Chìm trong đại dương
CHÌM TRONG ĐẠI DƯƠNG
“Người tàn tạ mất hết vẻ người, dung nhan người cũng không còn nữa”.
Anh Chị em thân mến,
Đó là những gì ngôn sứ Isaia đã thấy trước về người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa được ứng nghiệm đến từng chi tiết nơi Chúa Giêsu. Qua bài thương khó, chúng ta chiêm ngắm những chi tiết đó, cùng lúc, sống lại giờ phút khổ nạn cuối cùng của Ngài. Thế nhưng, nỗi đau thể xác thường không nhức buốt và dai dẳng cho bằng nỗi đau tâm hồn; và giữa những cơn đau nội tâm, thì không nỗi đau nào ê ẩm cho bằng đau cái đau bị bỏ rơi; và không nỗi đau bị bỏ rơi nào tê tái cho bằng bị bỏ rơi vì phản bội.
Chúa Giêsu đã trải nghiệm những tâm trạng đớn đau ấy. Suốt cuộc thương khó, Ngài không hé môi, thế mà chiều ngày hôm ấy, không cầm lòng được, Ngài kêu lên, “Cha ơi, sao Cha bỏ con?”, những lời vắn vỏi nhất của một người lẻ loi nhất. Cô đơn không có nghĩa là không có ai đứng bên cạnh, nhưng cô đơn trước hết là mang lấy một tâm trạng trống vắng, bị bỏ rơi vì những người mình yêu bội phản. Thế giới của cô đơn là một thế giới hoàn toàn suy sụp, không phải một thế giới bên ngoài nhưng là một thế giới bên trong.
Còn đâu một Phêrô nhiệt tâm, còn đâu những môn đồ thân tín, còn đâu bao kẻ được chữa khỏi bệnh hoạn phần xác, thương tật phần hồn. Vậy những kẻ đang vây quanh thì sao? Không, họ có đó nhưng như không hiện diện, bởi lẽ họ quá dửng dưng, vô tâm và dường như Chúa Cha cũng bỏ Ngài. Chúa Giêsu đang dẫy dụa trong cái đớn đau tột cùng đó. Vậy thì cô đơn đúng nghĩa không hệ tại ở bối cảnh bên ngoài nhưng hệ tại đến một sự trống rỗng bên trong, một sự vắng bóng tình yêu của sự bội phản nơi những con người mà mình yêu mến.
Chính vì thế, khi những người tự cho mình là công chính, những Pharisiêu biệt phái, những nguỵ quân tử đang đắc thắng nhìn lên một Giêsu dẫy dụa và cùng đường trên thập giá, khi những kẻ đã tài tình ném đá giấu tay như Philatô, khi những kẻ đang giàu thêm một chút với ba mươi đồng bạc như Giuđa, hoặc khi những môn đệ luồn lách thoát mạng lúc thầy mình lâm nạn… thì chính lúc ấy, họ là những con người đáng thương nhất bởi lẽ tâm hồn họ trống rỗng và cô đơn hơn ai hết vì họ đã phản bội với chính mình.
Thế nhưng thưa Anh Chị em,
Thật là lầm to khi chúng ta tưởng nghĩ như vậy. Bởi lẽ, chính vào những giờ phút đen tối, u sầu và cô độc nhất dưới con mắt người đời thì tâm hồn Chúa Giêsu lại rạng ngời yêu thương như mặt trời rạng sáng hơn bao giờ hết, toàn thân Ngài, cả linh hồn và thân xác đang ngập chìm trong đại dương yêu thương.
Chúng ta có thể tin chắc điều đó khi cẩn thận đọc lại những lời cuối cùng của Ngài trên thập giá, “Cha ơi, xin tha cho họ vì họ lầm chẳng biết”, “Mẹ ơi, nầy là con của Mẹ; đây là Mẹ của con”, “Anh ơi, nội hôm nay, anh sẽ được với tôi ở trên thiên đàng”, “Mọi sự đã hoàn tất”, “Cha ơi, con phó linh hồn con trong tay Cha”. Ôi, dạt dào nhiệm lạ, trìu mến bao la… Làm sao chúng ta lại có thể nghi ngờ điều đó? Vì thông thường, để khỏi phải nghe những lời chửi rủa của người tử tội khi sắp hành hình, người ta phải cắt lưỡi họ trước; đang khi từ miệng Chúa Giêsu, chúng ta chỉ nghe được những lời yêu thương. Vì thế, thứ Sáu Tuần Thánh không còn là ngày của những thê lương nhưng là ngày của ân phúc, ngày tốt lành, Good Friday, đúng như phụng vụ tiếng Anh sử dụng.
Anh Chị em,
Phần chúng ta thì sao? Chúng ta có quan hệ gì đối với cái chết của Chúa Giêsu? Một trong những bức tranh nổi tiếng của danh hoạ Rembrandt người Hoà Lan, sống vào thế kỷ mười bảy đó là bức tranh “Ba Cây Thập Giá". Nhìn vào tác phẩm, ai ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm. Giữa hai cây thập giá của kẻ bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá Ngài là cả một đám đông dân chúng nhốn nháo mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù. Tác giả như muốn nói rằng, không trừ một người nào mà không liên can vào việc đóng đinh Chúa Giêsu. Nhìn kỹ giữa đám đông đằng đằng sát khí, người ta thấy có một gương mặt quen quen, đó chính là khuôn mặt của tác giả, danh hoạ Rembrandt. Người hoạ sĩ tài ba như muốn nói với người thưởng lãm rằng, không ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa.
Như vậy, khi lắng nghe và suy niệm bài thương khó hôm nay, chúng ta thấy bóng dáng mình trong những nhân vật đã dự phần vào việc đóng đinh Chúa.
Chúng ta có thể là Giuđa, người bán Chúa ba mươi đồng bạc, giá của một nô lệ cơ bắp, nghĩa là một nô lệ hạng rẻ nhất, khi đang tâm dứt bỏ tình nghĩa thầy trò để chạy theo lợi lộc; chúng ta có thể là các môn đệ bỏ Thầy mà trốn đi hết khi gặp khốn khó để vội buông xuôi bỏ cuộc; chúng ta có thể là Phêrô chối Chúa, khi nhát đảm chẳng dám biểu lộ niềm tin trước mặt mọi người; chúng ta có thể là Philatô, làm ngơ cho công lý bị chà đạp, phớt lờ trước oan khiên của những người thấp cổ bé miệng; chúng ta có thể là đám đông gào thét đòi lên án Chúa, khi gắt gao phê bình chỉ trích anh em, nhất là những người có trách nhiệm lãnh đạo dân Chúa; chúng ta có thể là đám lý hình hành hạ sỉ nhục đóng đinh Chúa, khi chà đạp nhân phẩm của người khác.
Chớ gì mỗi chúng ta, xin được như Gioan, kiên vững dưới chân thập giá, để trung thành với một tình yêu sắt son cùng Thầy; xin được như Mẹ Maria can đảm dưới chân thập giá, cùng chịu đau thương nhục nhã với một tâm hồn yêu mến.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con theo Chúa như người xa lạ nhưng biết mến yêu Chúa cả trên thập giá đời mình hầu con cũng được chìm vào yêu thương”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)
- Loại bài viết: