Thương Khó- Phục Sinh Của Chúa Giêsu Theo Mátthêu
Tam Nhật Tuần Thánh:Chiêm ngắm Cuộc thương khó của Chúa Giê-su
Trình Thuật:
15. THƯƠNG KHÓ- PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊSU THEO MÁTTHÊU
Lời phi lộ:
Bạn đọc trân kính
Bài viết của kẻ hèn này thuộc bài làm ở nhà thời Chủng sinh học dưới mái nhà Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc… Do đó và tất nhiên bài viết còn nhiều hạn chế, thiếu xót kể cả trong cách diễn đạt; cả về độ dài xem ra không phù hợp trong thế giới phẳng.
Hẳn nhiên bài viết khi xem lại có chỉnh sửa bổ sung… một ít.
Mạn phép gởi đến Bạn đọc và mong Bạn đọc thông cảm và chỉ giáo thêm.
Trân trọng.
Lm. Đaminh Hương Quất
. Dẫn Nhập:
II Trình thuận thương khó Phục Sinh:
1. Chúa Giêsu bị bắt
2. Hanna thẩm phấn Chúa Giêsu trước Công nghi và Phêrô chối Thày
3. Giuđa tự tử
4. Chúa Giêsu tại tòa Philatô và bị kết án tử:
5. Nhục mạ Vua Giêsu.
6. Đóng đinh Chúa Giêsu.
7. Chúa Giêsu chết trên cây Thập giá
8. Lính canh mồ.
9. Các phụ nữ đến thăm mồ- Chúa Phục Sinh
III. Đặc tính Thần học của tác giả
1. Thần học Kinh Thánh
2. Khuynh hướng gia tăng tội cho Do Thái
3. Khuynh hướng Hộ giáo, Phục vụ...
I.Dẫn nhập:
Trình thuật không nhằm chứng từ lịch sử mà là chứng từ Đức tin, được viết dưới ánh sáng Phục Sinh, trong tâm tình của người môn đệ. Gioan và Nhất Lãm (Matthêu, Máccô, Luca) có nhiều điểm khác nhau nhưng đến trình thuật Thương khó- Phục Sinh lại có sự đồng quy, chung lược đồ, có lẽ truyền thống khởi đi từ việc Chúa Giêsu bị bắt. Rõ ràng, đây là lời công bố chung, đầu tiên (Keryma) của Giáo hội. Khi viết, các Thánh ký theo quan điểm thần học riêng, tạo nên đặc trưng của mỗi vị.
Nơi Mátthêu, có những trình thuật không thấy nơi các Tin Mừng khác, như Vợ Philatô xuất hiện, Giuđa tự tử, các hiện tượng thiên nhiên do cái chết của Đức Giêsu, lính canh mồ… Việc thêm vào hay giải thích thêm truyền thống sẽ được sáng rõ hơn khi đặt trong bối cảnh đương thời của cộng đoàn ông. Ông viết Tin Mừng cho cộng đoàn Kitô hữu ở Palestin, đa phần gốc Do Thái, đang đối đầu với chính anh em Do Thái giáo khiêu khích sau biến cố năm 70 (Đền Thờ bị triệt phá). Thật vậy, Tin Mừng ông cho thấy rõ cuộc chạm trán nảy lửa này mà đỉnh cao là cuộc Thương Khó.
II. Trình thuật Thương Khó- Phục Sinh.
1 Đức Giêsu bị bắt ( (26,47-56): “Đám đông” (c.47) chắc chắn thuộc đội cảnh vệ Đền thờ, được lệnh Thượng tế và kỳ lão trong dân. Lãnh đạo Do Thái giáo đã hình thành sẵn tòa án cao cấp đỡ đầu cho vụ bắt này. Từ “trong dân”, tác giả có ý hé lộ ai là người chịu trách nhiệm về cái chết Chúa Giêsu. Điều này sẽ lộ rõ nơi tòa Philatô. “Xin chào Thầy” (c.49), lời chào hôn của Giuđa cho thấy y tự khai trừ khỏi niềm tin Chúa Giêsu là Chúa. Dẫu vậy, Chúa Giêsu vẫn coi y như trước, vẫn chân tình gọi hắn là “bạn” (c.50).
Đáng lưu ý- nhát gươm nổi tiếng (c.51). Ai là tác giả? Đây là một ví dụ rất hay về sự phát triển của truyền thống: Máccô không cho biết ai chém, đến Mátthêu- Luca hé mở là một trong số các môn đệ, nhưng đến Gioan thì biết đích danh: Simon- Phêrô. Mátthêu độc đáo ở chỗ, nhân sự cố này, ông đưa ra bài giáo huấn của Chúa Giêsu (c.52-54). Ngài từ chối dùng bạo lực để tự vệ, và Giáo hội noi gương Ngài cũng phải tránh dùng bạo lực chống lại địch thù. Điều này phù hợp với bài giảng trên núi ( 5-7). Từ chối tự vệ, để cho người ta lùng bắt như tên trộm… Mátthêu bắt đầu cho thấy chân dung Người Tôi Trung mà ngôn sứ Isaia từng tiên báo (Is 53).
Đáng nói hơn, ngay trình thuật khai màn, tác giả muốn nhấn mạnh thái độ hoàn toàn tự chủ của Chúa Giêsu: Chính Ngài mời Giuđa tiếp tục kế đồ (c.47-50), chính Ngài ngăn môn đệ bạo lực (c.51-54), chính Ngài cắt nghĩa điều xảy đến cho Mình (c.55-56).
2. Hanna thẩm phấn Chúa Giêsu trước Công nghị và Phêrô chối Thày (26, 57-75).
“Tìm chứng gian- nhân chứng gian” (c.59.60) làm nổi bật sự công chính nơi Đức Giêsu. Quả thế, đối với Đấng Công chính, chỉ còn cách bịa chứng cớ giả. Từ “tìm” lột tả tính chủ động, quyế tâm của giới lãnh đạo Do Thái giáo.
Cuộc chạm trán giữa Thượng tế- Chúa Giêsu (62-64) diễn tả rõ bầu khí cộng đoàn Mátthêu, đang đối đầu căng thẳng với Do Thái giáo. Câu hỏi của Thượng tế chính là lời tuyên xưng đức tin của Kitô giáo (Đức Kitô- Con Thiên Chúa). Chúa Giêsu trả lời “chính ông nói đó” (c.64) cho thấy câu hỏi của Thượng tế đã bao hàm câu trả lời rồi. Việc Thượng tế “xé phẩm phục” (phẩm phục gắn liền với chức quyền) không phải do kích động mà là nghi thức bắt buộc khi nghe lời phạm thượng. “Xé phẩm phục” của người uy quyền tôn giáo cao nhất là cách diễn tả Do Thái giáo chủ động loại trừ Kitô giáo. Tác giả cho thấy vụ án liên quan đến đến cộng đoàn ông. Đối với Do Thái giáo ai tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Messia [1] là Con Thiên Chúa đều bị coi là phạm thượng.
Việc Phêrô- Tông đồ trưởng chối Thầy, cuối cùng thống hối (c.69-75) cho thấy cộng đoàn Mátthêu đang bị cám dỗ phản Đạo hay đã có dấu hiệu bỏ đạo. Qua trình thuật này, tác giả giúp họ nhận ra giá trị những giọt lệ thống hối (c.75)
3. Giuđa tự tử (27, 3-10):
Trình thuật soi sáng cho toàn bộ Thương khó vì ứng nghiệm lời ngôn sứ, trong đó có nói đến 30 đồng bạc, giá bán mà con cái Israel mặc cả (c.9-10). Then chốt là từ “Máu”, bản văn 3 lần nhắc tới (Máu vô tội- Giá máu- Cánh đồng máu). Chính lãnh đạo Do Thái giáo ý thức tiền “giá máu” (giá trị) nên mua miếng đất để chôn ngoại kiều. Từ sự kiện này, Mátthêu diễn giải: Máu của Đấng vô tội trở thành Giá máu Chúa Cứu độ có tính phổ quát, cho muôn dân (26, 28)
4. Đức Giêsu tại tòa Philatô và bị kết án tử (27,11-26):
Thêm tước “Tổng trấn”, xác định vụ án có tòa án Rôma can dự. Thực vậy, đế quốc Rôma dành quyền kết án tử cho riêng mình. Lãnh đạo Do Thái giáo quá biết, tội liên quan tới tôn giáo không thể kết tử nên họ đã chuyển tội danh Chúa Giêsu. Câu Philatô hỏi: “ông có phải là vua Do Thái giáo Thái?” hiện ra động cơ chính trị của cáo buộc. Câu “nói lại” của Chúa Giêsu vừa chuẩn nhận lời Philatô vừa hàm ý cho ông biết: Vương quyền của Ngài không như vương quyền chính trị, vương quyền ấy tỏ lộ trọn vẹn nơi đồi Canvê. Ngài bắt đầu biểu lộ vương quyền ấy bằng cách nhẫn nhục, hoàn toàn im lặng, điều này làm Tổng trấn rất ngạc nhiên (c.14).
Trong phiên tòa Rôma, hai chi tiết đặc trưng riêng có: Vợ Tổng trấn được mộng báo[2], can ngăn chồng và Philatô rửa tay tuyên bố vô can. Tác giả giả đẩy cuộc chạm trán đến đỉnh cao, thành bi hài kịch: Dân ngoại (vợ chồng Philatô) coi Đức Giêsu là Người Công chính (c.19b), vô tội trong khi toàn Dân tuyển chọn (lại từ khước, tuyên án tử cho Chúa Giêsu, và nhận mọi trách nhiệm về cái chết của Ngài, đồng thời xin tha cho Baraba- tên tù nổi tiếng. Thêm từ “nổi tiếng”, tác giả cố ý làm nổi bật sự tương phản giữa Chúa Giêsu- Baraba, vừa tăng thêm trách nhiệm của người Do Thái. Câu nói khủng khiếp: “Hãy để cho máu hắn…” (c.25) phải đặt trong bối cảnh cộng đoàn Mátthêu nhưng năm 80 mới hiểu đúng.
5.Nhục mạ Vua Giêsu ( 27,27-31):
“Lính của Tổng trấn” (c.27), tức kẻ ngoại, điều này ứng nghiệm lời Chúa báo trước: “Sẽ bị nộp vào tay kẽ ngoại” (20,19). Trò nhục mạ, giễu cợt (phong vương) rồi cùng thốt: “xin chào vua dân Do Thái giáo Thái” (c.29), vô ý thức thôi nhưng bọn lính lại hoàn tất thêm lời tiên tri. Đám lính cố ý “tụ tập… quanh Người” (c.27b) lại tiên báo tương lai về sự trở lại của đám dân ngoại.
6. Đóng Đinh Chúa Giêsu (27,33- 43):
Dùng “mật đắng”[3], tác giả muốn liên kết với lời Thánh Vịnh gia than kẻ bách hai ông cho uống mật đắng (Tv 68,22). Chuyện đám lính dưới chân thập giá “canh giữ Người” (c.36) để chứng thực về cái chết thật của Chúa Giêsu.
Đáng lưu ý, trong bản treo kết tội, Mátthêu xưng danh “người này là Giêsu” trước “vua Do Thái”, chắc chắn liên quan đến câu các nhà chiêm tinh hỏi- “Vua dân Do Thái ở đâu” (2,2). Thì đây, Ngài đang bị đóng đinh với hai tên trộm cướp (chữ “bị” (c.38) cho thấy Ngài bị xếp vào như hàng trộm cướp). Trong lời chế nhạo của người qua lại (tên trộm dữ cũng như thế), bản văn ghi danh xưng “Con Thiên Chúa” (c.40.43), Chúa đang đối đầu với thử thách từ đầu sứ vụ (4,6), cho đến giấy phút nhục khổ nhất của phận người, Ngài vẫn thi hành trong ý Cha. Công đoàn Mátthêu khi tuyên xưng “Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa” phải chấp nhận bao thử thách, đã không ngừng đọc lại quang cảnh đồi Canvê, nhờ vậy Đức tin được bảo dưỡng.
7. Chúa Giêsu chết trên Thập giá (27, 45-56):
Chúa dùng tiếng mẹ đẻ- Aram, thốt câu đầu tiên của Thánh Vịnh 21 (22): “Eli, Eli…” (c.46). Trong lão trạng Do Thái, khi thốt ra một câu trong Thánh Vịnh là nại đến toàn bộ bài Thánh Vịnh ấy, mà đây là bài có kết thúc bằng lời tạ ơn[4]. Lời kêu cầu của Chúa Giêsu không biểu lộ sự thất vọng, đồng thời lại biểu lộ sự khốn khổ tột cùng của Ngài.
Chuyện “động đất- đá vỡ ra—mồ mả mở toang” (c.51b-53),
Theo lối văn khải huyền. Theo đó, động đất là một trong những dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện; Ngài đã khai mở các nấm mồ, cho sống lại các thánh nhân như lời hứa với tiên tri Êdêkien (Ed 7,1-14)
8. Lính Canh mồ (27,62-66):
Trình thuật có tính hộ giáo vì có việc phủ nhận Chúa Giêsu Phục Sinh bằng việc tuyên truyền xác bị lấy cắp. Từ truyền thống, có đám lính canh dưới quyền kiểm soát của Rôma, theo Mátthêu do các Tư tế và Biệt phái yêu cầu nhà cầm quyền (c.62-64), thì không tài nào xảy ra chuyện cắp xác, hơn nữa đám lính cẩn thận qua mức khi niêm phong mộ (c.66).
9. Các Phụ nữ đến mộ- Chúa Giêsu Phục Sinh (28,1-8):
“Một cơn động đất lớn” (c.2a) không chỉ báo Thiên Chúa hiện diện mà còn cho thấy quyền phán xử của Ngài. Khá ấn tượng, Mátthêu để Thiên sứ từ trời xuống, lăn ra và ngồi trên tảng đá. Đây là dấu chỉ: Sự Sống đã chiến thắng khải hoàn; thần chết bị thảm bại (tảng đá niêm phong chỉ cái chết lạnh lùng). Tác giả không quên đám lính đang khiếp sợ như chết (c.4) khi thấy hiện tượng lạ. Ngộ nghĩnh chưa, những người canh xác chết lại trở nên “như chết”, không nghe được sứ điệp Phục Sinh mà các bà nhận được, rồi vội vã chạy về báo cho các môn đệ. Chi tiết có liên can đến vụ dùng tiền “bịt miệng” và đổ tội môn đệ cắp xác. Lần nữa Matthêu minh xác: nguồn gốc câu chuyện cắp xác là sự bịa đặt từ sự gián dối của giới lãnh đạo Do Thái giáo (c.11-15).
II. Đặc tính thần học của tác giả:
1. Thần học kinh Thánh: Chúa Giêsu hoàn tất lời Kinh Thánh.
Các tác giả có chung nhãn quan này, nên trong trình thuật Thương khó nổi bật nơi Đức Giêsu hình ảnh Người Tơi Trung (Is 53) và bàng bạc khắp nơi bầu khí Thánh vịnh 21 và 68[5], nhưng nơi Mátthêu được nhìn sâu đậm, toàn diện hơn. Mối bận tâm hàng đầu của Mátthêu khi viết Tin Mừng nhằm chứng minh Đức Giêsu chính kà Đấng Messia mà các Ngôn sứ đã loan báo. Nơi trình thuật Thương khó, ta lại gặp nhiều lần công thức long trọng mà ông thường dùng: “điều ấy xảy ra là để hoàn tất điều đã được bào bời ngôn sứ…” (26,56;27,9…). Ngoài ra, trong các chi tiết khác (mật đắng, bốc thăm chia áo, nhục mạ…) ông đều quy Kinh Thánh dưới nhãn quan Kitô giáo.
2. Khuynh hướng Gia tăng tội cho Do Thái giáo:
Cái chết Đức Giêsu, xem ra Mátthêu đổ trách nhiệm lên đầu Do Thái giáo. Cộng đoàn Mátthêu đang đối diện cuộc bắt hại quyết liệt do giới luật sĩ và chức sắc tôn giáo khởi sự và Kitô hữu bị coi là quân dị giáo, phản đạo, cấm họ đến hội đường… Hơn lúc nào hết, Mátthêu thấy cần phải gióng lên lời kêu gọi chống giới lãnh đạo Do Thái giáo hầu bảo vệ đoàn chiên của mình. Mátthêu vừa là tác giả Do Thái nhất vừa phản đối Do Thái nhất trong cuộc tuwr nạn của Chúa Giêsu.
3. Khuynh hướng hộ giáo, phục vụ…
Không chỉ đối đầu với Do Thái giáo, ngay trong nội bộ công đoàn cũng có xunh đột: phe bảo vệ căn tính Do Thái, chủ trương chỉ rao giảng cho dân tộc mình; phe kia lại muốn mở rộng giáo đoàn cho hết mọi dân tộc. Mátthêu thận trọng khuynh hướng trước khi để Chúa Giêsu nói chỉ được sai đến với chiên lạc Israel (15,24) nhưng ông lại ủng hộ khuynh hướng hai (28, 16-20). Trinh thuật Thương Khó Mátthêu cho thấy, chính người Do Thái từ khước Chúa Giêsu… Dân cũ từ chối, từ nay dân tộc mới sẽ được hình thành, vì tin vào Đức Giêsu.
Ngoài ra Mátthêu cho thấy khoa Kitô học nơi Thương khó ngang qua tầng số xử dụng danh xung nói lên sứ vụ Cứu Chúa- Giêsu (cách riêng chỉ thấy nơi ông mới có danh xưng “Giêsu” nơi miệng Philatô và trên bảng cáo tội (27,22.37)); tiếp đến, Chúa Giêsu hoàn thành Thánh Kinh; các quyền năng của Ngài được khẳng định trong lúc bị bắt (trên các thiên sứ- 26,53), lúc bị xử án (trên Đền thờ-26,61), lúc sinh thì (các dấu chỉ vũ trụ- 27,51-53).
III. Kết Luận:
Đức Giêsu trong trình thuật thương khó hiện lên chân dung đích thực về Người Tôi Trung của Đức Chúa, và qua các nhãn quan Kinh Thánh, các tác giả cho thấy có thể vượt qua và chấp nhận được “chướng kỳ thập giá”.
Nơi Mátthêu chân dung này được tô đậm và thuyết phục hơn cả. Đọc trình thuật Mátthêu, rất giống Maccô, song cũng tách ra khỏi bản văn này chút ít nhằm tạo âm hưởng với truyền thống này hoặc truyền thống kia được Luca- Gioan bảo tồn, muốn nhấn mạnh hay cắt nghĩa thêm nơi các biến cố truyền thống. Nét đặc trưng này, đồng thời phản ánh được bầu khi công đoàn của Mátthêu. Tin Mừng Mátthêu trở thành gương soi công đoàn là thế.
Lm. Đaminh Hương Quất
(Tháng 8-2008)
* Tài liệu tham khảo:
1.Lm.Phaolô Nguyễn Văn Đông, Nhập môn Tin Mừng Nhất Lãm
2.Claude Tassin, Tin Mừng Mátthêu.
3. Lm. JB Hoàng Văn Khanh, Tin Mừng Nhất Lãm.
4. Giáo hoàng Pio Học Viện- Đàlạt, Chú giải Phúc âm Chúa nhật năm A
[1] Thực ra việc nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia, theo Do Thái giáo chưa phải là điều sỉ nhục Thiên Chúa đến nỗi phải chịu chết.
[2] Mátthêu thường dùng mộng báo để nói có sứ điệp từ trời gởi xuống (như chuyện Giuse…).
[3] Mácco nói đúng hơn:“mộc dược”- thuốc gây ngủ, giảm đau, thường của các bà đạo đức đem cho nạn nhân
[4] Tv 21 có nội dung: Gặp đau khổ, người lành cầu cứu và Chúa đã nghe.
[5] Thánh vịnh 68: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, con phải thiệt thân.
- Tổng Hơp: