Suy niệm Thánh Thể tĩnh tâm GP Xuân Lộc.
Bài 1: Cử hành Thánh Thể
Lạy Chúa Giêsu,
Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa đến viếng thăm chúng con mỗi ngày. Chúa ở lại với chúng con. Chúa viếng thăm để gặp gỡ, để trao đổi, chia sẻ cảnh đời đầy thăng trầm nổi trôi. Chúa hằng mãi mãi ở bên chúng con. Ước gì chúng con luôn được lưu lại trong Chúa. Bên Chúa chúng con sẽ luôn an vui , vì có Chúa là Thầy dạy, là khiên che, thuẫn đỡ, là chỗ chúng con tựa nương trong tháng năm dài dương gian.
Đọc Lời Chúa : Ga 1,1-14
Tin Mừng Đức Giêsu Kytô theo thánh Gioan
Lúc khởi đầu đã có Ngôi lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
Ngôi Lời là ánh sáng thật , ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng không do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
Đó là lời Chúa
Suy Niệm : (Mời ngồi)
“Đến” và “lưu trú” nói lên cuộc viếng thăm trọn vẹn của Thiên Chúa với nhân loại, trong Đức Kytô. Ngài chính là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Vì thế, mảnh đất người trở thành nơi, thành lối đường mạc khải của Thiên Chúa. Qua Đức Kytô , từ nay Thiên Chúa nói với chúng ta bằng tiếng nói của con người. Ngài đến với chúng ta bằng bước chân con người, và chia sẻ với chúng ta nơi bàn ăn thắm đượm tình người.
Trong thực tế, viếng thăm luôn gắn liền với sự trao đổi. Trao đổi nụ cười, cái nhìn, lời nói và ngay cả sự im lặng. Mức độ thâm sâu nhất của trao đổi là chia sẻ, đến nỗi không còn là của anh, của tôi mà là của chúng ta. Nhờ đó, nỗi khổ sẽ vơi đi, vì tìm được sự đồng cảm, đỡ nâng. Có thể, tôi khổ nhưng anh còn khổ hơn. Tôi không thể vui vì biết anh đang buồn.
Một cuộc viếng thăm có ý nghiã thường đưa đến sự biến đổi theo hướng thăng hoa. Một cuộc gặp gỡ đích thực tự nó đã làm cho thời gian và không gian của mỗi người như rộng lớn hơn. Vì chưng :
Một cuộc đời bị bỏ rơi nay lại được đón nhận.
Một cuộc sống cô độc nay lại được chia sẻ.
Một cuộc đời lây lất tìm lại được sức sống.
Một cái tôi chật hẹp nay mở toang cho một ai khác.
Vì vậy, xuyên suốt chiều dài lịch sử ơn cưú độ. Thiên Chúa luôn dùng hình thức viếng thăm để biểu lộ tình yêu của mình với nhân loại.
Từ những ngày đầu trong vườn địa đàng. Thiên Chúa luôn viếng thăm Adam – Evà . Ngài còn thăm nom tất cả công trình Ngài đã tạo nên. Ngài thăm Abraham và Sara. Ngài đến với Môsê trong bụi gai bốc cháy. Ngài thăm dân Israel dưới ách nô lệ Aicập. Ngài thăm để tỏ lòng thương xót đối với dân mà ngài đã cưu mang. Dù rằng đoàn dân đó đã bao lần sa đi ngã lại trong bất tín, bất trung. Và cuối cùng, Ngài đã viếng thăm và lưu lại trọn vẹn giữa nhân loại nơi Con Một Chí Thánh. Vì tên của người con đó là Emmanuel.
Bí tích Thánh Thể cũng chính là bí tích của cuộc viếng thăm cứu độ của Thiên Chúa với con người qua Đức Kytô. Thế nên, cử hành Thánh Thể là cử hành cuộc viếng thăm của Thiên Chúa trong hiện tại. Chiêm ngắm Thánh Thể là cuộc tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa. Thưa chuyện với Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể là cuộc trao đổi và tâm sự với Chúa về những ưu tư, lo lắng của cuộc đời. Trong tông thư về năm Thánh Thể Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể dân Chúa hãy học lấy kinh nghiệm của hai môn đệ đi làng Emmau. Họ không chỉ gặp Chúa, giải bầy tâm sự với Chúa nhưng vượt xa hơn, sau khi được lời Chúa hướng dẫn, lòng họ đã bừng cháy lên, lời Chúa đã giải thoát các ông khỏi sự tối tăm buồn bực và ngã lòng, và khơi lên trong lòng các ông ý muốn ở với Người: “Mời ông ở lại với chúng tôi”. Chính thời gian Chúa lưu lại với các ông, cùng ăn cùng uống với các ông, các ông đã nhận ra ánh sáng Phục Sinh của Chúa. Niềm vui vì nhận ra Chúa Phục sinh đồng thời cũng thôi thúc các ông đứng dậy ngay lúc đó để ra đi loan truyền về tất cả những điều các ông đã thấy, đã nghe và đã cảm nghiệm.
Như vậy đỉnh cao của việc gặp gỡ Chúa qua bàn tiệc Thánh Thể chính là lòng hăng say loan truyền tin mừng cứu độ của Chúa đến với muôn dân. Chính việc ăn Mình và uống Máu Thánh Chúa, ban cho chúng ta niềm hoan lạc của sự sống trong Chúa và củng cố đức tin, đức cậy và đức mến để chúng ta hăng say ra đi loan báo cho mọi người về những điều mình đã thấy, đã nghe và đã cảm nghiệm. Hai môn đệ Emmau đã bừng sáng niềm tin khi nhận ra dấu chỉ của việc bẻ bánh như là dấu chỉ sự hiện diện hữu hình của Thầy Chính Thánh. Ước gì mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Thể là cơ hội cho mỗi người chúng ta đón nhận những giây phút đầy hoan lạc bên Chúa và ước gì trong sứ vụ linh mục của Chúa, chúng ta cũng là dấu chỉ cho sự hiện diện đầy yêu thương, cảm thông của Chúa giữa anh chị em mình. Ước gì Chúa Phục sinh cũng nên bạn đồng hành cho chúng ta hôm nay và mãi mãi.
Cầu nguyện (Mời quỳ)
Lạy Chúa Giêsu, là Đấng mà ai gặp gỡ cũng được Chúa biến đổi, thăng tiến. Những con người tội lỗi như Giakêu, như Madalêna, đã tìm được niềm vui của sự hoán cải, của tha thứ và cảm thông. Những con người đang nặng trĩu những hoang mang lo lắng như hai môn đệ đi làng Emmau đã bừng sáng niền tin và hy vọng. Những trái tim chân thành như các tông đồ năm xưa đã tìm được lẽ sống để hân hoan bước đi theo Chúa. Tất cả những cảnh đời đó đã được biến đổi, được tăng thêm sức mạnh và nghị lực nhờ gặp được Chúa và trọn vẹn tín thác nơi Chúa.
Lạy Chúa, cuộc đời linh mục được gọi là Alter Christus nên cũng phải dấn thân như Thầy Chí Thánh Giêsu. Linh mục không được chọn để chuyên lo bàn giấy, hay chỉ chăm lo xây dựng nhà thờ, chỉnh trang nhà xứ. Linh mục là mục tử hướng dẫn đoàn chiên. Linh mục phải biết từng con chiên. Con đau yếu. con tật nguyền. Con khoẻ mạnh. Con lầm đường lạc lối. Con đang đi dần tới vực thẳm hiểm nguy. Linh mục sẽ không bị chê trách vì thiếu khả năng kiến thiết và xây dựng. Linh mục sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa và Giáo hội nếu linh mục không chu toàn trách nhiệm của người mục tử chăm sóc đàn chiên, và càng lỗi bổn phận khi để con chiên xa đàn lạc lối. Linh mục cần phải gần gũi để ân cần chăm sóc từng con chiên. Linh mục cần tìm muôn nghìn cách để đưa về ràn những con chiên lầm đường lạc lối, hay đang chìm đắm trong sương đêm của ảo ảnh trần gian. Linh mục sẽ cảm thấy thảnh thơi sau một đời dẫn dắt đàn chiên luôn bình an, được no đầy ân sủng và tình yêu của Chúa.
Linh mục được chọn để hiện diện giữa đàn chiên. Thế nên, cuộc đời linh mục phải là một cuộc hành trình đi đến với anh em. Sự gần gũi của linh mục sẽ mang lại niềm vui của sự cảm thông, khích lệ thật qúy báu cho đoàn chiên. Sự gần gũi tiếp xúc ân cần với đoàn chiên còn giúp cho linh mục có cơ hội phục vụ anh em một cách thiết thực, đúng lúc và đúng việc hơn.
Giờ đây, trong bầu khí linh thiêng của tuần tĩnh tâm, chúng con muốn chiêm ngắm tình yêu của Chúa qua bí tích Thánh Thể. Ước gì chúng con cũng biết lưu lại nơi đàn chiên của mình bằng trái tim mục tử hết mình vì đàn chiên. Xin ban cho chúng con trong những ngày tĩnh tâm này được soi dẫn bởi giáo huấn của Chúa hầu hiểu biết rõ sứ vụ của mình, biết rõ con đường mình phải đi hầu chúng con có thể đi trọn con đường theo Chúa. Nhưng lạy Chúa, với bản tính yếu đuối bất toàn và đầy khiếm khuyết, chúng con sợ sẽ thiếu trung thành trong sứ vụ của mình. Xin Chúa hãy ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều, vì đêm tối của thế gian, ma qủy và ác thần luôn rình chờ quật ngã chúng con. Xin Chúa trở nên bạn đồng hành với chúng con hôm nay và trong suốt cuộc đời chúng con. Amen
Bài 2: Bữa tiệc Agape
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể như dấu chỉ sự hiệp nhất chúng con nên một trong Chúa, như lời bài hát: “Chúa đến thăm con, thăm con mỗi sáng ngày, linh hồn thấy lại tuổi thơ ngây”. Bởi lẽ, tuổi thơ ngây con cái thường vui đùa bên cha mẹ, luôn cảm thấy an vui khi cha mẹ ở bên. Nhờ sự hiện diện của cha mẹ, con cái xum vầy bên nhau và mái nhà rộn rã tiếng cười vui. Qua Bí tích Thánh Thể Chúa hiện diện giữa chúng con như người cha luôn ở bên con cái mình. Sự hiện diện của Chúa đã quy tụ cộng đoàn chúng con thành một cộng đoàn phụng vụ để tôn kính và thờ lạy Chúa. Niềm vui của sự xum vầy và hạnh phúc của tình huynh đệ sẽ chan hòa nếu chúng con biết sống trong sự hướng dẫn và quan phòng của Chúa.
Đọc lời Chúa
Tin mừng theo thánh Gioan (17, 20 – 26)
Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng xin cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con,21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một:23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
24 Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đ ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con.26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa."
Suy niệm: (Mời ngồi)
Nếu bữa ăn tạo nên một tổ ấm gia đình thì bàn tiệc Thánh Thể tạo nên một cộng đoàn bác ái yêu thương. Quả thực, ngay từ bình minh của Giáo hội, các tín hữu thường lui tới hội đường để “chuyên cần lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ, sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện”. Việc làm này biểu lộ tính hiệp thông trong một đức tin và một lòng mến. Đức tin được nối kết bằng tình yêu vào Chúa Kytô đã liên kết họ thành một cộng đoàn bác ái yêu thương. Cộng đoàn này luôn được nuôi dưỡng nhờ Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa. Như lời tâm nguyện của Chúa Giêsu: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai, nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Cộng đoàn tín hữu tiên khởi đã cử hành phụng vụ bằng việc nghe giáo huấn của Chúa qua các Tông đồ, và cùng hiệp thông với nhau qua bữa ăn Agapé. Một bữa ăn đậm đà tình huynh đệ và thắm đượm tình người. Nơi đây không có ngăn cách bởi kỳ thị chủng tộc, màu da hay tầng lớp xã hội. Tất cả cùng chia sẻ một tấm bánh là chính Thánh Thể Chúa là nguồn lương thực nuôi dưỡng cộng đoàn.
Bàn tiệc Thánh Thể còn là nơi luôn đủ chỗ cho mọi người, tựa như không gian bàn ăn luôn đủ để thêm đũa, thêm chén cho bữa ăn thêm rộn ràng và chan hòa niềm vui. Nơi bàn tiệc Thánh Thể luôn là nơi rộng mở để chào đón mọi phận người. “Anh em hãy mau ra ngoài phố và các ngõ hẻm trong thành mà dẫn ăn mày, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây”. Đầy tớ lại rằng: “Thưa ông, ông truyền sao thì đã làm rồi, thế mà vẫn còn chỗ”. Chủ mới bảo đầy tớ: “Anh hãy ra đường xá, bờ giậu và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi”. Đó chính là tâm nguyện của Chúa Giêsu, Ngài hằng ước ao, Ngài ở đâu thì những kẻ tin theo Người cũng ở đó với Người. Bất luận họ là thành phần nào? Bất luận họ khác màu da hay không cùng chủng tộc, hết thảy đều được mời hiệp thông chia sẻ trong bữa ăn Agape đầy huynh đệ. Lẽ dĩ nhiên, nơi bàn tiệc càng không thể thiếu những ai đã gắn bó và tin theo Người. Tất cả những ai tin theo Người được mời gọi hiệp thông trong tình yêu của Chúa và sống liên đới huynh đệ với anh em.
Đỉnh cao của phụng vụ đó là sự hiệp nhất liên đới của mọi thành viên thành một cộng đoàn tôn thờ Thiên Chúa. Hiệp nhất sẽ tạo nên một cộng đoàn thánh thiện và chan hòa thương yêu. Kinh nghiệm thường ngày cho ta thấy, một gia đình tan nát không thể có một bữa ăn ấm cúng. Do đó, một cộng đoàn chia rẽ không thể có một thánh lễ sốt sắng. Thánh lễ chính là tiêu chuẩn đánh giá cho sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Vì nơi đây, mọi tạo vật đều quy hướng về Chúa để chúc tụng, tạ ơn và cầu xin. Lời cầu nguyện chỉ có thể làm rạng danh Chúa khi mọi người cùng hiệp tâm, hiệp ý để ngợi khen Cha trên trời và xứng đáng lãnh nhận ân phúc từ nơi Thiên Chúa. Vì vậy, lời cầu: xin hiệp nhất chúng con nên một, sẽ mãi mãi vang lên để nhắc nhở nhau, hãy sống tinh thần hiệp nhất để danh Chúa được cả sáng nơi cộng đoàn phụng vụ chúng ta.
Linh mục được mời gọi trở nên nhịp cầu cho sự hiệp nhất đàn chiên. Linh mục là chủ sự trong mọi sinh hoạt phụng vụ nơi giáo xứ. Linh mục dẫn dắt cộng đoàn cùng chung một ý, chung một tâm đầu ý hợp để cùng nhau ca khen chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa. Thế nên, linh mục cần phải sống tinh thần hoà giải. Linh mục phải có lòng bao dung. Linh mục không thể vì thành kiến cá nhân để loại trừ anh em, nhưng luôn khiêm tốn để gìn giữ sự hoà thuận cho anh em. Từng lời nói, từng cử chỉ của linh mục nơi toà giảng phải luôn tỏ ra hương thơm của bác ái, của vị tha. Bàn tiệc Lời Chúa như gia vị cho bàn tiệc Thánh Thể. Gia vị mặn chát từ ngôn ngữ của linh mục sẽ làm cho bữa ăn mất thơm ngon. Gia vị thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thiếu trau dồi sẽ làm cho bữa ăn nhạt nhẽo mất sức sống. Hơn nữa, phụng vụ là để tôn thờ Thiên Chúa chứ không phải tôn thờ cá nhân. Linh mục không được dùng toà giảng để đề cao mình hay để khích bác anh em. Linh mục cần phải hiến tế chính cái tôi của mình để Chúa được lớn lên trong con người linh mục. Phụng vụ là nơi quy tụ mọi người nên một trong Chúa, nên linh mục phải là nhịp cầu cho sự hiệp nhất và bình an.
Cầu nguyện: (Mời quỳ)
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Giữa một thế giới đầy nghị kỵ và hiểu lầm. Giữa một thế giới chủ nghĩa cá nhân đầy ích kỷ và tham lam. Người ta đang muốn loại trừ nhau. Cá lớn nuốt cá bé. Con người sống với nhau nhưng thiếu sự cảm thông, tha thứ, nên thế giới đầy hận thù, chiến tranh và khủng bố. Xin Chúa hãy hàn gắn lại những đổ vỡ cuả tình nhân loại. Xin tạo cho chúng con niềm tin nơi nhau. Cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh tình thương. Một gia đình nhân loại thanh bình và hạnh phúc. Không còn chiến tranh, hận thù và chia rẽ. Một gia đình nhân loại mà mỗi người luôn được đón nhận trong tôn trọng và yêu thương.
Xin cho linh mục đoàn chúng con luôn hiệp nhất với nhau. Hiệp nhất trong một đức tin,một đức mến. Hiệp nhất trong khiêm tốn đón nhận lời dạy dỗ của Đức Giám Mục. Hiệp nhất đế tránh những hiềm khích, những đố kỵ và ghen tương. Xin đừng để một linh mục nào tự tách mình ra khỏi linh mục đoàn bằng lối sống độc tôn, hay đang xa lìa anh em vì một lối đi riêng bỏ quên lời thề. Xin cho chúng con luôn biết quây quần bên nhau qua bàn tiệc Thánh thể để được hun nóng tình Chúa và sưởi ấm tình huynh đệ với nhau.
Xin cho linh mục chúng con cũng biết học nơi Chúa bài học yêu thương, để chúng con luôn biết sống cho và vì lợi ích đoàn chiên. Xin giúp chúng con biết sống tinh thần của thánh Augustinô xưa, “với anh em tôi là Kytô hữu và cho anh em tôi là linh mục”, để chúng con luôn hiện diện giữa đoàn chiên như người bạn cùng đồng hành với họ và biết lấy tình bác ái mục tử để quảng đại dấn thân vì đoàn chiên. Xin Chúa hãy ở lại trong con để qua con Chúa lại có thể tiếp tục đi đó đây để ban phát ơn lành, để viếng thăm những kẻ nghèo hèn, túng thiếu và tội lỗi, hầu giúp họ thăng tiến cuộc sống và tìm được giá trị đích thực của cuộc sống làm người.
Xin cho bàn tiệc Thánh Thể mà hằng ngày chúng con cử hành nên như dấu chỉ sự hiệp thông huynh đệ. Xin Chúa lưu lại nơi chúng con để hàn gắn những đổ vỡ, hiểu lầm và tái tạo lại tình hiệp nhất yêu thương cho những người chúng con đang sống. Xin cho mọi thành viên trong giáo phận luôn tha thiết với tâm nguyện: Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu của Chúa ngõ hầu danh Chúa được cả sáng nơi cuộc sống của từng người chúng con. Amen
THỪA TÁC VỤ LINH MỤC
Lạy Chúa Giêsu,
Tình yêu đích thực luôn đòi sự biểu lộ bằng hy sinh, bằng sự quên mình cho người mình yêu được an vui và hạnh phúc. Yêu là chấp nhận hy sinh. Yêu là phải quảng đại, dấn thân để mang lại hạnh phúc và bình yên cho người mình yêu.
Tình yêu đó được thể hiện thật rõ nét trong cuộc đời của Chúa. Chúa yêu nhân loại, nên chẳng nề gian nan vất vả. Đau khổ đắng cay. Dầm mưa giãi nắng. Yêu thương và phục vụ là biểu tượng của Chúa. Từ trẻ nhỏ đến cụ già. Từ người giầu đến người nghèo. Từ kẻ quyền thế đến kẻ thấp hèn. Chúa đều thi ân giáng phúc.
Giờ đây, trong bầu khí trang nghiêm sốt sắng. Chúng con muốn chiêm ngắm tình yêu đó trong cuộc đời dương thế của Chúa. Xin Chúa là tình yêu, thêm ơn trợ giúp để chúng con sống đúng ơn gọi làm môn đệ của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con hiểu được giá trị tình yêu, và quảng đại dấn thân để lập lại hành vi yêu thương và phục vụ như Chúa đã làm năm xưa.
Đọc Lời Chúa : Ga 15,9-17
Tin mừng Đức Giêsu Kytô theo thánh Gioan
Đức Giêsu nói cùng các môn đệ rằng : Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại , hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm :
Nói đến tình yêu là nói tới một tấm lòng được chia sẻ, được cho đi một cách quảng đại và đầy hy sinh. Nên tình yêu luôn đòi hỏi một sự quên mình, một sự hy sinh đến nỗi dám đánh mất chính mình để hòa nhập nên một với người mình yêu, để có thể gắn bó và chia sẻ trách nhiệm lo âu với người mình yêu. Tình yêu không có sự hy sinh là còn những toan tính vụ lợi. Tình yêu không có lòng quảng đại đó là một sự giả tạo để lừa dối hại đời, hại người.
Chúa Giêsu, Ngài đã trở nên mẫu mực cho tình yêu. Tình yêu của Ngài là một tình yêu ban tặng một cách nhưng không. Ngài không cần con người bù đắp, nhưng Ngài chỉ mong con người đón nhận và biết theo gương Ngài mà trao tặng cho nhau. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Tình yêu của Ngài là một tình yêu đầy quảng đại và hy sinh. Vì yêu nên Chúa đã hoá thân làm người. Ngài bỏ ngai trời xuống trần gian để hoà nhập với cuộc sống con người, để gắn bó và chia sẻ với những lo âu vất vả của một kiếp người. Ngài yêu thương nên đã quên mình phục vụ tha nhân. Suốt 3 năm rong ruổi khắp miền Palestin, Ngài đã để lại biết bao dấu ấn đầy yêu thương cho những con người bất hạnh lầm than, cho những cảnh đời bơ vơ, sống lây lất vì thiếu tình thương. Ngài đã đi đến tột đỉnh của tình yêu là dám chết cho người mình yêu. Tình yêu của Ngài là một tình yêu đầy cao thượng và bao dung. Ngài can đảm đón nhận mọi thua thiệt, mọi sỉ nhục, mọi đớn đau. Ngài dám chấp nhận cả sự ngược đãi từ những kẻ mà Ngài đã từng xả thân phục vụ. Ngài vẫn yêu thương họ, ngay cả trong lúc đau đớn đến tột cùng cực nhất bởi sự vô ơn và sự dã man của con người, Ngài vẫn mạnh dạn thưa lên cùng Chúa Cha : “Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Tình yêu của Ngài lớn đến nỗi có thể “phủ lấp muôn vàn tội lỗi của nhân sinh”.
Cuộc sống linh mục bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và đuợc múc lấy sức mạnh nơi vị mục tử nhân lành do Chúa Cha sai đến trong quyền lực của Chúa Thánh Thần. Đó là căn tính của linh mục. Thế nên, cuộc sống của linh mục phải mô phỏng hình ảnh vị mục tử nhân lành đã hiến mạng sống vì đoàn chiên. Linh mục đựơc mời gọi tham gia và thông phần vào sức sống của Đấng là Đầu Thân Thể, nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Biểu hiện rõ nét nhất của sự tham gia và thông phần chính là “Đức ái mục vụ”, để trao hiến trọn vẹn chính mình một cách tích cực và tươi vui. Đức ái mục vụ trở thành nguyên lý nền tảng cho đời sống hoạt động của linh mục.
Chính Đức Giêsu đã nêu lên mối liên kết giữa tình yêu dành cho Thiên Chúa với tình yêu dành cho tha nhân. “Yêu mến Chúa hết lòng” phải gắn liền với “yêu mến tha nhân như chính mình”(Mt 22,36-40). Ngài đã diễn tả tình yêu ấy như là tình yêu của người “Mục tử Nhân lành”. Không phải là người làm mướn để chờ bổng lộc, mà người mục tử yêu đàn chiên mình đến độ hiến dâng mạng sống vì đàn chiên (Ga 10, 11 – 15). Một tình yêu anh hùng được cụ thể bằng cả cuộc sống và nhất là cái chết trên thập giá. Tất cả những ai do bởi nghi thức phong chức linh mục, đều được mời gọi lấy lại tình yêu ấy làm lý tưởng cho cuộc đời mình, và sống chứng nhân cho tình yêu anh dũng của Vị Mục Tử Nhân Lành giữa cuộc đời hôm nay.
Linh mục sẽ trở nên giống Chúa Kytô khi linh mục luôn sẵn sàng dấn thân hết mình theo đòi hỏi của đức ái mục vụ. Mau mắn đến thăm và xức dầu cho kẻ đau ốm bệnh tật. Nhân từ khi xá giải cho các hối nhân. Cởi mở khi lắng nghe và đối thoại với tín hữu trong sự kính trọng và yêu thương. Nhất là luôn sẵn lòng đồng hành với đoàn chiên trong vui buồn sướng khổ của cuộc đời. Linh mục càng trở nên giống Chúa Kytô khi linh mục biết lo cái lo của đàn chiên, biết cảm thông những bất hạnh của đàn chiên và biết chạnh lòng thương xót đàn chiên đang thiếu thốn tư bề. Linh mục càng trở thành hiện thân của Đức Kytô khi linh mục sống không còn là mình mà là chính Đức Kytô đang sống trong cuộc đời linh mục, đang mượn lấy con người linh mục để yêu thương và phục vụ đoàn chiên. Linh mục sẽ trở nên giống Đức Kytô, khi linh mục dám quên đi những đam mê, những sở thích của riêng mình để tìm niềm vui trong việc phục vụ anh chị em tín hữu. Và với tinh thần phục vụ hết mình, linh mục mới cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho linh mục như lời tâm sự của Đức Thánh Cha Bênêdictô đã nói: “chỉ có việc phục vụ tha nhân mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Ngài đã yêu tôi như thế nào”. (Tđ.Thiên Chúa là tình yêu số 18)
Linh mục được tuyển chọn để dành riêng cho Thiên Chúa, nhưng không chia lìa khỏi đồng loại, mà để phụng sự Chúa trong anh em. Linh mục không thể là thừa tác vụ của Đức Kytô nếu không là chứng nhân và là nhà phân phát một sự sống khác hơn sự sống trần thế, đồng thời cũng không thể nào có khả năng phục vụ con người nếu như cứ xa cách với cuộc sống và hoàn cảnh của con người. Đây là hai đòi buộc liên kết hai khía cạnh của tác phong linh mục: không thuộc về thế gian nhưng vẫn ở giữa thế gian.
Ước mong với chủ đề “sống phụng tự” sẽ đem lại cho Giáo hội, giáo phận nhiều tấm gương tận tụy hy sinh để phân phát ơn lành và tình yêu của Chúa cho tha nhân nơi các linh mục của Chúa hôm nay.
Lời nguyện: (Mời quỳ)
Lạy Chúa, Chúa đã không chỉ trao ban cuộc sống của Chúa cho nhân loại mà còn thí mạng sống vì chúng con. Chúa không chỉ trao lời hằng sống mà còn tặng ban chính Mình Máu Chúa nên của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng con , để rồi Chúa cũng mời gọi chúng con “Anh em hãy yêu thưong nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Xin cho chúng con trong đời sống hằng ngày luôn biết từ bỏ cái tôi ích kỷ để mở rộng tâm hồn đến với tha nhân. Xin cho chúng con không chỉ trao tặng nhau lời nói, ánh mắt cảm thông mà còn cả cuộc sống sẵn sàng phục vụ quên mình. Xin cho chúng con đừng bao giờ đòi quyền lợi cho mình nhưng luôn nghĩ đến thiện ích cho tha nhân. Xin cho chúng con luôn quảng đại, yêu thương và phục vụ tha nhân với tất cả nhiệt tình và khả năng mà Chúa đã ban cho chúng con . Xin Chúa thêm ơn trợ giúp để chúng con luôn trung tín với giới luật yêu thương của Chúa. Amen
HIẾN TẾ CUỘC ĐỜI
Lạy Chúa Giêsu mến yêu ,
Chúng con đang sống trong những ngày kỷ niệm mừng Chúa giáng sinh làm người. Chúng con xin dâng lời cảm tạ tình thương ưu ái mà Chúa đã dành cho nhân loại chúng con . Tình thương đó thể hiện qua việc từ bỏ của Chúa. Chúa từ bỏ ngai trời để xuống cư ngụ giữa chốn dương gian. Từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa mà mặc lấy xác thân phàm nhân. Ba mươi ba năm tại thế là thời gian qúa ngắn của một đời người. Thế mà Chúa đã làm biết bao điều cao cả . Thập tự giá của Chúa đã trở thành biểu tượng cho mọi tình yêu trên trái đất. Yêu thương đến quên cả chính mình và dám chết cho người mình yêu. Cuộc sống của Chúa đã trở nên gương mẫu cho con người sống với nhau. “Nếu Thầy là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, các con cũng hãy rửa chân cho nhau”. Sự phục sinh và lên trời của Chúa đã khai mở cho nhân loại một mùa xuân hy vọng và lạc quan “Thầy đi để dọn chỗ cho các con”.
Vì vậy mà hai ngàn năm trôi qua. Nhân loại vẫn không ngừng nói về tình yêu của Chúa. Dù kẻ có niềm tin hay không, cũng không thể chối bỏ giá trị cuộc sống gương mẫu của Chúa. Càng không thể gạt ra ngoài những lời dạy dỗ đầy tình bác ái yêu thương của Chúa: “Hãy yêu thương tha nhân như chính mình”. Lời nói thật chí tình được kèm theo cả hành vi thấm đượm tình người của Chúa đã đi vào trong tâm khảm từng người chúng con. Biến đổi thế giới đầy hoang mac khô cằn tình người, thành một mùa xuân nở rộ hoa công lý và yêu thương.
Trong tâm tình đó, giờ đây chúng con mong muốn được nghe lời dạy của Chúa để sống lại tâm tình của Chúa và chiêm ngưỡng hành vi mà Chúa đã làm khi xưa.
NHD: (mời đứng) Đọc lời Chúa Lc 12, 49-53
Tin Mừng Đức Giêsu Kytô theo thánh Luca
Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ : Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.
Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Ngồi
Đức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài. Ngài đến để ném lửa trên măt đất, và Ngài ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên. Ngọn lửa Đức Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Đây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ trên đường Emmau đang tuyệt vọng.
Vâng, có lẽ cuộc đời linh mục cũng cần được ngọn lửa của Chúa chạm đến, cần được Chúa làm bừng sáng lên những sức mạnh tiềm ẩn nơi bản thân linh mục. Cuộc đời linh mục cần được ngọn lửa tình yêu của Chúa sưởi ấm trong những lúc đêm dài cô đơn và buồn chán.
Vì cuộc đời linh mục cũng không thiếu những đêm dài giá lạnh. Cuộc đời linh mục càng không thiếu những lúc lòng nặng trĩu những lo âu trước đêm tối của cuộc đời. Cái giá lạnh đêm thâu của sự hiểu lầm, của sự dèm pha, phê phán của giáo dân và sự nghi kỵ, thiếu cảm thông của anh em linh mục đoàn. Cái đêm tối của cô đơn, của bệnh tật kéo dài, của thất bại và chán trước những công việc mục vụ của giáo xứ. Linh mục cần được lửa tình yêu của Chúa sưởi ấm. Chính tình yêu của Chúa sẽ mang lại cho cuộc đời linh mục một sức sống vươn lên, một nghị lực để có thể vượt qua mọi giông tố của cuộc đời, mọi rào cản của cuộc sống. Chính tình yêu của Chúa sẽ giúp linh mục luôn chu toàn bổn phận của mình ngay trong những khốn khó gian nan.
Sự trăn trở và ước mong cho ngọn lửa ấy bừng lên dường như vẫn còn đang là lời mời gọi thiết tha mà Chúa muốn nơi các linh mục: “Phải chi lửa ấy đã bừng lên”. Chúa vẫn mời gọi các linh mục thực hiện niềm ước mong mà Chúa đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn, cho con người biết sống cho nhau và vì nhau. Cho con người biết lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy. Cho công lý ngự trị và hoa bác ái nở rộ tràn lan trên mặt đất. Chúa vẫn mong các linh mục không chỉ ban phát ơn thánh của Chúa qua các bí tích mà còn mang lửa của yêu thương sưởi ấm biết bao phận người đang chìm đắm trong bể khổ, đang u uất những niềm đau, đang đi vào ngõ cụt cuộc đời.
Có biết bao con chiên không thuộc về ràn nhưng đang đói khát lầm than. Họ đang cần linh mục chạm tới họ bằng con tim yêu thương, nhận hậu.
Có biết bao con chiên đang lầm đường lạc lối, đang tả tơi trong những thất bại đắng cay cuộc đời. Linh mục cần phải ra đi để đến với muôn dân, để tìm những chiên lạc và đưa về ràn.
Có biết bao phận người đang vất vả lầm than, họ cần được sưởi ấm từ ngọn lửa yêu thương nơi đức ái mục tử biết hiến dâng mạng sống mình vì đàn chiên.
Nhưng, để có thể thắp sáng chan hoà ngọn lửa và ánh sáng cho trần gian, linh mục phải chấp nhận bị khước từ và đe dọa. Chính Chúa khi còn tại thế đã linh cảm những gì xảy ra cho đời mình. Chúa sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng, sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau của cô đơn phản bội. Và Chúa cũng từng nói trước: Người ta sẽ ghét bỏ anh em, sẽ vu cáo anh em mọi điều . . . Nhưng ai bền đỗ tới cùng sẽ được cứu thoát. Linh mục cần phải kiên vững trong đức tin, đức cậy và đức mến, dù rằng cuộc đời có bạc đãi, có thử thách, chông gai. Linh mục cần phải xác tín rằng: Ơn Chúa luôn đủ và quyền năng Chúa sẽ hiển trị nơi sự yếu hèn trong con người linh mục.
Hôm nay, ngày cuối của tuần tĩnh tâm, lời Chúa như vẫn tha thiết mời gọi các linh mục hãy tiếp tục ra đi ném lửa trên mặt đất và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối.
Bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng.
Bóng tối của hận thù , của bệnh vô cảm trước nỗi khổ của tha nhân.
Bóng tối của nghèo nàn và lạc hậu.
Bóng tối ở ngay trong lòng mình khi để lòng mình chiều theo cám dỗ của tội lỗi.
Bóng tối qúa dày đặc mà ngọn lửa nơi trái tim linh mục lại qúa yếu ớt, mong manh. E rằng sẽ khó đứng vững trước bao sóng gió nghi nan. Nhưng sau đêm dài là ánh bình minh. Sau gian khó hy sinh là những ngày gặt hái tươi vui. Như Chúa khi bị treo trên thập tự giá . Khi bị giam trong mồ. Bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Chúa, nhưng ngọn lửa Phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen. Đó là niềm hy vọng cho những người vẫn còn hăng say chiến đấu để đẩy lui bóng tối đang bao trùm trong môi trường tục hoá hôm nay. Linh mục phải là bàn tay nối dài của Chúa để đây lui bóng tối ra khỏi mọi nơi mọi chỗ, để kiến tạo một thế giới đầy ánh sáng tình thương, giúp con người nhận ra nhau là anh em mà đối xử với nhau trong tin yêu chân thành và trong bác ái bao dung.
Cầu nguyện (Mời quỳ)
Lạy Chúa, lời tâm huyết mà Chúa hằng mong muốn nơi chúng con : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Lời đó không chỉ là lời mời gọi mà còn là một điều kiện tất yếu để trở nên môn đệ của Chúa. Nếu chúng con là môn đệ của Chúa mà không diễn tả được tình yêu của mình trong ngôn ngữ, hành động của mình thì chúng con chỉ là kẻ dối gian. Theo Chúa là bước theo chân của Chúa. Theo Chúa là trở nên giống Chúa . Theo Chúa là đặt trọn niềm tin tưởng, phó thác vào sự dẫn dắt của Chúa. Theo Chúa là quên đi bản thân mình mà hòa nhịp với trái tim yêu thương của Chúa. Như thế , theo Chúa là soi mình dưới ánh sáng của Chúa. Không thể theo Chúa mà lại đi trong tối tăm. Nhưng phải cùng với Chúa để đẩy lui bóng tối tội lỗi trong chính bản thân mình và trong môi trường xung quanh.
Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Xin cho chúng con biết dùng tình yêu làm biểu tượng cho cuộc sống của mình. Xin cho chúng con biết sống và yêu như Chúa đã sống để yêu thương chúng con. Amen.
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
********************************************
- Loại bài viết: