Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cẩn thận trước cơn bão truyền thông

Tác giả: 
Người Giồng Trôm

 

 

CẨN THẬN TRƯỚC CƠN BÃO TRUYỀN THÔNG

 

          Ở đời có những cái không có thì khổ nhưng rồi có khi có cũng quá khổ nếu như không biết cách sử dụng hay sử dụng sai mục đích. Có lẽ, điều mà mọi người nhìn thấy trong Xã Hội hiện nay đó chính là vấn đề truyền thông.

 

          Nghe đến từ "truyền thông" có người giật bắn cả người vì hơn một lần người đó bị "dính chưởng" bởi truyền thông. Đơn giản là người đó chả muốn liên lụy gì đến truyền thông nhưng ai nào đó mượn truyền thông để "đánh" tới tấp vào người đó với dụng ý không bình thường.

 

          Thoạt đầu, ai nào đó nói truyền thông là con dao 2 lưỡi nhưng thật sự nó là con dao nhiều lưỡi. Đơn giản là cũng từ ngữ đó, cũng từ vấn đề đó nhưng "anh hùng" bàn phím cũng như "thánh cào" smart-phone đã không buông tha cho một ai đó dù người đó chả dính dáng gì đến đời mình và thậm chí có khi những người đánh hội đồng người kia chưa từng gặp mặt người kia ở ngoài đời. Chỉ nghe loáng thoáng về ai đó thế là họ bắt đầu tụ lại và không thương tiếc ném đá cũng như dùng mọi ngôn từ chỉ trích người đó.

 

          Vấn đề của mọi vấn đề là nhiều người cứ dựa vào cái đài cnn (có người nói) và như thế là cứ phao tin dù tin đó chưa được kiểm chứng hay tin đó hoàn toàn bịa đặt. Nực cười là vô tư loan không hề suy xét cũng như không nghĩ đến tác hại.

 

          Hiện nay cũng như quá khứ có nhiều chứ không phải là một vài trang mạng có tên miền rất đẹp dính dáng đến "công giáo" hay "lòng thương xót Chúa" là mọi người ào ào vào và chia sẻ cũng như đăng ký chứ không dò hỏi. Đến khi hỏi các vị linh mục hay những người biết chuyện một tí thì người ta hỡi ơi. Đáng tiếc thay là một số cãi chày cài cối và cứ tin trang đó là thật.

 

          Cách hết sức đơn giản để nhìn ra trang Công Giáo thật hay giả đó chính là phần quảng cáo. Một trang Công Giáo tinh tuyền từ Hội Đồng Giám Mục đến Giáo Phận hay Giáo Xứ đều không có một chút gì quảng cáo. Kế đó là những bài viết, những thông tin trên trang đó phải có tác giả cũng như trích dẫn nguồn.

 

          Mới đây, nhiều người bị lừa ngoạn mục với một bệnh nhân nhiễm Covid 19 khi nói về sự tha thứ bao dung khi cô ta đã tiếp xúc với nhiều người. Nội dung bài báo đó là tha thứ và bao dung cho cô ta theo tinh thần Kitô giáo. Chỉ đến khi một số người có chuyên môn vạch ra thì mới biết rằng bài báo đó không phải của tác giả Công Giáo và cũng chả có trang Công Giáo chính thống nào đăng cả.

 

          Không chỉ bài báo đó mà nhiều bài khác nữa, thậm chí cả youtube chất chứa những sứ điệp này những thị kiến kia và thông điệp nọ cứ nhan nhản được tung ra. Lẽ ra người đọc phải kiểm chứng nhưng hết sức gọi là "tranh thủ" để trao tay nhau vô tội vạ. Nhiều và nhiều youtube về nhiều sứ điệp được tung ra và nhiều người nhẹ dạ đã vui vẻ để mà hưởng ứng. Tiếc thay là khi được nhắc nhở thì còn hậm hực và nạt lại người thương tình nhắc nhở. Chính vì vậy mà nhiều trang web cũng như nhiều bài viết có nội dung không bình thường cứ nhan nhản trên mạng ngày và đêm.       

 

          Và, kết quả dễ thấy là những trang giả, bài giả, youtube giả đó không phải là của Công Giáo mà là của những người núp bóng Công Giáo để trục lợi hay phá tôn giáo cũng như đánh phá niềm tin của người Kitô hữu. Thật là một thảm họa khôn lường nếu như không cân nhắc trước khi click chuột hay chấm tay vào điện thoại để xem những thể loại như thế.

 

          Khi biết bỉ nhân đam mê làm web cũng như chuyển tải tâm tình đến bà con rằng bằng cách bỉ nhân đã mua tên miền, lập trang web thì một người nói và lời nói đó giờ này bỉ nhân còn nhớ mãi : "Ông muốn web của ông đắt khách, chịu khó đăng ba cái chuyện tào lao, ba cái chuyện giật gân, ba cái chuyện xập xí xập ngầu đi. Ông đăng như vậy tui bảo đảm với ông web của ông đắt như tôm tươi".

 

          Thật thế ! Nếu ai nào đó không có lương tâm và đạo đức cũng như trục lợi cho cá nhân hoặc nhóm lợi ích thì họ tìm đủ mọi cách để chế ra những bài vở, những tin tức giật gân để cho nhiều người vào trang của mình càng tốt. Tâm lý rất đơn giản là những trang web mang tính học thuật hay giáo dục thì thường bị "ế". Ngược lại trang nào càng xập xí xập ngầu thì bà con lại chia nhau nhanh hơn cả.

 

          Mà hình như đúng như vậy khi nhìn vào thực trạng của "chợ" web. Người ta lao đầu vào những trang web có những tựa đề, có những tít câu like và câu view rất khéo. Chỉ cần đơn giản như vậy là bà con ùn ùn kéo vào xem cũng như đăng ký kênh đó dù chả hề xét ra trang đó thật hay ảo, trang đó chủ nhân là ai.

 

          Vấn đề quan trọng và cần thiết hơn cả đó chính là đạo đức truyền thông. Điều cần được đào luyện ngày hôm nay đó chính là đạo đức khi sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng. Dùng thật nhiều truyền thông nhưng khi ai nào đó không có tâm hay phi đạo đức sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy mà những hệ lụy đó thật khôn lường.

 

          Và đặc biệt, trong biến cố hiện tại ngày nay, ta bắt gặp quá nhiều bài viết, nhiều anh hùng bàn phím đã cào, đã gõ những dòng chữ sai sự thật cũng như gây hoang mang cho cộng đồng xã hội. Hơn bao giờ hết, dù bất kỳ là báo nào cũng cần tuân thủ đạo đức của truyền thông để rồi đừng cắt dán bài của nhiều năm trước đem vào hiện tại cũng như đừng đưa con số sai sự thật. Đã làm báo thì cần phải có đạo đức truyền thông trước hết để đưa đến người đọc những thông tin đúng sự thật.

 

          Tưởng nghĩ mỗi người nên nhắc nhau, nên nhắc bản thân mình trước khi đọc hay share một thông tin nào đó trên mạng mà chưa được kiểm chứng. Cách đặc biệt là những tin tức hay bài vở gì về Công Giáo thì người Kitô hữu cần cẩn trọng hơn bởi lẽ bên cạnh đạo đức truyền thông thì người Kitô hữu phải có đạo đức Kitô giáo khi sống chung và sống với người khác.

 

          Ước gì mọi người nên thận trọng hơn nữa trước cơn bão truyền thông. Khi mỗi người tôn trọng đạo đức truyền thông và sống đạo đức truyền thông thì chắc chắn truyền thông sẽ mang lại lợi ích cho mỗi người, cho cộng đồng và ngược lại.