Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bốn Bài Giảng Của Cha Raniero Cantalamessa...

Tác giả: 
Lm. Raniero Cantalamessa

 

 

BỐN BÀI GIẢNG CỦA CHA RANIERO CANTALAMESSA, OFMCAP. 
CHO GIÁO TRIỀU VATICAN MÙA VỌNG NĂM 2011, 
VỀ NHỮNG NỖ LỰC TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI HÔM QUA VÀ HÔM NAY

 

 

Với mong muốn đáp ứng phần nào lời mời gọi của Đức Thánh Cha BÊNÊĐICTÔ XVI về nỗ lực Truyền giáo và Tái truyền giáo của Giáo Hội hiện nay, xin trân trọng gửi đến quí vị độc giả bản dịch 4 bài giảng của linh mục Raniero Cantalamessa, ofmcap., giảng cho Giáo triều Vatican trong Mùa Vọng 2011 vừa qua (bản Việt ngữ của linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung, giáo phận Phan Thiết) :


BÀI I : 
“HÃY ĐI KHẮP CÙNG THẾ GIỚI”


Đợt sóng loan báo tin mừng thứ nhất.


Nhằm đáp ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha cần có những nỗ lực mới rao giảng tin mừng và chuẩn bị cho Thượng Hội đồng các Giám mục năm 2012, trong những bài suy niệm Mùa Vọng năm nay, về chủ đề nầy, tôi xin mạn phép được tự giới hạn trong 4 đợt sóng loan báo tin mừng mới, hay còn  gọi là 4 thời đoạn mà trong lịch sử Giáo Hội vốn được ghi dấu bởi một sự tăng tốc hay lấy lại đà lực khá ngoạn mục trong nỗ lực dấn thân truyền giáo. Đây là 4 thời đoạn đó :

1-     Ba thế kỷ truyền bá kitô-giáo đầu tiên, cho đến trước khi sắc lệnh của hoàng đế Constantin được ban hành : đây là thời kỳ mà các nhân vật then chốt trong nỗ lực nầy trước tiên đó là các ngôn sứ, rồi đến các giám mục;
2-     Các thế kỷ từ VI đến IX, sau làn sóng xâm nhập châu Âu của các dân tộc man di : đây là thời kỳ chứng giám một đợt sóng loan báo tin mừng mới, chủ yếu nhờ vào các đan sĩ (moines);
3-     Thế kỷ XVI, với việc khám phá và trở lại kitô-giáo của “tân thế giới” (“nouveau monde”), nhờ vào nỗ lực của các tu sĩ (religieux);
4-     Thời kỳ hiện tại chứng giám việc Giáo Hội dấn thân vào một nỗ lực loan báo tin mừng mới ở phương Tây đang bị tục hóa, với sự tham gia có tính quyết định của hàng ngũ giáo dân.

Ở nơi mỗi thời kỳ, tôi sẽ cố gắng đưa ra ánh sáng điều mà chúng ta có thể học hỏi cho Giáo Hội ngày hôm nay : đâu là những sai lầm cần phải tránh, và đâu là những tấm gương sáng cần học hỏi bắt chước, và đâu là đóng góp đặc thù mà các đan sĩ, các tu sĩ sống đời sống tông đồ và các giáo dân đã có thể mang lại cho nỗ lực loan báo tin mừng nầy.

I-  Kitô-giáo lan truyền, trong ba thế kỷ đầu tiên.

Chúng tôi sẽ bắt đầu với suy tư về nỗ lực loan báo tin mừng kitô trong ba thế kỷ đầu. Nhất là vì giai đoạn nầy trở thành như mô mẫu cho tất cả mọi thời. Đó là giai đoạn mà kitô-giáo tự mày mò để tim ra hướng đi, hoàn toàn chỉ dựa trên sức riêng của mình. Chẳng có “bàn tay thế tục nào” để mà nương tựa cả; các cuộc trở lại chẳng phải là do có sự hậu thuẫn nào từ bên ngoài, vật chất hay văn hóa; là kitô-hữu chẳng phải là do thói quen hay là vì đó là một thứ “mốt thời đại”, mà là một chọn lựa phải lội ngược giòng, và nguy cơ đến tính mạng thường luôn rình rập bên mình. Trong một nghĩa nào đó, đây cũng là thực tế mà một số kitô-hữu trong một số vùng đất nào đó của thế giới hôm nay vẫn còn đang phải đối diện với.

Niềm tin kitô nẫy sinh ra cùng lúc với việc Giáo Hội cởi mở ra với chiều kích toàn thể. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài là “hãy đi khắp cùng thế giới”” (Mc 16, 15), “hãy thu nạp các môn đệ từ khắp muôn dân” (Mt 28, 19), hãy là những chứng nhân của Ngài “đến tận mút cùng trái đất” (Cv 1, 8), hãy “loan báo cho chư dân vì danh Ngài mà hãy quay trở về để được thứ tha tội lỗi” (Lc 24, 47).

Việc áp dụng nguyên tắc dựa trên tính phổ quát nầy đã thấy xuất hiện ngay trong thế hệ các tông đồ, tuy nhiên, không phải là không có những khó khăn và cả những chia rẽ mất mát. Ngày Lễ Ngũ Tuần, rào cản đầu tiên được gỡ đi đó là rào cản chủng tộc (3000 người tòng giáo thuộc nhiều dân tôc khác nhau, nhưng tất cả đều là những tân tòng mới theo Do Thái giáo); trong nhà của Corneille và nơi Công đồng được gọi là “Giêrusalem”, nhất là dưới sức ép của Phaolô, rào cản khó khăn nhất trong tất cả mọi rào cản, đó là rào cản tôn giáo vốn chia cách giữa những người Do thái và lương dân, đã được vượt qua. Kể từ nay, trước mặt Tin Mừng là toàn thể thế giới, ngay như cho dù trước con mắt hiểu biết của những người đương thời, thế giới nầy chỉ giới hạn trong cái lòng chảo của miền Địa Trung hải, và ranh giới là biên thùy của Đế quốc Roma.

Vấn đề đi sát theo quá trình bành trướng của kitô-giáo cách  cụ thể  hay dựa trên địa lý trong suốt ba thế kỷ đầu, vốn là vấn đề phức tạp hơn nhiều, nhưng nói cho cùng, đó không phải là mục đích của chúng tôi ở đây. Nghiên cứu đầy đủ nhất hiện nay về chủ đề nầy là của Adolph von Harnack, “Mission et expansion du Christianisme aux trois premiers siècles” (Công cuộc truyền giáo và sự bành trướng của Kitô-giáo trong ba thế kỷ đầu). Trong Giáo Hội, hoạt động truyền giáo thấy được đẩy mạnh dưới  thời hoàng đế Commode (180-192) và rồi trong hạ bán thế kỷ II, tức là ngay trước lúc diễn ra cơn bách hại lớn dưới triều Dioclétien (302). Không kể một vài cuộc bách hại lẻ tẻ nào đó mang tính cục bộ địa phương, đây quả là thời kỳ mà Giáo Hội sơ khai đã có thể tự ổn định về mặt nội bộ bên trong, và đang triển khai một sinh hoạt truyền giáo mang một dung mạo mới.

Chúng ta sẽ xem xét đâu là cơ sở của đặc tính mới mẻ nầy. Trong suốt hai thế kỷ đầu, việc truyền bá đức tin chủ yếu là sáng kiến của các cá nhân. Các ngôn sứ lang thang, mà sách Didaché có đề cập tới, di chuyển từ nơi nầy đến nơi khác; nhiều cuộc trở lại vốn là kết quả của những tiếp xúc cá nhân, giữa những người có cùng chung một ngành nghề nào đó, qua những chuyến hành trình chung và qua những quan hệ làm ăn buôn bán, qua việc cùng nhập ngũ với nhau hay qua những hoàn cảnh sống khác nữa bất kỳ. Origène cung cấp cho chúng ta một hình ảnh đầy xúc động về lòng nhiệt thành của những nhà truyền giáo tiên khởi như thế nầy :

“Các kitô-hữu đã làm hết sức mình tất cả gì có thể để  truyền bá niềm tin trong thế giới. Mốt số người, nhằm mục đích nầy, đã chọn lối sống dành cả cuộc đời cho công việc truyền giáo, đi từ thành nầy sang thành khác, kể cả từ thị trấn nầy sang thị trấn khác và từ biệt thự nầy sang biệt thự khác, nhằm đưa được càng nhiều tín hữu mới về cho Đức Chúa. Và, tôi vẫn hy vọng thế, chẳng có ai lại đi nói rằng những người nầy làm thế là có ý nhằm mang lại một chút lợi lộc nào đó cho bản thân mình, bởi vì những người nầy vẫn khước từ ngay cả những gì cần thiết cho cuộc sống của mình.”.

Đã đến lúc, và lúc nầy đây, tức là trong hạ bán thế kỷ III, các sáng kiến cá nhân nầy dần dần ngày càng được điều phối lại nhằm mục đích chung và một phần được thay thế bởi cộng đoàn địa phương. Vị giám mục, có lẽ chỉ do bởi phản ứng chống lai những khuynh hướng phá hoại của lạc giáo ngộ đạo thuyết, đã được đưa đẩy đến chỗ vị trí còn vượt lên trên cả các thầy, đóng vai trò trung tâm trong đời sống bên trong của cộng đoàn, và như vậy còn trở thành đầu kéo của hoạt động truyền giáo. Cộng đoàn, kể từ đó, là chủ thể truyền giáo, đến độ một chuyên viên như Harnack, mà không ai có thể nghi ngờ thịnh tình của ông ta đối với cơ chế nầy, đã có thể khẳng định : “Chúng ta cần phải công nhận rằng việc kitô-giáo được lan truyền như vậy, nhân tố chính đó là sự hiện hữu và nỗ lực bền bĩ dẻo dai của từng mỗi cộng đoàn”.

Vào cuối thế kỷ III, niềm tin kitô trên thực tế đã xâm nhập được vào trong tất cả các giai tầng xã hội. Niềm tin kitô, kể từ nay, có nền văn chương riêng của mình bằng ngôn ngữ Hy lạp, và một nền văn chương khác nữa, vừa mới manh nha bắt đầu, bằng tiếng Latinh. Cơ cấu  bên trong của niềm tin đó đã ổn định. Niềm tin kitô bắt đầu xây dựng được những công trình ngày càng rộng lớn hơn, đó là dấu chỉ cho thấy con số tín hữu đã ngày càng gia tăng. Cuộc bách hại đạo lớn dưới thời Dioclétien, ngoài việc có nhiều nạn nhân, càng chứng tỏ cho thấy kể từ nay niềm tin kitô đã là một sức mạnh không thể nào có thể kìm hãm được. Cánh tay sắt vừa mới vung ra đó giữa đế quốc và kitô-giáo chứng tỏ cho thấy điều đó.

Constantin, thực ra, chỉ làm cái việc hợp pháp hóa tương quan sức mạnh mới đó mà thôi. Không phải Constantin sẽ áp đặt kitô-giáo cho quần chúng, mà chính quần chúng sẽ áp đặt kitô-giáo cho Constantin. Những khẳng định như kiểu của Dan Brown trong cuốn tiểu thuyết của ông ta : “Da Vinci code” và những kẻ phổ biến khác, theo đó, Constantin, vì những lý do cá nhân, qua một sắc lệnh ân xá và với Công đồng Nicée, đã biến một giáo phái gốc Do thái giáo vốn không mấy ai biết đến trước đó thành tôn giáo của đế quốc, chứng tỏ đã hoàn toàn không biết gì về điều đã xẫy ra trước những biến cố nầy.

II-  Những nguyên nhân dẫn đến thành công

Một vấn nạn vẫn luôn làm say mê các sử gia, đó là những lý do nào đã dẫn kitô-giáo đến chỗ chiến thắng khải hoàn như vậy. Một sứ điệp đã vang lên trong một xó góc tối tăm và bị khinh rẻ của đế quốc, giữa những đám dân đen giản đơn, không văn hóa và không quyền lực, mà trong chưa đầy 3 thế kỷ, đã lan tràn ra đến tận cả nơi thế giới vốn được nhiều người biết đến thời đó, và cuối cùng thống trị trên cả nền văn hóa đỉnh cao của những người Hy lạp và trên cả sức mạnh quyền lực vô địch của đế quốc Roma ! Giữa những lý do dẫn đến thành công khác nhau, một số người  nhấn mạnh trên tình yêu kitô và việc tích cực thực thi đức bác ái, đến độ biến công việc thực thi bác ái nầy thành “yếu tố chủ đạo mạnh mẽ nhất, có một không hai, dẫn đến thành công của niềm tin kitô”, đến độ người ta còn qui kết cho hoàng đế Julien l’Apostat cái việc sau nầy vì muốn cạnh tranh với thành công của những người kitô-hữu đã chủ trương người ngoại giáo cũng cần phải có những công việc bác ái như vậy. 

Harnack, về phần mình, gán một tầm quan trọng lớn cho điều mà ông ta gọi là bản chất “dung nạp” (la nature “syncrétiste”) của niềm tin kitô, tức là khả năng hòa hợp nơi mình những khuynh hướng vốn đối nghịch nhau và những giá trị khác nhau hiện diện trong các tôn giáo và trong nền văn hóa đương thời. Kitô-giáo, đồng thời, trong cùng lúc vừa hiển hiện ra như tôn giáo của Thần Khí và của sức mạnh, tức là còn được kèm theo bởi những dấu chỉ siêu nhiên, bởi những đặc sủng và những phép lạ, vừa như tôn giáo của lý trí và của Ngôi Lời toàn thể (Logos intégral), như là “nền triết học thực sự” (la vraie philosophie), theo lối nói của thánh tử đạo Justin. Các tác giả kitô là “những nhà duy lý về cái siêu nhiên”, Harnack khẳng định khi trích dẫn Phaolô và các lời nói của ngài về niềm tin được diễn tả như là “sự tôn thờ đích thực” (Rm 12, 1).

Theo cách đó, trong một tình trạng quân bình hoàn hảo, kitô-giáo đã tập hợp lại được trong mình điều mà triết gia Nietzsche đã định nghĩa như là sự liên kết giữa yếu tố thuộc thần Apolon và yếu tố thuộc Thần rượu của tôn giáo Hy lạp, giữa Lời (Logos) và Thần Khí (Pneuma), giữa trật tự và nhiệt tình, giữa chừng mực và thái quá. Đó chính là điều mà các Giáo Phụ, ít nhất là một phần, đã hiểu qua đề tài “cơn say ngất Thần Khí thanh nhã” (la “sobre ivresse de l’Esprit”).

“Ngay từ đầu, - nơi cuối cùng của công trình nghiên cứu đồ sộ của mình, Harnack viết– tôn giáo kitô đã để lộ cho thấy một thứ chiều kích phổ quát, vốn đã cho phép tôn giáo nầy thu nạp được vào mình toàn bộ đời sống, cùng với toàn bộ những chức năng, những chiều đi lên và những chiều sâu, những cung bậc tình cảm, những tư duy và những hành động của nó. Chính tinh thần phổ quát nầy đã bảo đảm cho kitô-giáo có được chiến thắng đó. Đó chính là điều đã dẫn kitô-giáo đến chỗ dám tuyên xưng rằng Đức Giêsu mà nó đang loan báo là Lời Thiên Chúa…Một tia sáng mới đang rọi soi cho nó, và sức cuốn hút mạnh mẽ mà đã khiến cho kitô-giáo đạt được đến chỗ hấp thu luôn cả Nền văn minh Hy lạp, khiến cho nền văn minh đó lụy phục mình,  để lộ ra cho thấy đó như là một sự tất yếu.  Tất cả gì, cách nào đó, vẫn còn có khả năng mang trong mình sự sống đều nhập được vào như một yếu tố trong cấu trúc của nó… Làm sao mà một tôn giáo như thế lại có thể không thành công được chứ ?”

Ấn tượng chung mà người ta có khi đọc tổng hợp nầy đó là thành công của kitô-giáo vốn tùy thuộc vào cả một tổ hợp bao gồm nhiều nhân tố. Một số người còn đi xa trong nỗ lực tìm kiếm những nguyên nhân của một thành công như vậy, đến độ đã tìm thấy có đến 20 lý do thuận lơi cho niềm tin và cũng từng ấy lý do cản trở sự phát triển của niềm tin, như kiểu lối thoát cuối cùng tùy thuộc vào chiến thắng của những yếu tố thuận lợi trên những yếu tố không thuận lợi.

Ngay bây giờ đây, tôi muốn chứng tỏ cho thấy hạn chế của một lối tiếp cận dựa trên lịch sử như vậy, mặc dù cung cách tiếp cận nầy có được tiến hành bởi những sử gia tín hữu  như những người mà tôi đã nêu lên cho đến lúc nầy. Giới hạn nầy, vốn nằm ở nơi chính phương pháp lịch sử, đó là do người ta đã quá chú trọng đến chủ thể hơn là đối tượng của nỗ lực truyền giáo, đến những người loan báo tin mừng và những điều kiện trong đó nỗ lực truyền giáo diễn ra hơn là đến chính nội dung của nỗ lực nầy.

Lý do thúc đẩy tôi phải làm điều nầy, bởi vì giới hạn nầy cũng là giới hạn và nguy cơ mà người ta thường gặp thấy trong nhiều lối tiếp cận hiện nay và trên các phương tiện truyền thông, khi nói về nỗ lực mới rao giảng tin mừng. Người ta quên một điều hết sức đơn giản : đó là chính Đức Giêsu đã cho chúng ta biết trước một lối giải thích  về việc lan truyền Tin Mừng của Ngài rồi, và mỗi lần muốn chuẩn bị cho một nỗ lực truyền giáo mới, chúng ta cần phải lại khởi đi từ đó.

Chúng ta hãy nghe lại 2 dụ ngôn ngắn của tin mừng, dụ ngôn hạt giống được gieo và lớn lên ngay cả trong đêm khuya và dụ ngôn hạt cải bé tí. “Đức Giêsu nói : ‘Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẫy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu : trước hết cây lúa mọc lên, rồi trỗ đòng đòng , và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa’.” (Mc 4, 26-29).

Dụ ngôn nầy, chỉ mình nó thôi, cũng đã đủ đế nói với chúng ta rằng lý do thành công chủ yếu của nỗ lực truyền giáo kitô không đến từ bên ngoài, mà đến từ bên trong, rằng công cuộc truyền giáo không phải là công trình của người gieo giống, cũng chẳng phải là của đất đai, mà là của chính hạt giống được gieo. Hạt giống không thể tự mình gieo xuống lòng đât, tuy nhiên, hạt giống cách tự động và tự mình nẫy mầm. Sau khi gieo hạt giống xuống đất, người gieo giống có thể an tâm đi ngủ, sự sống còn của hạt giống không còn lệ thuộc vào ông ta nữa. Khi hạt giống nầy là “hạt giống được gieo vào lòng đất và chết đi”, Đức Giêsu còn nói, thì chẳng có gì có thể ngăn cản nó “mang lại nhiều hoa trái”. Về những thứ hoa trái nầy người ta có thể đưa ra đủ thứ giải thích mà người ta muốn, những giải thích nầy dầu vậy vẫn luôn chỉ nằm ở bề mặt của vấn đề mà thôi, chứ không bao giờ nắm bắt được điều chính yếu.

Tông đồ Phaolô, cách sáng suốt, là người đã dành ưu tiên hàng đầu cho đối tượng của loan báo so với chủ thể : “Tôi trồng, Apollo tưới : nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng làm cho tăng trưởng”. Những lời nầy xem ra bình chú dụ ngôn của Đức Giêsu. Ba công việc nầy không phải có cùng mức độ quan trọng như nhau; thật vậy, vị tông đồ còn thêm : “Vì thế, kẻ gieo chẳng là gì, người tưới cũng chẳng là chi; duy chỉ có Đấng làm cho tăng trưởng mới là đáng kể !” (1 Cr 3, 6-7). Khoảng cách biệt trên cơ sở phẩm tính như thế giữa chủ thể và đối tượng của loan báo còn được tìm thấy trong một lời khác của Vị Tông đồ : “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa , chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4, 7). Tất cả điều đó được diễn dịch ra trong những tiếng kêu trần tình như đã được định sẵn trước : “Không phải chúng tôi rao giảng chính mình, mà là rao giảng Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng tôi !”; hay còn nữa : “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá”.

Đức Giêsu còn công bố một dụ ngôn thứ hai trên cơ sở hình ảnh hạt cải, nhằm giải thích thành quả của công cuộc truyền giáo kitô, và vẫn còn đầy ý nghĩa đối với ngày hôm nay, khi mà Giáo hội đang đầu tư cho một nỗ lực mênh mông nhằm tái-tin mừng-hóa lại cái thế giới đang bị tục hóa nầy.

“Đức Giêsu nói : ‘Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây ? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được ? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.’.” (Mc 4, 30-32).

Giáo huấn mà Đức Giêsu muốn dạy ta qua dụ ngôn nầy đó là Tin Mừng của Ngài, chính Ngôi Vị của Ngài, là tất cả gì vốn rất nhỏ bé trên mặt đất nầy, vì rằng chẳng còn gì nhỏ bé hơn và yếu ớt hơn là một cuộc đời chấm dứt với một cái chết nhục nhã trên thập tự giá. Tuy nhiên, “hạt cải nhỏ bé nầy” lại đã được định phần để trở nên một cây to lớn, to lớn bao la đến độ các cành của nó có khả năng đón nhận tất cả mọi giống chim trời đến trú ngụ. Điều đó có nghĩa là toàn thể thụ tạo, đúng vậy, toàn thể, sẽ đến trú ẩn trên đó.

Một lối nhìn khác lạ biết bao so với những tái cấu trúc trình bày qua lăng kính lịch sử như đã được nêu lên trên đây ! Nơi những lối nhìn lịch sử đó, tất cả đều có vẻ không chắc chắn, bấp bênh, bị treo lơ lững giữa khả năng thành công và khả năng thất bại; còn ở đây, tất cả đều đã được quyết định và bảo đảm ngay từ đầu ! Trong đoản văn nói về việc xức dầu ở Béthanie, Đức Giêsu đã kết luận với những từ nầy : “Thầy bảo thật anh em : Tin Mừng nầy được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô.” (Mt 26, 13). Cũng cùng một ý thức thanh thản đó rằng một ngày nào đó sứ điệp của mình sẽ được lan tỏa ra “trên khắp cùng thế giới”. Đã hẳn, đây không phải là một lời tiên tri “sau khi đã xãy ra sự việc” (“post eventum”), vì rằng ngay thời điểm lời nầy được nói ra tất cả cho thấy là tình hình có vẻ đi theo chiều hướng ngược lại.

Cả nơi điều nầy cũng vậy, giữa tất cả, Phaolô vẫn là người nắm bắt được cách tốt nhất “mầu nhiệm được dấu kín”. Có một sự kiện vẫn luôn luôn làm cho tôi cảm kích xúc động : Vị Tông đồ đã giảng đạo tại Quảng Trường tự do ở Athènes và đã phải chịu việc người ta từ chối sứ điệp của mình, cách khá lịch sự, kèm theo lời hứa là sẽ nghe lại một dịp khác. Ở Corinthe, nơi mà Phaolô đã đi tới ngay sau đó, ngài đã viết Thư gửi những Tín hữu Roma, trong đó ngài khẳng định đã nhận được mênh lệnh phải cố gắng dẫn đưa “mọi dân nước đến chỗ tuân phục đức tin” (Rm 1, 5-6). Thất bại ở Athènes không mảy may đụng chạm gì đến niềm tín thác mà ngài vẫn có nơi sứ điệp nầy : “Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do Thái, sau là người Hy lạp.” (Rm 1, 16).

“Mỗi thứ cây, - Đức Giêsu nói – được nhận ra nhờ nơi quả của nó.” (Lc 6, 44). Điều đó có giá trị đối với mọi thứ cây, ngoại trừ cây vốn xuất ra tự Ngài, cây Kitô-giáo (và thật vậy, ở đây Ngài nói về những con người); kitô-giáo là thứ cây duy nhất người ta không nhận ra được nhờ nơi các quả của nó, mà là nhờ nơi gốc rễ của nó. Trong kitô-giáo, tình trạng viên toàn không ở nơi cùng tận, như trong biện chứng pháp của Hégel về cái trở thành (“cái thật là tất cả”), mà đã có ngay tự ban đầu; chăng có trái trăng nào, thậm chí cả nơi các vị thánh vĩ đại nhất, thêm thắt được gì vào tình trạng hoàn hảo của mô mẫu. Trong chiều hướng nầy, quả là có lý kẻ đã khẳng định rằng “kitô-giáo không phải là cái gì có thể hoàn thiện” (“le christianisme n’est pas perfectible”).

III-  Gieo hạt giống xuống, rồi…đi nằm ngủ

Điều mà các sử gia về kitô-giáo thời khai nguyên đã không lưu ý, hoặc đã đánh giá là không mấy quan trọng, đó là niềm xác tín không thể nào kiểm soát nổi mà các kitô-hữu ngày xưa, chí ít là những phần tử ưu tú trong bọn họ, đã có đối với cái vẻ tốt đẹp và chiến thắng cuối cùng của vụ việc của họ. “Các ông có thể giết chết chúng tôi, nhưng không bao giờ làm hại được chúng tôi”, thánh tử đạo Justin đã nói như vậy với vị quan tòa Roma đã kết án tử cho ngài. Sau cùng, chính niềm xác tín thanh thản đó đã bảo đảm chiến thắng cho các kitô-hữu sơ khai, đã khiến cho các thẩm quyền chính trị bị khuất phục để nhận ra được sự vô ích của những nỗ lực của họ nhằm loại bỏ niềm tin kitô.

Đó chính là điều mà ngày hôm nay chúng ta đang cần hơn cả : nơi các kitô-hữu, chí ít nơi những kẻ cho mình có nhiệm vụ cống hiến đời mình cho công trình loan báo tin mừng mới nầy, hãy đánh thức nơi họ niềm xác tín thâm sâu về sự thật của điều mà họ đang loan báo. “Giáo Hội, - một ngày kia Đức Thánh Cha PHAOLÔ VI đã nói,- có nhu cầu cần phải tìm lại nỗi thao thức ưu tư, sở thích và niềm xác tín chắc chắn  về chân lý của mình”. Chúng ta phải là những người đầu tiên tin nơi điều mà chúng ta loan báo; nhưng phải tin thực sự mới được. Chúng ta phải có thể nói cùng với Phaolô : “Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép : Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói.” (2 Cr 4, 13).

Công việc cụ thể mà hai dụ ngôn của Đức Giêsu trao phó cho chúng ta đó là gieo hạt giống. Gieo không tiếc tay, “lúc thuận cũng như lúc nghịch” (2 Tm 4, 2). Người gieo giống của dụ ngôn ra đi gieo hạt giống chẳng quan tâm gì đến chuyện một phần của hạt giống sẽ rơi trên đường đi và một phần khác rơi vào bụi gai, và phải nói rằng người gieo giống nầy, nằm ngoài dụ ngôn, chính là Đức Giêsu ! Vì chưng, trong trường hợp nầy, người ta không thể nào biết trước được đâu là mãnh đất tốt  hay rắn cứng như đường rải nhựa và bóp nghẹt như một bụi gai. Đây chính là chỗ còn tùy vào tự do mà con người vốn không thể nào tiên liệu trước được và chính Thiên Chúa cũng chẳng muốn thô bạo can thiệp vào. Biết bao lần trong cuộc sống người ta đã chẳng  khám phá ra rằng, giữa những người đã nghe bài giảng nào đó hay đã đọc một cuốn sách nào đó,  kẻ thực sự nghiêm túc quan tâm tới nó và nhờ đó đã thay đổi được cuộc sống của mình, lại là kẻ mà người ta ít chờ đợi nhất, là kẻ đã có mặt ở đấy có khi chỉ cách tình cờ hay có khi chỉ vì miễn cưỡng ? Trong đời mình, tôi cũng đã chứng kiến cả hàng chục trường hợp như vậy.

Vì thế, hãy cứ gieo hạt giống xuống đất, và rồi sau đó…đi ngủ ! Nói cách khác, cứ gieo giống đi và rồi đừng cứ ở mãi đó để nhìn xem khi nào hạt giống mọc lên, ở đâu nó mọc lên, mỗi ngày nó mọc lên được bao nhiêu centimét. Việc bén rễ và tăng trưởng ra sao không phải là việc của chúng ta, mà là việc của Thiên Chúa và của kẻ nghe. Một nhà hài hước nổi tiêng nước Anh thế kỷ XIX, Jerome Klapka Jerome, có nói rằng cách tốt nhất để làm cho quá trình sôi chín trong một cái soong chậm lại đó là người ta cứ ở lại bên trên và thấp thỏm đợi chờ.

Làm ngược lại chỉ tổ gây ra bao lo âu và mất kiên nhẫn mà thôi : khi còn ở trên trái đất, Đức Giêsu đã không thích như thế và cũng không bao giờ làm thế. Các sách Tin Mừng cho thấy hình như Đức Giêsu không bao giờ tỏ ra vội vã. “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai : ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6, 34).

Về chuyện nầy, nhà thơ tín hữu Charles Péguy đặt vào môi miệng Thiên Chúa những lời mà cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm :

“Người ta nói với Ta rằng có những con người
Lao động thì tốt mà ngủ thì không tốt.
Chúng không ngủ. Ôi ! Đó là dấu chỉ chúng không tín thác nơi Ta !
Đó là điều nghiêm trọng, vì thà rằng chúng không lao động mà ngủ còn hơn, vì tội lười biếng thì nhẹ hơn cái tội bất an…
Ta không nói về, Thiên Chúa phán, những con người
Không lao động mà cũng chẳng ngủ.
Đó là những con người tội lỗi, dĩ nhiên…
Ta nói về những kẻ lao động mà không ngù…
Ta phàn nàn về chúng. Ta oán giận chúng. Một chút. Chúng đã không tín thác vào Ta.

Ban ngày, chúng điều hành công việc của chúng rất tốt.
Nhưng ban đêm, chúng không muốn phó thác công việc điều hành ấy cho Ta…
Kẻ nào không ngủ là không trung thành với Đức Cậy…”.

Những suy tư, như đã được trình bày trong bài suy niệm nầy, cổ vũ chúng ta, như một kết thúc, hãy lấy Đức Tin và Đức Cậy mạnh mẽ làm nền tảng cho mọi dấn thân trong nỗ lực loan báo Tin Mừng mới, hãy gạt bỏ ra khỏi chúng ta mọi thứ cảm giác bất lực và nhẫn nhục cam chịu. Trước mắt chúng ta, thật vậy, là cả một thế giới đang bị tục hóa, đang say sưa vì những thành quả đạt được trong lãnh vực kỹ thuật và vì những khả thể mà khoa học có thể cống hiến cho, trơ lì với loan báo Tin Mừng. Nhưng, thế giới của những kitô-hữu đầu tiên – thế giới Hy lạp với kho tàng kiến thức  đồ sộ của nó và đế quốc Roma với sức mạnh của nó – cách ngẫu nhiên trùng hợp, lại đã chẳng kém phần trơ lì với tin mừng đó sao ?

Nếu có một điều mà chúng ta có thể làm, sau khi “đã gieo hạt giống xuống đất”, thì đó là công việc, bằng kinh nguyện, “tưới nước” lên hạt giống đã gieo. Vì thế, chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm nầy bằng kinh nguyện mà phụng vụ đã muốn cho chúng ta đọc trong Thánh Lễ “cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng cho muôn dân” :

Lạy Thiên Chúa, Chúa vẫn hằng muốn tất cả mọi người đều được cứu độ
Và nhận biết được chân lý;
Xin Chúa hãy nhìn xem mùa màng bát ngát bao la biết bao nhiêu, và xin hãy sai các thợ gặt đến,
Để Tin Mừng được loan báo cho từng mỗi thụ tạo
Và để dân của Ngài, được qui tụ lại nhờ lời hằng sống
Và được khuôn đúc bởi sức mạnh của các bí tích, được tiến lên trên con đường cứu độ và tình yêu.
Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.


Raniero Cantalamessa, ofmcap.

[Bản Pháp ngữ của Zenit (Isabelle Cousturié);
Bản Việt ngữ của linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung].

 

BÀI II :

“KHÔNG CÒN CÓ SỰ PHÂN BIỆT HY LẠP HAY DO THÁI,
MAN DI MỌI RỢ HAY NGOẠI GIÁO”



Đợt sóng loan báo Tin Mừng mạnh mẽ thứ hai sau khi châu Âu bị xâm nhập bởi những sắc dân man di.

Trong bài suy niệm nầy, tôi muốn nói về đợt sóng lớn thứ hai trong nỗ lực loan báo Tin Mừng, đợt sóng, mà trong lịch sử của Giáo Hội, tiếp ngay sau sự sụp đổ của đế quốc Roma và trong bối cảnh có một tình trạng lẫn lộn giữa các sắc dân được tạo ra bởi cuộc xâm lăng của những người man di, nhằm, lại một lần nữa, cách cụ thể xem xem điều gì mà ngày hôm nay chúng ta có thể học tập được từ đợt sóng loan báo Tin Mừng nầy. Ý thức rất rõ chiều kích rộng lớn của thời kỳ lịch sử nầy và giới hạn của một bài suy niệm, vì thế xin hãy coi đây như chỉ là một chuyến tham quan chớp nhoáng mà thôi.

I-   Một quyết định ghi dấu lên toàn bộ cả một giai đoạn

Vào thời điểm cách chính thức đế quốc Roma coi như sụp đổ, năm 476, châu Âu, kể từ đó và lâu dài sau nữa, mang một khuôn mặt mới. Không còn đế quốc nữa, nhưng thay vào đó, cơ man nào là những vương quốc “man di” xuất hiện. Cách chung chung, khởi đi từ phía Bắc, tình hình là như sau : nơi vùng đất thuộc địa cũ của Roma ở Britania, người ta gặp thấy những sắc dân Angles và Saxons, trong những vùng thuộc địa cũ ở Gaule, người ta gặp thấy những sắc dân Francs, phía Đông sống Rhin, người ta gặp thấy những sắc dân Frisons và Alamans, trong bán đảo Ibérique (Tây ban nha và Bồ đào nha), người ta gặp thấy những sắc dân Wisigoths, ở Italia, người ta gặp thấy những sắc sân Ostrogoths,  sau đó, còn có những sắc dân Lombards, và ở  Bắc Phi, người ta gặp thấy những sắc dân Vandales. Ở phương Đông, đế quốc byzantin vẫn còn cầm cự được.

Giáo Hội đứng trước một quyết định mà sẽ ghi dấu ấn lên toàn bộ thời kỳ nầy : trước tình hình mới nầy, cần phải chọn thái độ nào đây ? Để có được một quyết định mà sẽ mở toang Giáo Hội ra với tương lai, không phải là câu chuyện một sớm một chiều và không tạo ra những rạn nứt bên trong nội bộ Giáo Hội. Cũng như đã từng xãy ra trong biến cố Giáo Hội sơ khai khi phải tách ra khỏi quĩ đạo Do thái giáo để đón nhận anh em lương dân vào với Giáo Hội, ở đây, có một chút gì đó tương tự cũng đang được lặp lại. Sự mất phương hướng chung của các kitô-hữu đã đạt đến tột đỉnh của nó khi thành phố Roma bị Alaric, vua của những người Goths, cướp phá, năm 410. Người ta cứ nghĩ rằng ngày tận cùng thế giới đã đến, vì người ta đồng hóa thế giới với thế giới Roma, và thế giới Roma với kitô-giáo. Tiếng kêu thảng thốt của thánh Jêrôme tiêu biểu cho tình trạng mất phương hướng chung chung nầy : “Ai mà lại có thể tin được, - ngài đã viết vậy - rằng Roma sẽ sụp đổ, một Roma mà biết bao chiến thắng hiển hách trên khắp toàn cầu đã xây dựng được những nền móng vững chắc như vậy ?”

Về mặt tri thức, người đã có nhiều đóng góp nhất cho việc đưa niềm tin đi vào được trong thế giới mới nầy, đó là Augustin, với tác phẩm “De civitate Dei” (Thành Đô của Thiên Chúa). Trong nhãn quan của ngài, vốn ghi dấu bước khởi đầu cho một thứ triết học về lịch sử, Thành Đô Thiên Chúa được phân biệt ra khỏi Thành Đô thế tục, mà có lúc (vì quá hăng trong quá trình tư duy) đã được ngài đồng hóa với Thành Đô Satan. Điều mà Augustin hiểu qua khái niệm Thành Đô thế tục đó là tất cả gì liên quan đến lãnh vực chính trị, ở đây phải hiểu luôn cả Thành Đô Roma. Vì thế, không có ngày cùng tận của Thế Giới, mà chỉ có ngày cùng tận của một thế giới nào đó mà thôi !

Cách cụ thể, chính Đức Giáo hoàng ở Roma mới là người đóng vai trò quyết định trong việc mở toang tôn giáo ra với thực tại mới nầy, và là người điều phối các sáng kiến lại với nhau.Thánh Giáo hoàng Léon Cả vốn ý thức rất rõ rằng Roma kitô vẫn sẽ còn tồn tại ngay cả sau khi Roma ngoại giáo đã bị tiêu diệt, hơn nữa, Roma kitô đó “sẽ vươn dài ảnh hưởng tôn giáo thần linh của mình ra còn bao la gấp nhiều lần so với ảnh hưởng mà nó đã tạo ra được do sự thống trị thế tục ”.

Dần dần, có một sự thay đổi nơi thái độ của các kitô-hữu đối với các dân tộc man di;  không còn bị coi như những sinh vật hạ đẳng, không có khả năng hấp thụ văn minh, các sắc dân man di, từ nay, được coi như những con người có thể trở thành anh em trong đức tin. Ngày xưa, các dân tộc man di bị coi như một mối đe dọa thường xuyên, nay, dưới con mắt của các kitô-hữu, họ bắt đầu xuất hiện như một cánh đồng truyền giáo mới, mênh mông. Phaolô, cùng với Đức Giêsu-Kitô, đã công bố bãi bỏ  các phân biệt về sắc tộc, về tôn giáo, về văn hóa và về giai cấp xã hội khi nói : “Vậy, không còn phải phân biệt Hy lạp hay Do thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người.” (Cl 3, 11); và đã có biết bao nhiêu nỗ lực mới đưa được công cuộc cách mạng nầy vào trong thực tế của lịch sử ! Và, đó không phải chỉ là chuyện ngày xưa !

II-   Một nỗ lực tin mừng hóa mới cho châu Âu

Đối diện với các sắc dân man di, Giáo Hội trong cùng lúc phải lao vào hai cuộc chiến. Cuộc chiến thứ nhất, nhằm chống lại lạc giáo của Arius. Một số lớn các bộ tộc man di, nhất là những người thuộc sắc dân Goths, trong quá trình đi chinh phục, trước khi xâm nhập được vào trung tâm của đế quốc, đã có những giao tiếp, ở phương Đông, với kitô-giáo vốn đã bị lây nhiễm ít nhiều bởi lạc giáo của Arius, vì thế, ít nhiều gì họ cũng bị lây nhiễm bởi lối nhìn lệch lạc nầy, mà lúc đó vốn đang thịnh hành, nhất là do công trình của vị giám mục đang ở bên họ, là Wulfila (311-383), người đã dịch Thánh Kinh ra ngôn ngữ gothique. Một khi định cư trong những lãnh thổ phương Tây, những bộ tộc man di nầy cũng mang theo mình một thứ kitô-giáo lây nhiễm lạc giáo của Arius xưa.

Nhưng, lạc giáo của Arius vốn không có cơ cấu tổ chức trung ương tập quyền, cũng chẳng có một nền văn hóa hay một nền thần học có thể so sánh được với nên thần học của những người công giáo. Trong suốt thế kỷ VI, lần lượt, các vương quốc man di đã từ bỏ lạc giáo của Arius để gia nhập niềm tin công giáo, nhờ công trình của một số vị giám mục vĩ đại và những văn sĩ công giáo, đôi khi cũng do bởi những toan tính chính trị nữa. Công đồng Tolède, năm 589, đã là một thời điểm có tính quyết định. Với sự hậu thuẫn của Léandre de Séville, Công đồng đã xóa sổ khuynh hướng lạc giáo của Arius nơi các sắc dân wisigoth ở Tây ban nha và, thực sự là trên toàn bộ phương Tây.

Cuộc chiến chống lại lạc giáo của Arius, tuy vậy, không phải là điều gì mới mẻ. Cuộc chiến nầy thực ra đã bắt đầu trước đó, từ những năm 325. Tiến trình mới mẻ đích thực mà Giáo Hội đang dấn bước vào cho đến cùng, sau khi đế quốc Roma thoái trào đó là nỗ lực tin mừng hóa anh em lương dân. Nỗ lực tin mừng hóa nấy đi theo hai hướng : tạm gọi, là hướng nội và hướng ngoại,  tức là nơi các dân tộc thuộc đế quốc cũ và  nơi các dân tộc vừa mới xuất hiện trên diễn đàn sân khấu châu Âu. Trong những vùng đất của đế quốc cũ, Italia và các tỉnh thành, cho đến lúc nầy, Giáo Hội hầu như duy nhất chỉ cắm rễ  trong các thành phố. Vấn đề bây giờ là làm sao vươn ra  ngoài hiện diện được nơi cả các miền quê và các làng mạc. Hạn từ “lương dân” (“paien”), như người ta biết đấy, xuất phát từ “pagus” có nghĩa là làng quê, và hạn từ đó phải mang cái nghĩa đó như hiện nay là do việc tin mừng hóa các vùng quê, nói chung, đã diễn ra khá lâu sau việc tin mừng hóa các thành thị.

Đã hẳn, sẽ rất thú vị khi lần theo sợi chỉ đỏ nỗ lực tin mừng hóa và ngược dòng trở lại thời khai sinh và phát triển của hệ thống các giáo xứ, như là những phân bố nhỏ ra của giáo phận, thế nhưng, mục đích của tôi ở đây là giới hạn nơi hướng loan báo tin mừng khác, hướng hướng ngoại, tức là việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc man di, vốn đã định cư ổn định ở các đảo và ở trung tâm của châu Âu, nói cách khác, ở Anh, Hòa Lan, Pháp và Đức ngày nay.

Biến cố vua Clovis, thuộc dòng dõi mérovingien, tòng giáo và đã được thánh Rémi, giám mục thành Reims ban phép thánh tẩy cho vào đêm Noël, năm 498 hoặc 499, đã tạo ra một khúc quanh lịch sử hết sức quan trọng và có tính quyết định. Theo thông lệ của thời đó, biến cố nầy, như vậy, quyết định không chỉ tương lai tôn giáo của dân Franc, mà còn cả tương lai của các sắc dân khác mà nhà vua đã chinh phục được, bên nầy và bên kia sông Rhin. Lúc ban Bí tích Thánh tẩy cho vua Clovis, giám mục Rémi đã tuyên bố một câu thời danh : “Mitis depone colla, Sigamber; adora quod incendisti, incende quod adorasti” (“Nầy hỡi Sicambre, hãy khiêm tôn cúi đầu, thờ lạy cái mà ngươi đã đốt cháy, và đốt cháy đi cái mà người đã thờ lạy !”). Chính ở nơi biến cố nầy mà nước Pháp đã được gán cho tước hiệu “con gái đầu lòng của Giáo Hội”.

Nỗ lực kitô-giáo hóa lục địa châu Âu chấm dứt vào thế kỷ IX, cùng với việc trở lại của các sắc dân Slaves, nhờ công lao của hai thánh Cyrille và Méthode. Các sắc dân nầy đã đến xâm chiếm các vùng đất phía Đông châu Âu,  mà các đợt sóng di dân trước kia đã vội bỏ qua để tiến nhanh về phía Tây.

Những điều kiện tin mừng hóa nơi các sắc dân man di hoàn toàn mang một hình thức khác, khác với những điều kiện mà người ta đã biết nơi thế giới Hy lạp và Roma, nơi mà đối tượng kitô-giáo hóa là một thế giới văn minh, có tổ chức hẳn hoi, có những qui tắc, những luật lệ, những thứ ngôn ngữ chung. Có thể nói là đã có cả một nền văn hóa để người ta đối thoại với và chạm trán với. Bây giờ đây, kitô-giáo sẽ phải trong cùng lúc đối mặt với hai công việc : văn minh hóa và tin mừng hóa. Phải dạy đọc và dạy viết cho họ, hoàn toàn chỉ với mục đích phục vụ cho việc tiếp thu giáo lý kitô. Việc hội nhập văn hóa phải được thực hiện theo một cách thức mà trước đây hoàn toàn chưa từng có.

III-  Thiên anh hùng ca của các đan sĩ

Công trình đồ sộ mà ở đây tôi chỉ có thể phác họa những đường nét chính yếu mà thôi đã được tiến hành với sự tham gia của tất cả mọi thành viên trong Giáo Hội. Trước tiên, đó là sự tham gia của Đức Giáo hoàng, kẻ mà nhờ sáng kiến trực tiếp của ngài khởi phát nỗ lực tin mừng hóa các sắc dân Angles, và là kẻ đã tích cực tham gia vào việc tin mừng hóa nước Đức vốn được tiến hành bởi thánh Boniface, và vào việc tin mừng hóa các sắc dân Slaves, được tiến hành bởi hai thánh Cyrille và Méthode; tiếp đến, là sự tham gia của các giám mục, các cha sở,  tùy theo mức độ các cộng đoàn  ngày càng được hình thành rõ nét hơn và trở nên ổn định hơn. Một số phụ nữ cũng đã đóng góp một vai trò tuy âm thầm nhưng mang tính quyết định. Đàng sau những cuộc trở lại quan trọng của các ông vua thuộc sắc tộc man di, thường thấy thấp thoáng bóng dáng ảnh hưởng của các bà vợ của họ : thánh nữ Clotilde đối với vua Clovis, thánh nữ Théodolinde đối với ông vua nhà lombard là Autharis, bà vợ công giáo của vua Edwin, người đã du nhập kitô-giáo vào miền Bắc nước Anh.

Nhưng, chính các đan sĩ mới là những diễn viên chính của công cuộc tái-tin mừng- hóa châu Âu, sau khi các sắc dân man di xâm nhập vào châu Âu. Ở phương Tây, phong trào đan viện, vốn đã bắt đâu từ thế kỷ IV, đã nhanh chóng lan rộng, nhưng qua hai thời kỳ và xuất phát từ hai hướng khác nhau. Đợt sóng thứ nhất khởi đi từ miền Nam và miền Trung của Gaule, nhất là từ Lérins (410) và từ Auxerre (418), và, nhờ công lao của thánh Patrick, vốn đã được đào tạo tại cả hai trung tâm đó, đợt sóng thứ nhất nầy đã thu về được Irlande, mà tất cả mọi hoa quả  đời sống tôn giáo đều sẽ lệ thuộc vào nó. Từ đó, phong trào đan viện vượt qua đến vùng Ecosse, cùng với thánh Colomba, đấng sáng lập đan viện Iona (521-597), và cùng với thánh Cuhbert quê Lindisfarne (635-687), ở miền Bắc nước Anh, nơi mà ngài đã gieo trồng được một thứ kitô-giáo và một thứ phong trào đan viện mang màu sắc đặc thù celtique.

Những khởi đầu của đợt sóng đan viện thứ hai, chủ yếu là dành chiếm lại lợi thế trong cuộc chiến và hiệp nhất được các hình thái khác nhau của khuynh hướng đan viện phương Tây lại với nhau, có lẽ phải tính từ thời thánh Benoît (+547) như là khởi điểm. Thuộc về đợt sóng thứ hai nầy phải kể đan sĩ Augustin và các bạn bè của ông, vốn đã được thánh giáo hoàng Grégoire Cả sai đi. Những người nầy loan báo Tin Mừng cho mạn Nam nước Anh, mang lại cho vùng nầy một thứ kitô-giáo mẫu mã Roma, mà cuối cùng sẽ đánh bại thứ kitô-giáo theo kiểu celtique, và từ đó khiến cho kitô-giáo ở đây hài hòa được với phần còn lại của thế giới kitô-giáo, thí dụ như việc thống nhất được thời điểm của Ngày Lễ Phục Sinh.

Từ thế kỷ V đến thế kỷ VIII, châu Âu hoàn toàn bị bao vây bởi các đan viện, mà nhiều trong số đó sẽ đóng một vai trò hàng đầu trong việc hình thành lục địa nầy, trong việc định hình dung mạo tôn giáo và còn cả nghệ thuật, văn hóa và nông nghiệp. Chính trên cơ sở đó mà thánh Benoît đã được tuyên phong là Quan Thầy của châu Âu, và mà vì thế Đức Thánh Cha, năm 2005, đã chọn đan viện Subiaco làm nơi trình bày cách trọng thể về những gốc rễ kitô-giáo của châu Âu.

Hầu như tất cả các đan sĩ loan báo tin mừng vĩ đại đều xuất thân từ trào lưu được xếp hàng đầu trong hai trào lưu đã được kể ra trên đây, tức là trào lưu diễn ra trên lục địa Irlande và nước Anh. Những cái tên tiêu biểu nhất đó là thánh Colomban (542-651) và thánh Boniface (672-754). Vị thứ nhất, khởi đi từ Luxeuil, đã loan báo tin mừng cho nhiều vùng mạn Bắc Gaule và những bộ tộc miền Nam nước Đức, sang đến tận Bobbio, nước Italia; vị thứ hai, vốn được coi như nhà truyền bá tin mừng cho nước Đức, đã trãi dài hoạt động truyền giáo của mình đến tận vùng Frise, Hòa Lan hiện nay. Ngày 11 tháng 3 năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dành riêng một trong những bài giáo lý của ngài trong ngày thứ Tư cho vị thánh nầy (Boniface), nhằm nhấn mạnh đến những sợi dây liên kết chặt chẽ vẫn kết hợp vị thánh nầy với Giám mục Roma và đến hoạt động văn minh hóa mà vị thánh nầy đã khởi xướng nơi các sắc dân mà ngài đã loan báo tin mừng.

Khi đọc lại cuộc đời của hai vị thánh nầy, người ta có ấn tượng như đang sống lại cuộc phiêu lưu truyền giáo của tông đồ Phaolô ngày xưa : cũng cùng một niềm đam mê cháy bỏng mang tin mừng đến cho từng mỗi thụ tạo, cũng cùng một lòng dũng cảm dám đối diện với tất cả mọi thứ hiểm nguy và vất vả trên đường, cả đối với thánh Boniface và biết bao người khác nữa, cũng cùng một số phận kết thúc đó là tử vì đạo.

Những lỗ hổng trong nỗ lực loan báo tin mừng trên qui mô rộng lớn nầy vốn được biết đến nhiều, và chính khi so sánh với thánh Pholô mà người ta mới có thể thấy rõ được đâu là lỗ hổng chính trong những lỗ hổng nầy. Vị Tông Đồ, trong khi loan báo tin mừng, ở đâu ngài cũng canh cánh để thiết lập cho được một Giáo hội có thể bảo đảm được tính liên tục và sự phát triển đời sống kitô. Thông thường, vì thiếu phương tiện và vì những khó khăn không thể di chuyển được ngay bên trong một xã hội vẫn còn rối như bòng bong, nên các nhà tiên phong nầy vẫn chưa tìm ra được cách nào để bảo đảm được tính liên tục của công trình của mình.

Các dân tộc man di có khuynh hướng chỉ áp dụng một phần chương trình mà thánh Rémi đã vạch ra cho vua Clovis mà thôi : họ thờ lạy cái mà họ đã thiêu hủy, nhưng lại không thiêu hủy cái mà họ đã từng thờ lạy. Một phần hành trang thờ cúng ngẫu tượng và ngoại giáo vẫn còn đó, và chờ hễ có dịp lại ngóc đầu lên. Điều đó cũng giống như lối mòn của một số con đường trong rừng : không được bảo dưỡng và ít được đi lại, những con đường nầy nhanh chóng sẽ bị nuốt mất và xóa hết dấu vết bởi khu rừng rậm xung quanh. Duy chỉ có một công trình tồn tại lâu dài nhất nơi các nhà truyền bá tin mừng vĩ đại nầy đó là việc các ngài đã lập được nền móng cho cả một hệ thống các đan viện và, cùng với Augustin ở Anh và thánh Boniface ở Đức, thiết lập được những giáo phận và tổ chức được những nghị hội mà sau đó sẽ là một bảo đảm cho nỗ lực tái phục hồi lại một nỗ lực tin mừng hóa dài hơi hơn và đi vào chiều sâu hơn.

IV-  Sứ vụ và chiêm niệm

Bây giờ đã đến lúc từ cái khung lịch sử nầy cần rút ra một vài chỉ dẫn cho ngày hôm nay. Điều trước tiên chúng ta cần ghi nhận đó là có một cái gì đó tương tự giữa thời kỳ mà chúng ta vừa mới viếng thăm và hoàn cảnh hiện nay. Vào thời đó, các dân di chuyển từ phía Đông sang phía Tây, còn bây giờ, di chuyển từ Nam lên Bắc. Giáo Hội, với thẩm quyền của mình, trong trường hơp nầy cũng vậy, đã chọn cho mình phạm vi hành động : cởi mở mình ra với cái mới và đón nhận những sắc dân mới.

Cái khác là ngày hôm nay đó không phải là những sắc dân ngoại giáo hay những kitô-hữu lạc giáo đến châu Âu, mà thường đó lại là những sắc dân đã có một tôn giáo được cơ cấu hẳn hoi và ý thức được mình là ai. Cái mới ở đây, vì thế, là nỗ lực đối thoại không đi ngược lại với việc loan báo tin mừng, mà là xác định phong cách của  nỗ lực nầy. Chân phước giáo hoàng Jean-Paul II, trong thông điệp “Redemptoris missio” (“Sứ vụ của Đấng Cứu chuộc”) nói về giá trị thường hằng của mệnh lệnh truyền giáo, đã trình bày cách rõ ràng như thế nầy : 

“Sự đối thoại liên tôn là một thành phần nằm ngay trong sứ vụ loan báo tin mừng của Giáo Hội. Được hiểu như một phương pháp và như phương tiện nhằm có một sự hiểu biết lẫn nhau và làm giàu lẫn cho nhau, sự đối thoại liên tôn không chống lại sứ vụ loan báo tin mừng cho muôn dân, trái lại, cách biệt loại, nó liên kết với sứ vụ nầy và là một cách thế diễn tả sứ vụ đó… Dưới ánh sáng của kế đồ cứu độ, Giáo Hội đánh giá  chẳng có gì mâu thuẫn giữa việc loan báo Đức Kitô và sự đối thoại liên tôn, nhưng, Giáo Hội cảm thấy có sự cần thiết là phảilàm sao điều phối được cả hai nỗ lực nầy lại với nhau và đưa được vào trong cái khung của sứ vụ loan báo tin mừng cho muôn dân của Giáo Hội. Thật vậy, phải làm sao để cả hai nỗ lực nầy trong cùng lúc vừa liên kết mật thiết với nhau, vừa tách biệt nhau, và chính vì thế, người ta không được lẫn lộn chúng với nhau, không được lợi dụng nhau, cũng không được đánh đồng coi chúng như là tương đương với nhau, như kiểu chúng có thể thay đổi qua lại được cho nhau.”

Điều đã xẫy ra nơi châu Âu sau khi các sắc dân man di xâm nhập vào chứng tỏ cho chúng ta thấy một điều hết sức quan trọng đó là vai trò của đời sống chiêm niệm trong nỗ lực loan báo tin mừng. Đây là điều mà sắc lệnh công đồng “Ad gentes” (“Đến với muôn dân”) khi bàn về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội muốn nói với chúng ta :

“Những sáng kiến đa dạng  nhằm mục đích cắm rễ sâu trong đời sống chiêm niệm quả đáng phải có một lưu ý đặc biệt : một số thiết chế, trong khi vẫn giữ những yếu tố cốt yếu của đời sống đan viện, đang nỗ lực để cấy trồng lại truyền thống rất phong phú của dòng tu của họ; một số khác quay trở lại với những hình thái đơn giản hơn của truyền thống đan viện xưa; tuy nhiên, tất cả đều phải nỗ lực cố gắng để tim cho ra một con đường thích nghi thực sự với những điều kiện nơi địa phương mình đang sống. Đời sống chiêm niệm mà vốn đã từng đóng góp nhiều vào quá trinh phát triển của sự hiện diện của Giáo Hội cách đầy đủ cần phải được tái lập lại khắp nơi trong các Giáo Hội trẻ.”

Lời mời gọi nầy, mời gọi tìm kiếm những hình thái mới của đời sống đan viện nhằm phục vụ cho nỗ lực loan báo tin mừng, vốn được gợi hứng từ khuynh hướng đan viện xưa, không nằm yên trong sách vở, như những thứ chữ chết.

Một trong những hình thái nhằm đáp ứng cho niềm mơ ước nầy đã được thực hiện bởi “Fraternités monastiques de Jérusalem” (“Các huynh đoàn đan sĩ ở Giêrusalem”), vốn được biết đến như những nam đan sĩ và nữ đan sĩ của các thành thị. Người sáng lập những huynh đoàn nầy, cha Pierre-Marie Delfieux, sau khi đã sống hai năm trong sa mạc Sahara, mà bạn đồng hành chỉ có Thánh Thể và cuốn Thánh Kinh, đã hiểu ra rằng ngày hôm nay các thành phố lớn đã bị tục hóa cũng chính là những sa mạc. Được giới thiệu ở Paris, năm 1975, ngày Lễ Kính Các Thánh Nam Nữ, các huynh đoàn nầy từ nay hiện diện trong nhiều thành phố lớn của châu Âu, kể cả ở Roma, nơi mà các huynh đoàn nầy phụ trách nhà thờ “la Trinité-des-Monts”. Đặc sủng riêng của họ là loan báo tin mừng thông qua cái đẹp của nghệ thuật và của phụng vụ. Tu phục của họ, lối sống của họ, đơn giản và nhặt nhiệm, thời gian mà họ chia ra giữa lao động và kinh nguyện, tất cả đều mang dáng dấp của một đời sống đan viện. Cái mới ở đây, đó là họ định cư ngay giữa trung tâm các thành phố, nói chung, trong những ngôi nhà thờ cổ kính và có giá trị nghệ thuật lớn, và sự cộng tác giữa các sư huynh và các nữ tu trong lãnh vực phụng vụ chẳng tước đi giữa họ sự độc lập trong vấn đề cư trú và thẩm quyền. Con số những cuộc trở lại và những kitô-hữu trở lại với đức tin, chung quanh những nơi nầy, không phải là ít.

Và rồi, còn có đan viện Bose, ở Italia, thuộc loại hoàn toàn khác, nhưng cũng nằm trong bối cảnh trăm hoa đua nở những hình thái đan viện mới. Và, trong lãnh vực đại kết, chúng ta có đan viện Taizé, ở Pháp, vốn là một thí dụ điển hình trong nỗ lực đưa đời sống chiêm niệm trực tiếp đi vào trong những nỗ lực loan báo tin mừng. 

Ngày 1 tháng 11 năm 1982, tại Avila, Đức Thánh Cha Jean-Paul II, khi tiếp một phái đoàn lớn các đại biểu nữ tu sống đời sống chiêm niệm, đã đề xuất với các nữ tu dòng kín có thể có một sự dấn thân trực tiếp hơn vào công cuộc loan báo tin mừng của Giáo Hội.

“Các đan viện của các con – Đức Thánh Cha đã nói – là những cộng đoàn cầu nguyện giữa các cộng đoàn kitô,  mà các con hẳn mang lại cho họ sự trợ giúp, lương thực và niềm hy vọng. Đó là những nơi chốn đã được thánh hiến và chúng cũng  có thể là những trung tâm kitô đón nhận các con người, nhất là những người trẻ, mà vốn thường đang tìm kiếm một cuộc sống thực sự giản đơn và trong suốt, ngược lại với những gì mà cuộc sống mà xã hội tiêu thụ đã cung cấp cho họ.”.

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha không phải chỉ là tiếng kêu trong hoang mạc  mà đã được đáp ứng lại do bởi những sáng kiến xuất phát từ các nữ tu có đời sống chiêm niệm, sẵn sàng với công việc loan báo tin mừng. Một trong những sáng kiến đó đã có dịp được biết đến nhân hội nghị mà Hội đồng giáo hoàng phụ trách công cuộc tân-tin mừng-hóa đã tổ chức tại Vatican. Tất cả các hình thái mới nầy không nhằm thay thế các thực thể đan viện truyền thống xưa, mà nhiều trong số đó vốn là những trung tâm tỏa sáng những giá trị thuộc linh và loan báo tin mừng, mà là nhằm song hành bên nhau và làm phong phú hóa cho nhau.

Sẽ là thiếu sót nếu trong Giáo Hội có tình trạng tách biệt rành rẽ giữa những con người thì tận hiến cho chiêm niệm và những người khác thì tận hiến cho sứ vụ truyền giáo; cần phải tổng hợp hai điều nầy lại với nhau nơi đời sống của từng mỗi nhà truyền giáo. Nói cách khác, cầu nguyện “cho” các nhà truyền giáo không đủ, cần phải có lời cầu nguyện “của” các nhà truyền giáo. Những đan sĩ vĩ đại đã tái-tin mừng-hóa châu Âu sau khi các dân man di xâm nhập vào, vốn đã là những con người đã đi ra khỏi sự thinh lặng của đời sống chiêm niệm và quay trở về lại ngay từ khi hoàn cảnh cho phép. Hay đúng hơn, trong trái tim mình, họ không bao giờ hoàn toàn đi ra khỏi đan viện của mình. Họ như vậy là đã áp dụng trước lời khuyên mà thánh François d’Assise đã đưa ra cho các anh em của mình khi sai họ ra đi trên những nẽo đường thế giới : “Dù chúng ta ở đâu, dù chúng ta đi đâu, chúng ta cũng mang theo mình cái xà lim của chúng ta. Cái xà lim đó chính là người anh em thân thể nầy, và tâm hồn chúng ta là nhà ẩn sĩ đang cư ngụ trong cái xà lim nầy để cầu nguyện Thiên Chúa và suy niệm.”.

Về điều đó, chúng ta có một thí dụ có thẩm quyền hơn. Một ngày của Đức Giêsu là một chuỗi xen kẽ nhau giữa cầu nguyện và suy niệm. Đức Giêsu không cầu nguyên chỉ trước khi rao giảng, Ngài cầu nguyện để biết điều gì cần phải rao giảng, để kín múc nơi kinh nguyện những điều cần phải loan báo cho thế giới : “Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.” (Ga 12, 50b). “Thẩm quyền” mà Ngài có khi nói và mà đã gây ấn tượng đến thế vốn phát xuất từ đó.

Những nỗ lực mới loan báo tin mừng sẽ phải đối diện với hai nguy cơ. Nguy cơ thứ nhất đó là tình trạng án binh bất động, lười biếng, chẳng làm gì cả và hoàn toàn phó thác cho người khác Nguy cơ thứ hai là cứ vội vàng lao mình vào, lăng xăng, cuống cuồng, rối rít và tâm hồn trống rỗng theo cách loài người, và rồi kết thúc với tình trạng ngày càng ít đi khả năng tiếp xúc được với nguồn suối của lời và tính hiệu quả của nó. Người ta nói : “Nhưng làm thế nào mà cứ ngồi vậy được chứ, cứ lặng thinh cầu nguyện, trong khi có biết bao nhu cầu đang đòi hỏi phải có sự hiện diện của chúng ta, làm thế nào mà không phải chạy nhanh lên khi căn nhà đang cháy chứ ?”. Đúng vậy, nhưng chúng ta cứ thử tưởng tượng điều gì sẽ xãy ra nếu nhóm lính cứu hỏa vội vội vàng vàng chạy đi dập tắt đám cháy, nhưng khi đến nơi, bỗng phát hiện ra rằng chẳng còn một giọt nước nào trong bồn dự trữ cả ! Đó cũng là hoàn cảnh chúng ta thường gặp phải, khi chúng ta vội vàng tất bật chạy đi rao giảng tin mừng mà lại không cầu nguyện. Kinh nguyện vốn là vấn đề mấu chốt trong nỗ lực loan báo tin mừng, bởi vì “mục đích ưu tiên số một của công việc loan báo kitô không phải là nhằm truyền bá một mớ giáo lý, mà là truyền thông cái cụ thể liên quan đến hiện sinh”. Kẻ cầu nguyện mà không nói thì loan báo tin mừng nhiều hơn là kẻ nói mà không cầu nguyện.

V-   Mẹ Maria, ngôi sao loan báo tin mừng

Chúng ta hãy chấm dứt bài suy niệm nầy với một tư tưởng mà thời gian phụng vụ của những ngày nầy và Ngày Lễ kính Đức Maria vô nhiễm mà chúng ta vừa cử hành hôm qua gợi lên cho chúng ta. Một ngày nọ, trong một cuộc đối thoại đại kết, một người anh em Tin lành đã hỏi tôi, mục đích không phải có ý tranh cãi, mà chỉ là muốn tìm hiểu thôi : “Tại sao các ngài, những người công giáo, lại nói rằng Đức Maria là ‘Ngôi Sao loan báo tin mừng’ ? Đức Maria đã làm gì để xứng đáng với tước hiệu đó?” Câu hỏi nầy đã là một cơ hội để tôi đào sâu vấn đề nầy, và tôi đã nhanh chóng tìm ra lý do sâu xa của nó. Đức Maria là Ngôi Sao loan báo tin mừng, bởi vì Mẹ đã mang trong mình chính Lời, không phải chỉ cho dân tộc nầy hay dân tộc nọ, mà là cho toàn thể thế giới !

Nhưng, không chỉ vì thế. Mẹ Maria đã mang Lời trong lòng dạ của mình, chứ không phải trên môi miệng. Mẹ, cách thể lý, đã ngập tràn Đức Kitô và đã làm cho Đức Kitô tỏa sáng ra bên ngoài bằng chính sự hiện diện của Ngài nơi mình. Đức Giêsu đã tỏa sáng ra nơi đôi mắt của Mẹ, nơi khuôn mặt của Mẹ, nơi toàn thể ngôi vị của Mẹ. Khi một ai đó xức dầu thơm, chẳng cần phải nói gì, cứ ở gần bên người đó thôi là cảm nhận được hương thơm, và Mẹ Maria, nhất là trong thời kỳ Mẹ mang Đức Kitô trong lòng dạ của mình, cũng tràn ngập hương thơm là Đức Giêsu-Kitô như vậy. Người ta có thể nói rằng Mẹ Maria là khu nội cấm đầu tiên của Giáo Hội. Sau Lễ Ngũ Tuần, Mẹ Maria như nhập vào khu nội cấm. Nhờ các thư của các tông đồ, chúng ta biết được cơ man nào là các nhân vật, nhưng cũng có từng ấy phụ nữ nơi cộng đoàn kitô tiên khởi. Ở nơi một thời điểm nào đó, người ta có nói tới một Maria nào đó (xem Rm 16, 6), nhưng đó không phải là Mẹ Maria. Về Maria, Mẹ của Đức Giêsu, chẳng thấy nói gì cả. Mẹ đã biến đi mất tăm mất tích vào trong chốn sâu thẳm nhất của cõi lặng thinh. Nhưng, được luôn có Mẹ bên cạnh khi viết sách Tin Mừng, điều nầy liệu có ý nghĩa gì đối với Tông đồ Gioan, và điều đó liệu cũng có thể có ý nghĩa gì chăng đối với chúng ta khi chúng ta loan báo cũng chính Tin Mừng đó mà luôn có Mẹ kề bên ! “Đóa hoa Tin Mừng – Origène viết – đó là Tin Mừng của Gioan, mà ý nghĩa sâu xa của nó chỉ kẻ nào đã từng được tựa đầu vào ngực của Đức Giêsu và đã từng từ Ngài được nhận Đức Maria như là Mẹ của mình, mới có thể nắm bắt được”.

Trong Giáo Hội, Đức Maria đã khai mào tâm hồn hay ơn gọi thứ hai nầy, tức là tâm hồn ẩn khuất và cầu nguyện, bên cạnh tâm hồn tông đồ hay hoạt động. Bức tranh truyền thống diễn tả biến cố Thăng Thiên, treo trên bức tường phải của ngôi nhà nguyện Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Chuộc) nầy, là một diễn tả tuyệt vời cho điều đó. Đức Maria đứng, hai tay giang rộng, trong tư thế cầu nguyện. Chung quanh Mẹ, các tông đồ, tất cả đều trong tư thế một chân và một tay giơ lên, nói cách khác, là đang trong tư thế chuyển dịch, nhằm diễn tả Giáo Hội đang lên đường ra đi làm sứ vụ, nói và hành động. Đức Maria đứng bất động, bên dưới Chúa Giêsu, ngay tại nơi mà Đức Giêsu được dưa lên Trời, như muốn nói để ghi dấu mãi kỷ niệm nầy và đợi chờ ngày Đức Giêsu trở lại.

Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm nầy bằng cách nghe lại những lời cuối cùng trong thông điệp “Evangelii nuntiandi” (“Tin Mừng cần phải loan báo”) của Đức Thánh Cha Phaolô VI, nơi mà lần đầu tiên trong những tài liệu giáo hoàng, tên Mẹ Maria được đi kèm theo với tước hiệu “Ngôi Sao loan báo Tin Mừng” : “Vào buổi sáng ngày Lễ Ngũ Tuần, Mẹ Maria đã chủ tọa trong buổi cầu kinh để bắt đầu nỗ lực loan báo tin mừng, dưới tác động của Thánh Thần. Ước gì Mẹ là Ngôi Sao của nỗ lực loan báo tin mừng, vốn luôn được làm cho mới mẻ, mà Giáo Hội, vâng theo lệnh truyền của Đức Chúa của mình, cần phải động viên cổ vũ và phải hoàn tất, nhất là trong thời buổi khó khăn nhưng cũng tràn đầy hy vọng nầy !”

Ghi chú :
1-     S. Jérôme, Comm. Sur Ezéchiel, III, 25, préf.; cf. Lettres LX, 18; CXXIII, 15-16; CXXVI, 2.
2-     S. Léon le Grand, Sermon 82.
3-     Grégoire de Tours, Historia Francorum, II, 31.
4-     Jean-Paul II, Redemptoris missio, 55.
5-     L.G., 18.
6-     Legenda Perugina, 80 (FF, 1636).
7-     Origène, Commentaire sur l’Evangile de Jean, I, 6, 23 (SCh, 120, p. 70).



Raniero Cantalamessa, ofmcap.

[Bản Pháp ngữ của Zenit (Isabelle Cousturié);
Bản Việt ngữ của linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung].

 

BÀI III:

“ĐẾN TẬN MÚT CÙNG TRÁI ĐẤT”

Lục địa châu Mỹ lần đầu tiên được loan báo tin mừng

 

 

 

  • Niềm tin kitô vượt qua Đại dương

 

 

Cách đây 4 ngày, ngày 12 tháng 12, lục địa châu Mỹ vừa mới long trọng cử hành lễ Đức Bà GUADALUPE, cũng là ngày lễ buộc ở Mexique. Đây là một sự trùng hợp hết sức may mắn để, trong bài suy niệm nầy, nói về đợt sóng lớn thứ ba loan báo tin mừng. Trong lịch sử của Giáo Hội, đợt sóng thứ ba nầy diễn ra tiếp theo ngay sau cuộc khám phá ra tân thế giới.

 

 

Chúng ta hãy nhắc lại đây những đường nét lớn của công cuộc mạo hiểm truyền giáo nầy. Nhưng, trước hết, là một ghi nhận. Khi xâm nhập vào lục địa mới nầy, trong cùng lúc châu Âu kitô vừa mang vào đấy niềm tin của mình và cả những chia rẽ của mình. Vào cuối đợt sóng lớn truyền giáo nầy, lục địa châu Mỹ cho thấy đã có cũng cùng một tình trạng chia rẽ như nó hiện đang là ở châu Âu lúc đó : một miền Nam phần lớn là công giáo và một miền Bắc phần lớn là tin lành. Ở đây, mối quan tâm duy nhất của chúng tôi là hướng về nỗ lực loan báo tin mừng cho châu Mỹ Latinh, chỉ bởi một lý do là vì nó đã diễn ra trước tiên, ngay sau khi khám phá ra tân thế giới.

 

 

Kể từ khi Christophe Colomb, năm 1492, trở về từ chuyến hành trình của mình và loan tin có những vùng đất mới (mà lúc đó người ta vẫn cứ tưởng là thuộc Ấn độ), Tây ban nha công giáo đã đưa ra hai quyết định : mang niềm tin kitô đến cho các dân mới nầy, và mở rộng quyền bính chính trị của mình trên các sắc dân nầy. Để làm được điều đó, Tây ban nha cần phải có được sự chuẩn thuận của Đức Giáo hoàng Alexandre VI thừa nhận các quyền của họ trên tất cả vùng đất mới nầy, 100 dặm bên kia Açores (quần đảo thuộc Bồ đào nha), và cho Bồ đào nha các vùng đất nằm bên nầy ranh giới. Làn ranh mà sau nầy chuyển dịch có lợi cho Bồ đào nha, nhằm hợp pháp hóa quyền sở hữu Brésil cho Bồ đào nha. Những đường biên mới của lục địa châu Mỹ Latinh tương lai, cả về mặt ngôn ngữ, như vậy, kể từ đó, đã bắt đầu được định hình.

 

 

Trước cỗng vào mỗi làng, quân lính treo các mệnh lệnh ghi rõ ràng (requerimiento) là các dân cư trong làng phải gia nhập kitô-giáo và thừa nhận quyền bính tối cao của Tây ban nha.

 

 

Chỉ một vài đầu óc lớn, đứng đầu là các tu sĩ dòng Đaminh như Antonio de Montesino và Bartholomée de Las Casas, đã có can đảm lên tiếng chống lại những lạm dụng của những kẻ xâm lược nầy, và bênh vực cho quyền tự trị của các thổ dân ở đây. Sau khoảng gần hơn 50 năm một chút, vừa vì sức yếu, vừa vì có sự chia rẽ giữa các vương quốc địa phương với nhau, lục địa nầy phải cúi mình chịu ách thống trị của Tây ban nha và trở thành kitô, chí ít là trên danh nghĩa.

 

 

So với ngày xưa, các sử gia ngày nay có khuynh hướng nhìn hành động của các nhà truyền giáo ít đen tối hơn. Trước hết, người ta lưu ý rằng trái ngược với những gì xẫy ra  nơi các bộ lạc “dân bản xứ” (“indiennes”) miền Bắc châu Mỹ, phần lớn các dân tộc bản xứ ở châu Mỹ Latinh, cho dù có bị tàn sát hàng loạt, vẫn còn sống sót được với ngôn ngữ và với lãnh thổ riêng của mình, cho đến lúc sau đó lấy lại được và tái khẳng định lại được căn tính và sự độc lập của mình. Nhưng cũng còn phải lưu ý đến điều kiện mà trong đó các nhà truyền giáo nầy đã phải khom mình lụy phục, đó là nền tảng thần học mà họ đã được đào tạo trước đó. Theo sát mặt chữ và theo một cách hiểu cứng nhắc, châm ngôn “Extra Ecclesiam nulla salus” (“Bên ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ”), những nhà truyền giáo nầy vốn đã xác tín rằng, để bảo đảm ơn cứu độ, cần phải rửa tội cho các sắc dân bản xứ nầy các nhiều bao nhiêu có thể và trong một thời gian càng ngắn bao nhiêu có thể.

 

 

Châm ngôn nầy vốn như một cái ách đè nặng lên trên nỗ lực loan báo tin mừng và, vì thế, đáng để chúng ta dành cho nó một khoảng thời gian tìm hiểu. Đây là một câu châm ngôn đã được định thức từ thế kỷ III bởi Origène, nhưng nhất là bởi thánh Cyprien. Lúc đầu, không can dự gì tới sự cứu độ những người ngoài kitô, mà chỉ liên quan đến những kitô-hữu mà thôi. Thật vậy, châm ngôn nầy hoàn toàn chỉ nhắm tới những người lạc giáo và những kẻ ly giáo trong thời đó mà thôi, nhằm nhắc nhỡ họ là một khi tách lìa khỏi Giáo Hội, họ đã phạm phải một lỗi rất nặng nề, khiến họ tự loại trừ mình ra khỏi ơn cứu độ. Vì thế, điều đó nhằm chống lại những ai tự mình tách ra khỏi Giáo Hội, chứ không phải chống lại những ai từ chối gia nhập vào.

 

 

Chỉ trong giai đoạn hai, khi kitô-giáo đã trở thành quốc giáo, châm ngôn nầy mới bắt đầu được đem áp dụng cho những người ngoại giáo, và cả những người Do thái, trên cơ sở xác tín chung lúc bấy giờ (cho dẫu khách quan mà nói đó là sai) rằng sứ điệp kể từ đây kể như ai cũng biết cả rồi, và rằng vì thế từ chối sứ điệp đó có nghĩa tự chuôc vào mình thân phận kẻ có tội và đáng phải bị kết án.

 

 

Chính sau khi khám phá ra tân thế giới mà các giới hạn địa lý cũ nầy, đúng vậy,  mới bị phá đổ cách không thương tiếc. Việc khám phá ra toàn thể các sắc dân sống bên ngoài mọi tiếp xúc với Giáo Hội buộc phải nhìn lại lối giải thích câu châm ngôn cách quá cứng ngắc nầy. Các nhà thần học dòng Đaminh ở Salamanque và, sau đó, các tu sĩ dòng Tên, bắt đầu chọn lựa cho mình một lập trường phê phán, khi thừa nhận rằng người ta có thể ở bên ngoài Giáo Hội mà chẳng nhất thiết là có lỗi và vì thế phải bị loại ra ngoài khỏi ơn cứu độ. Còn nữa, đối diện với cách thức và những phương pháp không thể nào chấp nhận được mà Tin Mừng đôi khi đã được loan báo cho các thổ dân, lần đầu tiên, có người đã đặt vấn đề là cần tra cứu thử xem liệu có đúng hay không khi đi coi là có lỗi tất cả những ai, hoàn toàn biết đến việc loan báo tin mừng, nhưng vẫn không gia nhập đạo.

 

 

  • Các tu sĩ, những diễn viên chính

 

 

Đã hẳn, đây không phải là nơi thích hợp để đem ra một phê phán lịch sử về công cuộc loan báo tin mừng đầu tiên cho châu Mỹ Latinh. Trong dịp kỷ niệm ngũ bách chu niên, tháng 5 năm 1992, vấn đề nầy đã là đối tượng của một hội nghị chuyên đề của các sử gia, ngay tại Roma đây. Trong diễn từ ngõ với các tham dự viên, Đức Thánh Cha Jean-Paul II đã nói : “Trong công cuộc loan báo tin mừng nầy, cũng như trong bất cứ công trình nào của con người, đã hẳn, có những thành công và những sai lầm, có những bóng tối và những ánh sáng; nhưng, ánh sáng thì nhiều hơn bóng tối, khi xét đến những thành quả mà chúng ta thấy được sau 500 năm : đó là cả một Giáo Hội sống động và năng động mà ngày nay đang tiêu biểu cho một phần quan trọng của Giáo Hội toàn cầu”.

 

 

Một đàng, có một số người, nhân dịp kỷ niệm ngũ bách chu niên nầy, nói về nhu cầu cần phải có một nỗ lực “bóc gỡ đi tầng lớp văn hóa” (“déculturation”) và “giải thể đi hậu quả của nỗ lực tin mừng hóa” (“dé-évangélisation”), cho người ta có ấn tượng như vậy là so với điều đã từng xẫy ra theo cái cách thức như đã từng được biết, người ta sẽ thích hơn nếu như nỗ lực tin mừng hóa lục địa nầy đã không xẫy ra. Với tất cả niềm kính trọng đòi phải có đối với tình yêu mà các tác giả nầy đã từng có đối với các dân tộc châu Mỹ Latinh nầy, dầu vậy, tôi tin rằng một quan niệm như thế, cách mạnh mẽ, cần phải được loại bỏ.

 

 

Thay vì một thế giới vắng bóng tội lỗi nhưng không có Đức Giêsu-Kitô, thần học đã chứng tỏ cho thấy rằng thà có một thế giới với tội lỗi nhưng có Đức Giêsu-Kitô vẫn hơn. ‘Ôi ! tội hồng phúc ! Tội mà đã mang lại cho chúng ta một Đấng Cứu Chuộc vĩ đại như vậy !’, phụng vụ đêm Phục Sinh đã thốt lên như vậy. Chúng ta lại chẳng phải cũng có thể nói lên cũng cùng một điều tương tự về nỗ lực loan báo tin mừng cho hai vùng Bắc Mỹ và Nam Mỹ hay sao ? Ai lại chẳng thích hơn một lục địa với những bóng tối, nhưng lại có Đức Kitô, so với một lục địa không có “bóng tối và sai lầm”, những điều vẫn luôn có thể đi kèm theo sau những nỗ lực loan báo tin mừng, nhưng lại không có Đức Kitô kia chứ ? Người kitô-hữu nào, thuộc cánh hữu hay cánh tả (nhất là nếu đó lại là linh mục hay tu sĩ) lại có thể nói điều ngược lại, mà không áy náy như vậy là mình đang thiếu đức tin hay sao ?

 

 

Tôi đã đọc được ở đâu đó xác quyết nầy và tôi hoàn toàn đồng tình với nó : “Điều vĩ đại nhất đã xẫy ra năm 1492, không phải là chuyện Christophe Colomb đã khám phá ra châu Mỹ, mà là châu Mỹ đã khám phá ra được Đức Giêsu-Kitô”. Quả thật, đó không phải Đức Kitô trọn vẹn của Tin Mừng, Đấng mà đối với Ngài tự do mới chính là điều kiện của niềm tin, nhưng ai là kẻ có thể tự hào mình đang mang một Đức Kitô hoàn toàn không vướng víu gì đến bụi trần của lịch sử ? Những kẻ đang đề xuất một Đức Kitô cách mạng, chống lại những cơ cấu, chính họ cũng vậy, lại chẳng đang quên một điều gì đó của Đức Kitô, thí dụ như khẳng định của Ngài : “Nước Ta không thuộc về thế gian nầy” chẳng hạn ?

 

 

Nếu trong đợt sóng loan báo tin mừng đầu tiên, những diễn viên chính là các giám mục và trong đợt sóng thứ hai là các đan sĩ, thì trong đợt sóng thứ ba nầy, các diễn viên chính mà không ai có thể tranh cãi đó là các anh em, hoặc là các tu sĩ thuộc các dòng khất thực, trước tiên là anh em dòng thánh Phanxicô Assisi, các anh em dòng thánh Đaminh, các anh em dòng thánh Augustin, rồi trong thời kỳ thứ hai, các anh em dòng Tên. Các sử gia của Giáo Hội vẫn thừa nhận rằng ở châu Mỹ Latinh “các thành phần thuộc các dòng tu đã đóng một vai trò có tính quyết định trong lịch sử truyền giáo và Giáo Hội”.

 

 

Đánh giá của Đức Thánh Cha Jean-Paul II – “ánh sáng thì nhiều hơn là bóng tối” - mà chúng tôi đã có nói tới, có giá trị nhất là đối với các tu sĩ nầy. Sẽ không lương thiện nếu coi thường sự hy sinh xả kỷ và tính chất anh hùng của biết bao người trong số những nhà truyền giáo nầy. Những kẻ đi xâm lược thì được kích thích bởi tinh thần mạo hiểm và nỗi thèm khát chiến thắng, nhưng còn những vị tu sĩ nầy ? Họ có thể chờ đợi gì, khi từ bỏ quê hương và các nhà dòng của họ ? Họ không ra đi để mà chiếm đoạt, mà là để cho đi; họ muốn chinh phục các linh hồn về cho Đức Kitô, chứ không phải những tôi tớ về cho vua Tây ban nha, ngay như không phủ nhận là họ cũng có bị ảnh hưởng đôi chút tâm tình ái quốc nào đó của thời đại mình đang sống.

 

 

Khi đọc lại các lịch sử liên quan đến nỗ lực loan báo tin mừng nơi một vùng đất, người ta thấy quả thật là bất công và xa rời thực tế biết bao những đánh giá chung chung của một số tác giả. Điều đó đã đến với chính bản thân tôi, khi tôi được đọc, ngay tại chỗ, biên niên sử ghi lại buổi đầu của công cuộc truyền giáo ở Guatemala và nơi những vùng lân cận. Đó là những lịch sử về những hy sinh và về những diễn biến đột ngột không thể nào kể ra được. Trong số 20 anh em dòng Đaminh ra đi hướng về tân thế giới và Philippines, thì đã có đến 18 anh em hy sinh trong khi đang hành trình. Năm 1974, đã diễn ra Nghị hội bàn “về nỗ lực loan báo tin mừng trên thế giới hiện nay”. Trong những ghi chú viết tay, được thêm vào nơi tài liệu cuối cùng, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết :

 

 

“Điều đã được nói đến trong tài liệu về các tu sĩ liệu đã đủ chưa ? Liệu chẳng phải nên thêm vào đấy một từ về đặc tính tự nguyện, dám nghĩ dám làm, đại độ trong nỗ lực loan báo tin mừng của các tu sĩ nam và nữ hay chăng ? Đã đành việc loan báo tin mừng của họ phải tùy thuộc vào thẩm quyền nhà dòng và phải làm sao phối hợp nhịp nhàng được với thẩm quyền đó, nhưng cần ca ngợi họ về tính chất độc đáo, thiên tài, lòng tận tụy, vì họ thường phải nằm trong đám quân tiền phong đầu sóng đầu gió và luôn hứng hết mọi gian nguy, thậm chí cả hy sinh tính mạng”.

 

 

Các tu sĩ đã loan báo tin mừng cho châu Mỹ Latinh hoàn toàn xứng đáng với sự thừa nhận nầy. Cũng đã đủ, khi nghĩ đến một số trong những điều mà các tu sĩ nầy đã thực hiện được ở đây, như “những khu tự trị nhỏ” (“réductions”) nỗi tiếng của các anh em dòng Tên ở Paraguay, đó là những ngôi làng mà trong đó các anh em “Thổ dân” kitô, trốn tránh khỏi sự lạm dụng của quyền bính dân sự, có thể tìm hiểu đức tin và khai thác những tài năng của mình, như là những con người.

 

 

  • Các vấn đề hiện nay

 

 

Bây giờ, như thường lệ, chúng ta hãy cố gắng quay trở về lại với thời hiện tại, và xem xem lịch sử đó nói với chúng ta điều gì, khởi đi từ kinh nghiệm truyền giáo của Giáo Hội mà cách đại thể chúng ta vừa mới phác họa lại. Những điều kiện xã hội và tôn giáo của lục địa nầy đã thay đổi cách sâu xa, đến nỗi có lẽ tốt hơn thay vì nhấn mạnh đến điều chúng ta có thể học được hay không nên học từ thời kỳ nầy, thì nên suy tư về công việc loan báo tin mừng hiện nay trên lục địa châu Mỹ Latinh nầy.

 

 

Về vấn đề nầy, đã có và hiện vẫn luôn có vô vàn vô số những suy tư và những tài liệu đến từ Tòa Thánh, từ CELAM và từ từng mỗi Giáo Hội địa phương, đến nỗi tôi sẽ trở thành kẻ huyênh hoang, nếu như nghĩ mình có thể thêm thắt được vào đấy một cái gì đó mới mẻ. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình cũng có thể đóng góp được một chút gì đó vào một vài suy tư đã có, từ chính kinh nghiệm của bản thân mình trong lĩnh vực nầy, nhờ đã có dịp thuyết giảng trong các kỳ tĩnh tâm của các hội đồng giám mục, của hàng giáo sĩ và của dân chúng trong hầu hết các nước thuộc châu Mỹ Latinh, mà trong đó có một số nước tôi đã thuyết giảng nhiều lần. Ở châu Mỹ Latinh, trong lãnh vực nầy, những vấn đề càng được đặt ra nhiều bao nhiêu thì cũng chẳng khác gì mấy nơi phần còn lại của Giáo Hội. 

 

 

Một suy tư cần có về nhu cầu cần phải vượt qua một tình trạng cực đoan phải chọn lựa “hoặc cái nầy hoặc cái kia”, vốn đang hiện diện khắp nơi trong Giáo Hội, nhưng, đặc biệt gay gắt ở châu Mỹ Latinh, nhất là trong những năm vừa qua : sự phân cực cực đoan giữa tâm hồn hành động và tâm hồn chiêm niệm, giữa Giáo Hội dân thân trong lãnh vực xã hội vì những người nghèo và Giáo Hội loan báo niềm tin. Trước tình trạng phân cực đó, theo bản năng, chúng ta thường hay bị cám dỗ chọn cho mình một chiến tuyến, ca ngợi bên nầy và mạ lỵ bên kia. Giáo lý về các đặc sủng không cho phép chúng ta tạo ra một cuộc đối đầu như vậy. Ân huệ của Giáo Hội công giáo, đúng vậy, là công giáo, hay nói cách khác, là cởi mở ra với những ân huệ phong phú đa dạng khác nữa, vì vốn xuất phát từ cũng cùng một Thần Khí mà thôi. 

 

 

Lịch sử các dòng tu, đã dấn thân trên những nẻo đường khác nhau, và đôi khi trái ngược nhau, chứng tỏ cho thấy điều đó : hội nhập vào trong thế gian hay trốn tránh thế gian, làm việc tông đồ giữa những người trí thức, như các anh em dòng Tên, và làm việc tông đồ giữa đám quần chúng, như các anh em dòng capucins. Luôn có chỗ cho tất cả mọi người, cả loại hình nầy, cả loại hình kia. Còn nữa, tất cả chúng ta đều cần lẫn nhau, bởi vì chẳng có ai có khả năng một mình mà có thể thực hiện được tin mừng cách trọn vẹn và có thể biểu hiện được Đức Kitô và cuộc sống của Ngài, dưới tất cả mọi hình thái mà Ngài đã biểu lộ. Vì thế, mỗi người phải vui mừng vì anh em khác đã làm được điều mà chính mình không thể nào làm được : kẻ đang vun trồng đời sống thuộc linh và loan báo Lời hãy biết rằng còn có những anh em khác đang dâng hiến đời mình để bảo vệ công lý và thăng tiến xã hội, và ngược lại. Lời cảnh báo của Tông đồ Phaolô vẫn còn nguyên giá trị của nó : “Một lần thay cho tất cả, chúng ta hãy thôi đi đừng phê phán lẫn nhau !” (x. Rm 14, 13).

 

 

Một ghi nhận thứ hai liên quan đến vấn đề những người công giáo tử bỏ Giáo Hội để đi đến với các truyên xưng kitô khác. Trước tiên, chúng ta cần nhớ rằng người ta không được đánh đồng coi tất cả mọi tuyên xưng của các “giáo phái” đều như nhau. Với một vài trong số các tuyên xưng đó, ở đây phải kể các anh em “ngũ tuần”, Giáo Hội công giáo bao năm qua vẫn giữ một cuộc đối thoại đại kết chính thức với họ, và điều nầy chứng tỏ Giáo Hội không coi những tuyên xưng đó như những giáo phái tầm thường.

 

 

Sự cổ vũ đối thoại nầy, cả ở qui mô địa phương nữa, vốn có cái lợi là giải độc cho bầu khí được lành mạnh hơn, cô lập hóa được những giáo phái hiếu chiến nhất và làm nản lòng những nỗ lực muốn lôi kéo. Cách đây vài năm, ở Buenos Aires, đã diễn ra một buổi gặp gỡ đại kết, cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau chia sẻ lời, trong đó có sự tham gia của Đức Tổng Giám mục công giáo và các vị lãnh đạo của các Giáo Hội khác, cùng với sự hiện diện của 7000 người. Người ta thấy rõ ràng khả năng có thể có một tương quan mới giữa các kitô-hữu, mang tính xây dựng hơn có lợi cho niềm tin và nỗ lực loan báo tin mừng.

 

 

Trong một trong những tài liệu của mình, Đức Thánh Cha Jean-Paul II đã khẳng định rằng việc lan tràn các giáo phái bắt buộc người ta phải tự hỏi tại sao lại thế, cái gì đã thiếu sót trong công tác mục vụ của chúng ta. Trên cơ sở kinh nghiệm của mình – và không chỉ ở châu Mỹ Latinh – tôi xác tín rằng : điều lôi kéo người ta ra khỏi Giáo Hội chắc hẳn không phải là những hình thức đạo đức bình dân có thể xoay chiều bất cứ hướng nào mà phần lớn các Giáo Hội khác và các giáo phái, trái lại, vẫn tìm cách tống khứ và đánh bại. Cho dù phiến diện, nhưng lại mang tính dứt khoát, đó vẫn là một loan báo về ân sủng của Thiên Chúa, có thể sống Đức Giêsu như Đức Chúa và như Đấng Cứu Thế, mang hình hài một nhân vị hẳn hoi, có thể tham gia vào một nhóm quan tâm đến những nhu cầu riêng tư của bạn, cầu nguyện cho bạn trong cơn bệnh hoạn, khi mà y học đã đành chịu bó tay.

 

 

Nếu, một đàng, người ta có thể vui mừng vì những người nầy đã gặp gỡ được Đức Kitô và sám hối quay trở lại, đàng khác, điều đáng buồn là để làm điều đó những người nầy đã cảm thấy nhu cầu cần phải từ bỏ Giáo Hội của mình. Trong phần lớn các Giáo Hội mà những anh em nầy đến, tất cả đều xoay quanh cuộc trở lại thứ nhất và việc đón nhận Đức Giêsu như là Đức Chúa. Trong Giáo Hội công giáo, nhờ các bí tích, nhờ thẩm quyền Giáo hội, nhờ một nền linh đạo rất phong phú,  đó là điều thuận lợi để người ta không phải chỉ dừng lại nơi giai đoạn sơ khởi ban đầu, mà còn phải đạt tới sự sống kitô viên mãn và hoàn hảo. Các vị thánh là những chứng cứ cho thấy điều đó. Nhưng, điều cần thiết là khởi đầu nầy phải thực sự phát xuất từ một hành vi có ý thức và từ nguyện vọng riêng tư của đương sự và, nơi điều đó, thách đố của các cộng đoàn tin mừng và ngũ tuần đối với chúng ta như vậy lại là liều thuốc kích thích cho chúng ta.

 

 

Nơi điều đó, hơn bao giờ hết, nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Paul VI, Phong trào Canh tân nhờ đặc sủng chứng tỏ cho thấy “là một cơ may cho Giáo Hội”. Ở châu Mỹ Latinh, các vị mục tử của Giáo Hội đang bắt đầu hiểu rằng Phong trào canh tân nhờ đặc sủng không phải (như một số người tin là thế lúc ban đầu) là “một phần của vấn đề” khiến những người công giáo ra khỏi Giáo Hội, mà đúng hơn là một phần giúp giải quyết vấn đề. Các thống kê chưa bao giờ để lộ cho thấy có bao nhiêu người vẫn trung thành với Giáo Hội, nhờ nhận thấy trong Phong trào Canh tân nhờ đặc sủng điều mà những người khác lại đi tìm kiếm ở nơi khác. Có nhiều cộng đoàn, vốn xuất thân từ Phong trào canh tân nhờ đặc sủng, mặc dầu vẫn còn một vài hạn chế nào đó và thậm chí đôi khi còn một vài lệch lạc nào đó nữa, là những đạo quân tiên phong trong nỗ lực phục vụ Giáo Hội và loan báo tin mừng.

 

 

  • Vai trò của các tu sĩ trong nỗ lực tân tin mừng hóa

 

 

Tôi đã nói rằng tôi không muốn dừng lại nơi nỗ lực loan báo tin mừng đầu tiên trên lục địa nầy. Tuy nhiên, có một điều đáng cho chúng ta quan tâm : đó là tầm quan trọng của các dòng tu truyền thống trong nỗ lực loan báo tin mừng. Chính là dành cho họ mà Chân Phước Giáo hoàng Jean-Paul II, nhân dịp kỷ niệm 500 năm biến cố loan báo tin mừng lần đầu tiên cho lục địa nầy, đã viết Bức Tông Thư, với tựa đề nguyên gốc của nó là “Los caminos del Evangelio”. “Các tu sĩ – ngài viết – mà vốn đã là những sứ giả loan báo tin mừng đầu tiên và mà, cách hiển nhiên, đã đóng góp nhiều trong việc làm cho đức tin sống được trên lục địa nầy, hẳn không thể vắng mặt trong lời hiệu triệu nầy của Giáo Hội, nhằm tham gia vào một nỗ lực loan báo tin mừng mới. Những đặc sủng khác nhau của đời sống tận hiến sẽ giữ gìn cho sứ điệp của Đức Giêsu luôn hiện diện và hiện hành mọi thời và mọi nơi.”

 

 

Chính đời sống cộng đoàn, nhờ có một sự điều hành tập trung và những trung tâm đào tạo trình độ cao, mà ngày xưa đã cho phép các dòng tu lăn xã được vào trong một công việc truyền giáo bao la như vậy. Nhưng, ngày nay, liệu có còn được sức mạnh đó chăng ? Trong tư cách một người trong cuộc, vốn thuộc về một trong những hội dòng xưa cũ nầy, tôi có thể dám trình bày cách thoải mái hơn. Việc giảm sút ơn gọi cách nhanh chóng  trong các xứ sở phương Tây đã tạo ra một tình thế nguy hiểm : đó là việc người ta dành gần như toàn bộ sức lực của mình để làm sao thỏa mãn được những nhu cầu nội bộ bên trong của gia đình dòng tu của mình (đào tạo giới trẻ, tìm cách bảo tồn các cơ cấu và các công trình), mà chẳng có mấy quan tâm và sức lực dành cho nỗ lực hòa mình vào trong quĩ đạo rộng lớn hơn của Giáo Hội. Vì thế, có tình trạng người ta chỉ co cụm lại với chính mình mà thôi. Ở châu Âu, các dòng tu truyền thống bị bắt buộc phải hợp nhất nhiều tỉnh dòng lại làm một và, đau đớn thay cả việc cứ liên tục đóng cửa hết nhà này sang nhà nọ.

 

 

Đã hẳn, sự tục hóa là một trong những nguyên nhân của tình trạng giảm sút ơn gọi nầy, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Vẫn có những cộng đoàn dòng tu mới đang cuốn hút cả một đám đông các bạn trẻ. Trong Bức Tông Thư mà tôi vừa mới nhắc tới, Đức Thánh Cha Jean-Paul II khuyên các nam nữ tu sĩ châu Mỹ Latinh hãy “loan báo tin mừng khởi đi từ chính kinh nghiệm sâu xa của mình về Thiên Chúa”. Đó mới chính là điểm trọng yếu : “Một kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa”. Chính cái đó mới hấp dẫn để có được những ơn gọi và tạo ra được những hoa trái đầu mùa cho một đợt sóng loan báo tin mừng mới có hiệu quả. Trong lãnh vực nầy, câu ngạn ngữ “nemo dat quod non habet”, không ai có thể cho điều mà mình không có, tỏ ra có giá trị hơn bao giờ hết.

 

 

Bề trên giám tỉnh của các anh em dòng Capucins des Marches, vốn cũng là bề trên của tôi, nhân dịp Mùa Vọng nầy, đã viết một Bức Thư gửi tất cả anh em trong dòng. Ngài đã đưa ra một thách thức mà tôi tin là tất cả mọi cộng đoàn dòng tu truyền thống đều có thể lắng nghe được :

 

 

“Bạn, người đang đọc những giòng nầy, bạn phải tưởng tượng rằng ‘bạn là Thánh Thần’ (“tu es l’Esprit Saint”). Phải, chắc bạn hiểu rõ điều đó : rằng bạn không chỉ tràn ngập Thánh Thần, mà bạn còn là chính Thánh Thần, Ngôi Ba của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi. Và, dưới hình thức nầy, bạn hãy nghĩ rằng bạn có quyền mời gọi và sai một người trẻ đi vào con đường vốn sẽ giúp cho anh ta đạt được tình trạng hoàn hảo của Đức Ái, sống được đời sống dòng tu, nếu muốn nói cách nôm na. Liệu bạn có có can đảm để gửi anh bạn trẻ đó vào trong huynh đoàn của bạn, với niềm xác tín bảo đảm là huynh đoàn của bạn có thể là nơi chốn cách nghiêm túc sẽ giúp cho anh bạn trẻ nầy thực sự đạt đến được tình trạng hoàn hảo của Đức Ái trong mọi ngày của đời sống ? Nói cách khác : nếu như một người trẻ nào đó đến sống vài ngày hay vài tháng trong huynh đoàn của bạn, chia sẻ kinh nguyện, đời sống huynh đệ, công việc tông đồ…liệu anh ta có mê say được đời sống của chúng ta chăng ?”

 

 

Khi các dòng khất thực, đaminh và franciscains xuất hiện, vào đầu thế kỷ XIII, các dòng đan sĩ cũng đã được hưởng lợi không ít, đó là các đan sĩ được mời gọi để sống đời sống khó nghèo và có tính tin mừng hơn, trong khi mỗi bên vẫn hoàn toàn giữ được đặc sủng của riêng mình. Liệu chúng ta, các dòng tu truyền thống, ngày hôm nay, trong tương quan với các hình thức mới mẻ sống đời sống tận hiến đang được khêu gợi lên trong Giáo Hội, lại chẳng làm được như vậy hay sao ?

 

 

Ân sủng tạo ra các thực tại mới mẻ nầy thì nhiều và đa dạng, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung, đó là Thánh Thần, “Lễ Ngũ Tuần mới”. Sau Công đồng, hầu như tất cả các dòng tu đã tồn tại trước đó đều đã rà soát lại và canh tân các bản hiến chương của mình, nhưng ngay từ năm 1981, Chân phước Jean-Paul II đã cảnh báo : “Mọi công việc canh tân đổi mới Giáo Hội mà Công đồng Vatican II, nhờ ơn quan phòng của Thiên Chúa, đã đề xướng và đã khởi đầu…chỉ có thể thực hiện được trong Thánh Thần, tức là với sự trợ giúp của ánh sáng của Ngài và quyền năng của Ngài mà thôi.”

 

“Thánh Thần – thánh Bonaventure đã nói – đi đến nơi “mà Ngài được yêu mến, nơi mà Ngài được mời, nơi mà Ngài được chờ đợi.” Chúng ta cần phải mở toang các cộng đoàn của chúng ta ra cho hơi thở của Thần Khí, Đấng sẽ đổi mới kinh nguyện, đời sống huynh đệ, tình yêu đối với Đức Kitô, và cùng với Ngài nhiệt tình truyền giáo. Nhìn lui lại đàng sau, những cội nguồn riêng của chúng ta, đấng sáng lập riêng của chúng ta, đã hẳn, nhưng còn phải nhìn vế phía trước nữa.

 

 

Khi nhìn vào hoàn cảnh hiện nay của các dòng tu trong thế giới phương Tây, câu hỏi mà ngôn sứ Ezékiel đã nghe vang vọng lên bên trên thung lũng các bộ xương khô, cách tự nhiên lại đến với tâm trí chúng ta : “Những bộ xương khô nầy liệu có thể sống lại chăng ?” Những bộ xương cứng cỏi mà người ta nói đến trong bản văn không phải là của những người chết mà là của những người sống; chính dân Israel đang trong hoàn cảnh lưu đày đã nói : “Những bộ xương của chúng con đã khô cằn, niềm hy vọng của chúng con đã can kiệt, chúng con đã tiêu vong !” Những tâm tình nầy đôi khi cũng lộ ra nơi chúng ta, những phần tử của những dòng tu xưa cũ.

 

 

Chúng ta hẳn biết câu trả lời, tràn đầy niềm hy vọng, mà Thiên Chúa đã tỏ bày : “Ta sẽ đặt thần khí của Ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ định cư các ngươi trên mãnh đất của các ngươi, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa : Ta nói và Ta sẽ làm”, đó là lời của Đức Chúa. Chúng ta cần phải tin và hy vọng rằng cũng sẽ xãy ra cho chúng ta, và cho toàn thể Giáo Hội, điều mà lời ngôn sứ đã nói : “Thần Khí đã xâm nhập vào họ; họ khôi phục lại được sự sống, và đứng vững được với đôi chân của mình : đó là một đạo quân đông vố số kể” (xem Ed 37, 1-14).

 

 

Cách đây 4 ngày, như tôi đã nói ngay từ đầu, châu Mỹ Latinh đã cử hành Lễ Đức Bà Guadalupe. Người ta đã tranh luận nhiều về tính chất lịch sử của những sự kiện vốn nằm ở nơi cội nguồn của việc sùng kính nầy. Chúng ta cần phải thống nhất với nhau về điều mà người ta hiểu là sự kiện lịch sử. Có nhiều sự kiện thực sự đã xãy ra, nhưng không tạo nên lịch sử, bởi vì điều “tạo nên lịch sử”, theo ý nghĩa đặc thù của nó, không phải là tất cả gì đã xẫy ra, mà duy chỉ có điều mà, còn hơn cả đã được xẫy ra, đã có một tầm ảnh hưởng lên trên đời sống của một dân tộc, đã tạo ra được một sự gì đó mới mẻ, đã để lại được một dấu vết nào đó bên trong lịch sử. Và dấu vết mà Đức Nữ Trinh Guadalupe đã để lại trong lịch sử của dân tộc Mexique và cả châu Mỹ Latinh quả thực sâu sắc biết bao, làm sao có thể hình dung ra được đây !

 

Sự kiện hình ảnh Đức Maria, ngay từ khi lục địa châu Mỹ mới bắt đầu được loan báo tin mừng, năm 1531, thấy được in ấn trên chiếc áo choàng (tilma) của thánh Diego, dưới những đường nét của một cô gái trẻ pha trộn da màu, đúng như cái tên của ngài là “Morenita”, trên đồi Tepeyac, mạn Bắc Mexico, vốn mang một ý nghĩa tượng trưng rất cao. Người ta không thể có được cách nói nào đầy gợi ý hơn thế, rằng Giáo Hội, ở châu Mỹ Latinh, như vậy là được mời gọi – và Giáo Hội ở đây vẫn muốn làm như thế - để làm người bản xứ với những người bản xứ, để làm người da trắng lai với những người da trắng lai, là tất cả cho tất cả mọi người.

 

        Raniero Cantalamessa, ofmcap.

[Nguyên tác Ý ngữ;

Bản Pháp ngữ của Zenit (Isabelle Cousturié); 

Bản Việt ngữ của linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung].

 

***********************************************************

BÀI IV:
KHỞI ĐI LẠI TỪ ĐẦU
Đợt sóng loan báo tin mừng hiện hành


I-  Một địa chỉ mới của nỗ lực loan báo tin mừng

“Prope est iam Dominus : venite, adoremus” : “Đức Chúa đã ở kề bên : nào hãy đến, chúng ta hãy bái thờ Ngài”. Chúng ta hãy bắt đầu bài suy niệm nầy, như Phụng vụ các giờ kinh trong những ngày kề với Lễ Noël nầy vốn thường bắt đầu, để Phụng vụ các giờ kinh nầy cũng góp phần vào việc chuẩn bị cho Ngày Lễ trọng đại nầy.

Ngày hôm nay, chúng ta kết thúc những suy tư của chúng ta về nỗ lực loan báo tin mừng. Cho đến lúc nầy đây, tôi đã tìm cách tái dựng lại ba đợt sóng lớn loan báo tin mừng trong lịch sử của Giáo Hội. Chắc chắn rằng người ta có thể vẫn nhớ những công trình truyền giáo vĩ đại khác, như công trình truyền giáo được khởi xướng bởi thánh François-Xavier thế kỷ XVI ở phương Đông - Ấn độ, Trung hoa và Nhật bản – và như công cuộc loan báo tin mừng cho lục địa châu Phi bởi Daniele Comboni, Đức Hồng Y Guglielmo Massaia và biết bao người khác nữa. Tuy nhiên, vạn bất đắc dĩ cần phải có một chọn lựa, và tôi hy vọng rằng những suy tư của tôi sau đây sẽ cho phép nhận ra được lý do chọn lựa nầy.

Điều thay đổi và tạo ra sự khác biệt giữa các đợt sóng loan báo tin mừng khác nhau nầy, như đã được gợi lên, không phải là đối tượng của loan báo – “niềm tin đã được truyền đạt lại cho các thánh một lần thay cho tất cả”, nói theo ngôn ngữ của Thư của Jude - , mà là những người nhận, vốn riêng cho từng mỗi người, đó là thế giới Hy lạp và thế giới Roma, thế giới man di và tân thế giới, tức là lục địa châu Mỹ.

Vì thế, người ta tự hỏi : ngày hôm nay, trong đợt sóng loan báo tin mừng mới nầy, đợt sóng thứ tư, ai sẽ là người nhận đây ? Đây là câu trả lời : đó là thế giới phương Tây vốn đang bị tục hóa, và, dưới một số khía cạnh nào đó, thuộc thế hệ hậu-kitô. Việc chỉ rõ địa chỉ người nhận nầy, vốn đã thấy xuất hiện trong những tài liệu của Chân phước Giáo hoàng Jean-Paul II, nay lại càng trở nên đích danh hơn trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Benoît XVI. Trong tự sắc mà qua đó ngài đã thiết lập “Hội đồng giáo hoàng để cổ vũ cho nỗ lực loan báo tin mừng mới”, Đức Thánh Cha Benoît XVI đã nói về việc “có nhiều xứ sở vốn đã có một truyền thống kitô xa xưa, nay trở thành trơ lì với sứ điệp tin mừng”.

Trong Mùa Vọng năm ngoái, tôi đã thử làm rõ điều đã tạo ra nét đặc thù của địa chỉ mới mà loan báo tin mừng muốn nhắm tới nầy, bằng cách tóm tắt lại qua ba khuôn mặt : khuynh hướng duy khoa học (scientisme),  sự tục hóa (sécularisation), khuynh hướng duy lý (rationalisme). Ba khuynh hướng nầy chung qui đều dẫn đến cũng cùng một hậu quả : đó là khuynh hướng tương đối hóa mọi sự (relativisme).

Mỗi khi phát hiện ra một thế giới mới cần phải được loan báo tin mừng, thì chúng ta lại chứng giám sự xuất hiện của những con người loan báo tin mừng dành riêng cho thế hệ mới đó : các giám mục trong suốt ba thế kỷ đầu (nhất là nơi thế kỷ III), các đan sĩ trong đợt sóng thứ hai và các tu sĩ trong đợt sóng thứ ba. Ngày hôm nay cũng vậy, chúng ta đang chứng giám sự xuất hiện của một thế hệ mới các nhà loan báo tin mừng : đó là các giáo dân. Dĩ nhiên, không làm gì có chuyện thế hệ nầy ra đời để thay thế cho một thế hệ khác trước đó, mà ở đây chỉ nhằm muốn nói đến một sức mạnh mới của dân Thiên Chúa đến thêm vào những sức mạnh khác đã có trước đó, các giám mục, dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng, vẫn luôn là những nhà hướng đạo có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

II-  Như rãnh nước được tạo ra bởi một con tàu lớn trên biển

Tôi đã nói rằng dọc dài theo các thế kỷ, các địa chỉ lãnh nhận loan báo tin mừng có thay đổi, nhưng chính nội dung loan báo thì không. Tuy nhiên, tôi phải minh định cho rõ hơn khẳng định trên đây. Đã đành điều cốt yếu của loan báo không thể nào thay đổi được, nhưng cung cách trình bày loan báo đó, những ưu tiên, cái điểm mà từ đó chúng ta phải xuất phát trong loan báo nầy, có thể và phải thay đổi.

Chúng ta hãy doãn lại con đường mà loan báo tin mừng đã đi qua, để bây giờ đến được với chúng ta. Trước hết, đó là loan báo mà chính Đức Giêsu đã làm và mà đối tượng trung tâm là tin vui nầy : “Nước Thiên Chúa đã đến với anh em”. Tiếp theo pha kỳ độc nhất mà chúng ta thường gọi là “thời gian của Đức Giêsu” đó là “thời gian của Giáo Hội”, sau Biến cố Phục sinh. Lúc bấy giờ, Đức Giêsu không còn là người loan báo nữa, mà là Đấng được loan báo; hạn từ “Tin Mừng” (“Evangile”) không còn có nghĩa là “tin mừng do Đức Giêsu mang lại” nữa, mà là tin mừng về Đức Giêsu, tức là tin mừng mà đối tượng là Đức Giêsu và đặc biệt, sự chết và sự Phục sinh của Ngài. Đó luôn luôn vẫn là điều mà thánh Paul hiểu khi ngài sử dụng hạn từ “Tin Mừng”.

Nhưng, cần phải lưu ý đừng quá tách rời hai thời kỳ và hai loan báo nầy, thời gian của Đức Giêsu và thời gian của Giáo Hội, hay, như người ta có thói quen hay nói, tách rời “Đức Giêsu lịch sử” ra khỏi “Đức Kitô của niềm tin”. Đức Giêsu không chỉ là đối tượng của loan báo của Giáo Hội, điều được loan báo. Coi chừng đừng chỉ giản lược Ngài như thể chỉ là vậy mà thôi ! Làm thế có nghĩa là người ta đã quên mất sự Phục sinh của Ngài. Trong loan báo của Giáo Hội, chính Đức Kitô phục sinh, cùng với Thần Khí của Ngài, vẫn là Đấng đang nói; Đức Kitô vẫn còn là chủ thể đang loan báo. Như một bản văn của Công đồng đã nói : “Đức Kitô vẫn hiện diện nơi lời của Ngài, bởi vì chính Ngài vẫn đang nói khi người ta đọc các Sách Thánh bên trong Giáo Hội”.

Khởi đi từ loan báo đầu tiên của Giáo Hội, tức là “kérygme”. Chúng ta có thể qua việc dùng một hình ảnh tóm tắt lại diễn tiến liên tục của nỗ lực rao giảng của Giáo Hội. Chúng ta hãy tưởng tượng như đó là rãnh nước mà con tàu để lại phía sau nó trong chuyến hải hành. Rãnh nước nầy khi bắt đầu chỉ là một chấm nhỏ được tạo ra bởi mũi của con tàu, nhưng cái chấm nhỏ đó cứ mãi dần kéo dài ra cho đến lúc mất hút tận cuối chân trời và chấm dứt với việc nối kết lại được hai bờ biển đối diện với nhau. Đó chính là điều đã xẫy ra trong loan báo của Giáo Hội : loan báo nầy bắt đầu chỉ như một chấm nhỏ : kérygme, “Đức Giêsu, đã bị nộp vì tội lỗi của chúng ta và đã được phục sinh để công chính hóa chúng ta” (xem Rm 4, 25; 1 Cr 15, 1-3); hay cách hệ thống hơn : “Giêsu là Đức Chúa !” (Cv 2, 36; Rm 10, 9).

Bước giản nở đầu tiên của chấm nhỏ nầy xuất hiện với sự ra đời của 4 sách tin mừng, được viết ra để giải thích cái lõi hạt nhân ban sơ nầy, và cùng với phần còn lại của Tân Ước; tiếp đến là truyền thống của Giáo Hội, cùng với quyền giáo huấn,  phụng vụ, thần học, các cơ cấu, các luật lệ, đường hướng linh đạo của Giáo Hội. Kết quả cuối cùng là cả một di sản đồ sộ bao la bát ngát, khiến người ta nghĩ đến cái chuỗi rãnh nước hút mắt mà con tàu đã để lại trên mặt biển khơi.

Vì thế, nếu muốn tin mừng hóa thế giới bị tục hóa nầy, cần phải có một chọn lựa. Bắt đầu từ đâu ? Khởi đi từ bất cứ điểm nào trên rãnh nước đó, hay từ chấm nhỏ đầu tiên ? Cái di sản dồi dào cơ man nào là giáo thuyết và những định chế đó có thể trở thành một điều bất lợi, nếu chúng ta tìm cách giới thiệu về mình, cùng với cả gia tài đó,  cho một người mà từ lâu đã đánh mất mọi tiếp xúc với Giáo Hội và chẳng còn biết Đức Giêsu là ai. Làm thế cũng chẳng khác gì đi mặc cho một đứa trẻ con bộ áo gấm vóc rộng thùng thình và nặng nề mà các giám mục và linh mục vẫn thường mặc trong một vài dịp nào đó trong năm phụng vụ.

Cần phải giúp cho con người nầy tiếp xúc ngay được với Đức Giêsu; cùng với con người đó, hãy làm ngay điều mà Pierre đã làm trong Ngày Lễ Ngũ Tuần với ba ngàn người hiện diện : nói ngay với những con người nầy về Đức Giêsu mà chúng ta đã đóng đinh trên thập giá và mà Thiên Chúa đã làm cho Ngài phục sinh, dẫn con người nầy đến cái điểm mà cả anh ta nữa, một khi được đánh động nơi chính con tim, cũng sẽ thốt lên xin : “Thưa anh em, chúng tôi phải làm gì đây ?” và chính chúng ta cũng sẽ trả lời, như Pierre đã trả lời : “Hãy ăn năn thông hối, hãy lãnh nhận Thánh tẩy, nếu anh em chưa lãnh nhận, hay hãy xưng thú tội lỗi, nếu anh em đã từng được thánh tẩy rồi.”

Cũng như ngày xưa, ngày nay cũng vậy, những ai đáp trả lại lời loan báo sẽ được hiệp nhất lại với cộng đoàn những kẻ tin, họ sẽ được nghe lời dạy dỗ của các tông đồ và được tham dự vào việc bẻ bánh; tùy theo ân sủng nhận được và tùy theo đáp trả của mỗi người, những người nầy, dân dần, sẽ có thể sở đắc được cả cái di sản đồ sộ nầy, vốn khai sinh từ chấm nhỏ là kérygme của các tông đồ. Người ta không đón nhận Đức Giêsu dựa trên lời của Giáo Hội, mà người ta đón nhận Giáo Hội dựa trên lời của Đức Giêsu.

Chúng ta đang có một đồng minh bất đắc dĩ trong nỗ lực nầy : đó là thất bại của tất cả mọi nỗ lực qua đó thế giới bị tục hóa nầy muốn thay thế loan báo tin mừng kitô đầu tiên (kérygme chrétien) bằng những “tiếng kêu” khác và “những biểu tình” khác. Tôi thường thích lấy làm thí dụ bức tranh nỗi tiếng “Tiếng kêu” của nghệ sĩ gốc người Na uy, Edvard Munch. Một người đứng trên cầu, đàng sau là một cái nền màu đỏ nhạt, hai tay vòm quanh cái miệng ngoác to gần như hết cỡ, gào to lên, người ta hiểu ngay tức khắc đó là một tiếng kêu kinh hoàng, một tiếng kêu trống rỗng, không lời, đó chỉ là một âm thanh. Lối diễn tả hoàn cảnh của con người hiện đại như thế, theo tôi, xem ra mang lại nhiều hiệu quả nhất. Đó là hoàn cảnh của một con người đã quên bẵng đi mất tiếng kêu ăm ắp đầy nội dung là loan báo đầu tiên của các tông đồ (kérygme) và cảm thấy cần phải gào vào khoảng không nỗi kinh hoàng xao xuyến hiện sinh của riêng mình.

III-   Đức Kitô, người đương thời với chúng ta

Bây giờ đây, tôi muồn thử tìm cách giải thích tại sao trong kitô-giáo, bất cứ khoảnh khắc nào,  người ta cũng có thể lại bắt đầu khởi đi từ mũi của con tàu, mà đó không phải chỉ là một thứ tưởng tượng hay đơn giản chỉ là một công việc khảo cổ mà thôi. Lý do vốn đơn giản : con tàu vẫn còn rẽ nước trên biển khơi và rãnh nước đó vẫn còn được bắt đầu với một chấm nhỏ !

Mặc dù ông ta đã có nói nhiều điều rất đẹp đẽ về niềm tin và về Đức Giêsu, nhưng có một điểm tôi không đồng tình với triết gia Kierkegaard. Một trong những đề tài ưa thích của ông ta đó là đặc tính đồng thời của Đức Kitô. Nhưng, Kierkegaard quan niệm tính đồng thời có nghĩa là chúng ta phải trở nên những ngưởi đồng thời của Đức Kitô. “Kẻ muốn tin vào Đức Kitô – ông ta viết – bắt buộc phải trở thành kẻ đồng thời với Ngài trong sự hạ mình xuống”. Điều đó có nghĩa là để tin thực sự, cũng cùng một thứ niềm tin mà các tông đồ được đòi hỏi phải có, cần phải vượt qua 2000 năm lịch sử và những xác nhận về Đức Kitô và phải tự đặt mình vào vị trí của những kẻ mà Đức Giêsu đã ngõ lời với : “Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang khổ đau vì gánh nặng đè vai, và Ta, Ta sẽ cho các ngươi được nghỉ ngơi” (Mt 11, 28). Làm sao người ta có đủ can đảm để tin vào một lời hứa hẹn như vậy được chứ, khi mà Đấng đã đưa ra lời hứa hẹn đó, chính Ngài chẳng có nổi một viên đá để gối đầu ?

Tính đồng thời đích thực vốn là một điều khác : chính Đức Kitô trở thành người đồng thời của chúng ta, bởi vì, sau khi đã được phục sinh, Ngài vẫn sống trong Thần Khí và trong Giáo Hội. Nếu chúng ta phải trở thành những kẻ đồng thời của Đức Kitô, thì sự đồng thời nầy chỉ có trong ý hướng mà thôi; còn nếu chính Đức Kitô trở thành người đồng thời với chúng ta, thì sự đồng thời nầy là điều có thực. Theo một tư tưởng linh đạo táo bạo của anh em chính thống giáo, thì “lời kinh xin hãy làm quay trở lại (anamnèse) là một hành vi khiến cho quá khứ còn hiện diện hơn cả khi mà nó đã được sống”. Đó không phải là một sự thái quá. Trong cử hành phụng vụ thánh lễ, biến cố chết và phục sinh của Đức Kitô trở nên hiện thực đối với tôi còn hơn cả đối với những kẻ đã được tham dự cách cụ thể và với thể xác trước kia, bởi vì, vào lúc đó, chỉ là một sự hiện diện “theo thể xác”, còn bây giờ là một sự hiện diện “theo Thần Khí”.

Cũng một điều như vậy đối với những ai, với niềm tin, công bố : “Đức Kitô đã chết vì những tội lỗi của tôi, Ngài đã phục sinh để làm cho tôi được công chính hóa, Ngài là Đức Chúa”. Một tác giả thế kỷ IV đã viết : “Đối với mỗi một người, khởi đầu của sự sống, đó là lúc Đức Kitô đã bị hiến tế cho chính người đó. Nhưng, Đức Kitô bị hiến tế cho anh ta vào lúc mà anh ta nhận ra được ân sủng đó và ý thức được những hệ quả mà anh ta nhận được từ hành vi hiến tế nầy”.

Tôi nhận thấy quả không dễ dàng gì, thậm chí có lẽ còn không thể khi phải nói những điều nầy cho người ta, và còn tệ hơn nữa khi phải nói những điều đó cho thế giới đã bị tục hóa ngày hôm nay; nhưng, đó chính là điều mà chúng ta, những người rao giảng tin mừng, cần phải biết nằm lòng, để có thể kín múc được ở đấy lòng can đảm và tin vào lời của Jean, người rao giảng tin mừng khi ngài nói : “Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian” (1 Ga 4, 4).

IV-  Các giáo dân, những diễn viên chính trong nỗ lực tin mừng hóa

Ngay từ đầu, tôi đã nói, trong pha kỳ tin mừng hóa hiện nay, các giáo dân là những diễn viên chính mới. Vai trò nầy vốn đã được đề cập đến bởi Công đồng, trong sắc lệnh “Apostolicam actuositatem”, bởi Đức Thánh Cha Paul VI trong “Evangelii nuntiandi”, và bởi Đức Thánh Cha Jean-Paul II trong “Christifideles laici”.

Những tiền đề của lời mời gọi phổ quát cho sứ mạng truyền giáo nầy đã được tìm thấy trong Tin Mừng. Sau lần đầu tiên sai các tông đồ đi truyền giáo, như người ta đọc thấy trong tin mừng của Luc, Đức Giêsu “còn chỉ định 72 người, và Ngài đã sai họ, cứ hai người một, đi trước Ngài đến tất cả các làng mạc, địa điểm mà Ngài sẽ đến” (Lc 10, 1). 72 môn đệ nầy có lẽ là tất cả những người mà Ngài đã qui tụ được cho đến lúc đó, hay chí ít là tất cả những người cách nghiêm túc đã có thể sẵn sàng cùng dấn thân với Ngài. Vì thế, như vậy là Đức Giêsu đã sai đi “tất cả” các môn đệ của mình.

Tôi có biết một người giáo dân ở Hoa Kỳ, cha của một gia đình, bên cạnh nghề nghiệp của mình, còn có một hoạt động tin mừng hóa rất hăng say. Đó là một con người có đầu óc khôi hài, tin mùng hóa bằng cách tạo ra được những tràng cười thoải mái, bởi vì chỉ có những người Mỹ mới có thể làm được như vậy. Khi đến một địa điểm mới, ông ta bắt đầu bằng cách rất nghiêm túc nói như thế nầy : “2500 vị giám mục, tụ tập lại ở Vatican, đã xin tôi đến loan báo cho các bạn Tin Mừng”. Tự nhiên là người ta bắt đầu cảm thấy tò mò. Lúc bấy giờ ông ta mới giải thích rằng 2500 vị giám mục là những con người đã tham dự Công đồng Vatican II và đã soạn thảo sắc lệnh về sứ mạng tông đồ của các giáo dân, trong đó mỗi giáo dân đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng truyền giáo loan báo tin mừng của Giáo Hội. Ông ta như vậy là hoàn toàn có lý khi nói “các ngài đã xin tôi”. Những lời nầy không phải là những lời nói với không khí, hãy nói cho tất cả và từng người một : những lời nầy được ngõ với mỗi giáo dân công giáo, đích thân từng cá nhân một.

Ngày nay, chúng ta biết năng lượng hạt nhân vốn xuất phát ra từ một “sự phân rã”  nguyên tử. Một nguyên tử uranium bị bắn và “bị phá vỡ ra” thành hai do cú va chạm được tạo ra bởi một phân tử được gọi là neutron, trong tiến trình nầy, làm giải phóng ra năng lượng. Và, lúc bấy giờ, bắt đầu một phản ứng dây chuyền. Hai yếu tố mới tiếp tục phải chịu một “sự phân rã”, tức là đến lượt chúng, mỗi một yếu tố nầy lại tách ra thành hai nguyên tử khác, hai nguyên tử nầy lại tách thành bốn nguyên tử khác và rồi cứ như vậy tạo ra hằng tỷ nguyên tử, đến nỗi cuối cùng, năng lượng “được giải phóng ra” vô cùng vô tận. Và không nhất thiết đó là năng lượng phá hủy, bởi vì năng lượng hạt nhân cũng có thể được dùng cho những mục đích hòa bình, vì lợi ích của con người.

Trong ý nghĩa đó, trên bình diện thuộc linh, chúng ta có thể nói rằng những người giáo dân vốn là một thứ năng lượng hạt nhân của Giáo Hội. Một người giáo dân mà được Tin Mừng chạm tới, sống trong môi trường được bao quanh, có thể “làm lây nhiễm” thêm hai người khác, và với hai người nầy thêm bốn người khác nữa, và bởi vì con số các kitô-hữu giáo dân không chỉ có hàng chục ngàn người như hàng giáo sĩ, mà phải tính đến hàng trăm triệu, vì thế, những người giáo dân thực sự có thể đóng một vai trò mang tính quyết định, trong nỗ lực làm lan tỏa ánh sáng mang lại nhiều lợi ích của Tin Mừng vào trong thế giới.

Không phải chỉ từ Công đồng Vatican II người ta mới bắt đầu nói về chuyện giáo dân làm việc tông đồ : người ta đã nói về điều nầy từ rất lâu trước đó. Nhưng, điều mới mẻ mà Công đồng mang lại trong lãnh vực nầy đó là tước hiệu mà dưới tư cách đó các giáo dân đóng góp vào công việc tông đồ của hàng giáo phẩm. Đó không phải đơn giản chỉ là những cộng tác viên được kêu gọi để tham dự vào, tùy theo nghề nghiệp, thời gian và khả năng của họ; các giáo dân là những người mang trong mình những đặc sủng, mà nhờ đó, như hiến chế Lumen Gentium đã nói, “họ tỏ ra thích hợp và trong tư thế sẵn sàng để cáng đáng được những trách nhiệm khác nhau và những phần vụ có lợi cho nỗ lực canh tân và phát triển Giáo Hội”. 

Đức Giêsu đã muốn các tông đồ của Ngài là những người chăn chiên và là những kẻ đánh cá người. Đối với chúng ta, hàng giáo sĩ, có vẻ như làm kẻ chăn chiên thì dễ dàng hơn là làm người đánh cá; tức là, thà với lời và các bí tích, nuôi nấng những ai đến với Giáo Hội còn hơn là ra đi tìm kiếm những kẻ ở xa, trong những môi trường tạp nham của cuộc sống. Dụ ngôn con chiên bị thất lạc ngày nay có lẽ phải được đọc ngược lại : 99 con chiên thì ở xa, và chỉ một con chiên còn ở lại trong chuồng. Điều nguy hiểm, đó là người ta dành tất cả thời gian để nuôi nấng chỉ một con chiên còn ở lại, và chẳng có thời gian đi tìm kiếm những con chiên đang lạc xa ràn, chỉ với cái cớ là thiếu linh mục. Trong tình hình đó, phần đóng góp của anh chị em giáo dân xem ra là ân sủng quan phòng.

Các “phong trào giáo hội” vốn tiền phong nhất trong lãnh vực nầy. Sự đóng góp mang tính biệt loại cho nỗ lực tin mừng hóa của những phong trào nầy đó là cống hiến cho những người trưởng thành một cơ hội để tái khám phá lại bí tích thánh tẩy của mình, và trở thành những phần tử năng nỗ và dấn thân của Giáo Hội. Ngày hôm nay, có nhiều cuộc trở lại nơi anh chị em không tin, và việc nhiều kitô-hữu quay trở về lại với thực hành tôn giáo đã được chứng thực trong cái khung của những phong trào nầy.

Mới đây thôi, nhằm hướng về nỗ lực tin mừng hóa nầy, Đức Thánh Cha Benoît XVI đã trở lại với đề tài tầm quan trọng của gia đình, khi nói về “vai trò số một” của các gia đình kitô trong lãnh vực nầy. “Cũng như sự vắng bóng Thiên Chúa và cơn khủng hoảng gia đình vốn liên kết với nhau, - ngài nói - cũng vậy, nỗ lực tin mừng hóa mới không thể tách rời khỏi gia đình kitô”.

Khi chú giải bản văn của Luc nơi có nói rằng Đức Giêsu “còn chỉ định 72 môn đệ, và sai họ từng hai người một đi trước Ngài vào các làng mạc và nơi chốn mà chính Ngài sẽ phải đến” (Lc 10, 1), thánh Grégoire le Grand đã viết rằng Ngài sai từng hai người một “bởi vì kém đi một người thì không thể có tình yêu”, và tình yêu là điều cho phép con người nhận ra rằng chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô. Điều nầy có giá trị cho tất cả mọi người, nhưng nhất là cách đặc biệt cho những bậc làm cha làm mẹ. Nếu như các bậc làm cha làm mẹ chẳng thể làm được gì giúp đỡ con cái trong đức tin, họ hẳn đã làm được rất nhiều, nếu như, khi nhìn vào họ, các đứa con nầy có thể nói với nhau : “Hãy nhìn xem bố mẹ , các ngài đã yêu thương nhau biết bao !” “Tình yêu đến từ Thiên Chúa”, Thánh Kinh đã nói vậy (1 Ga 4, 7) và điều đó giải thích tại sao ở bất cứ nơi nào dù chỉ có một chút tình yêu đích thực thôi, là ở đấy Thiên chúa được loan báo.

Công cuộc loan báo tin mừng thứ nhất bắt đầu giữa các bức tường nhà. Một ngày kia, với một người trẻ hỏi Ngài anh ta phải làm gì để được cứu độ, Đức Giêsu đã trả lời : “Hãy đi và bán tất cả gì anh có, bố thí cho người nghèo…, rồi đến và theo Ta” (Mc 10, 21); nhưng với một người trẻ khác muốn từ bỏ mọi sự và đi theo Ngài, thì Ngài lại không chấp thuận, và đã nói với anh ta : “Hãy trở về nhà với những người thân của anh, hãy loan báo cho họ tất cả gì Đức Chúa đã làm cho anh vì lòng thương xót của Ngài.” (Mc 5, 19).

Có một ca khúc tôn giáo của người da đen rất nổi tiếng đã nói : “There is a balm in Gilead” (“Có một khúc nhựa thơm ở Gilead”). Một số lời ca trong đó có thể cổ vũ anh chị em giáo dân, nhưng không chỉ họ thôi đâu, trong nỗ lực tin mừng hóa từ người nầy sang người nọ, từ cánh cửa nhà nầy sang cánh cửa nhà khác. Bài ca nói như thế nầy :

“Nếu bạn không thể rao giảng như Pierre; nếu bạn không thể rao giảng như Paul, hãy quay trở về nhà mình và nói với những người lân cận của bạn : Đức Kitô đã chết để cứu độ tất cả chúng ta !”

Chỉ còn hai ngày nữa là đến Lễ Noël. Quả là một điều an ủi cho anh chị em giáo dân của chúng ta khi nhớ lại rằng xung quanh chiếc nôi của Đức Giêsu, bên cạnh Mẹ Maria và thánh Giuse, chỉ có những đại diện của họ là những chú mục đồng và các nhà chiêm tinh.

Lễ Noël dẫn chúng ta đến với cái đầu mũi nhọn của đầu mũi nhọn của rãnh nước được tạo ra bởi con tàu đang đi, bởi vì tất cả đều khởi đi từ đó, từ Chú Bé nằm trong máng cỏ. Trong phụng vụ, chúng ta sẽ nghe xướng lên “Hodie Christus natus est, hodie Salvator apparuit” (“Hôm nay, Đức Kitô sinh ra, hôm nay, Đấng Cứu Tinh xuất hiện”). Khi nghe điều đó, chúng ta hãy nghĩ lại điều mà chúng ta đã nói về lời kinh xin hãy làm quay trở lại (anamnèse), nhờ đó, khiến cho biến cố đã diễn ra trong quá khứ còn hiện diện hơn cả khi mà nó đã diễn ra lần đầu tiên. Phải, Đức Kitô hôm nay sinh ra, bởi vì Ngài thực sự sinh ra cho tôi ngay lúc mà tôi nhận ra được mầu nhiệm, ngay lúc mà tôi tin vào mầu nhiệm nầy. “Ích gì cho tôi việc Đức Kitô một lần đã sinh ra bởi Mẹ Maria ở Bethléem, nếu Ngài lại không sinh ra trong trái tim tôi, nhờ đức tin ?” : đó là những lời đã được thốt lên bởi Origène và đã được thánh Augustin và thánh Bernard lập lại.

Hãy biến thành của chúng ta lời mời gọi đã được Đức Thánh Cha lựa chọn như những ước nguyện của mùa Noël năm nay, và chúng ta hãy lâp lại điều đó bằng chỉ một hơi thở, với tất cả tấm lòng của chúng ta : “Veni ad salvandum nos”, “Lạy Chúa, xin hãy đến cứu độ chúng con !”.

Raniero Cantalamessa, ofmcap.

[Nguyên tác Ý ngữ;
Bản Pháp ngữ của Zenit (Isabelle Cousturié);
Bản Việt ngữ của linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung].

 

 

 

Nguồn: 
giaophanphanthiet.net