Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tin trong hy vọng

Tác giả: 
Phan Sa-PV

 TIN TRONG HY VỌNG

CHÚA NHẬT PHỤC SINH – NĂM A (Ga 20, 1-9 )


Có lẽ chưa bao giờ chúng ta lại cảm thấy lo lắng, sợ hãi như thời điểm hiện tại? Vì cả thế giới đang sống trong giai đoạn quyết liệt phòng chống “cơn bão dịch Covid-19”. Với nhiều biện pháp ngăn ngừa sự lây nhiễm kinh khủng của virut Corona, nhưng con số tử vong vẫn tăng mạnh và làm cho thế giới lao đao, hoảng loạn. Dù không thấy bằng mắt thường, nhưng sự lây lan nguy hiểm độc hại của nó, không những đang làm xáo trộn, tê liệt hoàn toàn sinh hoạt của con người trong các lãnh vực sức khỏe, giáo dục, chính trị, kinh tế, xã hội; mà còn làm đảo lộn mọi sinh hoạt của các tôn giáo trên khắp thế giới


Vì lợi ích sức khỏe cộng đồng, các sinh hoạt tôn giáo nói chung, cách riêng giáo hội Công giáo, thời gian này các nhà thờ tạm thời đóng cửa. Thánh lễ không được cử hành nơi đông người. HĐGM các quốc gia trên thế giới cũng đã có những chỉ dẫn phòng chống dịch bệnh cho giáo dân. Thật xót xa cảm động, ngay tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tổ chức nhiều giờ cầu nguyện. Đặc biệt chiều 27.03.2020, giữa một quảng trường mênh mông có sức chứa hàng vạn người, trong giờ cầu nguyện chỉ còn thưa thớt vài người trong Tòa Thánh, đại diện cho cộng đồng Dân Chúa cầu nguyện và đón nhận phép lành Tòa Thánh Urbi et Orbi của ĐTC Phanxicô.


Oái ăm thay! cơn đại dịch này lại bùng phát mạnh trong thời gian mùa chay. Đặc biệt là giáo hội đang chuẩn bị mừng đại lễ Phục Sinh. Cho nên rất nhiều người cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối và đồng cảm với giáo hội. Ai cũng thấy con người đang sống trong tình trạng bi đát nhất, phập phồng lo lắng cho sức khỏe. Y học vẫn đang mò mẫm nghiên cứu, tìm “vắc xin” để đối phó với “virut nhỏ xíu,quái ác” đang hoành hành khắp nơi. Con người cảm thấy cô đơn bé bỏng, trước vũ trụ bao la. Thấy rõ thân phận yếu hèn bất lực, chao đảo trước sự đe dọa của thần chết, sự dữ. Nhưng cũng có những ý kiến tiêu cực, cho rằng việc tạm thời đóng cửa nhà thờ, không được tụ tập đông người tham dự thánh lễ, là những thái độ biểu lộ một đức tin yếu kém, sợ sệt….


Hơn lúc nào hết, chính lúc này đây, Giáo Hội phải chứng tỏ là Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô đã chịu đau khổ và sống lại vinh quang, một Giáo Hội chiến thắng tất cả mọi thế lực tội lỗi, mọi đe dọa của dịch bệnh, mọi quyền hành thế tục …
Trong bối cảnh của Tuần thánh chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh, suy tư này xin được mặc lấy tâm tình cảm tạ Thiên Chúa. Tại sao vậy? Vì Thiên Chúa có cách của Người. Thiên Chúa luôn đi bước trước con người! Có thể đây là cơ hội hiếm có, giúp chúng ta “hồi tâm”, để thêm một lần nữa xác định căn tính, vai trò người Kitô hữu trong thế giới. Đồng thời “dừng lại” để tự vấn, để suy xét đời sống đức tin, đức cậy, đức mến Kitô giáo của mình như thế nào trong thời điểm được xem là nghịch cảnh nguy khốn hiện nay. Hơn nữa, chúng ta đã và đang sống trong vòng tay yêu thương của Mẹ giáo hội. Giáo Hội là hiện thân của tình mẫu tử nơi Đức Giêsu, hằng luôn nâng đỡ chở che con cái. Mọi nơi mọi lúc, mẹ luôn bảo vệ đàn con, để chúng “được sống và sống dồi dào”(Ga10,10)


Vì thế, giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô trong niềm tín thác sâu xa vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Nhờ mầu nhiệm Phục Sinh - mầu nhiệm đức tin - mà Đức Giêsu Kitô đã khai mở và kiện toàn đức tin của chúng ta trong cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh chết chóc, đau thương vì dịch bệnh.


Bài Tin mừng hôm nay lại mở toang cánh cửa đức tin, để cho chúng ta thấy rõ tâm trạng của hai môn đệ Phêrô và Gioan khi cùng chạy ra mồ, hai ông thấy tất cả… và hai ông đã tin (Ga20,8). Mầu nhiệm Phục Sinh đã tác động, soi rọi đôi mắt đức tin của họ, khi họ đang còn mê muội, nghi ngờ, bi quan: “Thầy chết rồi, thế là hết! công lao theo Thầy bấy lâu nay trở nên vô ích”. Mầu nhiệm Phục Sinh đã dẫn đưa các ông đi vào một con đường mới với cái nhìn đức tin sống động. Các ông đã chân nhận: Đức Giêsu - chính là Con Thiên Chúa - Đấng đã sống lại thật rồi! Bước đi trên con đường đức tin, các ông đã được sức mạnh Phục sinh xoay chuyển tất cả, từ sự chọn lựa cho đến tầm nhìn trong cuộc sống. Đức Giêsu đã đảo ngược tình thế và tác động đời sống đức tin của họ. Nhờ ánh sáng Phục Sinh họ đã thay đổi triệt để: từ nghi ngờ đến can đảm tuyên xưng, từ sợ hãi thất vọng đến mạnh mẽ ra đi. Các tông đồ đã giúp chúng ta tin vào Mầu nhiệm Phục Sinh không phải tin một cách mù quáng, hay bị áp lực nào đó; mà là tin vào những chứng thực trong Kinh Thánh (đặc biệt các sách Tin mừng): ngôi mộ trống, khăn liệm, vải che mặt…(Ga 20,3-9), các cuộc hiện ra của Đức Giêsu cùng các thương tích trên mình của Người (Ga 20,19-29); động viên các môn đệ (Lc 24,36-43); an ủi các bà…(Ga 20,15-17); các cuộc trò chuyện trên đường, (Lc 24,13-15) ; gặp gỡ, ăn uống ngoài bờ biển.(Ga 21,4-14)...


Tóm lại, mầu nhiệm Phục Sinh đã cho con người một niềm tin và cuộc sống MỚI đầy ý nghĩa.
Cùng với giáo hội mừng lễ Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, chúng ta có bổn phận cho thế giới biết lễ Phục Sinh không phải là biến cố mang tính lịch sử hoặc có tính thời sự như đại dịch Covid 19… Mầu nhiêm Phục Sinh là điều mà lý trí con người không thể hiểu nổi, nó vượt lên trên lịch sử nhân loại. Lễ Phục Sinh là một ngày đại lễ của người Kytô hữu, nên chúng ta vui mừng suy niệm, chiêm ngưỡng một chứng tích tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa dành cho con người. Dưới lăng kính đức tin, chúng ta phải cảm phục và xúc động khi chứng kiến hình ảnh một cụ già 83 tuổi với ánh mắt đầy nghị lực, với những bước chân nặng nề vì tuổi già, nhưng vẫn tin tưởng cương quyết bước lên, giơ tay chạm vào vết thương của Đức Giêsu trên Thánh giá và ban phép lành Tòa Thánh cho thế giới. Hỏi rằng có ai đó đã diễn tả, bộc lộ trọn vẹn một tâm hồn tràn đầy đức tin can trường, lòng cậy trông vững chắc và lòng mến vô cùng sống động khi cầu nguyện như Đức Thánh Cha Phanxicô ?


Kết: Một vài chia sẻ… chắc cũng giúp chúng ta thấy rõ đức tin là chìa khóa mở cửa Nước trời cho những ai thành tâm tìm kiếm và yêu mến chân lý? Mầu nhiệm Phục Sinh là một chân lý, mà chúng ta chỉ thấu hiểu nhờ đức tin. Tin Đức Giêsu sống lại, là chúng ta tin mỗi người sẽ được cứu thoát khỏi tội lỗi, và chắc chắn sẽ được sống lại như Ngài. Đức Giêsu chiến thắng sự chết, thì đương nhiên chúng ta cũng được chung hưởng niềm vui chiến thắng đó. Ngược lại, nếu Đức Giêsu không sống lại thì “ đức tin của anh em hóa ra hão huyền, vô ích, anh em là những kẻ đáng thương nhất…” (1Cr15,16-19). Cho nên, qua bao thế kỷ mầu nhiệm Phục Sinh vẫn luôn được tuyên xưng và loan truyền cho mọi người tin, vẫn có rất nhiều người ra đi làm chứng. Vì thế khi đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra “ anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích là Đức GiêsuKitô- Chúa chúng ta” (1Pr1, 19.21)
                                                                      Tạ Ơn Chúa! Alleluia-Alleluia.
                                                                                                                                                                       

                                                                                Phan Sa-PV