Tiếp Cận Đức Tin
TIẾP CẬN ĐỨC TIN
Đức tin là một khái niệm cơ bản và quan trọng trong Công giáo. Tuy nhiên việc hiểu biết đức tin mà mình đang chọn lựa và việc tìm kiếm để đón nhận một niềm tin mới, thực tế có vài điều cần suy nghĩ. Bài Tin Mừng trong lễ Hiển Linh giúp cho ta một vài ý nhỏ sau.
Đức tin dựa vào lí trí
Có dịp được nói chuyện với một bạn trẻ chuẩn bị đón nhận bí tích rửa tội cùng với bí tích hôn phối, tôi bảo “hiện tại điều gì làm em hạnh phúc nhất”. “Em có một gia đình yêu thương, nhất là bố”, bạn trẻ trả lời rất nhanh. Tôi trao đổi tiếp “bí tích rửa tội có giúp cho em thêm hạnh phúc không?”. Bạn trẻ suy nghĩ kỹ rồi nói “em không rõ”. Tôi nói, sau khi nhận bí tích ấy, em sẽ có thêm một người Cha ẩn dấu, luôn luôn chăm sóc và bao bọc em. Anh bạn trẻ nhăn trán, trầm tư một lúc rồi lắc đầu bảo “khó hiểu và khó nuốt hơn tôn giáo của em”. Tôi chia sẻ với suy nghĩ ấy. Do nguồn gốc hai đấng sáng lập của hai tôn giáo khác nhau, nên độ “khó” là khác nhau. Một đấng từ Trời, đấng kia thì không. Đấng từ Trời thì nằm ngoài sự hiểu biết, mà con người tự thân vươn tới.
Mẫu đối thoại trên mô tả một cách tiếp cận phổ biến của người ngoài Công giáo khi đến với niềm tin Công giáo. Một cách tiếp cận đức tin bằng cách dùng sức mạnh của lí trí. Trong khi truyền thống đức tin Công giáo lại đến từ trãi nghiệm.
Cách tiếp cận đức tin dựa trên trí tuệ không phải là cách truyền thống của Công giáo, nhưng thực tế, cách tiếp cận này vẫn có thể đạt tới đích nếu thỏa hai yếu tố sau:
§ Con người chủ động đi tìm chân lý trong sự cởi mở.
§ Được Thiên Chúa ban ánh sáng đặc biệt.
Câu chuyện về hình ảnh ba nhà chiêm tinh trong Tin Mừng Matthêu 2, 1-12 là điển hình cách tiếp cận này. Với vốn kiến thức về thiên văn, các ông có thể phát hiện vua dân Do thái qua dấu chỉ của một ngôi sao. Quan trọng hơn, ba vị đã biết hành động quyết liệt sau khi phát hiện. Leo lên lạc đà và ra đi, mặc dù đích đến là vô định, nhiều bất trắc trên con đường dài vùng sa mạc. Nhưng sau đó, các vị được tiếp tục dẫn dắt bởi ngôi sao dẫn đường tới nơi Hài Nhi sinh ra và được báo mộng để chọn lối khác để về nhà- nghĩa là được nhận ánh sáng đặc biệt. Chính ánh sáng đặc biệt này giúp họ chuyển từ nhận biết một vua Do thái đến vị Vua cả Trời Đất. Và đây cũng là một con đường mẫu mực để các bậc trí thức tìm gặp Thiên Chúa
Liên quan giữa lí trí và đức tin, Chúa Giêsu nói “Con xưng tụng Cha, vì Cha đã dấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11,25). Như vậy, khiêm hạ là điều kiện cần để nhận được sự thông tri từ Đấng Tối Cao.
Đức tin mặc cả
Trước khi đứa cháu bước vào phòng thi đại học cách đây hai năm, tôi dặn “con nhớ cầu xin Mẹ Maria giúp làm bài tốt”. Nó quay lại cười rồi bắt bí “Nếu con xin mà Mẹ Maria không giúp thì sao?”. Sau khi thi, trên đường về, nó bảo “ngày mai lại chở cháu đi nữa, bác chở hên”.
Mẫu truyện trên mô tả một dạng đức tin khá phổ biến trong giới trẻ Công giáo ngày nay, tạm gọi là đức tin mặc cả. Đức tin dạng này yêu cầu được nhận trước khi tin. Trong khi truyền thống đức tin Công giáo lại có thứ tự ngược lại. Phải có niềm tin trước, hồng phúc sẽ đến. Niềm tin là nguyên nhân, ân phúc là kết quả.
Trước khi được thụ hưởng một hồng ân, con người thường phải trải qua một thử thách khi được mời gọi bởi lời hứa. Hồng ân càng lớn lao thử thách càng khó khăn. Điển hình của sự thử thách về lòng tin là Abraham được lệnh hiến tế đứa con trai duy nhất của mình trong Cựu ước. Sau khi vượt qua cuộc kiểm định, Thiên Chúa hứa ban cho dòng dõi ông “nên đông, nên nhiều như sao trên trời, như cát ngoài bãi biển. (St 22, 17). Trong Tân ước, đó là hình ảnh của đàn bà Canaan có con gái nhỏ bị quỷ ám được Chúa thử thách 03 lần, trước khi nhận được phép lạ (Mt 15, 21). Thánh Don Bosco khuyên: hãy tin tưởng Mẹ Maria, bạn sẽ thấy phép lạ là gì.
Thực tế, một số ít người lại được nhận trước khi khi tin, nhưng lúc đó ân phúc đã khác đi. Trong (Ga 20, 9) Chúa Giêsu bảo với Tôma “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!".
Trong qui luật thử thách và vinh quang, thì thử thách thường tới trước không chỉ đúng cho niềm tin Công giáo mà còn đúng cho cả đời thường. Chúng ta rất dễ tìm các ví dụ trong cuộc sống thường nhật, để minh họa cho ý trên.
Lạy Chúa, đức tin là một ân sủng mà chúng con nhận được nhưng không, xin Thần Khí hãy soi sáng cho chúng con biết phương thức đem ân sủng này trao lại cho những anh em khác một cách hiệu quả, liên lỉ và khiêm cung.
G.Tuấn Anh
*******************************
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: