Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tại sao Chúa im lặng?

Tác giả: 
Người Giồng Trôm

 

 

TẠI SAO CHÚA IM LẶNG ?

 

          Cuộc đời của mỗi người, biết rằng thân phận mình yếu ớt nên tìm đến một chỗ nào đó để dựa, để nương thân. Đời người Kitô hữu dĩ nhiên chỗn dựa, chốn dung thân duy nhất đời mình đó chính là Thiên Chúa. Thế nhưng rồi, trong dòng chảy lịch sử cứu độ, nhiều lần nhiều lúc con người cảm thấy trống vắng, cảm thấy cô đơn, cảm thấy đau khổ và nhất là cảm thấy Thiên Chúa như bỏ rơi mình.

          Thật vậy, hành trình đức tin đời của con người luôn luôn được mời gọi con người tự do để đáp trả niềm tin vào Chúa. Ngang qua thử thách, trong thử thách và với thử thách, Thiên Chúa thấy được sự đáp trả của con người. Và như thế, nghiễm nhiên ta thấy hai bên như tìm kiếm nhau và có lúc tưởng chừng như xa cách nhau vì những phong ba bão táp của cuộc đời.

          Tĩnh lặng, ta trở về lại với cuộc đời của tổ phụ Abraham, cuộc đời của các ngôn sứ và nhất là cuộc đời của Chúa Giêsu.

          Đau khổ đến tột cùng là phải sát tế đứa con duy nhất nhưng rồi ta thấy Abraham vẫn vững tin. Thử hỏi có đau khổ nào đến với đời của người cha khi phải cầm dao để sát tế đứa con yêu duy nhất của mình. Thế nhưng rồi với lòng tin vào Thiên Chúa, Abraham sẵn lòng đáp lại. Chính lúc đưa tay ra sát tế con mình, Thiên Chúa đã minh định lòng tin của Abraham và ông trở thành cha của những kẻ tin.

          Tiếp đến, ta thấy cuộc đời của các ngôn sứ. Xét cho bằng cùng, chả có ngôn sứ nào gọi là có một cuộc đời êm trôi và nhẹ nhàng cả. Không gặp điều này thì cũng gặp điều khác. Cách đặc biệt, ta thấy ngôn sứ Isaia : người tôi trung của Chúa. Khuôn mặt Isaia cũng chính là khuôn mặt đau khổ của Chúa Giêsu sau này. Isaia như tiên báo về những đau khổ mà Đấng Cứu Độ trần gian gặp phải.

          Hình ảnh kiên trung của "lão" Giob còn đó và có đó với bài học rất lớn về niềm tin. Dường như là mất tất cả và không còn gì để mất nhưng Giob vẫn kiên vững niềm tin vào Chúa và đặc biệt hơn cả tin vào sự sống đời sau : "Im đi đồ cái mụ điên ! Khi ta nhận được ơn của Chúa sao ta không càm ràm ? Khi Chúa lấy đi ta lại càm ràm ... thân trần truồng lọt lòng mẹ tôi đâu có mang theo cái gì vào thế gian đâu. Tất cả những gì tôi có đều là của Chúa ...". Cứ suy nghĩ và sống tin yêu phó thác như Giob cho nhẹ lòng.

          Trong những ngày này, chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, người Kitô hữu được mời gọi nhìn lại khuôn mặt của người tôi trung của Thiên Chúa cách mật thiết hơn.

          Trong vườn Dầu, Người Tôi Trung của Thiên Chúa đau khổ, cô đon và có thể nói là tuyệt vọng đến độ mồ hôi và nướt mắt cứ tuôn trào, Trên thập tự giá, đau đớn và nhục nhã khi bị mọi người ruồng bỏ, và cả Chúa Cha như ruồng bỏ, Thầy Giêsu lại không ngần ngại thốt lên : "Lạy Chúa ! Nhân sao Chúa bỏ con ?"

          Chúa ơi ! Con có làm gì đâu mà con phải đau khổ như thế này ? Con đến làm điều tốt cho nhân loại mà giờ này nhân loại bỏ con và Chúa cũng bỏ con ? Tại sao Chúa im lặng để cho con chết nhục nhã trên thập tự giá ?

          Tâm trạng của Thầy Giêsu phải chăng là tâm trạng của người Kitô hữu của chúng ta trong khi đối diện với cơn đại dịch. Chúa ơi ! Con đau khổ quá !Gia đình con đau khổ quá ! Đất nước con đau khổ quá ! Thế giới đau khổ quá  mà tại sao Chúa vẫn im lặng ? Chúa đi đầu rồi và tại sao Chúa lại bỏ con đau đớn như vậy ?

          Vâng ! Ta cứ nói, ta cứ hỏi nhưng Chúa vẫn cứ lặng im như Chúa đã từng lặng im với Chúa Giêsu trên cây thập tự vậy.

          Chúa hoàn toàn không muốn sự dữ và Chúa không muốn Con Một Chúa phải đau khổ. Sự dữ, đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu là từ phía con người, do con người và bởi con người. Thiên Chúa để Chúa Giêsu chết nhục nhã trên cây thập tự để thấy được lòng gian ác của con người và để qua đau khổ, Chúa Giêsu vào hưởng vinh quang Phục Sinh.

          Đời ngôn sứ là vậy, đời Chúa Giêsu là như teh61 và có lẽ đời Kitô hữu của chúng ta cũng không có cách nào khác và con đường nào khác là con đường thập tự. Con đường thập tự sẽ là ai oán, sẽ là hận thù nếu như con người đi trong hận thù và ngược lại. Con đường thập tự sẽ nở hoa, xác chết trên cây thập tự sẽ phục sinh nếu như mỗi người chúng ta vâng phục và yêu thương như Thầy Giêsu đã yêu.

          Chắc có lẽ do cuộc sống ồn ào và náo nhiệt để ta không đủ lặng để nhìn và nghe Chúa nói với ta. Trong cơn bệnh dịch, phải chăng là thời gian, là cơ hội mà ta đáp trả niềm tin vào Chúa. Mỗi người hãy lắng đọng đời mình và đáp trả niềm tin của mình vào Chúa hơn là oán hận và than trách Chúa. Chúa mãi mãi là Đấng Từ Bi Thương Xót cũng như là một người Cha giàu lòng xót thương sẽ không bao giờ bỏ ta cũng như không bỏ Chúa Giêsu một mình cô đơn. Khi ta kết hợp với Cha như Chúa Giêsu kết hợp với Cha thì tất cả mọi khổ đau, gian nan thử thách trong cuộc đời này sẽ là "muỗi" như câu đầu môi của người Bắc khi đối diện với khó khăn.