Suy Niệm CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM C
CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM C : LC 3,10-18
10Khi ấy, dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa, họ hỏi ông rằng : “Chúng tôi phải làm gì ?” 11Ông trả lời : “Ai có hai áo, thì chia cho người không có ; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” 12Cũng có những thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông : “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì ?” 13Ông bảo họ : “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” 14Binh lính cũng hỏi ông : “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì ?” Ông bảo họ : “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình.”
15Hồi đó, dân chúng đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi : biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a ! 16Ông Gio-an trả lời mọi người rằng : “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa. 17Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” 18Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
HOÁN CẢI TRƯỚC ĐẤNG QUYỀN THẾ
Theo truyền thống tại một nước kia thời còn sống đạo nghiêm chỉnh, sau Canh thức Vượt qua, nhà vua thường lấy lửa từ nến phục sinh châm vào một cây nến khác mang tên “Nến ơn phục sinh”. Gọi như thế vì bao lâu cây nến này còn cháy, tất cả những tội nhân nào công khai xưng thú tội lỗi trước nó sẽ được tha thứ trọn vẹn. Truyền thống này phát xuất từ đoạn Tin Mừng đọc nhân lễ Phục sinh, trong đó Chúa Giê-su tuyên bố : “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha” (Ga 20,23). Mỗi năm vào dịp đại xá này, các tội nhân nặng chưa sa lưới pháp luật đều nối đuôi nhau để được tha thứ tội lỗi. Họ phải đặt tay trên ngọn nến và lớn tiếng xưng thú tội mình đã phạm. Sau đó, họ lãnh một thơ xá giải khuyên họ cải tả quy chánh và chuộc lại lỗi lầm. Năm kia, có một phụ nữ đứng nối đuôi với các tội nhân này. Chồng chị cũng có mặt trong đám đông, tay cầm tờ cáo trạng. Ông định bụng chờ đến khi vợ tới trước nến ơn phục sinh sẽ đọc tờ cáo trạng, để minh chứng rằng bà không đáng hưởng ơn tha thứ, vì sau khi được ông xá lỗi nhiều lần, bà vẫn “ngựa quen đường cũ.” Khi đến phiên người phụ nữ thú tội, mọi con mắt đều đổ dồn về chị ta. Đặt tay phải lên cây nến, chị thều thào tự thú : “Tôi đã phạm tội ngoại tình.” Nói đến đây, chị kề miệng thổi tắt ngọn nến, rồi nhắm chặt đôi mắt, nấc lên nghẹn ngào, chị tự thú tiếp : “Tôi đã ngoại tình và tái phạm nhiều lần. Tội tôi quá nặng, tôi không đáng được ơn tha thứ !” Nhưng khi mở mắt ra, chị thấy cây nến ơn phục sinh đã cháy lại do người chồng đã đến bên cạnh chị và lấy tờ cáo trạng châm lại ngọn nến. Nhà vua nghiêm tiếng hỏi : “Ngươi là ai mà dám tự tay châm lại ngọn nến ơn phục sinh ?” Anh ta kính cẩn trả lời : “Thưa tôi là chồng bà này, và tôi đã đốt tờ buộc tội để châm lại ngọn nến.” Suy nghĩ giây lát, nhà vua phán quyết : “Ngươi đã hành động đúng, vì ngươi đã làm theo gương Chúa Giê-su.”
Xưng thú tội đã phạm, chuộc lại các lỗi lầm, thiêu đốt trong ngọn lửa của Chúa phục sinh… ấy cũng là bấy nhiêu chủ đề ta sắp tìm hiểu qua tiếng nói của vị Tẩy giả trong bài Tin Mừng này. Tiếng nói của ông hôm nay rõ ràng đi theo hai hướng. Trước hết là về cuộc sống luân lý của loài người, tiếp đến là về Đấng mà Gio-an muốn dẫn chúng ta tới gặp gỡ.
1. Hành vi tỏ lòng hoán cải của tội nhân
Trong các câu đi trước của bản văn chúng ta sắp suy niệm, mà chỉ mình Lu-ca có, Gio-an Tẩy giả đã tung ra một lời kêu gọi hoán cải nghiêm khắc, đáng sợ, đúng là nằm trong kiểu cách ngôn sứ Cựu Ước : “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ Chúa sắp giáng xuống ?” (Lc 3,7). Thiên hạ phản ứng ngay và hỏi : “Vậy chúng tôi phải làm gì ?” Bài học quý giá của đoạn này là thế : chớ khi nào để một nhiệt tình hoán cải rơi vào chỗ mơ hồ. Không có sự hoán cải, chỉ có những hành vi chứng tỏ ta muốn hoán cải và cụ thể hóa lập tức việc đảo ngược tâm lòng : “Chúng tôi phải làm gì đây ?”
Nhớ lại bao cuộc “hoán cải” trước đây của mình, ta không khỏi thất vọng. Cảm thức về một biến đổi kỳ diệu đã có phen làm ta hết sức phấn chấn : “Nay xong rồi, đời mình sắp thay đổi.” Ta tưởng đó là cuộc tái khởi hành vĩ đại hướng đến lý tưởng, hướng đến thánh thiện. Nhưng hầu như ta luôn mắc bẫy, vì chỉ ở vỏn vẹn vài hôm trong nhiệt tình, không khai thác cho nhanh ơn hoán cải ; và rồi hứng khởi xẹp dần, cuộc sống chúng ta lại tiếp tục như trước. Ấy là vì có một biên giới khó vượt : đi từ tình cảm sang hành động. Chẳng phải thiên hạ thường nói : “Khoảng cách xa nhất là từ đầu tới bàn tay” đó sao ? Để lập tức đặt chúng ta lên đường, bao bài suy niệm về hoán cải đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đức tin và lời cầu nguyện. Chớ dựa sức riêng mình, hãy xin Chúa giúp đỡ.
Hôm nay, lòng can đảm của chúng ta được nêu bật : cũng phải tin vào mình ! Và thành thử phải nhanh chóng động viên mình “làm một cái gì đó” cách khiêm tốn nhưng quyết liệt, bằng cách hướng về cuộc sống thường nhật của chúng ta. Các lời khuyên của Gio-an Tẩy giả có thể xem ra xa các vấn đề của chúng ta, nhưng hãy ghi nhận nơi đó lời kêu gọi sống bác ái, công bình và bất bạo động.
Một vài nhiệt tình hoán cải có thể thúc đẩy chúng ta đến chỗ cố gắng cầu nguyện hay thờ phượng sốt sắng hơn, thay đổi tính tình cho tế nhị lịch sự hơn. Tốt, nhưng hãy nhìn kỹ hơn một chút quanh mình. Làm sao chúng ta đi đến chỗ chia sẻ ? “Ai có hai áo, thì chia bớt đi một.” Khiêm tốn đấy… nhưng hữu hiệu hơn giấc mơ anh hùng muốn chia mười áo vốn vẫn mãi là giấc mơ, và chỉ cọng thêm vào bao cuộc hoán cải thất bại. “Đừng đòi hỏi gì quá mức”, Gio-an Tẩy giả đã nói với những người thu thuế như vậy. Một cơ hội xét mình cụ thể biết bao về các thái độ của chúng ta trong việc làm, buôn bán, giao dịch. Cũng là một cơ hội để lên tiếng tố cáo những bất công đang gây ra cho anh em mình, do từ chế độ độc quyền về tư tưởng, chính trị, giáo dục, truyền thông v.v…
“Chớ hà hiếp ai.” Dẫu không là binh lính, ta có lẽ vẫn tạo áp lực quá đáng trên con cái, nhân viên, phần tử của cộng đoàn mà ta có trách nhiệm. Có nhiều cách để hà hiếp, để làm tay anh chị, thậm chí để làm mục tử lạm quyền, chỉ biết độc tài. Độc tài vì đã mất hết uy tín nơi người dưới hay vì đã quá quỵ lụy thế gian, nay muốn tự lừa dối mình là mình vẫn còn quyền lực. Chúng ta càng nỗ lực để nên sáng suốt trong lĩnh vực tế nhị này, sự hoán cải của chúng ta sẽ càng đi từ mơ mộng sang thực tế.
2. Ngọn lửa thiêu đốt của Đấng quyền thế
Chân trời thứ hai Gio-an muốn dẫn chúng ta tới là chân trời trên đó nổi rõ khuôn mặt của “Đấng quyền thế hơn tôi” (một kiểu nói mượn từ Cựu Ước, x. Is 9,5; 11,2). Cùng với Người, xuất hiện phép rửa trong Thánh Thần và lửa, tiếp nối phép rửa trong nước của Gio-an. Sự đối chọi giữa hai phép rửa này thật đáng lưu ý. Việc dìm trong nước là nằm trong đường hướng các nghi thức thanh tẩy của mọi dân tộc ; việc dìm trong lửa, ngược lại, có vẻ phi lý vì đưa tới sự thiêu hủy chính vật thể, con người. Thật ra, tư tưởng của vị Tẩy giả có lẽ bắt nguồn từ lời ngôn sứ Ma-la-khi, kẻ đã trình bày việc đột nhập của Sứ giả tiên báo Giao ước mới như thế : “Người như lửa của thợ luyện kim… Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc… sẽ tinh luyện chúng như bạc, như vàng” (3,2-3).
Lửa mạnh hơn nước trong việc làm rơi rụng những rỉ sét và khiến kim loại quý sáng ngời ; cuối cùng nó động tới cội rễ của tất cả những gì đi vào lòng của nó. Nhưng vị Tẩy giả còn nại đến một hình ảnh Kinh Thánh khác, cái nia rê lúa cho sạch. Người nông dân bỏ từng nắm hạt vào nia, đứng thẳng người nghiêng nia cho hạt rơi xuống. Hạt chắc rơi ngay tại chỗ, hạt xép bị gió cuốn xa hơn và phải đem vào lửa. Đây cũng là lặp lại biểu tượng lò luyện nói trên, lấy lại một kiểu thức cổ điển của Kinh Thánh. Thật thế, chính tác giả Thánh vịnh đã định nghĩa số phận của kẻ dữ như vậy : “Chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay” (Tv 1,4). Thành thử đây là nét duy nhất mà vị Tẩy giả muốn nêu bật về “Đấng quyền thế hơn” sắp nhảy lên sân khấu của lịch sử.
Nét này của Đức Giê-su thoạt tiên xem ra tiêu cực, vì như mang dáng xét xử. Thật ra nó có một giá trị triệt để, căn bản hơn nhiều : qua cụm từ “phép rửa bằng lửa”, Gio-an muốn nói lên sự mới mẻ tuyệt đối mà Đức Ki-tô mang lại. Người đánh dấu một khúc quanh trong việc cứu rỗi, giải thoát trọn vẹn con người khỏi sự dữ, bằng cách tấn công vào chính cội rễ sức mạnh hủy diệt. Người làm bừng sáng tạo vật mới trong tất cả vẻ huy hoàng của nó. Hành động của Thiên Chúa nổ tung nhưng không phá hủy, hữu hiệu nhưng không tiêu diệt, giải phóng chứ chẳng loại trừ.
Chính vì thế phụng vụ hôm nay không rung lên nét sợ hãi nhưng rung lên nỗi hân hoan và niềm hy vọng, xuất phát từ bài ca vui tươi (bài đọc 1) được ngôn sứ Xô-phô-ni-a hát (“Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi !...”) và từ lời thánh Phao-lô kêu gọi tín hữu thành Phi-líp-phê (bài đọc 2) : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em !”. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Năm thánh đang tới với chủ đề Hy vọng, cũng nói với chúng ta trong Sắc chỉ “Spes non confundit - Hy vọng không làm thất vọng” số 18 : “Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta : “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.” (Rm 12,12). Đúng vậy, chúng ta phải “tràn đầy niềm hy vọng” (x. Rm 15,13) để làm chứng một cách khả tín và hấp dẫn về đức tin và tình yêu trong lòng chúng ta ; nhờ đó chúng ta vui tươi trong đức tin, nhiệt thành trong đức mến ; sao cho mỗi người có thể trao đi dù chỉ là một nụ cười, một cử chỉ thân tình, một cái nhìn huynh đệ, một sự lắng nghe chân thành, một sự phục vụ vô vị lợi, vì biết rằng, trong Thần Khí của Chúa Giêsu, điều này có thể trở thành hạt giống trổ sinh hy vọng nơi những ai đón nhận.” Chúng ta có cảm nhận điều này chăng ?
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: