Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Phục sinh đức tin

Tác giả: 
Lm Nguyễn Minh Hùng

PHỤC SINH ĐỨC TIN

 

Một lần nữa chúng ta bước vào mùa Phục sinh. Hội Thánh mời gọi con cái mình đừng chỉ nói "phục sinh" mà hãy sống mầu nhiệm ấy bằng những gì thiết thực nhất.

Có nhiều cách để sống ơn phục sinh của Chúa, để nhập cuộc vào hành trình phục sinh với Chúa, để được sống lại từ trong cõi tâm của mình từ hôm nay.

Một trong những cách chúng ta có thể đề nghị nhau là: Hãy quyết tâm, từ hôm nay thoát ly những nhu cầu giả tạo (đó là ngẫu tượng thời đại) để được thanh thoát, nhẹ nhàn trong một tinh thần nghèo khó, nhằm phục sinh chính đức tin của mình vào Đấng đã phục sinh.

 

1. Từ ngẫu tượng thời đại.

Một trong những nguy cơ giết chết đức tin của tín hữu chính là lòng ham mê ngẫu tượng thời đại. Một số không nhỏ những tín hữu Kitô đã và vẫn rơi vào vực thẳm hiểm nguy ấy.

Họ trang bị mọi thứ vật chất, mọi tiện nghi, mọi phương thế thụ hưởng. Họ xem đó là những thứ cần thiết như đích điểm của đời người, đến nỗi cuốn mình chạy theo nó, quay quắt với nó như cơn bão xoáy không chừa một chỗ nào cho sự sống tinh thần có thể ngoi ngóp.

Đúng hơn, đấy chính là trận bão của những nhu cầu giả tạo, nhu cầu trước mắt, cuốn phăng lòng người theo nó. Bởi vậy mà không ít người đau khổ khi mình thua anh kém chị dù chỉ một chiếc áo, một đôi dép.

Họ tôn thờ vật chất đến độ như chỉ có nó mới là vẻ đẹp của đời mình. Chính vì thế, ngày càng có nhiều người tôn thờ chủ nghĩa thời thượng, chủ nghĩa “mode”.

Sự tôn thờ này đã biến họ thành nô lệ vật chất. Họ phải hết đổi di động, đổi xe, đổi đồng hồ, đến những thứ trang xức khác…, sao cho họ phải mới liên tục, “mode” liên tục.

Họ tôn thờ vật chất, ngẫu tượng của thời đại, một cách đam mê và cuồng tín.

Điều mỉa mai đau đớn là, dù con người trầm mình với vật chất, ngụp lặn trong thế giới vật chất như thể nên một với nó, thì vượt trên sự tìm tòi về vật chất ấy, lại có một thực tế khác, dù âm thầm, vẫn không kém mạnh mẽ lên án thái độ nô lệ ngẫu tượng thời đại của con người.

Đó chính là tiếng lương tâm, là đời sống tinh thần, là thế giới thiêng liêng của tâm hồn.

Nếu cố tình vượt qua giới hạn của tiếng nói nội tâm ấy, con người trở nên chao đảo, bấp bênh, thiếu bình an, đói khát chân lý. Tình trạng này làm con người sống hết sức ngột ngạt.

 

2. Đến chủ nghĩa cá nhân.

Bởi con người đâu chỉ là vật chất, nhưng trước hết là tinh thần. Đời sống tinh thần mới là sức mạnh làm nên giá trị đời người. Vì thiếu niềm tin, vì lạc mất tinh thần, sự tôn thờ ngẫu tượng của thời đại sẽ đẩy chủ nghĩa cá nhân lên ngôi. Bởi càng tiện nghi bao nhiêu, con người càng dễ sống một mình bấy nhiêu.

Nhưng các tiện nghi vật chất không bao giờ là đối tượng chia sẻ sự sống, suy nghĩ, tình cảm…, điều mà từ xa xưa, Ađam đã cảm nghiệm, vì ông không thể “tìm được một trợ tá tương xứng” (St 2, 20). Không thể chấp nhận một xã hội chỉ là cá nhân, Ađam thao thức tìm kiếm sự chia sớt tương xứng, và Chúa đã ban cho ông như lòng ông mong đợi.

Nhưng oái oăm và nghịch lý quá đỗi! Trong khi Tổ Tông của mình cố thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, thì loài người hôm nay, dẫu quá kinh nghiệm về sự tai hại của chủ nghĩa này, lại cứ tìm về, cứ cố tình đuổi theo nó bằng mọi thứ tiện nghi, mọi thứ trang bị cho chính cá nhân, biến cá nhân thành trọng tâm cho sự quan tâm của chính mình.

Vô phúc cho ai sống gần những cá nhân chỉ tôn thờ chính mình như thế!

 

3. Cuối cùng là cô độc.

Rồi từ chỗ chỉ biết sống cho riêng cá nhân, sự tôn thờ ngẫu tượng của thời đại, càng biến con người thành động vật sống ích kỷ không thể tả. Nhưng như một hệ luận tất yếu: càng sống ích kỷ, con người càng cô độc.

Nếu tiếng nói của nội tâm bị coi thường, cuộc sống của con người vốn đã ngột ngạt, sự cô độc sẽ làm con người ngày càng chơi vơi hụt hẩng, ngày càng cay đắng với chính mình, với thế giới quanh mình gấp nhiều lần hơn.

Không còn chỗ bám cho đức tin, con người tự giết chết mình, giết chết cả những tương quan quanh mình cách thảm hại. Bởi dù họ sống, nhưng lối sống ích kỷ ấy chỉ là lối sống thiếu sức sống. Nói nặng hơn, cá nhân mình, một khi chỉ là đối tượng chăm sóc của bản thân, cá nhân ấy trở thành cá nhân què quặt, dị tật.

 

2. Hãy phục sinh đức tin.

Hãy phục sinh đức tin. Phục sinh đức tin là để cho đức tin quay về với tâm tư, tình yêu, biểu hiện sống, tương quan sống. Phục sinh đức tin là mệnh lệnh khẩn thiết của thời đại, khi con người bị chôn lấp bởi quá nhiều thứ lệch hướng, lệch chuẩn như đã nói.

Chỉ có đức tin, chỉ nhờ đức tin, chỉ bám lấy đức tin, con người mới thật sự sống có ý nghĩa. Đức tin sẽ nâng cao giá trị sự sống. Đức tin mặc lấy hạnh phúc cho con người, dẫu phải chật vật với cuộc sống trần đời mỗi ngày. Đức tin là chốn tựa mình của mọi người.

Họ cần để cho lòng thanh thoát khỏi những vướng bận của trần gian, của những tiện nghi vật chất. Chỉ có vươn lên khỏi mọi thứ tầm thường ấy, con người mới thực sự sống trong đức tin, mới thực sự tiến về hướng của ánh sáng phục sinh nơi Đấng Phục Sinh đợi chờ.

Người tín hữu cần học biết điều này: Đức tin là đức tin cá nhân của bản thân gắn bó với Thiên Chúa. Càng chìm sâu bao nhiêu trong sự gắn bó với Chúa, sẽ càng đầy tràn lòng yêu mến, và chắc chắn đức tin càng sáng chói bấy nhiêu.

 

Đức tin đòi hỏi ý thức và sự dấn thân thực sự của cá nhân trong tương quan với Chúa Kitô, với Thiên Chúa.

Nhưng đức tin chỉ có thể được nuôi dưỡng trong đời sống cộng đoàn. Bởi Thiên Chúa, nền tảng của đức tin chúng ta là một Thiên Chúa “không phải trong một ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể” (kinh Tiền Tụng lễ Chúa Ba Ngôi). Người không cứu chuộc từng người đơn độc, nhưng trao ban tình thương cho tất cả mọi người.

Cũng vậy, Chúa Kitô không phải là “Đấng ở cùng một người”. Nhưng Người là Đấng “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Chúa Kitô không nhập thể và chết cho bất cứ cá nhân nào, nhưng cho cả thế giới qua lớp lớp thế hệ.

Chính vì thế, hôm nay Chúa Kitô đã phục sinh, chúng ta cũng hãy làm phục sinh đức tin của mình trong tương quan với cộng đoàn Hội Thánh, với mọi người xung quanh.

 

Trong sự phục sinh đức tin của mình, cùng với việc sống và liên kết mật thiết với Chúa Kitô, người tín hữu hãy ra khỏi chính mình để sống đức tin với anh chị em. Không co cụm nhưng mở rộng trái tim với Chúa, với mọi người, đó là cách tốt để giết chết đơn côi và nếm cảm hạnh phúc.

Chính trong cộng đoàn mà ta liên kết, gương tốt của người này sẽ ảnh hưởng trên người kia; yếu đuối, lỗi lầm của người này sẽ là bài học lớn cho kinh nghiệm sống của người kia, để có thể lách mình khỏi những sai sót mà anh em vấp phải.

Ngoài ra, đức tin còn phải được gìn giữ, phát triển nhờ sự đào tạo liên tục trong suốt đời người bằng mọi nỗ lực cá nhân như: Tìm về một lối sống đơn sơ, giản dị chứ không tìm một lối sống dễ dãi; không nhắm tiện nghi và hưởng thụ, nhất là không nhắm vào nó đến nỗi quay quắt với vật chất như chỉ có nó là sự bảo đảm cho đời mình.

 

Hãy biết hy sinh, hãy chấp nhận giới hạn trong tất cả những đòi hỏi vật chất.

Hãy là người khôn ngoan nói không với những nhu cầu giả tạo.

Hãy bền chí theo đuổi cái đẹp của tinh thần, của tình yêu, của sự thầm lặng, của ơn gọi sống nghèo khó, chứ không khoác lên mình những hào quang chỉ được xây dựng từ trần thế cho riêng cá nhân mình.

 

LM JB NGUYỄN MINH HÙNG