trách chăm sóc cho bệnh nhân ung thư, chứng kiến cái chết hầu như mỗi ngày. Lúc nào tôi cũng thấy ai đó chịu đựng cơn dày vò, tôi sẽ tiêm morphine cho họ để giảm cơn đau, tôi chứng kiến họ đánh vật để hít thở oxy lần cuối cùng... nhưng tôi chỉ xem đó là một công việc! Nỗi đau của họ không phải là điều tôi cảm nhận được dù tận mắt nhìn thấy. Tôi làm việc của mình - lấy máu, kê đơn và tan ca.

    

Cho đến khi mắc bệnh nan y thời kỳ cuối, tôi đã có thể hiểu được mọi đau đớn về thể xác và tinh thần của các bệnh nhân năm xưa. Nếu bạn hỏi rằng giả sử cho làm lại từ đầu, liệu tôi sẽ trở thành một bác sĩ khác hay không, câu trả lời là có. Bởi vì bây giờ tôi đã hiểu thấu nỗi khổ của bệnh nhân rồi. Đôi khi, bài học rút ra phải trả bằng một cái giá đau đớn.

 

“Các bạn ạ,

Là bác sĩ, đôi khi chúng ta quên mất bệnh nhân mà mình đang phục vụ cần điều gì nhất. Ngay lúc này, ngành y của chúng ta còn nhiều vùng xám - không trắng, chẳng đen. Có những người sẵn sàng hạ thấp uy tín của phòng khám đối thủ. Và hiện tại khi lâm bệnh, tôi cũng biết được đồng nghiệp nào thực sự nghĩ cho mình, yêu thương mình; và người nào đang muốn kiếm tiền bằng cách bán cho tôi một loại điều trị mang tên "hy vọng đi".

    

Có những lúc tôi chỉ muốn kiếm tiền và đánh mất chiếc la bàn đạo đức của mình, nhưng như đã nói, tôi chẳng còn nghĩ về chiếc Ferrari trong lúc đau khổ dày vò. Tôi đã học được bài học cay đắng này, bạn hãy nghe và đừng mắc vào sai lầm như thế nhé.

 

Sứ mệnh của bác sĩ là cố gắng hết sức cho những ai cần chúng ta. Dù nỗ lực của bạn không thể cứu sống họ, bạn đã đóng góp một chút gì đó cho họ trong những năm cuối đời. Với tôi, dưới tư cách 1 bệnh nhân, điều ấy mang ý nghĩa lớn lao.

Lời nhắn nhủ chân thành trước khi từ giã cuộc đời

    

Để kết thúc bài nói chuyện hôm nay, cho phép tôi trích dẫn vài ý từ quyển sách "Tuesdays with Morrie" (hồi ký "Những ngày thứ ba với Morrie"). Bất kỳ ai cũng biết là mình sẽ chết nhưng chúng ta không tin vào điều đó. Bởi vì nếu chúng ta thật sự trăn trở, chúng ta đã sống khác đi.

           

Khi đối diện với cái chết, tôi tháo dỡ cho mình khỏi mọi thứ hỗn loạn và tập trung vào những điều thật sự cần thiết. Trớ trêu thay, cuộc đời này có rất nhiều thời gian, nhưng thời điểm chúng ta thật sự chiêm nghiệm về cuộc sống chính là lúc nghĩ về cái chết. Tôi biết nghe điều này rất "bệnh hoạn" trong buổi sáng ngày hôm nay, nhưng đó là sự thật và là điều mà tôi đang trải qua.

    

Đừng để người khác nói với bạn phải sống như thế nào. Bạn có thể lắng nghe nhưng đừng tin tưởng một cách mù quáng như tôi, để rồi chỉ lao vào mua niềm hạnh phúc không bền lâu. Hãy suy nghĩ lại và quyết định bạn muốn làm gì với cuộc đời của mình, bạn muốn tạo ra điều gì có ý nghĩa đối với người mình yêu thương? Bởi vì, hạnh phúc thật sự không phải là làm hài lòng riêng bản thân. Tôi từng nghĩ rằng chỉ cần mình thấy vui là đủ, nhưng hóa ra không phải như vậy.

    

Khi ra trường, các bạn sẽ hái ra rất nhiều tiền - những đồng tiền được bệnh nhân chi trả. Đừng quên một ngày nào đó, nó sẽ không còn thuộc về bạn nữa".

 

Cặp đôi sống với nhau 6 năm, không có con. Mãi sau này khi đã rời xa, những lời nhắn nhủ cuối cùng của vị bác sĩ tài hoa yểu mệnh vẫn khiến vợ ông và nhiều người phải suy ngẫm, có lẽ vì nó hướng tới một thông điệp rõ ràng, đơn giản: Cuộc sống này quá ngắn ngủi để bỏ quên những người bạn yêu thương, đó mới là niềm hạnh phúc thật sự.” (trích lời trăn trối của Bs Richard Teo được tải lên mạng, nhiều năm qua).

 

Để minh họa cho vấn đề lớn bạn và tôi, ta đang bàn, đề nghị anh em mình lại vẫn đi vào vùng trời của những “chia sẻ” ý/lời của “người đời nói về Chúa” như thể Chúa vẫn nói, rằng:

 

“Việc nhận ra vị trí và thân phận của chính mình là điều tiên quyết mà chúng ta cần có khi đến với Ngài. Thiên Chúa làm gì còn chỗ đứng nơi những kẻ chỉ biết đến mình. Sự thật giúp chúng ta nhận ra rằng mình là người có tội và chính vì thế chúng ta cần Chúa.

Muốn được như thế, chúng ta cùng nghĩ rằng:

 

Bản thân và tất cả những gì chúng ta có được đều thuộc về Thiên Chúa. Đừng nghĩ rằng mình xứng đáng và chiếm hữu nó; trái lại hãy xử dụng mà chia sẻ cho nhau. Như vậy, những gì mà chúng ta có thể làm được cũng là hồng ân của Chúa; chúng ta đâu còn có gì để báo cáo thành tích mà vinh vang.

 

Tất cả mọi người, dù già hay trẻ, cao hay thấp, sang hay hèn, cao trọng hay thứ dân, đều được mời gọi để trở nên công chính và thánh thiện. Mức độ thánh thiện không tùy thuộc vào công trạng của con người nhưng tùy thuộc vào mối tương quan giữa Chúa và ta. Khởi điểm của việc thiết lập mối tương quan đó là nhận ra sự thật than phận tội lỗi của mình mà bám víu vào lòng Thương xót của Thiên Chúa. Không vịn vào công trạng mà là một tâm tình phó thác trọn vẹn vào Đấng luôn yêu thương mình.

 

Giống như người thu thuế kể trong Tin Mừng Luca, chúng ta hãy can đảm chấp nhận thân phận tội lỗi của mình, đến với Chúa để xin được tha thứ và tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và muốn cho mọi người được cứu thoát. Đó chính là khởi điểm của cuộc sống mới.  Cuộc sống không bị mặc cảm tội lỗi dầy vò; nhưng qua đó mà chúng ta nhận ra Tình Yêu của Chúa cao cả dường bao. Vì Ngài là tình yêu, và Tình yêu chính là bản chất và sức sống của Thiên Chúa.” (Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT, Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 29 TN năm C www.Giadinhanphongblogspot.com. 23/10/2019)

 

Và lời cuối rút từ chuyện phiếm hôm nay, lại sẽ là lời của bác sĩ Richard Teo, người Singapore từng tóm tắt và sẽ còn vang vọng mãi khi ông bảo:

 

“Hạnh phúc thật sự

không là làm hài lòng riêng bản thân.

Tôi từng nghĩ rằng

chỉ cần mình thấy vui là đủ,

nhưng hóa ra không phải như vậy…”

(Xem trích dẫn ở trên)

 

Còn, lời của Đấng thánh hiền ở chương đoạn nào đó, rất thánh kinh, cũng nhắn nhủ bảo rằng:

 

“Tôi nói cho các ông biết:

người này, khi trở xuống mà về nhà,

thì đã được nên công chính rồi.”

(Lc 18: 14)   

 

Thế đó, là tất cả. Cả những lời văn cùng ý-tứ của đấng bậc hiền từ trong ngôn từ và cuộc sống, rất xứng đáng.

 

 

            Trần Ngọc Mười Hai

            Và những tháng ngày suy tư công nhận

ý-từ và ý-tứ của bậc thày dạy

            đời mình từng trải.